TÓM LƯỢC SÁCH “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997” (1)

(giaolyductin.org) 09 / 04/ 2015, 03:04:26

 

DẠY GIÁO LÝ

THEO “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997”

CỦA BỘ GIÁO SĨ

Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý của Bộ Giáo Sĩ năm 1997 đã được Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới trong Tông huấn Lời Chúa[1] và Niềm vui của Tin Mừng[2] như là sự hướng dẫn quý báu của Huấn Quyền cho việc dạy giáo lý. Một trong những điểm nổi bật nhất của bản văn này là Huấn giáo được nhìn trong viễn tượng Loan Báo Tin Mừng; từ cái nhìn này, Bộ Giáo Sĩ xác định lại bản chất, mục đích, nhiệm vụ, nguồn mạch, nội dung, sư phạm của việc dạy giáo lý và việc tổ chức các hoạt động giáo lý. Hơn mười năm sau, bản văn quan trọng này mới được chuyển sang tiếng Việt và được Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin xuất bản chính thức vào năm 2008. Chắc hẳn nhiều giáo lý viên, linh mục-tu sĩ-giáo dân, chưa có được cơ hội tiếp cận với bản văn này. Một bản tóm lược thiết tưởng đem lại nhiều lợi ích cho những người muốn tìm hiểu và dấn thân trong lãnh vực huấn giáo.

1. Dạy giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng

Ngay từ thập niên 50, nhờ nghiên cứu lịch sử thời các giáo phụ và vận dụng công trình khảo cứu của các khoa xã hội nhân văn, phong trào Canh tân Giáo lý đã được hình thành từ Munich (Đức - 1925) lan rộng sang các nước khác. Với phong trào này, việc DGL được canh tân trên nhiều bình diện: a/ về đối tượng (từ dự tòng đến người lớn, trẻ em và các tín hữu), b/ về mục đích (từ đạo lý căn bản đến đào sâu đức tin), c/ về phương pháp (từ phương pháp học thuộc lòng và giải thích đến phương pháp tâm lý và hoạt động), d/ về nội dung (từ dạy kiến thức hay luân lý đến loan báo sứ điệp Kitô giáo), e/ về phương tiện (ngoài thủ bản còn có kinh thánh, phụng vụ, chứng tá…).[3]

Cho dù cuộc canh tân này đã đem lại cho huấn giáo một sinh khí mới trong Giáo Hội, nó cũng chỉ là nỗ lực của một số Giáo Hội địa phương, chưa phải là nỗ lực chung của cả Giáo Hội. Nhiều nơi trong Giáo Hội vẫn thu hẹp việc dạy giáo lý trong việc dạy đạo lý hay luân lý nhằm bênh vực đạo hay giữ đạo hơn là sống đạo và truyền đạo; giáo lý viên “chỉ truyền dạy những tín điều phải tin và những luật phải giữ… qua những công thức khô cứng, xa lạ với truyền thống văn hóa, và có vẻ dửng dưng với các vấn nạn của thời đại, hầu như trong suốt thời gian ‘học giáo lý’, người dự tòng không một lần được hướng dẫn đến gặp gỡ được một Đức Kitô, đối tượng của đức tin, một Đức Kitô nhập thể và nhập thế, nhập thể để cùng chia sẻ thân phận với con người, nhập thế để đưa ra những lời giải đáp cho các vấn nạn của con người trong bất cứ thời đại nào, vì Người là Lời yêu thương của Thiên Chúa được mạc khải cho con người cho mọi nơi và mọi lúc”.[4]

Theo đề nghị của Công Đồng Vaticanô II, Bộ Giáo Sĩ đã soạn Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (1971) nhằm hướng dẫn các HĐGM soạn thảo sách giáo lý riêng. Sau đó, hàng loạt văn kiện liên quan đến huấn giáo được ban hành: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với tông huấn Loan Báo Tin Mừng (1975), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với tông huấn Catechesi Tradendae (1979) là kết quả của Thượng hội đồng Giám mục 1977 về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta; với sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992) là kết quả của THĐGM 1974 về việc Loan Báo Tin Mừng và 1985 kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng, Bộ Truyền bá Phúc âm với Hướng dẫn dành cho Giáo lý viên (1993) bàn về ơn gọi, căn tính và linh đạo của giáo lý viên cũng như việc tuyển chọn và đào tạo giáo lý viên. Vì thế, Bộ Giáo Sĩ đã phải cập nhật hóa Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (1971) bằng cách soạn Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý (1997). Hướng Dẫn này cống hiến cho các Giáo Hội địa phương một cái nhìn chung về huấn giáo, nhờ đó, có thể thống nhất và hợp tác với nhau trong việc thi hành thừa tác vụ giáo lý.

1.1. Bản chất của giáo lý

Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong tông huấn Loan báo Tin Mừng (EN) không chỉ sử dụng thuật ngữ Phúc Âm hóa hay Loan báo Tin Mừng (Evangelizatio) theo nghĩa hẹp là công bố Tin Mừng cho lương dân, mà còn dùng nó theo nghĩa rộng là đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân đến lối sinh hoạt của các dân tộc.[5] Hướng dẫn Tổng quát việc dạy giáo lý 1997 sử dụng thuật ngữ Loan báo Tin Mừng (LBTM) theo nghĩa rộng: “Loan báo, làm chứng, giáo huấn, các bí tích, yêu tha nhân, thâu nạp môn đệ: tất cả những sắc thái ấy đều là những con đường và phương tiện cho việc truyền đạt Phúc Âm và cấu thành những yếu tố của việc LBTM […]. Những thừa tác viên của việc LBTM phải biết hành động với một “cái nhìn tổng thể” về chính việc LBTM và đồng hóa nó với toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội”.[6] “Vì thế, LBTM phải được quan niệm như tiến trình mà qua đó Hội Thánh loan báo và phổ biến Tin Mừng cho toàn thế giới dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần”.[7]

Trong tiến trình loan báo Tin Mừng, dạy giáo lý DGL là một thời điểm và là thời điểm chính yếu: «Việc dạy giáo lý nằm trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và được coi là ‘thời điểm’ chính yếu, nó kín múc trong công cuộc LBTM động lực truyền giáo đã đem lại cho nó sự phong phú nội tại và căn tính đặc thù».[8] Thời điểm của việc DGL là thời gian để phát huy cuộc hoán cải ban đầu: “Việc DGL, ‘khác với lời loan báo Tin Mừng đầu tiên’, nhằm phát huy và làm cho sự trở lại đầu tiên được chín chắn, qua việc giáo dục đức tin cho người trở lại và tháp nhập họ vào cộng đoàn Kitô giáo”.[9]

Trong ý hướng này, “việc dạy giáo lý là một hình thức đặc biệt của tác vụ Lời Chúa của Giáo Hội làm cho sự hoán cải ban đầu được hoàn hảo, làm cho việc tuyên xưng đức tin trở nên sống động, minh nhiên và hữu hiệu”.[10] Lời Chúa mà Giáo Hội rao giảng là Lời Chúa mà Giáo Hội đã cưu mang trong lòng và thể hiện trong cuộc sống: “Theo gương Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội trung thành gìn giữ Phúc Âm trong lòng mình, rồi loan báo, cử hành, sống và rao truyền Phúc Âm đó bằng việc dạy giáo lý cho tất cả những ai quyết định đi theo Chúa Giêsu Kitô”.[11]

Như thế, dạy giáo lý không đơn thuần là việc truyền bá kiến thức tôn giáo, mà là việc đào tạo người Kitô hữu phát triển một đức tin trưởng thành và toàn diện.[12] Việc này không thể hoàn tất một sớm một chiều nhưng đòi hỏi “một tiến trình hoán cải thường xuyên đến suốt đời”.[13]Đặc tính này dẫn đến việc coi dạy giáo lý người lớn, những người có khả năng đón nhận đức tin với đầy đủ trách nhiệm, là hình thức dạy giáo lý chính yếu và kiểu mẫu cho mọi hình thức dạy giáo lý khác.[14]

1.2. Mục đích của việc dạy giáo lý

“Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”.[15] Sự thông hiệp với Chúa Giêsu Kitô dẫn họ đến sự hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, hiệp thông với Ba Ngôi chí thánh.

Theo mục đích này, việc dạy giáo lý phải luôn qui Kitô nghĩa là luôn giới thiệu và tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô và qui Ba Ngôi nghĩa là dẫn đến việc tuyên xưng và kết hợp với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.[16]

1.3. Những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý

Mục đích của việc dạy giáo lý đạt được qua các nhiệm vụ khác nhau nhưng bao hàm lẫn nhau; đó là các nhiệm vụ sau: giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo.[17]

Các nhiệm vụ này đan quyện với nhau và cắm rễ sâu vào kinh nghiệm con người. Chúng được thực hiện bằng hai phương thế chính: lắng nghe sứ điệp Tin Mừng và thực thi sứ điệp ấy trong đời sống luân lý và cầu nguyện. Nhờ được vun trồng đủ mọi khía cạnh phong phú và đa dạng như vậy mà đức tin Công giáo được phát triển trọn vẹn và đời sống Kitô hữu đạt tới sự trưởng thành.

(Còn tiếp)


[1] BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông huấn Lời Chúa, 74.

[2] PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, 168.

[3] x. PHAN TẤN THÀNH: “Catechesis – Catechismus - Catechetica” trong Thời sự thần học, s. 59, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh XB, 2/2013, tr. 11-45.

[4] HÀ VĂN MINH, Thần học Bối cảnh tác động thế nào đến việc Đào tạo Giáo lý viên, trong Hội thảo Thần học tại TTMV.SG ngày 8/3/2014.

[5] Thực ra, tông huấn Evangelii Nuntiandi phân biệt ba môi trường của evangelizatio: 1) Loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo (ss. 50, 51, 53), tức là truyền giáo; 2) Mục vụ (s. 54), chú trọng đến việc huấn giáo; 3) Loan báo canh tân (ss. 52, 56), dành cho những nơi đã mất đạo, hoặc không thực hành đạo. Dù sao, tông huấn Evangelii Nuntiandi đã làm đảo lộn mối tương quan giữa missio và evangelizatio. Trước đây (trong Sắc lệnh Ad gentes số 6), evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội Thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó. x. PHAN TẤN THÀNH, Bài thuyết trìnhLoan báo Tin mừng, tái loan báo Tin mừng, loan báo Tin mừng cách mới mẻ: những bài học lịch sử, trong Forum Thần học 21/4/2012, UBGLĐT.

[6] HDTQ 46.

[7] HDTQ 48.

[8] HDTQ 59; x. DGL 18.

[9] HDTQ 61.

[10] HDTQ 82.

[11] HDTQ 78.

[12] x. HDTQ 84.

[13] HDTQ 56.

[14] x. HDTQ 59.

[15] DGL 5; x. HDTQ 80.

[16] x. HDTQ 98 - 100.

[17] x. HDTQ 84-86.

Tác giả: Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền

 


Tủ Sách Giáo Lý