Bài 1 :

 

PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO

 

“Danh từ ‘Phụng Vụ’ theo nguồn gốc, có nghĩa là ‘việc công khai’, ‘việc do dân và vì dân’. Theo truyền thống Kitô giáo, danh từ này muốn nói: ‘Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa’. Qua Phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu chuộc trong Hội Thánh, với Hội Thánh và qua Hội Thánh”    (GLHTCG 1069)

 

Phụng vụ không những để chỉ nghi lễ tôn thờ Thiên Chúa, mà còn là việc rao giảng Tin Mừng và thực thi bác ái. Vì thế, Phụng vụ có hai mục tiêu rõ rệt : vừa phục vụ Thiên Chúa, vừa phục vụ con người.

I. DANH TỪ PHỤNG VỤ

Danh từ Phụng vụ có nguồn gốc tiếng Hy Lap : Leiturgia, được ghép bởi hai chữ : Laos nghĩa là dân chúng và Ergon là công việc. Theo nghĩa đó, phụng vụ chỉ công việc của dân chúng có tính công ích. Vào đầu thế kỷ II trước Chúa Kitô, danh từ Leiturgia mang thêm một ý nghĩa mới để ám chỉ các việc thờ phượng công cộng, và được người Do Thái sử dụng trong bản dịch Thánh Kinh Hy Lạp (bản LXX) để ám chỉ các việc phượng tự của các tư tế trong đền thờ.

Các sách Tân Ước cũng sử dụng từ Leiturgia, không những để chỉ nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa (Cv 13,2; Lc 1,23) mà còn ám chỉ việc rao giảng Tin Mừng (Rm 15,16); chỉ việc bác ái (2Cr 9,12).

Sau thời các tông đồ, danh từ Leiturgia vừa chỉ sự phục vụ Thiên Chúa, vừa chỉ sự phục vụ cộng đoàn, hoặc có khi chỉ đích danh việc cử hành Thánh Thể. Mãi sau này, Giáo Hội Công Giáo chính thức dùng từ Liturgia trong bộ Giáo Luật 1917 để diễn tả thẩm quyền của Hội Thánh trong việc cử hành phụng vụ và chức năng tư tế của các Kitô hữu. Sách Giáo lý chung (GLHTCG 1069) cũng dùng danh từ này để chỉ công trình cứu chuộc của Chúa Kitô được tiếp tục trong Hội Thánh.

II. PHỤNG VỤ LÀ GÌ ?

Phụng vụ là một thực tại sinh động, phong phú và duy nhất nên người ta chỉ có thể định nghĩa Phụng vụ dựa theo bản chất và các đặc tính của Phụng vụ. Phụng vụ không phải là chỉ là những dấu chỉ khả giác hay một lễ nghi lộng lẫy và thần bí. Phụng vụ cũng không phải là một tổng hợp những luật chữ đỏ chỉ dẫn cách thực hành. Công đồng Vatican II xác định : “Phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội” (PV 7).

Dựa vào một vài yếu tố chính yếu của cử hành Phụng vụ, ta có thể nói : Phụng Vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh.

Như vậy một cử hành có tính Phụng Vụ đòi phải có ba yếu tố :

- Phải là nghi lễ chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát theo sáng kiến cá nhân.

- Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, và cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh đã ấn định.

- Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì Phụng Vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình.

III. PHỤNG VỤ VÀ VIỆC ĐẠO ĐỨC

Phụng vụ là các lời kinh hay cử hành chính thức của Hội Thánh nhằm biểu lộ đức tin công khai vào các thực tại thánh (Thánh lễ, 7 Bí tích, các giờ Kinh Phụng vụ, các Phụ tích), còn các việc đạo đức cũng nhằm diễn tả đức tin của dân Chúa bằng những hình thức khác nhau tùy theo địa phương. ‘Lòng đạo đức bình dân’ chỉ những biểu hiện phượng tự mang tính cá nhân hay cộng đồng, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, tuy không theo thể thức của phụng vụ, nhưng đã vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay một địa phương.

Đặc trưng của lòng đạo đức bình dân là lối diễn tả đa dạng và phong phú của những cử điệu và biểu tượng. Ví dụ: tập qúan hôn hay vuốt tay vào ảnh tượng thánh, thánh tích, đi hành hương chân trần, rước kiệu, dâng nến, dâng hoa, dâng bảng tạ ơn, đeo ảnh... Những biểu hiện ấy được truyền lại từ đời nọ sang đời kia đều là những cách thức tiếp cận đơn giản nhằm biểu lộ ra bên ngòai những tình cảm chân thực trong tâm hồn tín hữu. Thiếu chiều kích nội tâm này, những cử chỉ biểu trưng kia có nguy cơ rỗng tuếch hoặc biến thành dị đoan.

Mặc dù Hội Thánh vẫn cổ võ lòng đạo đức bình dân, song các Kitô hữu cũng cần hiểu rõ :

“Tự bản chất phụng vụ vượt xa các việc đạo đức; việc đạo đức chỉ nối dài chứ không thay thế phụng vụ; các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến tham dự tích cực vào phụng vụ, chứ không được phép làm lu mờ các cử hành phụng vụ” (GLHTCG 1675).

IV. NỘI DUNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Mầu nhiệm Chúa Kitô Tử Nạn Phục Sinh là tột đỉnh của mầu nhiệm cứu độ, và là trung tâm của mọi cử hành phụng vụ Kitô giáo. “Trong Phụng vụ, điều chính yếu Hội Thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta. Trong Phụng vụ, Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, để các tín hữu làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới” (GLHTCG 1067).

Vì thế, phụng vụ còn được gọi là việc Hội Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (TN & PS) để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.

Cử hành ở đây được hiểu vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hoá mầu nhiệm cứu độ. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, lập lại, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng song đi vào đời sống chúng ta hôm nay một cách mầu nhiệm.

Tại sao vậy ? Đức Giêsu là con người nên bất cứ hành động nào của Ngài đã xảy ra đều đi vào quá khứ, nhưng Đức Giêsu còn là Thiên Chúa nên hành vi của Ngài mãi mãi là hiện tại, như lời sách Khải Huyền: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn năng” (Kh 1,8). Hai bản tính này tuy khác nhau nhưng không thể tách rời nơi Đức Giêsu Kitô nên cử hành mầu nhiệm Chúa chết và sống lại là tưởng niệm một sự việc đã xảy ra trong thời gian của quá khứ, nhưng sự việc này vẫn tiếp diễn trong thời gian của ngày hôm nay dưới tác động của Chúa Thánh Thần khi Hội Thánh cử hành Phụng vụ. Vì thế mà Hội Thánh, theo Lời Chúa dạy, vẫn tiếp tục lập lại việc cử hành này cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang :

“Phụng vụ Kitô giáo không chỉ gợi nhớ, nhưng còn làm cho những biến cố cứu độ hiện diện và tác động trong hiện tại. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô được cử hành chứ không phải được lập lại. Chúng ta chỉ lập lại việc cử hành, và mỗi lần như thế, Chúa Thánh Thần hiện tại hoá mầu nhiệm độc nhất này” (GLHTCG 1104)

V. CHỦ ĐÍCH PHỤNG VỤ

Chúa Kitô khi hiến thân chịu chết là Ngài muốn tôn vinh Thiên Chúa là Cha và cầu mong Thiên Chúa xá tội để con người được cứu độ. Đó là sứ vụ của Con Thiên Chúa khi xuống làm người, và đó cũng là công việc của Hội Thánh khi tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô. Cả hai chiều kích này liên kết và gắn bó với nhau vì phụng vụ không đứng biệt lập và dửng dưng với các thực tại nhân sinh.

1) Tôn thờ Thiên Chúa là thái độ của thụ tạo được cứu độ được biểu lộ qua những động tác sau đây :

- Ca tụng và tạ ơn vì những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ.

- Tuyên xưng đức tin tông truyền vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần.

- Chiêm ngắm các công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, vừa là tưởng niệm, vừa làm sống lại tác động của Thiên Chúa trong đời sống mỗi người chúng ta.

- Thờ lạy biểu hiện sự lệ thuộc và kính trọng Đấng Tạo dựng và Cứu độ.

- Cậy trông vào tình tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa.

- Yêu mến vì cảm nhận được tình thương trao ban của Thiên Chúa.

2) Cầu mong ơn cứu độ được biểu lộ qua những động tác sau đây :

- Nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, và chỉ biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà hành động.

- Sám hối là thái độ khiêm nhường, đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Trong phụng vụ, sám hối thường là cử chỉ đi trước để chuẩn bị cho các cử hành thánh sắp diễn ra.

- Cầu xin là cầu mong Thiên Chúa trợ giúp cho những nhu cầu tâm linh và vật chất trong đời sống con người. Tất cả những gì là cần thiết cho con người và cho Nước Chúa đều là đối tượng của mọi lời cầu xin.

- Hy vọng là hướng đến viễn tượng cánh chung là cùng đích của đời sống con người và thế giới.

VI. BẢN CHẤT CỦA PHỤNG VỤ

Công đồng Vatican II xác định bản chất của phụng vụ như sau:

“Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô; trong đó, công cuộc thánh hoá con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người. Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không có một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (PV 7).

Như thế, bản chất của phụng vụ gồm những yếu tố căn bản này:

1) Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Kitô họat động trong phụng vụ với tư cách là Đầu của Thân Thể để ‘chính nhờ Người, với Người, và trong Người’ mà chúng ta được thánh hóa và chúc lành.

2) Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông ban ân sủng cho con người.

3) Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể. Trong các cử hành phụng vụ, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện để chủ tọa qua các thừa tác viên có chức thánh và những người được Giáo Hội ủy nhiệm. Các động tác phụng vụ không phải là động tác riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào, nhưng là động tác của toàn thể Hội Thánh. Nói đúng hơn là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài. Do đó, trong phụng vụ mỗi người có công việc riêng, phận sự riêng, song tất cả đều phục vụ ích lợi chung của Hội Thánh.

4) Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cho cộng đòan tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô; gợi nhớ và biểu lộ Chúa Kitô cho cộng đòan; và chính Chúa Thánh Thần làm cho công trình cứu độ của Chúa Kitô hiện diện và tác động trong hiện tại, đồng thời làm cho ơn hiệp thông trong Hội Thánh sinh hoa kết trái.

 Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các tông đồ. Các tông đồ được Chúa Kitô ủy thác cho sứ mạng thánh hóa dân Chúa khi các ngài nhận lãnh Chúa Thánh Thần, và cũng do quyền năng Thánh Thần mà các ngài chuyển giao quyền thánh hóa ấy cho những người kế vị. Vì thế, chỉ có phụng vụ Kitô giáo đúng nghĩa khi việc phụng vụ ấy được cử hành dưới quyền điều khiển của vị giám mục, người kế vị các tông đồ. Khi vị giám mục chủ tọa cộng đòan phụng vụ, ngài hành động trong tư cách là đầu, có các cộng sự viên bao quanh như là linh mục, phó tế, các thừa tác viên và dân Chúa tạo nên một cộng đòan hiệp nhất (PV 41); hoặc có thể nói một cách mạnh mẽ rằng người ta không thể chủ tọa phụng vụ cách hợp pháp khi bị giám mục ngăn cấm.

Công đồng Vatican II mời gọi các vị mục tử không những phải chú tâm tuân giữ các luật lệ trong các họat động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, mà còn phải làm cho các tín hữu tham dự phụng vụ cách ý thức, linh động và tích cực (PV 11).

VII. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1* Sứ mạng của Giáo lý viên :

Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu độ (s.73) mô tả các giáo lý viên như “những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp, những người loan báo Tin Mừng không thể thiếu; họ là những người tiêu biểu cho sức mạnh cơ bản của các cộng đòan tín hữu, đặc biệt trong các Giáo Hội trẻ” .

Giáo Luật (785 $1) cũng đề cao Giáo lý viên như là “những giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy giáo lý Tin Mừng và tổ chức các cử hành phụng vụ cũng như các việc bác ái”.

Trong việc đào tạo giáo lý viên, Đức giáo hòang Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh : “Ngay trong việc phục vụ Tin Mừng cơ bản, cũng phải có nhiều ‘thợ’. Dù không bỏ qua số lượng, chúng ta ngày nay phải hết sức quan tâm đến chất lượng của giáo lý viên” (GLV 5).

Trước những kỳ vọng và sự tin tưởng của Hội Thánh, việc Giáo lý viên trau dồi lòng đạo và học hỏi Phụng vụ là một nhu cầu khẩn thiết trong việc giảng dạy giáo lý để giúp mình và giúp người nên thánh :

“Đức thánh cha Gioan Phaolô II sung sướng tỏ bày: ‘Nhà truyền giáo đích thực, chính là một vị thánh’. Câu này có thể áp dụng ngay cho giáo lý viên. Như mỗi tín hữu, giáo lý viên được mời gọi ‘nên thánh truyền giáo’, nghĩa là thực hiện ơn gọi riêng của mình ‘với lòng nhiệt thành của các thánh’ (GLV 6)

2* Huấn giáo và Phụng vụ :

Phụng vụ là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo nhưng để kín múc được nguồn ơn thiêng đó, các tín hữu cần hiểu và ý thức được việc mình đang tham dự. Dạy giáo lý là làm công việc chuẩn bị đó, góp phần rất hiệu quả cho việc tham dự Phụng vụ. Linh mục cử hành phụng vụ, song Giáo lý viên lại giúp cho các em đón nhận hiệu quả của Phụng vụ :

“Việc dạy giáo lý, về bản chất, được gắn liền với tất cả hoạt động phụng vụ và bí tích ... Việc cử hành chân chính các bí tích đương nhiên có tính cách dạy giáo lý. Nói cách khác, đời sống bí tích sẽ nghèo đi và rất mau trở thành một mớ nghi thức trống rỗng, nếu không dựa trên sự hiểu biết đúng đắn ý nghĩa các các bí tích. Và việc dạy giáo lý sẽ bị tri thức hóa, nếu nó không được sống trong sự thực hành bí tích” (DGL 23).

TÓM LƯỢC :

1* H. Phụng vụ là gì ?

-T. Phụng vụ là việc Hội Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.

2* H. Đâu là những yếu tố chính cấu tạo nên phụng vụ?

-T. Có ba yếu tố chính yếu sau đây làm nên phụng vụ : một là sách nghi lễ chính thức của Hội Thánh; hai là phải do một thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành; ba là phải cử hành đúng nghi thức và nhân danh toàn thể Hội Thánh.

3* H. Cử hành phụng vụ có nghĩa như thế nào ?

-T. Cử hành phụng vụ vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hóa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng, song đi vào đời sống chúng ta hôm nay cách mầu nhiệm, vì hai bản tính nơi Đức Giêsu không bao giờ tách biệt.

4* H. Bản chất của phụng vụ là gì ?

-T. Bản chất của phụng vụ bao gồm những yếu tố sau đây :

. Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện qua thừa tác viên của Hội Thánh.

. Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông chuyển ơn thiêng cho con người.

. Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô gồm Đầu và các chi thể.

. Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cộng đòan tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô, và làm cho công trình cứu độ tác động trong hiện tại.

5* H. Việc phụng vụ và việc đạo đức có tương quan gì với nhau ?

T. Giữa phụng vụ và việc đạo đức có mối liên hệ hỗ tương. Phụng vụ vượt xa các việc đạo đức, còn các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến với phụng vụ; và không được để lòng đạo đức bình dân biến chất hoặc lấn át các cử hành phụng vụ.

CẦU NGUYỆN :

Con yêu Chúa quá muộn màng !

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi,

con đã yêu Chúa quá muộn màng !

Này Chúa vẫn ở trong con mà hồi ấy con cứ ở ngoài,

và cứ tìm Chúa bên ngoài.

Con thật hư hỏng khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Chúa từng ở với con mà con chẳng ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã la to và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức,

và giờ đây con hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử và lúc này đây con đói khát Chúa.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng chạy đi tìm an bình nơi Chúa.

Thánh Augustinô

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà