CHƯƠNG VI.

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

 

I. MỤC ĐÍCH:

Việc giải thích Lời Chúa giúp các em học sinh hiểu bài Giáo lý. Mục này gồm các phần sau đây :

- Dẫn giải Lời Chúa vừa công bố.

- Học sinh thảo luận.

- Đúc kết thảo luận.

- Giải thích bài học Giáo lý.

II. DẪN GIẢI ĐOẠN LỜI CHÚA VỪA CÔNG BỐ.

Giáo lý viên đặt câu hỏi hay giải thích để giúp các em hiểu và nắm bắt được ý chính của đoạn Lời Chúa vừa công bố, chuẩn bị các em thảo luận theo tổ đoạn Lời Chúa đó :

- Đoạn Lời Chúa trích từ sách nào ?

- Ở đâu, khi nào, tại sao ?

- Chia đoạn văn làm mấy phần ? Mỗi phần nói gì ?

Ví dụ : Sách Giáo lý Kinh Thánh 2, bài 9:

Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Lời Chúa : Mt 6, 9-13.

Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố :

- Đoạn Lời Chúa vừa nghe do ai viết ? (Mát thêu)

- Thời gian viết ? (khoảng năm 80)

- Nội dung của đoạn Lời Chúa là gì ? (Kinh lạy Cha).

- Kinh lạy Cha gồm mấy phần ? (gồm 3 phần).

- Phần I : “Lạy Cha chúng con ở trên trời”: Chúa Giêsu dậy ta biết Thiên Chúa  là Cha chúng ta

- Phần II : Ba lời nguyện xin cho Chúa :

 Xin cho mọi người nhận biết Cha.

‚ Xin cho triều đại Cha mau đến.

ƒ Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất.

- Phần III : Bốn lời cầu xin cho con người:

 Xin cho đủ lương thực cần dùng

‚ Xin Cha tha tội.

ƒ Xin đừng để sa chước cám dỗ.

„ Xin cứu khỏi sự dữ.

III. THẢO LUẬN THEO TỔ:

1. Đáp ứng đặc tính tâm lý của các em:

Ở lứa tuổi này, các em thích sinh hoạt theo nhóm và thích tự mình khám phá và suy luận. Do đó,  chúng ta sẽ cho các em đi tìm ý nghĩa đoạn Lời Chúa vừa công bố qua việc thảo luận theo tổ.

2. Thảo luận theo các câu hỏi cho sẵn.

Đoạn Lời Chúa trong các bài Giáo lý khối Kinh Thánh có hai dạng : Chuyện kể và  bài giảng.

a- Nếu là chuyện kể  thì các em sẽ thảo luận theo các câu hỏi sau đây:

1- Đoạn văn nói tới những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính?

2- Câu nào hoặc cụm từ nào tóm tắt được ý chính cả đoạn ?

3- Hãy đặt cho đoạn Lời Chúa một tựa đề ngắn.

b- Nếu là một bài giảng thì các em sẽ thảo luận theo các câu hỏi sau đây :

1- Đoạn văn có những từ ngữ nào (hoặc cụm từ nào) quan trọng. Từ ngữ (cụm từ) nào chính yếu nhất ?

2- Câu nào hoặc cụm từ nào tóm tắt được ý chính cả đoạn ?

3- Hãy đặt cho đoạn Lời Chúa một tựa đề ngắn.

Lưu ý : Những câu hỏi này được ghi ngay ở đầu các sách Giáo lý Kinh Thánh 1-2-3, trang 4; trong mục: Tìm trọng tâm.

Thời gian thảo luận theo tổ là 5- 8 phút.

IV. ĐÚC KẾT THẢO LUẬN.

Sau khi đã thảo luận theo tổ xong, chúng ta tập họp các em lại và đúc kết.

Trong phần đúc kết,  chúng ta cho mỗi tổ phát biểu phần trả lời các câu hỏi của mỗi tổ, ghi lên bảng và cho các tổ khác góp ý.

Chúng ta chọn câu trả lời đúng nhất và cho các em học sinh ghi vào vở rồi Giáo lý viên tóm ý dẫn vào bài học.

Ví dụ  về chuyện kể :

Giáo lý Kinh Thánh 1, bài 1:

Thiên Chúa nói với ta.

- Lời Chúa : Samuel 3, 1 -10. 19.

- Thảo luận :

 Các nhân vật : - Thiên Chúa, Samuel, Hêli.

 -  Nhân vật chính : Thiên Chúa.

‚ Câu tóm ý chính : “Samuel thưa : Lậy Thiên Chúa  xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe. ”

ƒ Tựa đề ngắn : Thiên Chúa nói với Samuel.

  Ví dụ về bài giảng:

Giáo lý Kinh Thánh 1 bài 23

Lương tâm và Luật Chúa hướng dẫn ta.

- Lời Chúa : 1 Côrintô 4, 3-5.

- Thảo luận:

 Các từ ngữ quan trọng : -  anh em, lương tâm, toà đời

  - Từ  ngữ chính : Lương tâm.

‚ Câu tóm ý chính : Tôi không thấy lương tâm áy náy.

ƒ Tựa đề ngắn : Sống theo lương tâm.

V. GIẢI THÍCH BÀI HỌC

Bài học được quảng diễn trong sách học sinh, dài khoảng 3 đến 4 trang (khổ 14 cm x 20 cm) và chứa khoảng 900 đến 1. 200 từ. Thời gian dành cho phần bài học thường chỉ kéo dài trong 15 phút. Do đó, ở các lớp Kinh Thánh, chúng ta cần đòi hỏi các em học sinh xem trước bài học để có thể tiến hành gọn gàng theo hai cách sau đây :

 Hoặc chính các Giáo lý viên nói cách  tóm lược các điểm chính của từng phần- cho các em đọc chung phần đó hoặc một em đọc và các em khác theo dõi - Rồi Giáo lý viên dựa vào PHẦN GHI NHỚ  trong sách học sinh để tóm tắt ý chính - ghi lên bảng cho các em ghi vào vở.

Sau đó tiếp tục các phần tiếp theo.

‚ Hoặc học sinh đại diện mỗi tổ trình bầy nội dung của mỗi phần của bài học, Giáo lý viên bổ túc nếu cần, cho các em đọc chung phần đó hoặc một em đọc các em khác theo dõi - Giáo lý viên ghi ý chính lên bảng để các em ghi vào vở.

Sau đó tiếp tục các phần tiếp theo.

Sau khi đã tìm hiểu xong các phần, Giáo lý viên tóm tắt ý chính cả bài và cho các em ghi vào vở.

 

² BÀI TẬP : Hãy chọn một bài Giáo lý trong khối Kinh Thánh và soạn phần thảo luận.