DẠY GIÁO LÝ VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

(gpquinhon.org) Chúa nhật - 21/06/2015 14:09

 

Loan báo Tin Mừng hay truyền giáo là bản chất của Hội Thánh, vì Hội Thánh tự bản chất là một cuộc qui tụ muôn dân xung quanh Đức Kitô là Đầu, còn Hội Thánh là Thân Thể của Người. Thân Thể ấy phải lớn lên mỗi ngày nhờ những hoạt động truyền giáo đã chính thức bắt đầu với Hội Thánh dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hoạt động truyền giáo của Hội Thánh là sự tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Kitô và là sự thể hiện lệnh truyền của Người trước khi về trời. Chính vì thế, loan báo Tin Mừng là mối quan tâm hàng đầu của Hội Thánh và đồng thời cũng là bổn phận của các kitô hữu mọi nơi và mọi thời, không phân biệt giới tính, bậc sống, tuổi tác hay hoàn cảnh xã hội. Hội Thánh có nhiều phương cách truyền giáo và mỗi kitô hữu được Thiên Chúa mời gọi tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng những cách khác nhau.

Sắc lệnh truyền giáo của công đồng Vaticanô II đã dạy: "Được gọi chung là 'việc truyền giáo' tất cả những công cuộc đặc biệt trong đó các nhà rao giảng Tin Mừng đã được Hội Thánh sai đi khắp thế gian thực hiện nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và vun trồng Hội Thánh nơi các dân tộc".[1] Tiếp đến, tông huấn về việc dạy giáo lý của Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Truyền giáo cũng là một lãnh vực đặc biệt cho việc áp dụng dạy giáo lý",[2] sau khi đã giải thích: "Danh từ dạy giáo lý được dùng rất sớm để chỉ toàn thể cố gắng trong Hội Thánh để làm cho người ta thành môn đệ, để giúp người ta tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin mà họ có thể có sự sống nhờ Danh Người (x.Ga 20,31), và để dạy dỗ cùng giáo huấn họ ở đời này và như thế xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô.  Hội Thánh không ngừng dốc hết tâm lực để thi hành công tác này".[3]  

Như thế, việc truyền giáo nói chung và việc dạy giáo lý nói riêng bao hàm cả việc loan báo Tin Mừng cho những người dân ngoại và việc nuôi dưỡng đức tin của các cộng đoàn tín hữu. Trong cái nhìn ấy, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu đề tài "Dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng" dựa trên giáo huấn của Hội Thánh.

I. NHỮNG GIAI ĐOẠN VÀ HÌNH THỨC KHÁC NHAU CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO 

1. Huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô

Việc truyền giáo của Hội Thánh vừa bắt nguồn từ chính bản chất của Hội Thánh [4] là một cộng đoàn Dân Chúa được qui tụ từ khắp muôn dân, vừa bắt nguồn từ sứ vụ mà Đức Kitô trước khi về trời đã trao lại cho Hội Thánh: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). "Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,47-48).

Tổng hợp 3 đoạn Tin Mừng nhất lãm trên đây, chúng ta thấy huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô bao gồm việc công bố Tin Mừng cho muôn dân không những bằng lời nói nhưng còn bằng chứng từ, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội, làm phép rửa cho họ để họ gia nhập cộng đoàn môn đệ Đức Kitô là Hội Thánh, giảng dạy để họ hiểu biết và tuân giữ giáo huấn của Người, để họ ngày càng lớn lên trong đức tin, hiệp thông với nhau trong đức ái và nuôi dưỡng niềm trông cậy đạt đến quê hương trên trời. Nói chung, truyền giáo là làm cho thế giới được đón nhận Tin Mừng, nhờ đó các giá trị Tin Mừng có thể thấm nhập và biến đổi thế giới như muối, men và ánh sáng. Chính vì thế công cuộc truyền giáo còn được gọi là Phúc-Âm-hóa. Từ 'Phúc-Âm-hóa' đã bắt đầu trở thành thông dụng trong Hội Thánh công giáo vào thời tông huấn Evangelii Nuntiandi để mô tả một hoạt động phong phú, phức tạp và năng động.[5]

2. Các giai đoạn của sứ vụ truyền giáo

Khi nói đến truyền giáo, người ta thường nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng cho chư dân, được hiểu là các dân ngoại. Điều này không sai, nhưng không bao hàm toàn bộ sứ vụ Phúc-Âm-hóa và không múc cạn nội dung huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô. Thực ra việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại là bước đầu tiên, hết sức quan trọng và cũng rất khó khăn, đến độ khi sai các tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Kitô cũng chỉ sai họ đến với những chiên lạc nhà Israel, chứ chưa dám sai họ đến với dân ngoại. Bước đầu tiên này được gọi là kêrygma trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là công bố, do từ keryks là người đưa tin. Như thế, kêrygma là việc công bố hay loan báo Tin Mừng lần đầu tiên cho dân ngoại, phân biệt với didakhê là huấn giáo hay giảng dạy cho những người đã nghe loan báo Tin Mừng (Mt 28,19), để con người có thể lĩnh hội càng nhiều càng tốt (x. Mt 13,19).

Truyền giáo trước hết và trên hết là loan báo Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay chưa nhận ra Người trong cuộc sống. Nhiều người trong số họ vốn có tâm tình tôn giáo, nhưng vì không biết Thiên Chúa chân thật nên đã tôn thờ các thần linh giả dối, hoặc có thể đã tiếp cận với Thiên Chúa một cách nào đó qua tiếng lương tâm và đang sống theo sự hướng dẫn của lương tâm. Đi đôi với việc loan báo Tin Mừng là chứng từ của một cuộc sống hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, nhất là chứng từ của một cái chết vì Tin Mừng, từ đó các vị tử đạo được gọi là martyr, nghĩa là chứng nhân đức tin.

Loan báo Tin Mừng cho dân ngoại là hình thức đầu tiên và chuyên biệt của việc truyền giáo. Tuy nhiên, sau khi dân ngoại đón nhận Tin Mừng và chịu phép rửa để gia nhập cộng đoàn tín hữu, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh còn phải tiếp tục qua mục vụ huấn giáo, tức là giảng dạy để giúp họ thêm hiểu biết về Tin Mừng, ngày càng thêm kiên vững trong đức tin và làm cho Tin Mừng sinh hoa kết trái trong cuộc sống của họ, để rồi chính họ cũng sẽ trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: "Hoạt động truyền giáo giữa muôn dân khác với việc thi hành hoạt động mục vụ giúp các tín hữu và với những công cuộc nhằm tái lập sự hiệp nhất Kitô hữu. Tuy nhiên cả hai việc này đều liên kết rất chặt chẽ với nhiệt tâm truyền giáo của Giáo Hội".[6]

Trong thông điệp Redemptoris Missio, chính Đức Gioan Phaolô II đã phân biệt ba hình thức Phúc-Âm-hóa được áp dụng cho ba lãnh vực khác nhau. Trước tiên, là việc truyền giáo ad gentes nhằm loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, các nhóm người, các bối cảnh văn hóa xã hội trong đó Đức Kitô chưa được biết đến. Tiếp đến là các hình thức mục vụ nhắm đến các kitô hữu đã đón nhận đức tin và đang sống đức tin trong những cộng đoàn Hội Thánh. Cuối cùng là hoạt động tái truyền giáo có đối tượng là những người, những nhóm người, đã được rửa tội nhưng mất ý thức về một đức tin sống động hay đi đến chỗ không còn biết mình là thành phần của Hội Thánh, đang sống xa Đức Kitô và Tin Mừng của Người.[7] Tuy nhiên cũng trong chính văn kiện này, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định rằng các ranh giới giữa công việc mục vụ đối với các tín hữu, công việc tái truyền giáo và hoạt động truyền giáo chuyên biệt không thể được xác định một cách rõ ràng.[8]

3. Tân Phúc-Âm-hóa: phương cách truyền giáo trong thời đại mới

Qua các thời kỳ, Hội Thánh dấn thân thực hiện ý muốn của Thiên Chúa và sứ vụ được Đức Kitô giao phó. Nhưng sứ vụ Phúc-Âm-hóa của Hội Thánh ngày nay đang chạm trán với một thách đố rất lớn, đó là thách đố của não trạng hiện đại, trong đó sự vô tín được chấp nhận một cách rộng rãi như một thứ văn hóa phổ quát: "Điều mới mẻ và bi đát trong thời đại chúng ta đó là sự thiếu vắng niềm tin, nhất là dưới hình thức dửng dưng tôn giáo, lại trở thành một thứ văn hóa".[9] Chính trong bối cảnh này mà trong những thập niên vừa qua Hội Thánh đã phát động cuộc 'tân Phúc-Âm-hóa'.

Trong diễn từ nói với các Giám mục của CELAM (9 tháng 3 năm 1983) tại Port-au-Prince (Haïti), chính Đức Gioan Phaolô II đã đề cập đến sự cần thiết phải dấn thân vào một cuộc tân Phúc-Âm-hóa, được xác định là "mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả".[10] Qua sứ vụ này, Hội Thánh ngày nay đang thực hiện một bước dài về phía trước trong việc Phúc-Âm-hóa và bước vào một giai đoạn lịch sử mới của năng động truyền giáo, với một nỗ lực đào sâu và ngày càng làm cho đức tin thấm nhập vào lương tâm và đời sống xã hội. Như thế, tân Phúc-Âm-hóa là một cách mới để thực hiện nhiệm vụ lâu dài là việc loan báo Tin Mừng mà Hội Thánh phải thực hiện theo huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô trải qua các hoàn cảnh khác nhau của lịch sử nhân loại.

Về vấn đề này, Đức Phanxicô đã viết trong tông huấn Evangelii Gaudium như sau: "Những thay đổi văn hoá sâu rộng và nhanh chóng hôm nay đòi chúng ta không ngừng tìm kiếm những cách thức diễn tả các chân lý bất biến bằng một ngôn ngữ làm nổi bật sự mới mẻ vững bền của chúng... Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó".[11]  Trong công cuộc tân Phúc-Âm-hóa lâu dài và đa dạng như chúng ta thấy trên đây, đâu là vai trò của huấn giáo, tức là việc giảng dạy giáo lý dưới mọi hình thức?

II. DẠY GIÁO LÝ LÀ MỘT GIAI ĐOẠN ĐẶC BIỆT TRONG TIẾN TRÌNH PHÚC-ÂM-HÓA

Chúng ta có thể khẳng định như thế dựa vào giáo huấn chính thức của Hội Thánh: "Tông huấn Evangelii Nuntiandi, ngày 8 tháng 12 năm 1975 về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại, đã nhấn mạnh đúng rằng việc Phúc-Âm-hoá, với mục đính là đem Tin Mừng đến cho toàn thể nhân loại để tất cả mọi người có thể sống theo Tin Mừng này, là một thực thể phong phú, phức tạp và năng động, gồm nhiều yếu tố, hay có thể nói là nhiều giai đoạn, tất cả đều cần thiết và khác nhau, và phải được để tâm đến cùng một lúc. Dạy giáo lý là một trong những giai đoạn này, một giai đoạn rất đặc biệt trong toàn thể tiến trình Phúc-Âm-hoá".[12]

1. Tương quan giữa lời loan báo Tin Mừng đầu tiên và việc dạy giáo lý

Ngay từ số đầu tiên, tông huấn Catechesi Tradendae đã khẳng định rằng Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy giáo lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi về trời Đức Kitô đã ban cho các tông đồ một huấn lệnh truyền giáo, trong đó không những Người trao phó cho các ngài sứ vụ và quyền năng để công bố cho mọi người những gì các ngài đã nghe, đã chứng kiến, mà Người còn trao cho các ngài sứ vụ và quyền giải thích cách chính thức những gì Người đã giảng dạy, để họ hiểu biết và tuân giữ (x. Mt 28,19-20).  Người còn ban Chúa Thánh Thần cho các ngài để chu toàn sứ vụ này.[13] Đó là mục vụ huấn giáo, tức là các hình thức dạy giáo lý.

Trước hết cần nhớ rằng việc dạy giáo lý không thể được tách rời khỏi hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh, cũng không có sự phân cách hay trái ngược giữa việc dạy giáo lý và công cuộc Phúc-Âm-hóa, nhưng chúng liên hệ mật thiết với nhau.[14] Có thể xem việc dạy giáo lý như một cách thức truyền giáo phù hợp với một số giai đoạn trong tiến trình Phúc-Âm-hóa.

Nhờ việc dạy giáo lý Hội Thánh giúp các kitô hữu tái khám phá và đào sâu nội dung của lời loan báo Tin Mừng đầu tiên hay kerygma. Được gọi là 'đầu tiên' không phải vì nó xuất hiện lúc ban đầu để rồi sau đó có thể bị lãng quên hay bị thay thế bằng một cái gì quan trọng hơn. Nó là đầu tiên theo nghĩa phẩm tính, vì nó là lời loan báo chính, lời loan báo mà Hội Thánh không ngừng lặp đi lặp lại bằng nhiều cách khác nhau, trong suốt chương trình huấn giáo, ở mọi cấp độ và mọi thời điểm.[15] Huấn giáo hay dạy giáo lý là một sự công bố Lời Chúa và luôn luôn tập trung vào lời ấy, nhưng nó cũng đòi hỏi một cách trình bày hấp dẫn, nhờ sử dụng những phương pháp và những cách diễn tả phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng, cũng như đòi hỏi những bước chuẩn bị và một tiến trình tăng trưởng có khi lâu dài.[16]

Trong khi kerygma có mục đích kêu gọi dân ngoại hoán cải để đón nhận đức tin và chịu phép rửa, thì việc dạy giáo lý có nhiệm vụ làm cho đức tin ban đầu được trưởng thành và giáo dục các kitô hữu thành những môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về con người và sứ điệp của Người.[17] Việc dạy giáo lý có thể trùng khớp với lời loan báo Tin Mừng đầu tiên khi giáo lý viên bắt đầu giới thiệu Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, chẳng hạn trong những lớp giáo lý dự tòng. Trong trường hợp này dạy giáo lý cũng chính là truyền giáo theo nghĩa chuyên biệt.

Việc dạy giáo lý cũng có thể được coi là lời loan báo Tin Mừng đầu tiên hay truyền giáo theo nghĩa chuyên biệt khi giáo lý viên dạy giáo lý cho các em đã được rửa tội từ nhỏ, nhưng cho đến lúc đó việc loan báo Tin Mừng đầu tiên vẫn chưa được thực hiện cho các em, vì các em chưa nhận được một sự khai tâm đức tin nào, chưa hề biết Đức Kitô là ai, nên cũng chưa có một sự gắn bó cá nhân với Người. Qua bí tích thanh tẩy, các em chỉ nhận được ơn đức tin như một thứ hạt mầm, nhưng chưa hề biết nội dung đức tin là gì. Đó là chưa kể trường hợp các em lớn lên trong một gia đình có cha mẹ nguội lạnh không quan tâm đến việc giáo dục đức tin của con cái, hoặc cha mẹ không còn giữ đạo, hoặc các em được giáo dục trong một môi trường học đường vô đạo, nghịch đạo, khiến các em chẳng những không biết Chúa mà còn thấm nhiễm tinh thần lãnh đạm tôn giáo hoặc chống báng đức tin. Việc dạy giáo lý cho những người này cũng chẳng khác nào dạy giáo lý cho các dự tòng vừa được đề cập trên đây. Trong trường hợp này việc dạy giáo lý trước hết là khơi dậy đức tin, rồi sau đó mới đến việc nuôi dưỡng đức tin.[18]

2. Mục đích chuyên biệt của việc dạy giáo lý

Ngoài những trường hợp kể trên, mục đích chuyên biệt của việc dạy giáo lý là để giúp các tín hữu phát triển đức tin ban đầu và làm cho nó được thăng tiến đến mức viên mãn. Nói cách khác, dạy giáo lý chính là tăng trưởng hạt giống đức tin mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào lòng con người qua lời loan báo Tin Mừng đầu tiên của Hội Thánh và qua bí tích thanh tẩy.[19] Điều này được thực hiện tuần tự qua các lớp giáo lý cho đến tuổi trưởng thành, chứ không chỉ giới hạn hay dừng lại nơi những lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu và thêm sức.

Nhờ nghe lời loan báo Tin Mừng đầu tiên và lãnh nhận bí tích thánh tẩy, con người được ân sủng biến đổi thành tạo vật mới, sau đó nhờ việc học giáo lý họ được mở rộng sự hiểu biết về mầu nhiệm Đức Kitô dựa vào Lời Chúa và được thấm nhuần Lời ấy để họ có thể suy nghĩ, phán đoán và hành động như Người. Nói cách chính xác hơn, trong toàn thể tiến trình Phúc-Âm-hoá, mục đích của việc dạy giáo lý là giáo huấn và làm cho người kitô hữu "đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô" (Ep 4,13). Đó là giai đoạn mà trong đó người kitô hữu, sau khi đã nhờ đức tin mà chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa duy nhất, và đã hiến dâng trọn vẹn cho Người bằng cách thành tâm hoán cải, cố gắng hiểu biết nhiều hơn về Người là Đấng mà mình đã hoàn toàn phó thác, về mầu nhiệm của Người và của Nước Trời mà Người rao giảng, về những đòi hỏi và những lời hứa chứa đựng trong các sứ điệp Tin Mừng, cũng như về những con đường mà Người đã đặt ra cho tất cả những ai muốn theo Người.[20]

Để giúp các tín hữu đạt đến sự trưởng thành này, chương trình dạy giáo lý được phân chia thành nhiều cấp, phù hợp với các độ tuổi và các giai đoạn phát triển trong cuộc sống kitô hữu, nhất là tại những cột mốc quan trọng như: xưng tội rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức và hôn phối, v.v. "Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích mà trung tâm và tuyệt đỉnh là phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Đấng tác thành công trình cứu rỗi, được hiện diện".[21]

Sau cùng, việc dạy giáo lý không những cần thiết cho sự trưởng thành đức tin của các kitô hữu, mà còn làm cho họ trở thành nhân chứng trước mặt mọi người trên thế gian. Việc dạy giáo lý chuẩn bị cho họ có thể trả lời cho những ai thắc mắc về niềm hy vọng của họ và có thể dùng đời sống tốt lành thánh thiện để làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng mà họ đã học biết. Công đồng Vaticanô II đã dạy: "Các nhà truyền giáo như những cộng tác viên của Thiên Chúa (1Cr 3,9), phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình (Ep 4,1), để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả".[22] Mỗi kitô hữu, đến lượt họ, cũng trở thành những nhà truyền giáo như các tông đồ ngày xưa và như thế Tin Mừng sẽ được loan đi khắp tứ phương thiên hạ cho đến ngày tận thế như lệnh truyền của Đức Kitô.

KẾT LUẬN

Huấn giáo hay việc dạy giáo lý là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết được Hội Thánh mọi nơi và mọi thời quan tâm một cách đặc biệt. Đây là một phần của sứ mạng truyền giáo vì nó góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng và đào tạo đức tin của người kitô hữu. Nếu việc gieo hạt và chăm sóc cho cây trồng lớn lên và sinh hoa kết trái dồi dào là một ưu tiên hàng đầu của nhà nông, thì việc dạy giáo lý để gieo mầm đức tin và nuôi dưỡng đức tin cũng phải là ưu tiên hàng đầu của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Đây là một công cuộc có qui mô rộng lớn cần đến sự tham gia của nhiều người, đặc biệt là các anh chị em giáo lý viên. Phải khẳng định rằng việc dạy giáo lý là nhiệm vụ chính của các linh mục, nhất là các linh mục phụ trách các giáo xứ. Nhưng công việc này cần có sự tham gia tích cực của các tu sĩ, chủng sinh và đông đảo anh chị em giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng. Người ta vẫn thường nói: dạy là một cách học tốt nhất. Khi giảng dạy giáo lý cho người khác, các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo lý viên có cơ hội để đào sâu thêm đức tin, khám phá thêm cách áp dụng, nhờ đó sự hiểu biết và thực hành đức tin của mình cũng phát triển hơn. Hơn nữa, khi quyết tâm và cố gắng thực hiện những điều mình giảng dạy, người dạy giáo lý cũng trở thành những chứng nhân sống động, những gương mẫu gần gũi, khiến lời dạy trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục hơn. Đó chính là niềm vui mà Thiên Chúa ban cho những ai góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.


[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Ad Gentes, số 6.

[2] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn về việc dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, Catechesi Tradendae, số 13.

[3] Catechesi Tradendae, số 1.

[4] Xem Ad Gentes, số 2.

[5] Xem PHAOLÔ VI, Tông huấn về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại, Evangelii Nuntiandi, số 17.

[6] Ad Gentes, số 6.

[7] Xem GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp về giá trị thường hằng của huấn lệnh truyền giáo, Redemptoris Missio, số 33.

[8] Xem Redemptoris Missio, số 34.

[9] H. Carrier, Évangélisation et développement des cultures, Presses de l’Université Grégorienne, Rome 1990, tr. 200.

[10] GIOAN PHAOLÔ II, ‘Diễn văn tại Hội Nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM’, (9-3-1983)’, trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II (1983) VI/1, tr. 698.

[11] PHANXICÔ, Tông huấn về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, Evangelii Gaudium, số 41.

[12] Catechesi Tradendae, số 18.

[13] Xem Catechesi Tradendae, số 1.

[14] Xem Catechesi Tradendae, số 18.

[15] Xem Evangelii Gaudium, số 164.

[16] Xem Evangelii Gaudium, số 166.

[17] Xem Catechesi Tradendae, số 19.

[18] Xem Catechesi Tradendae, số 19.

[19] Xem Catechesi Tradendae, số 20.

[20] Xem Catechesi Tradendae, số 20.

[21] Ad Gentes, số 9.

[22] Ad Gentes, số 15.

Tác giả bài viết: GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi 

 

 


Tủ Sách Giáo Lý