Giáo Hoàng Tiếp Theo Và Công Đồng Vatican II

Một Công giáo không thể phân biệt với Tin lành tự do thì không có tương lai. Một Công giáo cố gắng tái tạo một quá khứ phần lớn chỉ là ảo tưởng thì cũng không có tương lai.

George Weigel (*)

 

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII dẫn đầu phiên khai mạc của Công đồng Vatican II tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 11 tháng 10 năm 1962. Bốn phiên họp của Công đồng và 16 tài liệu mang tính bước ngoặt đã hiện đại hóa phụng vụ, đổi mới chức tư tế và tôn giáo, nâng cao vai trò của giáo dân, đã mở cuộc đối thoại với các giáo hội và những người ngoài Kitô giáo khác, và xác định Giáo Hội là "dân Chúa" đối mặt với các vấn đề và hy vọng của thế giới. Lễ kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đánh dấu khi Ngài khởi động Năm đức tin bằng một Thánh lễ ngày 11 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô. (Ảnh CNS / L'Osservatore Romano)

Các cuộc tranh luận về Công đồng Vatican II tiếp tục làm điêu đứng cuộc đối thoại Công giáo toàn cầu.

Một số người Công giáo, thường thấy trong các Giáo hội địa phương đang tàn lụi ở Tây Âu, cho rằng tinh thần của Công đồng chưa bao giờ được thực hiện (mặc dù việc thực hiện theo kiểu Catholic Lite[1] mà họ đề xuất có vẻ giống với đạo Tin lành tự do hơn là giống với Công giáo). Những tiếng nói khác cho rằng Công đồng là một sai lầm khủng khiếp và giáo huấn của của Công Đồng nên bị quên đi một cách lặng lẽ, và bỏ vào thùng rác của lịch sử. Trong cuốn Giáo hoàng kế tiếp: Sứ vụ của Phêrô và một Giáo hội thi hành sứ vụ (vừa được Ignatius Press xuất bản), tôi đề nghị cần có sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng để làm sáng tỏ những nhầm lẫn này.

Để bắt đầu: Đức Giáo Hoàng kế tiếp nên nhắc nhở người Công giáo những gì Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã dự định cho Công đồng, qua đó thách thức cả nhóm người đông như một trung đoàn có tên là Công Giáo Cấp Tiến (The Catholic Lite Brigade) và nhóm người cỡ chừng một trung đội có tên là Cực Bảo Thủ Xem nhẹ Vatican II (Forget Vatican II Platoon).

Lời ngỏ mở đầu của Đức Giáo hoàng với Công Đồng Vatican II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, đã nói rõ ý định của Ngài: Giáo hội, theo Ngài, phải tái tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, từ Chúa Giêsu Kitô mà Giáo Hội “có tên của mình, ân sủng của mình và toàn bộ ý nghĩa của mình”. Giáo hội phải loan báo Tin mừng về Chúa Giêsu Kitô, câu trả lời cho câu hỏi đó là cuộc sống của mỗi con người, ở trung tâm sự tự hiểu biết của Giáo hội. Giáo hội phải đưa ra lời tuyên bố đó bằng cách đề xuất, “những sự thật toàn bộ và nguyên vẹn không bị bóp méo mà Chúa Kitô đã trao ban cho Giáo hội. Và Giáo hội phải truyền tải những sự thật đó theo những cung cách mời gọi con người đương thời đầy hoài nghi, nam cũng như nữ, đi vào tình bạn với Chúa Giêsu”.

Đức Gioan XXIII không hình dung Vatican II là một Công đồng hủy bỏ cấu trúc. Ngài cũng không tưởng tượng đó là một Công đồng đóng băng Giáo hội trong hổ phách. Thay vào đó, Lời ngỏ mở đầu của Đức Giáo Hoàng Gioan với Công đồng Vatican II đã kêu gọi toàn thể Giáo hội nhận lấy sứ vụ rao truyền Kitô giáo: sứ vụ này cống hiến cho nhân loại sự thật về Thiên Chúa và về chúng ta, cả hai đều được tiết lộ trong Chúa Giêsu Kitô. Vị Giáo hoàng kế tiếp nên mạnh mẽ nhắc nhở Giáo hội về điều này.

Vị Giáo hoàng kế tiếp cũng có thể tham gia - và giải quyết - một cuộc tranh luận song song đã bắt đầu từ Công đồng Vatican II và tiếp tục cho đến ngày hôm nay: Giáo hội Công giáo có tái lập chính mình trong khoảng thời gian từ ngày 11 tháng 10 năm 1962 đến ngày 8 tháng 12 năm 1965 không? Hay các tài liệu của Vatican II phải được đọc trong sự liên tục với mặc khải và truyền thống? Thật kỳ lạ, nhóm người Công Giáo “cấp tiến”(The Catholic Lite Brigade) và nhóm người Cực Bảo Thủ xem nhẹ Vatican II (Forget Vatican II Platoon) đã cổ võ cùng một câu trả lời: Công Đồng Vatican II thực sự là một Công đồng của sự đứt gẫy. Nhưng đó là câu trả lời sai. Đó là một cách đọc sai về ý định của Đức Gioan XXIII cho Vatican II. Đó là một cách đọc nhầm hướng dẫn của Đức Phaolô VI cho Công đồng. Và đó là một cách đọc nhầm các văn bản của Công đồng.

Ba giáo hoàng được phong thánh - Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II - cộng với nhà thần học vĩ đại Biển Đức XVI đã khẳng định rằng Vatican II có thể và phải được đọc trong tính liên tục với giáo huấn Công giáo đã được ấn định. Tuyên bố rằng Vatican II là một Công đồng của sự đứt gẫy và tái cấu trúc, thực tế, là nói rằng những con người vĩ đại này hoặc là những kẻ phản động lá mặt lá trái, chống đối công nghị (bản cáo trạng ngầm của những người cấp tiến) hoặc là những kẻ dị giáo chuộng vật chất (bản cáo trạng ngầm từ những kẻ cực hữu). Cả hai bản cáo trạng đều không có giá trị gì, mặc dù bản cáo trạng thứ hai gần đây đã nhận được sự chú ý không đáng có, nhờ vào những lời bình luận thiếu suy nghĩ vang dội qua các phương tiện truyền thông xã hội, giống như các căn phòng tạo tiếng vang, và nhờ vào giới viết blog quá thủ cựu.

Như thế, vị giáo hoàng kế tiếp phải khẳng định rằng Giáo hội Công giáo không làm rạn nứt, tái phát minh, hay “thay đổi mô hình”. Tại sao? Bởi vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” [Do Thái 13:8] - luôn là trung tâm của Giáo hội. Sự xác tín đó là khởi đầu của bất kỳ việc phúc âm hóa đích thực nào, bất kỳ sự phát triển giáo huấn đích thực nào của Công giáo và bất kỳ sự thực thi đúng đắn nào của Công đồng Vatican II.

Vị Giáo hoàng kế tiếp cũng nên nâng cao những thành tựu thực sự của Công đồng: sự khẳng định mạnh mẽ của Công Đồng đối với thực tại và thẩm quyền ràng buộc trong mặc khải của Thiên Chúa; sự phong phú trong Kinh thánh về sự tự hiểu của Giáo hội như một sự hiệp thông giữa các môn đệ trong sứ vụ; Công Đồng nhấn mạnh rằng mọi người trong Giáo hội được mời gọi nên thánh, đặc biệt nhờ phụng vụ; Công Đồng bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền dân sự đầu tiên, đó là tự do tôn giáo; cam kết của Công Đồng đối với các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn tập trung vào sự thật. Đúng là đã có những sự bóp méo những giáo huấn này; nhưng đổ lỗi những lệch lạc này cho chính giáo huấn là một sai lầm phân tích nghiêm trọng.

Một Công giáo mà không thể phân biệt với Tin lành tự do thì không có tương lai. Một Công giáo mà cố gắng tái tạo một quá khứ phần lớn chỉ là ảo tưởng thì cũng không có tương lai. Công giáo có tương lai là Công giáo của Công đồng Vatican II, được hiểu đúng và thực hiện đúng. Đó hóa ra lại là Công giáo sống động của thời nay, và vị giáo hoàng kế tiếp cũng nên nhận ra điều đó.

 

(*) George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm chính sách công và đạo đức của Washington, nơi ông giữ chức Chủ tịch hội nghiên cứu Công giáo William E. Simon. Ông là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách, bao gồm Nhân chứng hy vọng: Tiểu sử của Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1999), Sự kết thúc và khởi đầu: Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Chiến thắng của tự do, những năm cuối cùng, di sản (2010) và Sự trớ trêu của lịch sử Công giáo hiện đại: Giáo hội đã khám phá lại chính mình và thách thức thế giới hiện đại để cải cách. Cuốn sách mới của ông, Giáo hoàng kế tiếp: Sứ vụ của Phêrô và một Giáo hội thi hành sứ vụ, được Ignatius Press xuất bản vào ngày 7 tháng 7.

 

https://www.catholicworldreport.com/2020/07/15/the-next-pope-and-vatican-ii/

 

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.



[1] ND: Catholic Lite ( hoặc Catholic light) là một từ được sử dụng tương đối phổ biền để nói về bản chất của Giáo hội Giám lý (Episcopal Church), còn gọi là Giáo hội Tân giáo Hoa Kỳ, giống với Giáo hội Công giáo Rôma về mặt thực hành phụng vụ, có nguồn gốc từ Giáo hội Anh tại các thuộc địa của Mỹ , và nhấn mạnh sự liên tục với Giáo hội phương Tây phổ quát đầu tiên và tuyên bố duy trì sự kế vị tông đồ (mặc dù các giáo hội Công giáo và Chính thống không công nhận điều này).


Tủ Sách Giáo Lý