BÀI THUYẾT TRÌNH 3B: DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

(giaolyductin.org 10/08/11, 10:57 am)

 

Thuyết trình viên : Thầy Antôn Phạm Đình Tú (Nha Trang)

Nằm trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, Dạy Giáo lý là việc giáo dục đức tin cho người tín hữu để dẫn đưa họ đến cuộc sống Kitô hữu sung mãn (x. CT 18; CEC 5). Đức tin ở đây vừa là một hành vi cá nhân (tôi tin) vừa là một hành vi mang chiều kích cộng đoàn (chúng tôi tin): “…Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những kẻ khác. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và đối với tha nhân, thúc giục chúng ta nói về đức tin của chúng ta cho những người khác. Mỗi người tin là như một mắt xích trong một xâu chuỗi rộng lớn các kẻ tin. Tôi không thể tin nếu không được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác, và bằng đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của những người khác” (CEC 166).

Như vậy, ngoài việc giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, thì việc Dạy Giáo lý còn có bổn phận mang lại cho người Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, cũng như thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh (x. DGC 86). Nhiệm vụ này lại càng khẩn thiết đối với Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nếu muốn xây dựng một Hội Thánh Việt Nam hiệp thông và sứ vụ như đã được đề ra trong năm thánh 2010 của Hội Thánh Việt Nam và Đại hội Dân Chúa vừa qua.

Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là Thiên Chúa duy nhất nhưng luôn hiệp thông trong Ba Ngôi, để quy tụ toàn thể nhân loại về hiệp thông với Ngài và với nhau, thành một gia đình duy nhất.

Ngay từ đầu, đời sống cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi đã được sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh trong hai chữ “hiệp thông”, hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. …Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”. (Cv 2,42.44-47).

Tài liệu học hỏi Năm Thánh 2010 nhấn mạnh: “Hội Thánh Việt Nam trước hết phải là một cộng đoàn hiệp thông đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm; kế đến, phải là cộng đoàn tham gia và đồng trách nhiệm, một cộng đoàn hiệp nhất với các chủ chăn cũng như với Hội Thánh duy nhất. Cuối cùng, phải là cộng đoàn làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Hội Thánh ngay giữa lòng thế giới. (x. Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh, Phần II, Đề tài 5: Giáo Hội muốn trở nên cộng đoàn hiệp thông).

Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 nói thêm: “Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21)” (Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).

Để đạt mục tiêu trên, về mặt Dạy Giáo lý cần có phương hướng nào?

- Trước hết, cần giúp người tín hữu thay đổi cái nhìn về Hội Thánh. Giáo dân Việt Nam lâu nay vẫn quen với hình ảnh Hội Thánh phẩm trật: Hội Thánh là của hàng giáo sĩ, tu sĩ. Giờ đây cần giúp người tín hữu giáo dân hiểu rõ hơn ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh để cùng nhau tích cực xây dựng Hội Thánh hiệp thông, tham dự và đồng trách nhiệm. Điều này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong tông huấn Christifideles laici (Người Kitô hữu giáo dân). Việc thay đổi này phải thực hiện vừa trên bình diện nhận thức, vừa trên bình diện thực hành: “Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ.Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội” (TC, 2011số 27). “Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến. Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.” (TC, 2011, số 23).

- Giúp người tín hữu, nhất là giới trẻ thêm ý thức Hội Thánh, biết đồng cảm với Hội Thánh, vui niềm vui của Hội Thánh và đau nỗi đau của Hội Thánh. Ý thức thuộc về Hội Thánh, cụ thể ở việc tích cực tham gia và góp phần vào những sinh hoạt Giáo phận và Giáo xứ nơi mình đang cư ngụ. Điều này cần nhấn mạnh vì hiện nay tại Việt Nam vấn đề di dân đang nổi cộm: người trẻ từ các làng quê kéo về các thành phố để làm việc cũng như học hành. Trong Tông huấn Christifideles laici, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Việc hiệp thông của Hội Thánh mặc dầu có tầm vóc bao quát hoàn vũ, nhưng nó được diễn tả một cách rõ ràng và gần gũi nhất ở trong Giáo xứ. Giáo xứ là đơn vị địa phương của Hội Thánh. Nói một cách khác chính là Hội Thánh sống giữa con cái nam nữ của mình…. Giáo xứ không phải là một cơ cấu, một địa hạt, hay một ngôi nhà, nó là “một gia đình của Chúa, một cộng đoàn huynh đệ chỉ có một linh hồn” là “mái gia đình, đầy tình huynh đệ và mở rộng đón tiếp mọi người” là “cộng đồng các tín hữu.” … Giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của Dân Chúa, chính giáo xứ phải khai trương đời sống phụng vụ và tập hợp Dân Chúa trong việc cử hành phụng vụ; giáo xứ có bổn phận phải bảo tồn và nung nấu đức tin của đoàn lũ dân chúng hôm nay; giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Đức Kitô; nơi tích cực thực thi các công tác bác ái huynh đệ” (ChL, 26).

- Giúp người tín hữu biết quan tâm đến ích chung cũng như biết làm việc chung với nhau. Giáo dân cần tập cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong những công việc chung, chẳng hạn như dạy giáo lý, bác ái xã hội, truyền thông, quản trị giáo xứ v.v… Bên cạnh đó, các linh mục cũng cần trân trọng sự cộng tác của người giáo dân và giúp họ sống ơn gọi của họ sâu xa hơn. “Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa. Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi” (TC, 2011, số 29).

- Giáo dục đời sống cộng đoàn. Sách Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý số 86 nói rõ: Đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn không phải là ngẫu hứng nhưng phải được giáo dục cẩn thận. Trong việc rèn luyện này, giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn đã được tường thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, đòi hỏi một số thái độ mà việc dạy giáo lý buộc phải ghi khắc:

-        tinh thần đơn sơ và khiêm nhường: (“nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em …” – Mt 18,3);

-           quan tâm đến những người bé mọn nhất (“ai làm cớ cho một trong kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã…”- Mt 18,6);

- lưu tâm cách riêng đến những người lầm lạc (“đi tìm con chiên lạc”- Mt 18,12);

- sửa lỗi anh em (“anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” - Mt 18,15);

- cầu nguyện chung (“nếu hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì”- Mt 18,19);

- tha thứ cho nhau (“đến bảy mươi lần bảy...”- Mt 18,22);

- đức bác ái huynh đệ gồm tóm tất cả những thái độ này (“anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”- Ga 13,34).

Ngoài ra, trong các sinh hoạt giáo lý, cũng cần cổ võ sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là của các phụ huynh học sinh giáo lý và các cha mẹ đỡ đầu. Sự hiện diện các thành phần này trong sinh hoạt giáo lý chính là một bài học sống động về sự hiệp thông và về đời sống cộng đoàn.

- Quan tâm đến chiều kích đại kết. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là điều nghịch lại ý muốn hiệp nhất của Đức Kitô (x. Ga 17,20), là gương xấu cho thế giới và làm hại đến việc loan báo Tin Mừng. Sự chia rẽ, ngay từ ban đầu đôi khi là lỗi của những người ở cả hai bên, những người ngày nay sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy không thể bị kết tội chia rẽ (UR, 1 và 3). Tại Việt Nam hiện nay, các hệ phái Kitô giáo chưa hiện diện nhiều như bên châu Âu hoặc châu Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, các giáo phái đang có chiều hướng gia tăng vào Việt Nam. Trong việc dạy giáo lý, cần giúp người tín hữu đào sâu hơn về đức tin của mình cũng như giúp họ hiểu biết đúng đắn về các giáo hội Kitô anh em. Tránh gây tranh cãi và đụng chạm mà cần sống chung hoà hợp và kính trọng nhau, cùng nhau dấn thân để trở thành những người “xây dựng hoà bình”.. Đặc biệt cần giúp người tín hữu siêng năng đọc, học hỏi Kinh Thánh một cách đúng đắn, cầu nguyện với Kinh Thánh cũng như nỗ lực làm cho đời sống mình thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. “Việc dạy giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết trong mức độ nó biết khơi dậy và nuôi dưỡng “ước muốn hiệp nhất đích thực”, không phải nhằm một thái độ hòa giải dễ dãi, nhưng nhằm hiệp nhất hoàn toàn, khi Chúa muốn và bằng con đường Chúa muốn” (DGC 86).

Hiệp thông với Hội Thánh không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh mà còn phải tham gia tích cực sứ mệnh của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Loan báo Tin Mừng không chỉ là sứ vụ chung của Hội Thánh mà còn là sứ vụ của mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, nếu nhìn lại Hội Thánh Việt Nam thời gian vừa qua, chúng ta thấy người giáo dân chưa ý thức nhiều về bổn phận này. So sánh với anh chị em Tin Lành thì có lẽ anh chị em Công giáo còn thua kém về lòng nhiệt thành và sự quảng đại dấn thân cho việc truyền giáo. Đa số giáo dân nghĩ rằng người Kitô hữu tốt là người siêng năng đi lễ, đọc kinh, sống tốt với mọi người, tham gia một số công tác xã hội cứu trợ người nghèo, người bệnh, tích cực đóng góp vật chất cho việc xây dựng nhà thờ ở các nơi, còn việc truyền giáo là lãnh vực của các linh mục tu sĩ. Nhiều anh chị em giáo dân quên rằng tỉ lệ người Công giáo Việt Nam mới chỉ khoảng 7% dân số, nghĩa là chung quanh mình còn khoảng 93% anh chị em khác là Phật giáo, là Cao Đài, Hoà Hảo, hoặc không tôn giáo… Ngay cả các Giáo lý viên cũng không mấy thao thức đến sứ vụ truyền giáo.

Chính vì thế, Đại hội Dân Chúa vừa qua đã nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo. Trong việc truyền giáo, cần quan tâm đến việc đối thoại với các tôn giáo và cả với những anh chị em không tôn giáo:

- Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29). (TC 2011, số 39)

- Cuộc đối thoại với các tôn giáo sẽ giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật giáo, cảm thức tâm linh của Đạo giáo, triết lý xã hội của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành Đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc... Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại (x. Vatican II, GS 45, 93). Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo Hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ. (TC 2011, số 40)

- Trong cuộc đối thoại với anh chị em không tôn giáo, Giáo Hội nhìn nhận những nỗ lực và thiện chí của họ trong việc phục vụ công ích. Các tín hữu cũng nên ý thức phần trách nhiệm của mình trước hiện tượng dửng dưng, tục hóa, duy vật…, vì nhiều khi chúng ta “đã che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (Vatican II, GS 19). Đồng thời, với sự hiền hòa và lòng kính trọng, người Công giáo “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15), thẳng thắn trình bày quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Ngoài ra, qua cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn, Giáo Hội cũng có thể nhận ra hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người, và học được cách thế trình bày niềm tin của mình cho con người ngày nay. (TC 2011, số 42)

Từ những yêu cầu trên, cần nhìn lại và canh tân đường hướng dạy giáo lý tại Việt Nam:

- Nhấn mạnh mục tiêu việc Dạy Giáo lý là đào tạo người Kitô hữu, chứ không dừng lại ở việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích (Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức, Hôn phối). Bởi thế, cần có một chương trình Giáo lý xuyên suốt theo tuổi từ thiếu nhi cho đến người lớn. Lâu nay, đa số các giáo xứ chỉ dừng lại ở các lớp giáo lý cho thiếu nhi chứ chưa quan tâm đến các lớp giáo lý cho người lớn (ngoại trừ các lớp dự tòng và dự bị hôn nhân). Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi, sau khi Thêm sức, các em nghỉ học giáo lý. Lý do là phải đi học thêm. Thực ra nguyên nhân chính không phải do các em mà là do chính phụ huynh của các em. Riêng các lớp dự tòng, nhiều trường hợp trở lại là để lấy vợ lấy chồng có đạo. Bởi vậy, có nhiều người học giáo lý theo kiểu đối phó. Cưới xong, họ không còn quan tâm gì đến đạo. Đây là một thực tế mà những người có trách nhiệm cần phải suy nghĩ để tìm ra phương hướng giải quyết.

- Nội dung giáo lý cần nhắm đào tạo về nhiều mặt: đức tin, nhân bản, cầu nguyện, đời sống tâm linh, Kinh Thánh, lòng nhiệt thành truyền giáo, lòng yêu mến Hội Thánh v.v... Cần đưa vào chương trình giáo lý một nền tu đức (linh đạo) phù hợp với người giáo dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi người tín hữu Việt Nam đang phải đối mặt với các trào lưu tục hoá: chủ nghĩa hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc, vật chất, tôn thờ sự thành công, chủ nghĩa vô thần thực tiễn, dửng dưng tôn giáo, chủ nghĩa tương đối v.v... Dường như lâu nay các Giáo lý viên mới nhắm tới việc truyền thụ kiến thức giáo lý là chính còn những mặt khác chưa quan tâm đủ, kể cả các lớp giáo lý dự tòng. Có lẽ chúng ta mới đào tạo một tầng lớp Kitô hữu “giữ đạo” chứ chưa “sống đạo”. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương có một nhận xét như sau: “Hình như người Công giáo VN chỉ mới có lòng sùng đạo, có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đạt nặng về phụng tự và luân lý, giữ luật chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc. (“Quia respexit humilitatem meam”, Thế Tâm, 1997, tr.176).

- Ngoài phần học hỏi lịch sử Hội Thánh Công giáo toàn cầu và tại Việt Nam, cần có thêm phần giúp hiểu biết niềm tin những anh chị em chung quanh mình như Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo, đạo Hiếu v.v… để có thể nhận ra những yếu tố mạc khải tiềm ẩn trong các niềm tin này, nhờ đó có thể đi vào việc đối thoại tôn giáo trong sự hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. “Khi giáo dục theo chiều hướng truyền giáo này, việc dạy giáo lý sẽ hình thành cuộc đối thoại liên tôn, có thể mang lại cho người tín hữu khả năng hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác (x. EN 53 và RM 55-57). Việc dạy giáo lý phải cho thấy rằng mối liên hệ của Hội Thánh với những tôn giáo ngoài Kitô giáo, trước hết là mối liên hệ về nguồn gốc và định mệnh chung của loài người, cũng như mối liên hệ của rất nhiều “hạt giống Lời Chúa” đã được Ngài đặt để vào các tôn giáo này. Việc dạy giáo lý cũng sẽ giúp để biết dung hòa và đồng thời biết phân biệt: “sự loan báo Đức Kitô” và “sự đối thoại liên tôn”. Hai yếu tố này, mặc dầu liên kết mật thiết, nhưng không được lẫn lộn cũng như không được coi là tương đương. Thực vậy, “việc đối thoại không miễn trừ cho việc rao giảng Tin Mừng” (DGC 86b).

- Cũng cần giúp người giáo dân xem lại những việc đạo đức bình dân để có thể diễn tả đức tin Kitô giáo cách chân thực, sống động và phù hợp với văn hoá Việt Nam. (x. DGC 195).

KẾT LUẬN

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ thô thiển xin được đóng góp với đại hội để giúp suy nghĩ thêm về phương hướng Dạy Giáo lý cho Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là soạn thảo một bộ giáo lý đáp ứng những yêu cầu canh tân Hội Thánh Việt Nam như Đại hội Dân Chúa vừa qua mong ước, mà còn phải quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo Giáo lý viên. Nếu muốn có những người tín hữu trưởng thành,biết nỗ lực thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh thì những người đào tạo tức là các Giáo lý viên và các linh mục phải là những người tiên phong đi trước. Không thể có những người giáo dân tích cực trong việc truyền giáo nếu không có những Giáo lý viên và các vị mục tử biết thao thức và hy sinh dấn thân cho công việc rao giảng Tin Mừng.

­­­­­____________________________________

Chữ viết tắt:

- CEC: Catechismus Catholicae Ecclesiae (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo), 1992. Bản dịch của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2010.

- ChL: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici (Tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân), 1988

- CT: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae (Tông huấn Dạy Giáo lý), 1979

- DGC: Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium Catechisticum Generale (Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý), 1997

- EN: ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi (Thông điệp Loan báo Tin Mừng), 1975

- GCM: Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Hướng dẫn các giáo lý viên, 1993

- RM: ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ)

- TC 2011: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010

- UR: Cđ Vaticanô II, sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về Hiệp Nhất), 1965