Bài 26 : 

CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA

Cv 1, 3-11

 

I.       CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên mỗi người chúng con, giúp chúng con hiểu sự kiện và ý nghĩa mầu nhiệm Chúa lên trời, và xin giúp chúng con luôn biết hướng lòng về quê hương trên Trời.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần…

II.    DẪN VÀO LỜI CHÚA

Các em thân mến, chúng ta biết chắc một điều là tất cả mọi người đều phải chết. Ai sống lâu lắm cũng chỉ 100 năm. Khi chết rồi, tùy theo phong tục tập quán của từng nơi mà thân xác con người được đem đi chôn vùi xuống lòng đất (địa táng), buông trôi sông hay bỏ xuống biển ( thủy táng), đem thiêu (hoả táng), hay có những bộ tộc người ta đem người chết treo lên ngọn cây, hay đặt trên đỉnh núi để chim trời đến ăn ( điểu táng)… Nói chung, sau khi chết thân xác con người trở thành cát bụi. Nhưng chúng ta tin rằng: “Ngày tận thế mọi xác phàm sẽ được sống lại” (Kinh Tin kính)

Còn Chúa Giê-su, Ngài cũng đã chết và được chôn trong mộ. Nhưng chỉ đến “ngày thứ ba” (1Cr15,4; Lc 24,46), Ngài đã sống lại và ra khỏi mồ. Ngài đã hiện ra với các môn đệ để chứng tỏ cho các ông thấy Ngài thực sự sống lại. Sau 40 ngày, ngài được rước lên Trời. Chúa giê-su lên Trời như thế nào ? Mời các em lắng nghe thánh Lu-ca tường thuật trong đoạn mở đầu sách Công vụ Tông đồ sau đây :

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Cv 1, 3-11    Thinh lặng giây lát

IV.  GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1.Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố :

-Thánh Lu-ca đã viết sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ vào khoảng năm 80.

Qua đoạn đầu sách Công vụ Tông đồ Lu-ca muốn trình bày : Thăng Thiên là kinh nghiệm của Giáo hội, biểu hiện nơi chứng từ của các môn đồ. Kinh nghiệm về Đức Giê-su đang sống và Thần linh Ngài đang hoạt động tạo ra Giáo hội như một chứng nhân tập thể. Con số 40 ngày có Chúa hiện ra trước lễ Thăng Thiên là một thời gian tượng trưng : thời gian sửa soạn, thử nghiệm, chín muồi, khám phá thêm chiều sâu và suy nghĩ để hiểu biết thêm về mầu nhiệm cứu thế, đó là thời gian mặc khải về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa cách mới. Như thế, trước khi Đức Giê-su rời xa các môn đồ cách vĩnh viễn xét về mặt tiếp xúc trực tiếp hằng ngày, môn đồ được chuẩn bị để lãnh nhận trách nhiệm làm chứng về Đấng Phục sinh.

2.Các em học sinh thảo luận :

  Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể.

a.     Đoạn văn nói tới những nhân vật nào ?

  -Chúa Giê-su, các Tông đồ, ông Gio-an, Thánh Thần, hai người đàn ông mặc áo trắng.

  -Nhân vật chính : Chúa Giê-su.

b.    Câu tóm ý cả đoạn : câu 9

c.      Đặt tựa đề ngắn : Đức Giê-su được rước lên trời.

3.Bài học giáo lý

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Ngài ăn uống thân mật với các ông (Cv 10,41) và dạy dỗ họ về Nước Thiên Chúa ( Cv1,3), Ngài giúp họ hiểu những lời Kinh thánh viết về Ngài, đặc biệt là về cuộc Tử nạn và Phục sinh củaNgài (Lc24,45-46). Ngài hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống và truyền cho họ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian : “Phải nhân danh Thầymà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,47-49)

3.1 Sự kiện :

-          Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19)

-          Sau đó, Ngài dẫn các ông tới Bê-ta-ni-a, rối giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành thì Ngài rời khỏi các ông và được đem lên Trời (Lc 24, 50-51).

-          Nói xong, Ngài được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. (Cv 1,9)

Trong ba đoạn Kinh Thánh trên, việc Chúa Giê-su lên Trời được diễn tả bằng những từ : “được đưa lên trời”, “Được đưa lên trời” hay “được cất lên”. “Được đưa lên Trời” là kiểu nói của Kinh thánh để diễn tả việc Chúa Giê-su được Chúa Cha tôn vinh làm Đức Chúa, tức là Chúa cả vũ trụ, vượt trên hết mọi loài. Chúa là tước hiệu của Đức Ki-tô Phục sinh. “Ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, tức là Chúa Giê-su khởi sự trị vì trong Nước Ngài.

Việc “Lên Trời” là một biến cố vượt hẳn thời gian, nhưng vì nhu cầu giảng dạy và cũng vì đã có một khoảng thời gian Ngài tỏ mình nhiều lần, nên biến cố này được các thánh Sử thuật lại trong thời gian, sau những lần tỏ mình ấy.  Chúa Giê-su lên trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình ở trần gian đề bước vào vinh quang và danh dự dành cho Thiên Chúa.

Trong Bữa tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các Tông đồ : “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chổ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3). Như vậy, Chúa Giê-su lên Trời không phải để lìa xa chúng ta. Với tư cách là Đầu và là Thủ lãnh của chúng ta, Ngài lên trước để chúng ta là những chi thể củangài ngày kia cũng sẽ được lên theo. Ngày nay ở trên trời, Chúa Giê-su là thủ lãnh của ta, là trung gian hằng chuyển cầu với Chúa Cha cho ta và hằng ban Thánh Thần hướng dẫn ta trong Hội thánh (Mt 28,20; Cv2,32; Rm 8,34; 1Ga 2,1)

-Tóm ý : Chúa Giê-su lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình ở trần gian để buớc vào vinh quang và danh dự dành cho Thiên Chúa, mở đường và chuyển cầu cho ta mai sau cũng được huởng vinh phúc với Ngài trong sự sống và vinh quang Thiên Chúa.

3.2 Này, Ta ở cùng các con :

Trong lần hiện ra cuối cùng trước khi lên Trời, Chúa Giê-su nói : “Này, Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chúa Giê-su ở với chúng ta bằng cách nào?

Tại Pa-lét-tin  xưa, người ta đã có thể gặp Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt, nhưng số người được gặp gỡ Ngài như thế không nhiều lắm. Chúa Giê-su phải chấm dứt sự hiện diện hữu hình để vượt khỏi những hạn chế về không gian và thời gian, để có thể gặp gỡ con người mọi nơi, mọi thời và để ai cũng có thể nhận ra được điều Ngài muốn nói : Thiên Chúa yêu thương con người, thích ở với con người và mong con người ở với Ngài. Ngài ở với chúng ta bằng nhiều cách :

-Nơi Hội thánh là thân thể của Chúa. Trên đường đi Đa-mát để bắt các tín hữu Chúa, Sa0-lô (sau này là thánh Phao-lô) đã được Chúa Giê-su hiện ra và nói : “Sao-lô, Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Sao-lô hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 9,1-5)

-Trong Lời Chúa: trong Thánh lễ, chính Đức Ki-tô đang hiện diện và nói với ta qua bài Tin Mừng. Vì thế, ta phải tỏ lòng tôn kính, lắng nghe

-Trong kinh nguyện của Hội Thánh, khi chúng ta cầu nguyện chung với nhau. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

-Trong Thánh lễ và nơi các linh mục. Như xưa Ngài đã tự dâng mình trên Thánh giá thì nay chính Ngài cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục.

-Trong các bí tích do Ngài thiết lập.

-Trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày : “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 31-46)

-Đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Trong bí tích này, Đức Ki-tô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Ngài. Nơi bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô hiện diện với chúng ta một cách đích thực, thực sự và trọn vẹn.

Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhắn nhủ chúng ta : “ Hội thánh và thế giới rất cần tôn thờ Thánh Thể. Đức Giê-su đang chờ chúng ta nơi bí tích Tình yêu này. Phải dành thời gian đến gặp gỡ, tôn thờ và chiêm ngưỡng Ngài với tất cả lòng tin và ước mong đền tạ muôn lỗi lầm thiếu sót của nhân loại. Hãy luôn tôn thờ thánh Thể” ( Bữa Tiệc của Chúa,3).

-Tóm ý : Sau khi lên Trời, Chúa Giê-su vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài hiện diện bằng nhiều cách, đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta cần dành nhiều thời gian đến gặp gỡ, tôn thờ và chiêm ngưỡng Chúa trong bí tích Tình yêu này.

3.3 Này, con ở cùng Chúa:

Chúa Giê-su muốn luôn ở với ta. Còn ta, ta có muốn ở với Chúa không?

Nếu có, ta sẽ khám phá ra Ngài đã để lại chung quanh ta rất nhiều cách để Ngài ở với ta và ta có thể ở với Ngài.

Chúa Giê-su hiện diện trong Lời Chúa, ta có siêng năng đọc Kinh thánh để gặp Chúa không?

Ngài muốn ở với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, ta đã yêu mến Thánh Thể thế nào? Hãy đến viếng Nhà Tạm và khám phá ra Chúa Giê-su đang chờ đợi mình. Hãy đến dự Thánh lễ với tấm lòng ao ước được gặp Chúa…

Ngài muốn ở với ta nơi những anh chị em nghèo khó, đau khổ, tật nguyền, kém may mắn, bị bỏ rơi… Mỗi lần gặp những anh chị em đó, ta có nhận ra hình ảnh Chúa Giê-su không ?

-Tóm ý : Chúa Giê-su muốn luôn ở với ta. Chúng ta cũng hãy luôn ở với Chúa bằng cách siêng năng đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh lễ, viếng Thánh Thể và yêu thương, phục vụ người khác, nhất là những người đau khổ, tật nguyền.

 

*TÓM Ý TOÀN BÀI :     Chúa Giê-su lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình ở trần gian để bước vào vinh quang và danh dự dành cho Thiên Chúa. Ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giê-su là Thủ lãnh của ta, là trung gian hằng chuyển cầu với Chúa Cha cho ta và hằng ban Thánh Thần hướng dẫn ta trong Hội Thánh.

Ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang để tổng kết lịch sử. Ngài sẽ hoàn tất cuộc chiến thắng cuối cùng của sự thiện trên sự ác và quy tụ vạn vật để dâng lên Thiên Chúa Cha trong Trời mới Đất mới.

V.     CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con hoan hỉ dâng lời cảm tạ, vì Con Một Chúa đã lên Trời vinh hiển. Là Thủ lãnh, người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Xin cho chúng con luôn nghiệm thấy Người ở giữa chúng con hằng ngày cho đến tận thế như lời Người đã hứa; để dù đang sống ở trần gian này nhưng chúng con luôn biết hướng lòng về quê hương đích thực trên Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

VI.  SINH HOẠT GIÁO LÝ:   Hát : Chúa về Trời

VII.           BÀI TẬP GIÁO LÝ:    Em hãy chọn câu đúng nhất :

1.Chúa Giê-su lên trời có nghĩa là:

   a.Ngài không ở với con người nữa mà chỉ trở lại vào ngày tận thế.

   b.Ngài vẫn ở với con người cách hữu hình và vô hình.

   c.Ngài ở với loài người cách trọn vẹn hơn.                    ( câu c)

2. Chúa Giê-su vẫn ở với chúng ta hằng ngày trong :

   a.Hội thánh và Kinh nguyện của Hội thánh.

   b.Lời Chúa và các bí tích.

   c.Những người nghèo khó, đau yếu, tù đày…        d.Cả 3 câu đều đúng.                  ( câu d )

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngừơi?

Chúa Giê-su về Trời là để thực hiện sứ mạng ở với loài người cách trọn vẹn hơn : Ngài vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Giê-su hằng ban Thánh Thần để hướng dẫn Hội thánh.

2.Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

Trong niềm mong đợi ngày Chúa Giê-su trở lại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi phải trở nên nhân chứng của Chúa qua đời sống yêu thương, phục vụ, góp phần đem ơn cứu độ đến cho anh chị em mình.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con gìờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm mà Chúa đã soi sáng cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống theo sự hướng dân của Chúa Thánh Thần để trở nên nhân chứng Tình yêu của Chúa giữa lòng đời hôm nay. Amen.