DẠY GIÁO LÝ LÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN

(giaolyductin.net - 31/03/14, 11:45 am)

Trong phần thứ nhất, chúng ta đã đề cập đến việc dạy giáo lý như là Tác vụ Lời Chúa, hay nói cách khác dạy giáo lý là phục vụ Lời Thiên Chúa. Việc phục vụ Lời được Giáo Hội thực hiện trong suốt dòng lịch sử mà đỉnh cao là mặc khải của Đức Kitô. Trong bài này chúng ta xét đến đối tượng chính của mặc khải đó là đức tin, lời đáp trả của con người với vấn nạn của Lời. Đứng trước sự kiện Lời Thiên Chúa, con người phải đáp trả bằng thái độ của đức tin: trong đó giáo lý được xem như vai trò trung gian mà Giáo Hội dùng để đặt con người vào trong sự hòa điệu với Lời Thiên Chúa đồng thời trợ giúp con người tăng trưởng đức tin.

1.   Đức tin là gì?

Thuật ngữ “đức tin” theo nguyên ngữ Do thái, đó là he’ emîn (từ gốc là ‘aman) chỉ việc một người đặt niềm tin của mình vào một người khác mà người đó “cảm thấy chắc chắn”, “tin vào” người có thể “mang lấy” sức nặng hoặc sự yếu đuối của mình[1]. Vì thế, tin vào Thiên Chúa có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa và để Thiên Chúa mang lấy “emeth”, nghĩa là dựa vào lòng trung thành và sự vững chắc của Ngài, tin là thưa “amen” (tiếng amen có nghĩa: đây là điều chắc chắn, bất di bất dịch, xứng đáng để tin) với Thiên Chúa, Đấng trung thành với những lời Ngài hứa và Ngài có quyền năng thực hiện lời hứa ấy. Trong Tân ước, đức tin luôn luôn duy trì đặc tính tin tưởng, gắn bó và phó thác hoàn toàn, tuy nhiên cũng cần coi trọng nội dung đức tin, điều mà tôi tin, nghĩa là biến cốsứ điệp Tin Mừng được thực hiện trong cuộc sống, sự chết và phục sinh của Đức Kitô[2].

“Đức tin” vừa là một hành vi tin tưởng hay tín thác “ fides qua”, vừa là điều được tin hay được tuyên xưng “fides quae”. Cả hai khía cạnh cùng liên kết với nhau cách bất khả chia tách, vì tin tưởng là hành vi gắn bó với một sứ điệp có nội dung khả tri, và việc tuyên xưng đức tin không thể chỉ là động tác của môi miệng, nhưng phải xuất phát từ cõi lòng (THNN, 13).

1. 1.  Đức tin là hành vi đáp lại Lời Thiên Chúa

Lời Thiên Chúa không giản lược đơn thuần vào việc giảng dạy, mà được xem như lời gợi ý giữa hai nhân vị: Thiên Chúa và con người, trước sự kiện ấy, con người không thể thụ động cũng không thể khép kín vào việc lắng nghe cách miễn cưỡng như bị buộc phải nghe, bởi vì trong cuộc sống của những người được đức tin mời gọi, thì lời Thiên Chúa ào đến như một sức mạnh phân rẽ, như một lời “khuấy động” ngăn cản sự ù lì trong sự thờ ơ. Hiểu như thế nên người ta phải nói đến ý nghĩa của hữu thể  kịch tính của việc Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử.

[…] “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Ở đây, thánh Phaolô nói đến hai điểm quan trọng. Một đàng, […] đức tin khởi đi từ việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, luôn luôn “nhờ quyền năng của Thần khí Thiên Chúa” (Rm 15,19). Đàng khác, […] những phương thế cần thiết để Lời Thiên Chúa đạt đến tai con người: chủ yếu nhờ vào những người được sai đi để công bố Lời và khơi dậy niềm tin (x. Rm 10,14-15)… (THNN, 10).

Lời Thiên Chúa, trong mọi khía cạnh, luôn là một lời chất vấn đòi hỏi sự đáp trả: là lời mặc khải, có nghĩa là ánh sáng phải được đón nhận; là lời hứa đòi hỏi sự phó thác và kiên tâm; là lời mời gọi cá nhân, nghĩa là đòi hỏi dấn thân trong những bước thăng trầm của cuộc sống; là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì thế lời trở thành lời xét xử để cứu độ hoặc kết án tùy theo lời được đón nhận hay bị từ chối. Thực ra con người bị xét xử tùy theo thái độ của mỗi người đối với lời: “ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,38).

1. 2.  Đức tin là sự tin tưởng phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa

Trong Kinh Thánh đức tin được diễn tả như sự phó thác của toàn thể con người, sự phó thác này không đơn thuần là việc gắn bó trí hiểu hoặc tuân thủ đạo đức, mà là sự hài hòa với bản tính năng động của cuộc sống và tính cá vị của lời Chúa. Đức tin trong Kinh Thánh liên quan đến toàn bộ con người với tất cả mọi năng lực của nó, mời gọi con người đáp lời Thiên Chúa đã mặc khải và trao ban trong sự chuyển động toàn thể của ý chí, lý trí, tình cảm và hoạt động.

Nhờ đức tin, con người trao phó toàn vẹn bản thân cho Thiên Chúa, trong một hành vi suy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí đối với Thiên Chúa là Đấng mặc khải (THNN 11).

Người tín hữu, theo nghĩa Kinh Thánh, là người “chấp nhận quy phục và phó thác nơi Thiên Chúa bằng đức tin, đặt niềm tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, nhận Ngài là Chân Lý, tìm sự nâng đỡ nơi Ngài chứ không phải nơi chính mình, và như vậy trở thành người vững vàng của chân lý và niềm kiên vững nơi Thiên Chúa”[3]. Sự gắn bó này không hiểu theo nghĩa trí năng nhưng là sự gắn bó với Chân lý:

“Đối với người Do thái, chân lý không phải là một đối tượng mà người ta có thể biết như là một sự vật, tùy vào người diễn tả nó; và khi người ta nói đến Chân lý, niềm tin là người ta dựa vào Đá tảng nhiệm mầu là Thiên Chúa chân thực và hằng sống, là sự cảm nghiệm không ngừng tính kiên vững của nó”[4].

1. 3.  Đức tin là quà tặng và ân sủng

Lời đáp trả đức tin là ơn ban của Thiên Chúa (HDTQ 55) không chỉ vì Thiên Chúa luôn có sáng kiến trong việc Ngài đến gặp gỡ con người, nhưng trên hết, đó là vì hành vi mà con người đón nhận lời Ngài dưới tác động của Thánh Thần và vì thế là quà tặng của ân sủng:

Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước nângđỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng lay chuyển và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (DV 5).

Cho nên sáng kiến tối cao của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ thể hiện cách trọn vẹn, bởi vì sáng kiến ấy chú trọng đến việc con người đáp trả Lời. Đức tin không thể có nếu như đang khi Thiên Chúa ban tặng, mà nơi thâm tâm con người không hề có sự biến đổi nội tâm và không sẵn sàng lắng nghe:

“Trong Cựu ước, Lời có tác động ngược trở lại, Thiên Chúa như là tác giả đầu tiên, Ngài có một “ý định”. Chính Thiên Chúa tiền định và lôi kéo. Chúa hoặc Chúa Thánh Thần đặt để ý định ấy nơi thâm tâm con người, Ngài mở đôi tai (để họ lắng nghe). Tóm lại, lời mặc khải người ta hướng đến đức tin, lời có “một tinh thần mặc khải”. [5]

Như vậy, đức tin kitô giáo như là một lời mời gọi, một ơn gọi.

Tóm lại, đức tin hoàn toàn không phải là sản phẩm có thể làm ra, cũng không phải là điều do con người tạo ra. Tin là đón nhận một điều lớn lao hơn những thứ con người có thể nghĩ ra, làm nền tảng nâng đỡ và mở ra cho khả năng tri thức và hành động của con người. Đối với Kitô hữu, tin là đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những điều Chúa nói và đã làm cho ta, là nền tảng xác lập cuộc đời của mình. Tin vào Chúa là tựa nương vào Ngài như nền tảng cuộc sống, nhờ đó mà con người có được ý nghĩa cuộc sống và đứng vững trong cuộc sống. Đức tin đem lại cho con người ý nghĩa cuộc sống và ý nghĩa đó không những đi trước mọi tính toán và hành động của con người mà còn là điều kiện thiết yếu để con người có thể tính toán và hành động.

Theo Đức Thánh cha Bênêđictô XVI, “con người không sống nguyên bằng cơm bánh và bằng những gì con người làm ra, mà còn sống như một con người, và để làm người cách chân thực nhất, đúng nghĩa nhất mà họ cần đến Lời, cần đến Tình Yêu và Ý Nghĩa. Nếu không có Lời, không có Ý Nghĩa, không có Tình Yêu thì dù cuộc sống có thừa mứa tiện nghi đi nữa, con người vẫn rơi vào tình trạng vô vọng, không thể sống nổi … Theo Kitô giáo, tin là tín thác vào ý nghĩa có sức nâng đỡ chúng ta và cả thế giới này. Tin là đón nhận ý nghĩa đó như nền tảng vững vàng mà tôi an tâm tựa nương … Tin đối với Kitô hữu là biến cuộc đời mình thành tiếng xin vâng, là đáp lại Lời, đáp lại Logos là nền tảng đỡ nâng và gìn giữ mọi sự. Tin là đón nhận và tín thác trọn vẹn bởi hiểu rằng, ý nghĩa là quà tặng chứ không phải là sản phẩm của mình”[6].

2.   Giáo dục và giáo dục đức tin

Theo J. A. Jungmannn, “giáo dục là dẫn đến thực tại toàn vẹn” và S. De Giacinto giáo dục là "tiếp tục sinh ra". Theo nghiên cứu của Liên hiệp Giáo chức Công giáo Ý/UCIIM, giáo dục là “trao tặng một sự trợ giúp, một sự nâng đỡ và hướng dẫn nhắm đến những điều mới mẻ của xã hội, trong suốt tiến trình trợ giúp đó, người thụ giáo không ngừng ý thức để tiến đến tự lập”. Theo J. Dikov thì giáo dục là “những sửa đổi có kế hoạch của con người (đều là quyết định tự do), đặc biệt trong những năm tuổi trẻ, nhờ vào sự can thiệp bên ngoài”.

Tóm lại, có thể nói giáo dục là sự thăng tiến, sự kết cấu những khả năng cơ bản một cách chắc chắn để con người sống một cuộc sống có ý thức, có tự do, có trách nhiệm trong sự hòa hợp với những người khác, với ảnh hưởng của thời gian và tuổi tác, với sự liên kết chặt chẽ giữa người với người trong đời sống xã hội theo trật tự lịch sử, giữa nội tại cá nhân với siêu việt.

2. 1.  Ý nghĩa của thuật ngữ giáo dục

Theo nguyên ngữ, người ta phân biệt hai trường hợp, trường hợp thứ nhất, từ educare (educate)có nghĩa là nuôi nấng, dạy dỗ, trau dồi, những nghĩa này liên quan đến bình diện hữu cơ, thuộc lãnh vực thể lý nhiều hơn (chăm sóc, trông nom, cứu trợ, chăm lo, nuôi dưỡng: theo cách này, giáo dục được hiểu như là sự hoàn thành việc khai sinh, như là sự chăn dắt, được nuôi dưỡng bởi sự chuyển giao và bởi việc học tập, văn hóa) trong khi đó từ educere có nghĩa là kéo ra, đưa ra ngoài, phát triển, nghĩa này liên quan nhiều hơn đến nội tâm/tinh thần, (theo cách này, giáo dục được hiểu như là việc “khơi gợi nhận thức” [pp của Socrate], nghĩa là kéo ra ngoài, khơi dậy, phát triển những tiềm năng, tiềm lực, khả năng, của chủ thể trong sự hỗ tương của môi trường cũng như mạng lưới tương quan giữa người với người trong xã hội).

Trong lịch sử, người ta sử dụng thuật ngữ này đồng nghĩa với sự phát triển, tăng trưởng, học tập, huấn luyện, xã hội hóa, hội nhập văn hóa, chỉ dẫn, giáo huấn, luyện tập, cập nhật; những từ này gợi đến những môi trường có tổ chức như gia đình, học đường, giáo hội, nhóm, hiệp hội, phong trào, đồng thời xã hội cũng cho nó một ý nghĩa phức tạp mang tính trách nhiệm trong hệ thống truyền thông đại chúng. Trong ngôn ngữ hiện đại, nhất là Anh ngữ, từ education rất gần với giáo dục học đường, trong khi người ta dùng thuật ngữ bringing up để chỉ sự tăng trưởng (đặc biệt trong gia đình), training để chỉ sự thích nghi với hành động, và từ erziehung nhấn mạnh đến sự can thiệp vào tiến trình biến đổi con người.

Được đặt trong tiến trình phát triển-huấn luyện, giáo dục được hiểu như là sự giúp đỡ cá nhân và xã hội nhằm cổ võ sự tăng trưởng và thăng tiến phẩm chất nhân bản đời sống chính mình và người khác, đời sống cá nhân và cộng đoàn, tập trung vào nhân cách đang được huấn luyện (so với những hoạt động xã hội về việc thăng tiến nhân bản); nhắm đến chiều kích đơn nhất và tổng thể của con người (về những hoạt động huấn luyện khác); mở rộng việc cổ võ vững chắc khả năng về ý thức, tự do, trách nhiệm và liên đới, cùng với các tiến trình lịch sử của sự phát triển và thăng tiến nhân bản.

2. 2.  Giáo dục toàn diện[7]

Theo cái nhìn của Khoa nhân học toàn diện thống nhất, "Nhân loại, mọi con người, có một nền tảng linh thánh mà họ phải khám phá, để đi xa hơn chính mình và nó dẫn con người đi xa hơn bản ngã của nó, đó chính là Thiên Chúa. "[8] Pascal nói rõ "con người vượt trên chính mình" (L'uomo supera infinitamente l'uomo). Đức tin có cái nhìn về con người rất mới, ngay cả giữa tội lỗi nữa, vì

"Đức tin không phải là một cái gì rời rạc hoặc chỉ liên kết chặt chẽ với cái gì là nhân bản, lịch sử, trần thế (tạm bợ) hoặc thế tục, song đúng hơn là sinh lực bên trong những thứ này; nó cho con người sự soi sáng và ý nghĩa mới và cũng làm cho con người thành siêu việt, trải rộng chân trời của con người vượt qua những biên giới của lịch sử. "[9]

Chỗ khác,

"Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia tách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đang làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô. "[10]

Con người tốt lành, trưởng thành không phải chỉ vì con người có các nhân đức. Đúng hơn, các nhân đức của họ được thống nhất, hòa hợp với nhau quanh một trục chính. Đức tin không để các nhân đức đứng cạnh nhau như trong bản liệt kê các nhân đức trong thần học. Không ít lần, chúng ta trình bày, quan niệm và tập tành các nhân đức tiếp liền theo nhau. Đời sống như thể chất đống các nhân đức. Quả vậy,

"Đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hòa và hòa điệu với nhau toàn vẹn, trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo đặc biệt. Những nhân đức nơi một người đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó. "[11]

Vậy ra, giáo dục đích thực sẽ là giáo dục đức tin, tức là giáo dục tới đức tin và trong đức tin, mà cốt yếu đưa tới sự thống nhất đời sống. Chắc chắn, các nhà giáo dục sẽ cống hiến cho đứa trẻ cơm ăn áo mặc phần xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Nhưng trên hết, chúng ta giúp rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình, giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ dẫn chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo. [12] Sự thống nhất đời sống này được hiểu là sự thay đổi tận bên trong mà các ngôn sứ nói tới: Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài là chủ của tâm hồn mà thôi.

2. 3.  Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục và giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Hẳn nhiên, giáo dục và loan báo Tin Mừng là hai hoạt động khác nhau. Giáo dục thuộc diện văn hóa, rao giảng Tin Mừng thuộc diện đức tin. Thế nhưng, coi chúng độc lập, hay tệ hơn, tách biệt riêng rẽ hai hoạt động này. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng cắt nghĩa giáo dục thuần túy dưới bình diện duy tục. Nó giản lược nhà giáo dục thuần túy là người cho kiến thức mà thôi. Nhưng chưa đủ. Giáo dục liên quan đến tiến trình nhân vị hóa, "qui chiếu đến tiến trình hấp thụ những giá trị nhân bản phức hợp đang tiến hóa, với mục đích biệt loại của chúng và tính hợp pháp nội khởi. "[13] Nó không liên quan nhiều đến

"việc áp đặt những nguyên tắc cho bằng làm cho tự do ngày một trách nhiệm hơn, liên hệ với lương tâm, phẩm chất chân chính của tình yêu và những chiều kích xã hội. . . nó có điều gì đó chung với tình cha tình mẹ như thể chia sẻ tiến trình khai sinh nhân bản đối với những giá trị nền tảng như lương tâm, chân lý, tình yêu, công việc, công bằng, tình liên đới, phẩm giá sự sống, công ích, quyền lợi cá nhân. Vì lẽ này nó quan tâm tránh bất kỳ cái gì hạ giá và lệch lạc: ngẫu tượng, bạo lực, ích kỷ, v. v. Mục đích của nó là mang đến sự tăng trưởng của người trẻ từ bên trong, hầu họ trở thành một người lớn có trách nhiệm và cư xử như một người công dân chính trực. "[14]

Như thế, ta thấy không thể cổ xúy một sự tách biệt giữa hai thực tại trên được. Đúng hơn, giáo dục phải lấy khởi hứng đầu tiên của Tin Mừng và loan báo Tin Mừng, đòi buộc ngay từ đầu được thích ứng vào những hoàn cảnh thay đổi của đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hướng tới đào luyện những người trưởng thành theo mọi nghĩa của hạn từ. Nền giáo dục của chúng ta nhằm rộng mở trước Thiên Chúa và định mệnh đời đời của con người. "[15] Nền giáo dục như thế phải để ý một vài yếu tố sau:

"nhân vị là ưu tiên đối với những quan tâm thể chế hay ý thức hệ; chăm sóc đến khung cảnh mà phải phong phú trong những giá trị nhân bản và kitô hữu; phẩm chất và tính kiên định Tin Mừng của lời đề nghị văn hóa được trình bày trong các hoạt động và chương trình; tìm thiện ích chung, cam kết đối với những kẻ thiếu thốn nhất; vấn nạn về ý nghĩa đời sống, cảm thức siêu việt và rộng mở cho Thiên Chúa... Là nhà giáo dục Kitô hữu là người đảm trách công việc giáo dục coi nó như cộng tác với Thiên Chúa trong sự tăng trưởng của nhân vị". [16]

Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục

Loan báo Tin Mừng không bao giờ bị giản lược vào huấn giáo hay phụng vụ mà thôi, nhưng tìm được chỗ của mình trong tất cả những hoàn cảnh sư phạm/văn hóa của giới trẻ. Chúng ta đang nói về đức ái phúc âm được làm thành cụ thể... trong việc cổ xúy và giải phóng người trẻ bị bỏ rơi và để mặc chúng muốn làm gì thì làm.

"Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục" có nghĩa là biết làm thế nào để cống hiến Tin tuyệt hảo (con người Đức Giêsu) bằng cách thích ứng nó và kính trọng những hoàn cảnh tiến hóa của một người. Người trẻ tìm hạnh phúc, niềm vui sống, quảng đại hy sinh để đạt được điều này, nếu chúng ta chỉ cho chúng một con đường thuyết phục và nếu chúng ta dấn thân như những người bạn đường có uy tín. Chúng ta phải là nhà giáo dục và loan báo Tin Mừng. Là người loan báo Tin Mừng chúng ta biết và tìm ra mục tiêu: đem người trẻ tới với Đức Kitô; như nhà giáo dục, chúng ta phải biết làm thế nào bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể của thanh thiếu niên và thành công trong việc tìm ra phương pháp thích hợp để đồng hành với họ trong tiến trình trở nên trưởng thành. Thật là xấu hổ nếu như người mục tử không nhận ra mục tiêu giáo dục và nhà giáo dục không thể tìm ra phương pháp thích hợp để thúc đẩy người trẻ khởi sự hành trình của chúng và để đồng hành với họ cách khả tín. [17]

3.   Dạy giáo lý là giáo dục đức tin

Giáo lý được xem như là phương tiện mà Giáo Hội dùng để giáo dục đức tin theo nghĩa trợ giúp hoán cải và dẫn đến sự trưởng thành đức tin thông qua việc nội tâm hóa thái độ tin. Nhưng nếu đức tin là một ơn ban và là lời đáp trả tự do của con người với Thiên Chúa thì giáo lý có thể giáo dục đức tin được không?

3. 1.  Có thể giáo dục đức tin không?

Nếu đức tin là hành vi con người đáp trả Lời Thiên Chúa, là sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, là quà tặng và ân sủng của Thiên Chúa, thì giáo lý chỉ được xem như là trung gian của việc giáo dục và như là công cụ, nhằm phục vụ cuộc gặp gỡ khôn tả giữa con người với Thiên Chúa.

Điều này không có ý nói có sự khác biệt giữa hoạt động của Thiên Chúa và hoạt động của con người là việc dạy giáo lý. Và hoạt động giáo dục của giáo lý viên chính là hoạt động của ân sủngđối với sự phát triển đức tin. Thật vậy chúng ta biết rằng ân sủng của Thiên Chúa thấm nhập vào những hoạt động của Giáo Hội, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa ở nơi Giáo Hội trong những gì có thể đụng chạm được.

Trong những giới hạn của mình, bản chất xác thực của giáo dục theo nghĩa toàn vẹn của hoạt động giáo lý, bao gồm sự tăng trưởng đức tin và sự năng động trưởng thành nhân bản. Một nguyên lý tồn tại và có giá trị đối với công cuộc loan báo TM: “Loan báo Tin Mừng nhờ giáo dục và giáo dục nhờ loan báo Tin Mừng” (HDTQ 147) cũng được áp dụng cho giáo lý, như là “hành trình giáo dục có phẩm chất” (HDTQ 147). Vì thế giáo lý phải trở nên sự thúc đẩy, trợ giúp, can thiệp có chủ đích vào sự tăng trưởng cá nhân, nội tâm hóa và tự do, nhằm phục vụ một kế hoạch sống, mở ra với các giá trị và có khả năng phê bình, phân định. Sư phạm đức tin sẽ không bao giờ làm ngơ trước những đòi hỏi của Lời Chúa và sự đáp trả đức tin, vì thế gợi hứng đến “sư phạm của Thiên Chúa” (x. HDTQ 139-147), nhưng điều này không làm hại đến bản chất nhạy bén về sư phạm của giáo lý.

Chính vì thế giáo lý được hình dung như việc khai tâm và giáo dục đức tin trong toàn bộ cuộc sống và sự phong phú của các chiều kích. Nhiệm vụ giáo lý liên quan đến thái độ tin như là lời đáp trả cá nhân và trọn vẹn cho kế hoạch sống kitô hữu, đó là sự gắn bó và “đi theo” Chúa Kitô. Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý nhắc đi nhắc lại bản chất của giáo lý như là “sự huấn luyện toàn diện” (HDTQ 84) nhắm đến toàn bộ con người:

“Việc đào tạo có tổ chức này còn hơn là một sự giảng dạy: đó là một cuộc tập luyện toàn bộ đời sống Kitô giáo, “một sự khai tâm Kitô giáo trọn vẹn”[18] dẫn đến cuộc sống đích thực theo Đức Kitô, tập trung vào Ngôi Vị của Người. Thực vậy, đó là việc giáo dục để nhận biết và sống đức tin sao cho qua những kinh nghiệm sâu sắc của mình, con người toàn diện tự cảm thấy mình phong phú nhờ Lời Chúa” (HDTQ 67).

3. 2.  Những bổn phận của giáo lý trong việc giáo dục đức tin

Nếu nói giáo lý là giáo dục đức tin, thì chúng ta phải hiểu nhiệm vụ giáo dục đức tin của giáo lý nằm trong những phạm vi nào. Khởi đi từ sự hoán cải đến sự trưởng thành đức tin qua việc nội tâm hóa các thái độ thì nhiệm vụ của giáo lý trong việc giáo dục đức tin có thể diễn tả như sau:

3. 2. 1.  Bổn phận của giáo lý là hỗ trợ và khơi dậy hoán cải

“Khi loan báo Tin Mừng mặc khải cho thế giới, việc rao giảng Phúc Âm mời gọi mọi người hoán cải và tin theo (HDTQ 53). “Đức tin là một hồng ân được phát triển trong tâm hồn người tín hữu. Thực vậy, việc gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, mở ra một tiến trình hoán cải thường xuyên đến suốt đời” (HDTQ 56).

Hoán cải là thời điểm cơ bản và hợp nhất sự năng động đức tin, gợi lại việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, không phải là giáo lý. Nhưng điều này không có thể cho rằng việc hoán cải quy định tình trạng văn hóa và mục vụ đã nói tới. Ở đây giáo lý phải cố gắng

“… không những nuôi dưỡng và giáo dục đức tin mà còn luôn luôn khơi dậy đức tin với sự trợ giúp của ơn Chúa, mở rộng tâm hồn, cải hóa, chuẩn bị sự gắn bó hoàn toàn với Đức Giêsu Kitô, nơi những người còn ở ngưỡng cửa đức tin (CT 19).

Hoán cải như là sự gắn bó hoàn toàn với Đức Kitô, có thể xảy ra theo những cách thức và thời điểm khác nhau, nhưng luôn tồn tại yếu tố thiết yếu đó là sự năng động của một đức tin đang tăng trưởng. Mức độ tăng trưởng này không đồng đều, có thể nhanh hoặc chậm ở mỗi người.

Vả lại, việc hoán cải không là một bước độc lập và duy nhất, mà được hiểu như là cấu trúc chuyển động, không ngừng lặp lại của toàn bộ việc xây dựng đức tin cá nhân. Có thể nói rằng, việc hoán cải xảy ra một cách đặc biệt trong những thời điểm quan trọng của cuộc sống, và nhờ sống sự hoán cải “thời mạnh” này, đức tin được hồi sinh và làm thành bước nhảy vọt của sự gắn bó có ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa nhập thể trong những tình huống quan trọng ấy. Điều này làm ta liên tưởng đến những giai đoạn sống: thơ ấu, thiếu niên, vào đời, chọn nghề, hôn nhân, bệnh tật, cái chết; hoặc liên tưởng đến những thời kỳ chuyển tiếp và những thời điểm quan trọng trong cuộc sống (của những chọn lựa quan trọng, tai nạn, thành công, khủng hoảng, vv. ). Trong những tình huống này mỗi người cũng như mỗi nhóm được rèn luyện đức tin, làm bật lên sự hoán cải hướng đến kế hoạch của Thiên Chúa.

Ngoài ra người ta cũng nghĩ đến tình trạng của xã hội hậu hiện đại đương thời, trong tiến trình biến đổi không ngừng với sự sùng bái tạm bợ, phân hóa cũng như nghĩ đến những khủng hoảng phổ biến của xã hội hóa tôn giáo. Người ta có thể đưa ra giả thuyết cho tương lai, không những cấp tốc cổ võ những tiến trình khai tâm đức tin đúng đắn trong cái nhìn hoán cải, mà còn là dự đoán cuộc đời ở những thời điểm khai tâm, để nâng đỡ hành trình tăng trưởng đức tin.

3. 2. 2. Bổn phận của giáo lý cổ võ và củng cố thái độ tin

Giáo dục thái độ kitô hữu hình thành dung mạo của sự liên kết và quyết định của nhiệm vụ giáo lý, nhằm đưa người ta đến việc tuyên xưng đức tin“sống động, tỏ tường và mãnh liệt” (HDTQ 56). Đây là yếu tố quyết định của sự tăng trưởng đức tin. Duy chỉ việc nội tâm hóa thái độ trưởng thành của đức tin mới giải thoát giáo lý để khỏi giản lược vào việc dạy tôn giáo, hoặc vào việc chuẩn bị lãnh bí tích, hay là tuân giữ những lề luật (mà không hề được nội tâm hóa). Duy chỉ qua sự trưởng thành những thái độ đức tin đúng đắn và đích thực, giáo lý mới trở thành việc khai tâm đúng đắn, nghĩa là đi vào “mầu nhiệm” của sự sống kitô hữu, ngang qua những chặng đường đời, những thử thách và những cách thức biến đổi.

Nếu như câu hỏi được đặt ra ở đây: đâu là những thái độ hình thành một cách cụ thể mục đích trọng tâm của giáo lý, người ta có thể nhắc lại quan niệm kinh thánh truyền thống khi đặt những thái độ nền tảng về đức tin, đức cậy  đức mến nơi trung tâm cuộc sống kitô hữu. Đức tin được củng cố bởi đức cậy và được chỉ dẫn bởi đức mến: đây là hệ thống vững vàng của những thái độ mà giáo lý phải khơi dậy và dẫn đến mức độ trưởng thành. Thánh Augustinô đã tóm lược điều đó trong một cách diễn tả dễ nhớ: “bất cứ điều gì anh kể lại, hãy nói làm sao để người ta nhờ nghe mà tin, nhờ tin mà hy vọng, nhờ hy vọng mà yêu mến” (De catechizandis rudibus, IV, 8 (PL 40, 316). Có thể nói:

-  Việc trợ giúp sự tăng trưởng thái độ tin có nghĩa là khơi dậy một cách cụ thể ý nghĩa của sự ngoan ngoãn, lắng nghe và phó thác cho Lời Thiên Chúa trong Đức Kitô; nhất là đưa đến việc gắn bó vào Đức Kitô một cách vô điều kiện hoàn toàn cá nhân,trong tình yêu và tin tưởng, như là điểm quy chiếu thiết yếu cho chính cuộc sống mình. Trong ý nghĩa này, ta nói đến việc “bước theo Chúa Kitô” (CT 20), việc “tuyên xưng đức tin” (HDTQ 66), và “tâm thức đức tin” như là mục đích của giáo lý:

“Việc giáo dục để có tư tưởng của Đức Kitô, để nhìn lịch sử như Ngài, để nhận định cuộc sống như Ngài, để chọn lựa và yêu thương như Ngài, để hy vọng như Ngài dạy, để sống sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Ngài. Tắt một lời, nuôi dưỡng và hướng dẫn tâm thức đức tin, là sứ mạng căn bản của những ai dạy giáo lý nhân danh Giáo Hội” (Canh tân Giáo lý, 38).

-  Việc trợ giúp sự trưởng thành đức cậy, như là chiều kích thiết yếu của thái độ niềm tin kitô giáo, nghĩa là giáo dục để có sự tin tưởng bền vững vào những lời Thiên Chúa hứa, để có sự tín thác và trông chờ ơn cứu độ, sự kiên nhẫn trước những tai ương, hoạn nạn, sự phó thác vào Thiên Chúa, Đấng thúc đẩy lòng gan dạ từ bỏ mọi hình thức tự mãn. Sống trong niềm hy vọng cũng có nghĩa là bám rễ vào một sự lạc quan nền tảng trước lịch sử và tương lai (“đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể” Lc 1,37) và dấn thân một cách sống động vào việc phục vụ một thế giới nhân bản và gần gũi hơn với kế hoạch Nước Trời, mà không hề nản lòng cũng như không khép mình lại trong sự cam chịu thụ động.

-  Việc trợ giúp sự tăng trưởng đức tin hình thành bởi đức mến nghĩa là đưa đức tin đến sự hoàn hảo của đức mến, đó là “giới răn mới” (Ga 13,34-35), sự “hoàn hảo của lề luật” (Rm 13,8-10), dấu ấn làm cho đức tin có hữu hiệu và có giá trị (Gal 5,6; Ep 6,14-15). Bởi vì luật trung tâm của đời sống người kitô hữu là tình yêu của Thiên Chúa hoàn tất trong tình yêu của con người, bao gồm sự phong phú và tầm quan trọng của thái độ mà lề luật gồm tóm trong: tình yêu nồng nàn đối với Đức Kitô nơi anh em; từ bỏ mọi hình thức ích kỷ và gian trá; sẵn lòng chia sẻ; liên đới trong việc phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo, vv…Hiểu như thế, sự tăng trưởng trong đức tin phải làm cho người kitô hữu trưởng thành trong sự chọn lựa luân lý căn bản, sự hiểu biết những giá trị và như vậy là huấn luyện một nhân cách có đạo đức vững chắc.

3. 2. 3. Bổn phận của giáo lý là dẫn đến sự hiểu biết trọn vẹn sứ điệp kitô giáo

Việc dạy giáo lý trong chức năng giáo dục đức tin, không được quên yếu tố cơ bản đó là nội dung(“fides quae”). Vì thế, nhiệm vụ của việc dạy giáo lý là giúp hiểu biết mỗi ngày một sâu xa và hoàn hảo hơn mầu nhiệm kitô giáo:

“Ai đã gặp Đức Kitô luôn mong được biết Người rõ hơn, cũng như mong được biết kế hoạch của Chúa Cha mà Người đã mặc khải. Việc gắn bó với đức tin (fides qua) đòi hỏi sự hiểu biết các nội dung đức tin (fides quae)”(HDTQ 85; x. CT 20).

Vì thế người ta gán cho giáo lý những nhiệm vụ “loan truyền những kiến thức về đức tin” (Sứ điệp Thượng Hội Đồng ’77, 9), dẫn nhập vào việc đọc Sách Thánh (CT 27) và việc nội tâm hóa những “tín biểu” đức tin (CT 28).

Nhiều khi việc dạy giáo lý bị tố giác là giản lược một cách không thích đáng vào việc truyền bá kiến thức tôn giáo. Rất thường hoạt động giáo lý rơi vào tính phiến diện rõ ràng này do việc làm biến dạng dung mạo sứ điệp kitô giáo và gây ra một sự nhồi sọ mê muội. Nhưng sự phản ứng không phải là đưa đến một sự nghèo nàn về văn hóa mà đánh giá thấp vai trò không thể thay thế sự hiểu biết trong mọi tiến trình trưởng thành nhân bản. Cơ bản là biết kết hợp sự phát triển hiểu biết trong sự năng động tăng trưởng đức tin để những giải thích khái niệm nảy sinh tự bên trong những thái độ tin, như lời đáp trả những chất vấn thực tế mà đời sống kitô hữu nêu lên. Trong ý nghĩa này, sự hiểu biết đức tin, nhất là việc nuôi dưỡng văn hóa hoặc là uyên thâm về tôn giáo, trở thành nhữngbiểu hiện  động lực để nâng đỡ và làm cho kế hoạch cuộc sống kitô hữu có ý nghĩa.

Nhiệm vụ của giáo lý như là việc giảng dạy giờ đây nổi lên hai vấn đề đáng chú ý: (1) tính toàn vẹncủa nội dung và (2) việc ghi nhớ như là phương pháp và mục đích của việc dạy giáo lý.

Vấn đề toàn vẹn của nội dung

Về vấn đề này, những đòi hỏi cấp bách trong các văn kiện chính thức đã được nhìn nhận để việc dạy giáo lý là việc loan truyền toàn bộ giáo huấn, sứ điệp kitô giáo hoàn hảo:

“Trong công việc hội nhâp văn hoá về đức tin này, việc dạy giáo lý phải truyền đạt sứ điệp Tin Mừng trong sự toàn vẹn và tinh ròng của nó […] Cho nên, một tiêu chuẩn cơ bản cho việc dạy giáo lý là gìn giữ tính toàn vẹn của sứ điệp, bằng cách tránh những lối trình bày phân mảnh hay méo mó” (HDTQ 111; x. CT 30).

Đòi hỏi thần học này, tự nó, thường có nguy cơ gây tổn hại không ít đến việc cần thiết chính đáng của sư phạm so với những điều kiện thực tế và khả thể của con người và tổn hại cả đến những đòi hỏi của việc truyền thông tôn giáo có ý nghĩa và hữu hiệu. Thật vậy không được quên rằng việcgiảng dạy giáo lý phải thích hợp với việc giáo dục đức tin, và như thế nhắm vào sự trưởng thành của thái độ. Sự hiểu biết đức tin không phải là cùng đích, nhưng nó gắn kết với diễn biến trưởng thành đức tin.

Cụ thể, lời giáo huấn (huấn quyền) và suy tư giáo lý cống hiến một vài tiêu chuẩn cho phép điều hòa những đòi hỏi mâu thuẫn nhau:

· Tiêu chuẩn tiệm tiến và thích hợp với học viên giáo lý. Mối liên quan giáo dục không thể không biết đến tính tiệm tiến về những đòi hỏi và khả năng của mỗi tín hữu trên hành trình trưởng thành. Tính toàn vẹn đức tin luôn là “mục đích” phải đạt tới (x. HDTQ 1971, 38), nhưng luôn luôn cần thiết đề nghị “một cách tuần tự, theo gương sư phạm của chính Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải một cách tiệm tiến theo từng mức độ. Sự toàn vẹn phải kèm theo một sự thích nghi đúng đắn” (HDTQ 112).

·   Tiêu chuẩn “hệ thống những chân lý”. Nguyên lý này có ý nghĩa đặc biệt trong lãnh vực đại kết (x UR 11), nó có thể và cũng phải được áp dụng trong lãnh vực giáo lý. Trong lãnh vực đức tin, việc chứng nhận truyền thống tín biểu và sự phân biệt cổ điển giữa đức tin tiềm ẩn và minh nhiên cũng như giữa hệ thống thần học và hệ thống hiện sinh của những chân lý đức tin không có tầm quan trọng như nhau.

· Tiêu chuẩn của tính toàn vẹn “sâu xa”. Thượng Hội Đồng 1977 về giáo lý khẳng định rằng tính toàn vẹn của nội dung giáo lý được hiểu theo nghĩa cô đọng, chứ không bao quát hoặc giải thích một cách đầy đủ như sau:

“Phương pháp loan truyền Tin Mừng (= Thánh Kinh) theo nghĩa cô đọng có truyền thống trong Giáo Hội, người ta phân biệt một cách dạy giáo lý khác đó là truyền thụ toàn bộ sứ điệp mặc khải kitô giáo theo một tiêu chuẩn hoàn toàn bao quát, minh nhiên hoặc phân tích; đối với tiêu chuẩn hiện hành này, cần phai trình bày cho các học viên giáo lý hầu như mọi thứ, từ khai mào lịch sử Giáo Hội, đến công đồng đại kết và những giáo huấn mà ĐGH Rôma đã định rõ (theo nghĩa hẹp) về đức tin và tập tục. Một giáo thuyết phức tạp như thế chắc chắn để các thần học gia điều tra và nghiên cứu chứ các tín hữu không cần phải học, trừ khi không có gì nguy hại đến việc phủ nhận hoặc bỏ quên bất cứ chân lý nào”.

Vấn đề ghi nhớ

Việc học để nhớ những công thức hoặc bài diễn giải giáo lý có nguồn gốc từ rất xa xưa và ngày nay thỉnh thoảng cũng thấy nổi lên trong phong trào giáo lý. Vai trò của việc ghi nhớ được các văn kiện nhắc nhở (x. CT 55; HDTQ 154), mặc dù cũng nhận ra những giới hạn và nguy cơ của nó. Thật vậy, theo phong tục, việc ghi nhớ có tính chủ động của nó và ngày nay việc ghi nhớ cũng vẫn còn hình thành trong những địa phương khác nhau như một công cụ thiết yếu trong việc truyền bá văn hóa. Nhưng mặt khác người ta cũng than phiền sự vô ích và vô lý trong giáo dục về việc học nhớ mà không đi đến một sự trưởng thành của những thái độ tin đích thực.

Sự giải quyết dung hòa vấn đề này tìm thấy trong việc hòa nhập trí nhớ vào tiến trình tổng thể của giáo dục đức tin như là nội tâm hóa những thái độ. Và như thế từ bên trong tiến trình giáo dục tổng thể đang sử dụng việc ghi nhớ ấy có sự rèn luyện trí nhớ, sự rèn luyện đó có một tầm quan trọng giáo dục lớn. Giờ đây, nếu nói đến sự hòa nhập  cùng đích giáo dục trí nhớ, thì phải nói đến việc ghi nhớ thuần túy khái niệm, hoặc chỉ là mệnh lệnh đòi hỏi hoàn tất giáo huấn, hay những gì tương tự. Cụ thể là:

· Nên nhớ rằng không phải là việc rèn luyện trí nhớmàlà học để nhớ. Đúng là sự phát triển niềm tin kitô giáo đòi hỏi đối chiếu với truyền thống kinh thánh và Giáo Hội và vì thế có rất nhiều ký ức và sự gợi nhớ về gia sản kinh nghiệm kitô giáo. Nhưng những đối chiếu như thế không cần phải biến thành những công thức học để nhớ.

· Có thể là hữu ích, cần thiết gấp nhiều lần, việc ghi nhớ những biểu hiện di sản kitô giáo thích hợp việc nội tâm hóa đức tin và việc thực hành đời sống kitô hữu, như một số biểu hiện kinh thánh, những hình thức phụng vụ, cầu nguyện, và những cái khác tương tự.

3. 2. 4. Bổn phận của giáo lý là giáo dục lối sống kitô hữu

Trong sự năng động của việc giáo dục đức tin, như tiến trình trưởng thành những thái độ, không thể thiếu thành tố hành vi, mà giáo lý đóng góp vào sự rèn luyện những hình thức hạnh kiểm và đời sống kitô hữu khác nhau. Các văn kiện về giáo lý chỉ ra những nhiệm vụ khác biệt như: giáo dụccầu nguyện chiêm niệm, khai tâm bí tích  phụng vụ, huấn luyện luân lý¸ giáo dục hòa bình  công lý, chuẩn bị cho việc dấn thân xã hội  chính trị, tăng cường mục đích đại kết, vv…

Có thể sắp xếp việc này chung với những nhiệm vụ nhờ đối chiếu với bốn chức năng của Giáo Hội: phục vụ (diaconia), hiệp thông (koinonia), làm chứng (martyria) và phụng vụ (liturgia):

- Bổn phận của giáo lý là giáo dục việc thi hành đức ái và phục vụ (diaconia). Thuộc về lãnh vực này là sự khai tâm những hình thức làm chứng kitô giáo cho thế giới, khai tâm việc thi hành tình yêu và sự phục vụ vô vị lợi, trách nhiệm đối với công lý và hòa bình, hoạt động xã hội và chính trị để thăng tiến và giải thoát, vv.

- Giáo lý là giáo dục ý nghĩa hiệp thông và đời sống cộng đoàn (koinonia). Thuộc về lãnh vực này liên quan đến đời sống cộng đoàn kitô hữu: tinh thần huynh đệ và chia sẻ, khả năng truyền thông, đối thoại và tham gia vào Giáo Hội, sự vâng phục quân bình và trưởng thành quyền bính. Cũng bao gồm việc cổ võ mục đích đại kết.

- Bổn phận của giáo lý là khai tâm việc lắng nghe và công bố Lời Chúa (martyria). Dạy giáo lý chính là thời điểm “làm chứng”, hoặc là tác vụ Lời Chúa, phải được giáo dục tham dự có ý thức vào việc làm ngôn sứ của Giáo Hội. Điều này bao hàm việc khai tâm đọc Kinh Thánh, giáo dục việc lắng nghe Lời Chúa trong Giáo Hội và trong thế giới, theo nghĩa tích cực, là sự chuẩn bị cho việc dấn thân tông đồ và truyền giáo.

- Cũng là bổn phận của việc dạy giáo lý đó là việc khai tâm vào mầu nhiệm cử hành kitô giáo (liturgia). Ở đây nhắc đến khái niệm cổ điển về việc dạy giáo lý, như là việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, và tham dự phụng vụ một cách có ý thức và sống động. Giáo dục cầu nguyện và suy niệm cũng là sự quan trọng đáng kể trong bối cảnh này, nó được kể như những thời điểm không thể thay thế của đời sống đức tin.

-     Cuối cùng, giáo lý cũng giáo dục việc chọn ơn gọi và sứ vụ. Giáo lý phải giúp người ta khám phá vai trò của mình trong xã hội và trong Giáo Hội. Như vậy giáo lý trở thành một công cụ định hướng ơn gọi, cho việc khám phá và trưởng thành những đặc sủng và tác vụ khác nhau để phục vụ cộng đoàn.

Md. Phạm Thúy

THAM KHẢO

BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, 1997.

EMILIO ALBERICH, La catechesi oggi. Manuale di Catechetica fondamentale (Giáo lý ngày nay. Sách học về Việc dạy giáo lý căn bản),Elledici (TO), 2001, 125-156.

FACOLTÀ DI SCIENZE DELL’EDUCAZIONE. UNIVERSITÀ PONTIFICIA SALESIANA, a cura di J. M. PRELLEZO – G. MALIZIA – C. NANNI, Dizionario di Scienze dell’Educazione,tái bản lần II, Las – Roma, 2008.

NGUYỄN VĂN AM, Bài thuyết trình: Giáo dục bằng Phúc âm hóa và Phúc âm hóa bằng giáo dục, Đại hội giáo lý Toàn quốc, Hà Nội, 2011.

NGUYỄN VĂN HIỀN, Bài thuyết trình: Đức tin có ý nghĩa gì trong thế giới hôm nay, hay, lời tuyên xưng “tôi tin” có ý nghĩa gì hôm nay?, Khóa bồi dưỡng giáo lý viên, Kontum, 2012.

ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Thần học ngày nay, 2011.


[1]Y. CONGAR, La fede e la teologia, 85.

[2]M. LUBOMIRSKI, L’esitenza Cristiana nella fede speranza e carità (Traccia delle lezioni), Roma, Ed. Pont. Univ. Gregoriana 1995, 49-50 ; F. ARDUSSO, Imparare a credere. Le ragioni della fede Cristiana. Cinisello Balsamo (Mi), Paoline 1992, 33-38.

[3]Y. CONGAR,La fede e la teologia, Roma, Desclée e C. 1967, 84-85.

[4]X. LÉON-DUFOUR, “Credere in Dio”, in: Grandi temi biblici, Alba, Paoline 1960, 99.

[5]Y. CONGAR, La fede e la teologia, 23-24.

[6]J. RATZINGER, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, bản tiếng Việt của Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Hà Nội 2009, 73-74.

[7]NGUYỄN VĂN AM, Bài thuyết trình Giáo dục bằng Phúc âm hóa và Phúc âm hóa bằng giáo dục, Đại hội giáo ly Toàn quôc, Hà Nội, 2011.

[8]P. Chavez, "Education and Citizenship... "

[9]Vigano, Salesian Spirituality for the New Evangelization, p. 12.

[10]FSDB 15.

[11]Cẩm nang giám đốc, chương 6

[12]X. Cẩm nang Giám đốc, chương 5.

[13]P. Chavez, "Educating with the heart of Don Bosco"

[14]P. Chavez, ibid. ,

[15]P. Chavez, ibid. ,

[16]P. Chavez, ibid.

[17]P. Chavez, ibid.

[18]CT 21.

 


Trở Về Trang Nhà