THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ 

DẪN NHẬP 

 

ĐỨC TIN, HI VỌNG, TÌNH YÊU:

 
BÍ ẨN 

Thế giới của người ki-tô giáo là một thế giới, trong đó cái vô hình và hữu hình đều đương nhiên như nhau. Thiên thần và thiên thần bản mệnh vây quanh ki-tô hữu. Họ có thể được Thánh Thần giúp sức. Khi muốn, họ có thể chạy đến nương tựa hay cầu cứu Mẹ Maria. Nhà trí thức công giáo lớn Romano Guardini nói, người ta có thể làm cho những gì thiêng liêng và bí ẩn trở nên khả giác, bằng cách tập luyện hay nắm lấy những vật thánh và cố gắng tập trung tất cả suy nghĩ và tinh thần vào đó. Và rồi người ta cũng có thể cảm được ngay là mình đang ở vị trí nào và được thánh hoá ra sao. Người ngoài công giáo coi chuyện đó quả lạ lẫm, nếu không nói là quá ngây thơ.

Không được hiểu một cách hời hợt rồi bảo đó là mê tín. Như kiểu mình đang sống trong một vũ trụ đầy những quyền lực phù trợ, và những lực này nhận gánh thay cho mình một nửa cuộc sống. Đúng, là qua đức tin, chúng ta nhìn nhận có một thực tại trong đó không chỉ có cái hữu hình mà thôi. Những vị Thánh lớn vẫn thật sự luôn sống động. Có sự hiện diện của đại gia đình các thánh. Nhìn nhận sự kiện này có nghĩa là tôi được bao bọc và được thương yêu.

Để học tập một cách đúng đắn những điều Guardini chỉ, đương nhiên tôi phải làm quen với thực tế đó từ nội tâm và thấu hiểu chấp nhận nó  – và rồi tôi cũng có thể nhận ra bảng chỉ đường. Bảng này chẳng phải đơn giản là một phương tiện thoải mái để tôi trút đi một nửa cuộc sống mình, nhưng là một hướng dẫn.

Vừa rồi, tin tức ở Í nói đến một bà kể chuyện về số phận mình. Bà sắp sửa sinh con, lại phải mổ tim thật nguy hiểm. Bà vui vẻ nói với nhà báo, là bà đã cầu với linh mục Pio* thế này : « Này cha Pio, hãy giúp con và con con », thế là bà yên chí sẽ chẳng có gì nguy hiểm xẩy ra cho hai mẹ con nữa. Chuyện có lẽ thật trẻ con và ngây thơ, nhưng nó phản ảnh một thứ niềm tin uyên nguyên được trao tặng cho những ai biết rằng mình đang có những anh chị em ở thế giới bên kia. Họ ở gần tôi, có thể giúp tôi, và tôi có quyền tin tưởng kêu cầu họ. 

Nhưng càng ngày xem ra càng có ít người biết về những bí ẩn của đức tin. Tại sao thế ?

Có lẽ vì đức tin của ta trở nên quá máy móc. Cũng có lẽ vì con người quá hướng ngoại, ít chịu nhập tâm, như Guardini nói.

Mỗi thế hệ phải tự khám phá ra đức tin và phải sống đức tin đó một cách mới mẻ. Ngược lại, ta cũng đã thấy cảnh thế hệ mất đức tin ngày nay đang chạy đi tìm lực nâng đỡ trong những chuyện huyền bí, trong những viên đá hay một thứ gì đó chả hiểu. Điều này có nghĩa là người ta đi tìm những hình thức kêu cầu quyền lực vô hình mới, bởi vì họ cảm thấy mình có thể có hoặc cần có những kẻ giúp đỡ khác. Vì thế, những người công giáo chúng ta, và nhất là những ai mang trách nhiệm trong Giáo hội, phải tự hỏi và suy nghĩ, tại sao mình đã không thể rao truyền một đức tin có thể đáp ứng được những vấn nạn ngày nay, để cho con người cảm nhận ra trong đức tin đó cũng hàm chứa những gì họ thực sự đang nỗ lực tìm kiếm. 

TẤT CẢ ĐỀU ĐÃ ĐƯỢC VIẾT RA? 

Người Ả-rập cố gắng diễn tả cái huyền bí lớn của thế giới bằng từ « Maktub ». Dịch ra đại khái là : « Điều đã được viết ra ». Có lẽ mọi chuyện: toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử cuộc sinh tử của tôi..  quả đã được viết ra rồi. Có lần tôi nghe trong một thánh lễ câu : phúc cho ai đã được ghi tên nơi Chúa, một câu trong Sách sự sống. Phải chăng Chúa đã vẽ ra đường đi cho mỗi người rồi, mình chỉ còn việc phải tìm ra con đường đã vạch đó ?

Tôi không phải là nhà chuyên môn về đạo Islam, nhưng tôi nghĩ, đây là điểm mâu thuẫn thật sự hay ít ra khác nhau giữa Islam và đức tin ki-tô giáo. Đạo Islam tin rằng mọi chuyện đã được định sẵn, con người chỉ có việc sống trong màng lưới đã giăng đó. Đức tin ki-tô giáo, trái lại, có yếu tố tự do. Có nghĩa là, một đàng, Thiên Chúa bao trùm mọi sự, Ngài biết mọi sự, Ngài dẫn dắt lịch sử. Nhưng đàng khác, Ngài cũng để chỗ cho tự do hiện diện, qua đó ta có thể làm khác đi điều Ngài muốn. 

Ngài có thể cắt nghĩa rõ hơn ?

Điều này rất bí ẩn và khó giải thích. Ngay cả trong Ki-tô giáo thỉnh thoảng người ta lại tạo ra thuyết gọi là tiền định. Thuyết này cho biết, có những người đã bị đóng ấn hoả ngục, và cũng có những người đã có tên sẵn trên trời rồi. Đức tin của Giáo hội phủ nhận điều đó. Bởi vì như vậy thì cá nhân tôi chả có thể làm được gì hơn nữa, vì số phần tôi đã được an bài rồi. Điều này rõ ràng không phù hợp với đức tin công giáo.

Thiên Chúa đã tạo ra tự do thật, và Ngài cũng để cho chương trình của Ngài bị đảo lộn (từ đảo lộn đó rồi ra Ngài lại tạo nên một cái gì mới). Lịch sử đã chứng minh điều đó. Khởi đầu là tội của Adam, nó làm đổ nhào kế hoạch của Chúa. Và Chúa đã phản ứng bằng cách tỏ cho thấy Ngài mạnh hơn, bằng cách Ngài hiện thân trong đức Ki-tô.

Dân tộc Is-ra-en, có thể nói, là một mô hình thí dụ lớn. Bên cạnh đó còn có những thí dụ khác nhỏ hơn. Dân tộc này được cai quản bằng thần quyền, không phải qua hàng vua quan, nhưng qua những vị thẩm phán áp dụng luật Chúa. Nhưng dân Is-ra-en muốn có vua như các dân tộc khác. Và họ đã phá kế hoạch, và Chúa đã phải chấp nhận điều họ muốn. Ngài đã ban cho họ Saul, rồi David, rồi từ đó dọn đường cho Ki-tô, vị vua đã làm đảo lộn mọi triều vua với cái chết của Ngài trên thập giá.

Ở đây, chúng ta đã dùng một mô hình để hiểu Kinh Thánh và để hiểu rằng, một mặt, Thiên Chúa hoàn toàn chấp nhận tự do; mặt khác, Ngài lớn hơn và có khả năng hình thành nên từ thất bại và đổ vỡ một khởi đầu mới còn đẹp hơn, lớn hơn cái ban đầu. Cuối cùng rồi sẽ ra sao (hẳn Chúa biết mọi sự, nhưng Ngài cũng dành chỗ cho những đề nghị mới),  điều này đã làm điên đầu bao nhiêu triết gia và thần học gia lừng danh nhất. Ta không thể biết được, vì chính ta đâu phải là Chúa, vả lại vì chân trời suy tư của ta vô cùng bó hẹp.

Nhưng tôi nghĩ, ta có thể hiểu được điều trực tiếp : Thiên Chúa nắm giữ lịch sử trong tay, Ngài giữ tôi trên tay, nhưng Ngài cũng để tôi tự do, để tôi tự mình trở nên một kẻ yêu hay chối từ tình yêu. Như thế, Chúa đã không đặt nơi tôi một mã số bất biến, nhưng Ngài chấp nhận nó với những khả thể đổi thay, và ta gọi cái đó là tự do.

CÓ PHÉP LẠ THẬT ? 

Đức tin cho biết có thể có phép lạ. Và khi còn sống, các Tông đồ đã được trả giá khá bộn tiền, nếu các ngài chịu nói ra bí mật quyền năng lạ lùng của mình.

Có nhiều chứng tá về những chuyện không thể giải thích. Chúng là cớ cười nhạo cho người này, nhung lại tạo nên niềm kính trọng nơi kẻ khác. Chẳng hạn, trong nhà thờ lớn ở Padua có để trong hòm kiếng chiếc lưỡi của thánh An-tôn, nghe nói xưa kia ngài là một nhà hùng biện trứ danh. Ở Nevers gần Lộ-đức có xác của Bernadette, và ở Lisieux có xác thánh Thérèse, cả hai đều nguyên vẹn. Các xác đó không được ướp bằng hoá chất như mấy ông cộng sản ướp xác thánh Lenin của họ. Sao có thể có những chuyện đó được ? Nếu ta hỏi Chúa, Ngài sẽ trả lời sao với các phép lạ đó?

Tôi không dám cả gan bảo Chúa sẽ trả lời như thế nào. Nhưng câu hỏi về phép lạ vẫn được đặt ra, và nó thực ra cũng thuộc niềm tin ki-tô giáo, xác nhận Chúa có quyền năng trên thế giới và Ngài quả có thể làm bất cứ chuyện gì.

Phải chăng những sự kiện trên đã vượt ra ngoài các định luật tự nhiên ? Hay trong chính những định luật thiên nhiên đã sẵn chứa những biến số mà Chúa đã có thể lợi dụng ? Đấy chẳng phải là những câu hỏi căn bản. Ngày nay, ta thấy ngày càng rõ hơn, là mình biết các luật tự nhiên như chỉ là những quy tắc áp dụng. Còn ngay trong tự nhiên thật sự là gì, và đâu là tầm ảnh hưởng của luật tự nhiên, thì chúng ta chưa xác định được. Điều quan trọng cần biết, là Chúa – sau khi đã dựng nên tạo vật – đã không ẩn mặt. Ẩn mặt trong nghĩa : Vâng, bây giờ thì bộ máy cứ việc chạy như Ta đã lên kế hoạch cho nó ngay từ đầu rồi. Không, Chúa có thể làm gì tiếp. Ngài trước sau vẫn là Tạo hoá, và vì thế luôn có khả năng can thiệp.

Mỗi can thiệp đều là phép lạ ?

Không được hiểu chữ phép lạ một cách mê tín, làm như thể người ta có thể gọi được phép lạ đến. Không được biến nó thành những toa thuốc rẻ tiền. Nhưng cũng không được tỏ ra ta đây biết điều và muốn ra lệnh cho Chúa có thể làm gì.

Về điểm này tôi có đọc một chuyện rất hay, trong cuốn sách viết về nhà thần học tin lành rất mộ đạo là giáo sư Adolf Schlatter. Schlatter được gọi tới đại học Berlin, là nơi nhà thần học tin lành nổi tiếng mang khuynh hướng tự do là Adolf von Harnack đang dạy. Giáo hội tin lành muốn làm vậy để trung hoà bớt chủ nghĩa tự do của Harnack.

Harnack rất lịch thiệp. Dù việc phái Schlatter tới là một nhát búa đối với ông, nhưng ông vẫn ân cần tiếp đón Schlatter và nói, chuyện gì tới sẽ tới, chúng tôi rồi sẽ hiểu nhau. Và cả hai đã cộng tác tích cực với nhau. Thế rồi trong một cuộc họp hay buổi nói chuyện gì đó, có người hỏi về những mâu thuẫn giữa hai người, Harnack trả lời : Giữa hai chúng tôi, ông Schlatter và tôi, chúng tôi cách nhau thật ra chỉ với câu hỏi về phép lạ. Nghe thế, Schlatter lập tức la lên : Không phải, câu hỏi về Chúa ! Là vì trong câu hỏi về phép lạ đã tiềm ẩn câu hỏi về Chúa. Ai không nhìn nhận phép lạ (Harnack hoài nghi phép lạ. Người dịch), kẻ đó có một hình ảnh khác về Chúa.

Tôi nghĩ, câu chuyện đã trả lời đúng cho vấn đề của ta. Vấn đề không phải là ta có thể công nhận sự kiện lạ lùng này kia là phép lạ hay không. Mà vấn đề là Chúa vẫn là Chúa. Và Ngài, qua cách Ngài muốn và cách đó tốt cho thế giới, khi cần vẫn có thể tỏ cho thế giới biết Ngài vẫn là tạo hoá và chúa tể.  

Giáo chủ Gio-an Phao-lô II có lần nói : « Khi làm việc với Chúa, người ta có thể nhận được ánh sáng tỏ cho mình thấy con đường của Ngài, và như thế giúp mình khám phá ra phần nào chương trình của Ngài ». Có nghĩa là, với đức tin, ta có thể nhìn thấu tương lai ?

Trên thực tế, ta có thể nhận ra phần nào chương trình của Chúa. Nhận thức đó vượt lên trên số phận cá nhân con người tôi và đường đi của tôi. Nhìn lại tổng quan lịch sử, ta cũng thấy là lịch sử đã không trôi dạt một cách tình cờ, nhưng đã đi theo một con đường và được lái về một mục tiêu. Trong cái diễn tiến lịch sử xem ra ngẫu nhiên ta có thể nhận ra một lí trí nội tại, lí trí của Chúa.

Với nhận thức đó, dù ta vẫn không thể đoán trước được cái gì sẽ tới, nhưng ta có một thức tỉnh nào đó về sự nguy hiểm có thể có trong những cái này – và ngược lại, có những hi vọng tiềm ẩn trong những cái kia. Ta sẽ có một cảm quan về tương lai, khi nhận ra cái gì sẽ phá vỡ tương lai (bởi cái đó đi ngược lại cái hợp lí nội tại của đường đi), và cái gì sẽ dẫn ta đi tiếp (bởi nó mở ra những cánh cửa tích cực và hợp với kế hoạch nội tại của toàn thể). Nhờ thế, ta có khả năng chẩn đoán tương lai.

Nơi các tiên tri cũng thế. Họ không phải là những nhà tướng số, nhưng là những tiếng kêu. Họ nhờ Chúa nhận ra được thời đại, và nhờ vậy, họ có thể một mặt báo động về những gì nguy cơ – và mặt khác chỉ ra cho con người bước đường đúng phải đi. 

Nếu đức Giê-su Ki-tô là con Thiên Chúa và là Chúa thật, toàn năng toàn trí, thì ta có lẽ cũng nói được rằng : Vâng, cách đây 2000 năm, khi đang bị treo thân trên thập giá, Ngài đã biết đến cá nhân tôi rất rõ. Với khả năng quan phòng hẳn Ngài đã biết cả đến tên tôi.

Trong thư gởi giáo đoàn Ga-la-tê thánh Phao-lô viết : « Ngài đã nhận ra tôi và đã hi sinh mạng sống cho tôi ». Xét một cách thuần thực nghiệm, thì Chúa dĩ nhiên đã không biết Phao-lô. Nhưng, nhờ được đấng Phục sinh gọi, Phao-lô biết được ánh mắt của Chúa đã soi thấu đến ngài.

Chúng ta không nên cố tìm hiểu, xem làm sao đức Ki-tô là người mà lại có thể nhìn thấu được sự vô tận của con người trong lịch sử, nhưng hãy biết rằng, chính trong cơn lo âu trên núi cây dầu, chính trong tiếng vâng chấp nhận thánh giá, Ngài đã nhìn chúng ta, và Ngài cũng đã nhận ra tôi, có thể nói như vậy. Hành vi đó bao hàm quyết định tình yêu, một quyết định đã có trong đời đời, đã được thể hiện nơi cuộc sống tại thế của đức Ki-tô, và đã xác định đời Ngài. Như thế tôi biết, tôi không phải là một kẻ hậu sinh không tên tuổi nào đó, một kẻ đứng bên ngoài quả tinh cầu, song đã có một quan hệ cá nhân với tôi, quan hệ đó cắm neo sâu thẳm nơi hành vi hi sinh mạng sống của đức Ki-tô.