CHƯƠNG V :

 

DẪN VÀO LỜI CHÚA VÀ CÔNG BỐ LỜI CHÚA

 

Giáo lý trình bầy Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa chính là nội dung của Giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn mạch chủ yếu của Giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiêu. Bộ sách Giáo lý phổ thông nói chung và sách Giáo lý khối Kinh Thánh nói riêng luôn luôn khởi đầu bằng một đoạn Thánh Kinh liên hệ tới đề tài Giáo lý. Trong chương này chúng ta nói tới phương pháp trình bầy phần “DẪN VÀO LỜI CHÚA” và phần “CÔNG BỐ LỜI CHÚA” trong tiết dạy giáo lý.

I. Dẫn vào Lời Chúa

   A. Mục đích :

Mục “Dẫn vào Lời Chúa” có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa  sắp được công bố.

  B. Phương Pháp

Chúng ta dùng một câu chuyện, một sự kiện hay một biến cố nào đó liên quan tới đoạn Thánh Kinh sắp công bố để chuẩn bị tâm hồn các em lắng nghe Lời Chúa.

   C. Sử dụng chuyện kể.

      1- Phân loại :

        Chúng ta có thể phân chia chuyện kể thành bốn thể loại :

 Chuyện Thánh Kinh :

Trong Thánh Kinh Cựu và Tân ước có rất nhiều câu chuyện để dẫn vào Lời Chúa. Những chuyện này dùng để trình bày Giáo lý thì rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất và nội dung tôn giáo của chúng. Hơn nữa, việc chuyển từ câu chuyện sang áp dụng Lời Chúa, vào đề tài Giáo lý lại rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc.

Ví dụ :

* Cựu ước : - Chuyện Cain và Aben : Thiên Chúa thấu biết mọi sự

                - Noe và đại hồng thuỷ : Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi.

* Tân ước : - Bão táp yên lặng (Mc 4, 25-31): Chúa Giêsu quyền phép. Phải có lòng tin khi gặp thử thách.

- Người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện (Lc18) : Thiên Chúa nhận lời kẻ khiêm nhường.

  ‚ Chuyện lịch sử Giáo hội và hạnh các thánh :

    Đây cũng là kho tàng chứa đựng nhiều câu chuyện để trình bày các đề tài Giáo lý. Tuy nhiên, cần trung thực, nên tránh những chi tiết ly kỳ, huyền thoại, phi lịch sử có thể làm hại đức tin cho trẻ sau này. Nên chọn lựa kỹ lưỡng, trình bày khéo léo và ứng dụng hợp lý.

Ví dụ :

- Cuộc đời Thánh Phaolô : ơn gọi làm tông đồ.

- Cuộc đời Thánh Phanxicô Xaviê : lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn và mở rộng nước Chúa.

- Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu : tinh thần phó thác và cậy trông.

      ƒ Chuyện ngụ ngôn, chuyện đời xưa, chuyện cổ tích.

Đây là kho tàng kho tàng văn hóa dân gian, qua lối nói văn chương, những câu chuyện này tiềm ẩn những bài học sâu sắc. Khi chọn những câu chuyện này, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu chuyện để việc dẫn vào Lời Chúa không gượng ép lạc đề.

      „ Những chuyện đời thường hay thời sự.

Những câu chuyện xảy ra hàng ngày, những biến cố thời sự cũng có thể dùng để dẫn vào Lời Chúa. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng, cần hội đủ hai điều kiện :

-            Thích hợp với đoạn Lời Chúa sắp công bố.

-            Có thể chuyển mạch từ câu chuyện sang Lời Chúa cách dễ dàng, không gượng ép giả tạo.

Ví dụ :  - Gương hy sinh tận tụy của một người mẹ

- Lòng tốt của một cậu bé.

2. Nguyên tắc chọn và sử dụng chuyện kể.

  Có bốn nguyên tắc quan trọng :

   Lên chương trình cẩn thận.

Câu chuyện được chọn phải ăn khớp với ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố và bài học Giáo lý.

  ‚ Chọn chuyện phù hợp với lứa tuổi.

Chúng ta có thể dùng các loại truyện trên để dẫn vào Lời Chúa, nhưng hãy chọn truyện nào phù hợp với từng lứa tuổi.

Ở tuổi 13 tới 15 (khối Kinh Thánh),chúng ta sử dụng các loại: Truyện dũng cảm, thiên nhiên, thời sự.

  ƒ Chuẩn bị kể chuyện cẩn thận  :

Cần đọc trước câu chuyện mà chúng ta muốn sử dụng. Cố tìm cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của câu chuyện. Nếu chính chúng ta không cảm thấy hứng thú thì các em học sinh cũng sẽ cảm thấy như thế, nên đừng chọn.

  „ Đừng “lên lớp”:

Hãy kể chuyện như là chuyện, đừng vội nhấn mạnh đến những điểm chính hoặc tính cách luân lý của câu chuyện.

3. Nghệ thuật kể chuyện.

     Kể chuyện là nghệ thuật để lôi cuốn sự chú ý của các em vào Lời Chúa sắp công bố, để minh họa bài học Giáo lý thêm dễ hiểu, dễ nhớ. Nó là một kỹ năng cần thiết của Giáo lý viên. Vì thế, cần thiết phải nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật kể chuyện.

       Chuyện kể hay phải có các yếu tố sau đây :

a. Có nội dung hay và tính chất hấp dẫn : có đối thoại, mô tả, gợi cảm.

b. Cảm hứng ngay từ đầu và có kết thúc linh hoạt, không dài dòng.

c. Liên quan đến người nghe : rút được bài học, dẫn đến chân lý.

      ‚ Người kể chuyện hay và hấp dẫn cần phải :

a. Thích câu chuyện và muốn người khác nghe.

b. Nắm vững kết cấu câu chuyện.

           c. Chuẩn bị chuyện cách chu đáo, có thể bắt chước giọng nói, điệu bộ của nhân vật trong chuyện.

          d. Biết thay đổi giọng nói cho phù hợp với tình tiết, rõ ràng, nhanh, chậm, to, nhỏ, vừa.

4. Câu chuyển mạch.

Câu chuyện có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa sắp công bố, nên từ cuối câu chuyện ta phải có một vài câu chuyển mạch để giới thiệu Lời Chúa các em sắp nghe.

Sau đây là nội dung câu chuyển mạch bao gồm :

- Ý chính của câu chuyện.

- Ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố.

- Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.

5. Một vài lưu ý :

Câu chuyện luôn luôn là và chỉ là một phương tiện giúp các em chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa và bài học Giáo lý nên :

-          Cần ngắn gọn, không nên sa đà vào câu chuyện. Hãy loại bỏ các ý phụ, chọn những ý chính liên quan.

-          Không giải thích, rút ra bài học từ câu chuyện. Chúng ta chỉ kể chuyện mà thôi và dùng một vài câu chuyển tiếp dẫn vào Lời Chúa các em sắp nghe.

Ví dụ : Giáo lý Kinh Thánh II, bài 18 :

BỮA TIỆC LY VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

- Lời Chúa : Ga 13, 1 – 15.

- Dẫn vào Lời Chúa :

 Truyện kể :

Ngày 10 tháng giêng năm 1938, một chuyến xe lửa chạy từ miền Bắc xuống miền Nam Colombia  thuộc Nam Mỹ, bất ngờ bị trật đường ray làm rất nhiều hành khách bị thương và tử vong. Trong số những người quằn quại leo ra được khỏi con tàu thảm hoạ ấy có cha Phénice, một tu sỹ Dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng, một phần ruột bị tuột ra khỏi phần bụng.

Nhận ra cha, các bác sỹ và y tá của đoàn cứu hộ đã vội chạy đến ân cần săn sóc. Nhưng cha ra hiệu bảo họ cứ đi lo cứu giúp những nạn nhân khác. Phần mình, cha cố gắng hết sức để tự nhét mớ ruột lòng thòng vào ổ bụng, dùng băng vải buộc chặt bên ngoài, rồi gắng chịu đau để lết đi, tìm những hành khách bị thương nặng để giải tội cho họ. Được một lúc khá lâu sau đó, cha kiệt sức ngã quỵ. Các y tá chạy lại và kịp nghe được tiếng thì thào của Ngài trong cơn đau đớn đến tột cùng : “Tạ ơn Chúa đã cho con có thì giờ để kịp làm những điều cần thiết nhất cho anh em con”.

Chiếc xe cấp cứu  vội đưa cha Phénice tới bệnh viện, nhưng chỉ vài giờ sau, Ngài trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy cha mới có 36 tuổi.

‚ Câu chuyển mạch :

Hành động hy sinh của cha Phénice nhắc nhở chúng ta nhớ đến hành động của Chúa Giêsu  : Trước khi bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Chúa đã tỏ hết tình yêu thương đối với các môn đệ, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể. Những điều đó đã được Thánh Gioan ghi lại rất chi tiết trong chương 13, 1-15. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe.

D. Sử dụng sự kiện :

Ngoài các câu truyện, chúng ta có thể sử dụng các sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày như tin tức thời sự, thể thao, văn hóa, tôn giáo... trong giáo xứ, đất nước, trên thế giới để soạn phần dẫn vào Lời Chúa. Các sự kiện trên dễ lôi cuốn, tác động, khêu gợi tâm tình của các em.

Để có thể sử dụng các sự kiện trong việc giảng dạy giáo lý có hiệu quả, chúng ta sẽ phân loại các sự kiện và trình bày một số nguyên tắc khi trình bày sự kiện.

1. Phân loại sự kiện :

  a. Theo bản chất sự kiện :

- Sự kiện trần thế : gồm những tin tức thời sự, các biến cố đã, đang xảy ra trên thế giới, quê hương và ngay tại giáo xứ chúng ta.

Ví dụ : Biến cố 11/9/2001, máy bay đâm vào toà nhà Tháp Đôi, trung tâm thương mại thế giới, làm hơn 3. 000 người chết …

Tai nạn xe hơi, xe hai bánh …

  b. Sự kiện đời sống Hội Thánh :

Gồm các tin tức thời sự liên quan đến Hội Thánh.

Ví dụ : Năm Thánh, Đại hội Giới trẻ thế giới, Phong thánh …

  c. Theo công dụng sự kiện :

- Sự kiện tương tự : giữa thực tại tôn giáo muốn trình bày và một kinh nghiệm sống nào đó có một cái gì tương tự, mặc dầu mỗi bên ở một bình diện khác nhau. Ta dùng kinh nghiệm sống này giúp các em hiểu ý nghĩa thực tại tôn giáo.

    Ví dụ :   * Tình yêu gia đình giúp hiểu Mầu Nhiệm Ba Ngôi.

* Bữa tiệc thân hữu giúp hiểu bữa tiệc Thánh Thể.

- Sự kiện chứng từ : Những gương người thật cho thấy Lời Chúa đã tác động và hoán cải đời sống con người ra sao. Loại sự kiện này có khả năng đánh động tâm tình cách sâu sắc.

Ví dụ : Nhờ Lời Chúa : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?” (Lc 9, 25) mà Thánh Phanxicô Xaviê đã bỏ danh vọng, gia nhập Dòng Tên và trở thành một vị truyền giáo xuất sắc ở Á Đông – trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo.

- Sự kiện minh chứng :

Là những sự kiện minh chứng một chân lý của Thiên Chúa hoặc một tính chất của Giáo hội.

Ví dụ : Kitôâ giáo là đạo của tình thương. Bằng chứng là có nhiều tu sĩ nam nữ tự nguyện phục vụ người bệnh, người nghèo (Đức cha Cassaigne phục vụ người cùi ở Dilinh …).

- Sự kiện giải thích :

Là những sự kiện có thể giải thích cách đơn giản, dễ hiểu một ý niệm trừu tượng, khó hiểu.

Ví dụ : Trong đám giỗ của một gia đình bên lương, sau khi dâng lễ cúng ông bà, mọi người đem xuống chia nhau cùng ăn, sự kiện này có thể giúp chúng ta hiểu tương quan giữa hai ý nghĩa : “Hiến tế” (dâng lễ) và “Hiệp lễ” (Rước lễ) của Thánh lễ.

2. Một số nguyên tắc trình bày sự kiện :

Khi trình bày sự kiện trong việc dạy Giáo lý, chúng ta nên tuân theo một số quy luật sau đây :

  a. Đúng địa chỉ :

Sự kiện trình bày phải ở trong tầm kinh nghiệm của các em, thích hợp với lứa tuổi, trình độ văn hóa … của các em.

  b. Đúng lúc kịp thời :

Những sự kiện đã xảy ra quá lâu hoặc diễn ra ở một nơi xa xôi mà các em chưa hề nghe nói đều thiếu tính thời sự và khó mà gây được tâm tình nào nơi các em.

  c. Khai thác tối đa nội dung phong phú của sự kiện.

  d. Chọn những sự kiện hoặc trình bày sự kiện dưới góc cạnh liên quan đến các em và gây thích thú cho các em.

  e. Chọn những sự kiện mà chính Giáo lý viên cảm thấy chúng đánh động lòng mình ý nghĩa tôn giáo mà chính mình muốn truyền đạt.

  f. Sự kiện được sử dụng phải có khả năng dẫn tới mầu nhiệm, để qua sự kiện, các em tìm đến chân lý mạc khải. Sự kiện đưa ra không phải chủ đích. Chủ đích là chân lý mạc khải. Do đó sự kiện chỉ là một khởi điểm, một phương thế có vai trò trung gian.

3. Lợi ích và giới hạn của việc sử dụng sự kiện trong việc dạy giáo lý :

  a. Lợi ích :

- Thiết thực, sống động, dễ lôi cuốn.

- Giúp các em thấy mạc khải và đức tin không phải ở bên lề cuộc sống, nhưng bao trùm và thâm nhập cuộc sống đến từng chi tiết nhỏ nhất.

  b. Giới hạn :

- Các sự kiện, biến cố tuy nhiều và phong phú nhưng không thể trình bày trọn vẹn toàn bộ mạc khải. Chúng chỉ là phương thế giúp con người dễ hiểu và đón nhận mạc khải hơn.

- Bản chất các sự kiện, biến cố cũng không soi sáng được các thực tại siêu nhiên. Chúng chỉ là những hình bóng xa xôi giúp chúng ta đón nhận chân lý mạc khải mà thôi.

Ví dụ: Chúa Giêsu đã dùng sự kiện vừa xảy ra để giáo huấn về việc ăn năn sám hối:

Đang khi Chúa Giêsu kêu gọi người ta hoán cải, có người đến nói với Ngài về chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết và có 18 người bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, Người nói :

“Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn mấy người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ?  Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không ăn năn sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy. Cũng như 18 người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao ? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13, 1-5)

II. Công bố Lời Chúa

1. Cách công bố Lời Chúa :

Cũng như phần Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, người đọc Lời Chúa làm như sau :

-Mở đầu bằng : “Bài trích sách... ”

-Đọc Lời Chúa.

-Kết thúc bằng : “Đó là Lời Chúa. ”

2. Người công bố Lời Chúa và người nghe Lời Chúa.

Chính Giáo lý viên hay một em học sinh công bố Lời Chúa. Để việc công bố Lời Chúa được nghiêm trang và sinh hiệu quả, người công bố phải xem trước đoạn Lời Chúa. Khi  công bố, người đọc đọc to tiếng, chậm rãi, ràng. Giáo lý viên cho các em học sinh đứng nghiêm trang, yên lặng và cung kính khi nghe Lời Chúa.

3. Giá sách để sách Thánh Kinh.

- Nên có một giá sách để sách Thánh Kinh :

Sau khi công bố xong, quay sách Thánh Kinh hướng về các em học sinh.

- Nên có một ngọn nến cháy sáng và một bình bông nhỏ ở giá sách để các em ý thức sự hiện diện của Chúa nơi Lời Chúa và chính Chúa đang nói với các em.

* BÀI TẬP : Hãy chọn một bài Giáo lý khối Kinh Thánh và soạn phần dẫn vào Lời Chúa  bằng một câu chuyện hoặc một sự kiện.