Bài 31

CHÚA KI-TÔ TỔNG KẾT LỊCH SỬ

Mt 25, 31-46

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng Chúa bài học cuối cùng trong chương trình giáo lý của chúng con năm nay. Xin Chúa hãy đến với chúng con, xin mở rộng lòng trí chúng con, giúp chúng con luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến bằng một cuộc sống thấm nhuần Tin Mừng. Amen.

     Hát: Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Vào một mùa đông lạnh lẽo,ở một vùng nước Anh, bà Lady Guy, một phụ nữ quý tộc giả làm người  hành khất đi xin từng nhà.

     Bà đến một số nhà, bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Ở nơi khác, bà được bố thí cho vài miếng đồ ăn đã hư thối, đó lại là những gia đình dư giả. Bà lại tìm vào những mái nhà lụp sụp nghèo nàn, tại đây bà được ông lão tàn tật chia cho miếng bánh mì của ông bên lò sưởi. Một cậu bé khác thì biếu bà một đôi găng tay để xỏ cho đỡ lạnh, có người cho bà chiếc áo len họ đang mặc.

     Hôm sau, bà sai người mời tất cả những người mà bà đã đến xin họ hôm trước. Họ đã đến đầy đủ căn nhà sang trọng của bà, mỗi người được ngồi vào chỗ riêng của mình. Và họ trông thấy trước mắt mình là những của ăn giống như họ đã bố thí cho bà hành khất hôm qua. Những ai cho của thối, mốc meo, thì nay cũng như thế trên đĩa của họ, còn những ai không cho gì thì có đĩa không. Chỉ có mấy người tử tế hôm qua đã giúp bà thì bây giờ trên bàn họ đầy đủ những của ăn ngon. Mấy người kia vừa ngẩn ngơ vừa xấu hổ. Lúc đó bà quý tộc xuất hiện và tuyên bố :

     -“Hôm qua tôi đích thân đến từng nhà ăn xin, và đã thấy được lòng dạ của quý vị. Hôm nay, tôi xin được đáp lễ lại những gì mà quý vị đã cho tôi. Tôi tin rằng Thiên Chúa cũng xét xử con người trong ngày sau hết theo những gì mà họ đã sống. Làm lành thì Người thưởng, còn sống ác thì Người phạt. ”

     Thiên Chúa cũng phán xét chung nhân loại ngày sau hết gọi là cuộc phán xét chung. Mời các em nghe Lời Chúa nói về ngày đó.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:        Mt 25, 31-46

                                               Thinh lặng giây lát

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

   1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

     -Chúng ta vừa nghe Tin Mừng Mt. Tin Mừng Mt được viết khoảng năm 80.

     Đoạn Lời Chúa trên nói đến ngày Quang lâm (ngày tận thế), ngày Chúa Ki-tô tổng kết lịch sử. Chúa Ki-tô sẽ xét xử mọi người mọi thời sau khi họ đã sống lại. Ngài xét xử không phải dựa vào các việc dị thường nhưng là vào thái độ của người ta đối với kẻ khác. chính Ngài là kẻ được xử đãi thế này, thế khác qua những kẻ thuộc về Ngài. Những ai sống bác ái, yêu người thì sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời và ngược lại.

     Mời các em cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn cuộc phán xét của Chúa.

   2. Các em học sinh thảo luận:

Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể.

      a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?

     Con người: Đức Vua (Chúa Giê-su ), các thiên sứ, các dân thiên hạ, mục tử, chiên: những người ở bên phải, những kẻ được Chúa Cha chúc phúc, những người công chính; : những người ở bên trái, quân bị nguyền rủa. Người đói, người khát, khách lạ, người trần truồng, người đau yếu, tù nhân, những anh em bé nhỏ nhất của Ta. Ác quỷ, các sứ thần của nó. 

     - Nhân vật chính: Con Người (Đức Vua -Chúa Giê-su )

       b. Câu tóm ý: câu  31-32

       c. Đặt tựa đề ngắn: Cuộc phán xét chung.

     Bao giờ cuộc phán xét chung xảy ra? Chúng ta không biết nhưng trong năm Kinh thánh 3 này, chúng ta đã nhìn qua lịch sử Hội thánh từ buổi đầu cho đến ngày nay. Và chúng ta biết lịch sử này sẽ còn kéo dài cho đến ngày cuối cùng, khi Chúa Ki-tô sẽ đến để hoàn tất mọi sự. Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta suy nghĩ về lịch sử Hội thánh để hướng về ngày Chúa đến.

   3. Bài học giáo lý:

     3. 1  Bàn tay của Thiên Chúa

     Lịch sử Hội thánh là một cuốn phim vĩ đại với vô số nhân vật, sinh hoạt trong những môi trường hoàn toàn khác nhau, dọc theo một dòng lịch sử kéo dài hơn 20 thế kỷ.

     Trong cuốn phim ấy có không biết bao nhiêu là nhân vật lừng danh: những ông vua có công với Hội thánh, những vị giáo hoàng có ảnh hưởng lớn trên thế giới, và các thánh nhân đã từng làm vẻ vang Hội thánh. Bên cạnh đó cũng không hiếm những con người làm mất uy tín của Hội thánh bằng một nếp sống phóng đãng hay một thái độ bảo thủ, ngoan cố.

     Cuốn phim dài về lịch sử của Hội thánh vẽ ra trước mắt chúng ta những cảnh bắt bớ kinh hoàng dưới thời Nê-rô, dáng nguy nga tráng lệ của những ngôi thánh đường thời Trung cổ.

     Lịch sử Hội thánh là chuỗi dài những biến cố và những bước thăng trầm mà đằng sau đó người ta đoán ra được bàn tay của Thiên Chúa. Blaise Pascal (1623-1662), một nhà toán học, vật lý học, một triết gia và văn sĩ Công giáo người Pháp viết : “Điều đáng thán phục, không gì có thể so sánh được và hoàn toàn có tính cách thần thánh là Hội thánh luôn bị chống đối mà cứ vẫn tồn tại. Cả ngàn lần Hội thánh như đang đứng trước một sự hủy diệt toàn diện và mỗi lần như thế, Thiên Chúa đã dùng uy quyền của Ngài để nâng Hội thánh dậy một cách lạ lùng. ”

- Tóm ý: Lịch sử Hội thánh là chuỗi dài những biến cố và những bước thăng trầm mà đàng sau đó người ta luôn nhận ra Thiên Chúa dùng tình thương và uy quyền của Ngài để nâng đỡ và dẫn dắt Hội thánh.

     3. 2  Lịch sử của những con người

     Nói chung, lịch sử là một bài học quý giá cho nhân loại. Lịch sử Hội thánh cũng thế. Vẫn biết rằng lịch sử  của Hội thánh được xây dựng nên do những con người, mà đã là con người thì làm sao tránh được những lỗi lầm thiếu sót. Thế nhưng kinh nghiệm đau thương của quá khứ sẽ giúp người Ki-tô hữu tránh được những lỗi lầm trong tương lai.

     Đã có người nhận định cách hóm hỉnh rằng: “Hội thánh giống như một loài chim khó nuôi, để trong lồng thì sống mà thả ra lại chết”. Quả vậy, lúc gặp khó khăn là lúc Hội thánh phát triển mạnh, nhưng đến lúc thuận lợi thì Hội thánh lại suy thoái.

     Thật vậy, đã có những thời kỳ mà các giáo sĩ nắm gọn trong tay cả thần quyền lẫn  thế quyền, và hậu quả là nhiều vị đã quên mất sứ mạng thiêng liêng của mình, đã sống xa hoa, tranh giành quyền lợi vật chất. Các cuộc viễn chinh thập tự quân và các tòa điều tra củathời Trung cổ là những điều thật khó chấp nhận đối với tinh thần hòa bình của Tin Mừng.

     Tuy nhiên ai cũng phải khách quan nhìn nhận rằng Hội thánh đã từng đóng góp một cách tích cực cho nhân loại về các mặt văn hóa, xã hội và ngay cả về mặt kinh tế. Chính tinh thần ki-tô- giáo đã làm cho nền văn minh Rô-ma bớt tàn bạo, và đã thuần hóa các dân tộc man di từ Bắc Âu tràn xuống. Hội thánh cũng đã góp phần nâng cao thân phận của lớp hạ dân suốt thời Trung cổ. Từ những ngôi trường nhỏ bé nằm cạnh các dòng tu, đến các đại học và các công trình kiến trúc vĩ đại, tất cả cho thấy sự đóng góp của Hội thánh trong việc mở mang dân trí. Cuối cùng, trong thế kỷ gần đây, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, Hội thánh cũng đã khuyến khích và hướng dẫn để khoa học kỹ thuật không quay lưng lại với hạnh phúc con người.

 - Tóm ý: Lịch sử Hội thánh được xây dựng nên bởi những con người nên không thể tránh khỏi những lỗi lầm thiếu xót. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Hội thánh đã đóng góp tích cực cho nhân loại về nhiều mặt vì hạnh phúc con người.

     3. 3  Hướng về ngày Chúa đến

     Cũng như thánh Phao-lô đã muốn trở nên “Do Thái với người Do Thái, Hylạp với người Hylạp”, Hội thánh của Đức Ki-tô cũng đã cố gắng trở nên “mọi sự cho mọi người”. Điều này được thấy rõ qua công đồng Va-ti-ca-nô II là công đồng chủ trương Hội thánh vì loài người và phương sách tốt nhất để cứu độ nhân loại là cùng đồng hành với nhân loại. Dầu vậy, đồng hành không có nghĩa là đồng hóa, vì Hội thánh phải luôn trung thành với bản chất của mình để xây dựng Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa sẽ mang đến cho mọi người một trật tự chung cuộc của công bình, thương yêu và bình an.

     Thời gian của hiện nay vẫn là thời gian của Thánh Thần và của việc làm chứng. Các tín hữu sẽ gặp nhiều thử thách có thể làm mất đức tin và đức mến, vì thế mỗi người cần tỉnh thức và cầu nguyện để có thể đứng vững (Lc 18,8; Mt 24,1-14); đồng thời phải cố gắng xây dựng xã hội cho xứng hợp với phẩm giá con người để chuẩn bị cho thế giới mới, khi xác loài người sống lại (Rm 8,18-23; 1Tx 5,1-11; Kh 21-22) Ngày ấy, thân xác chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác thiêng liêng. Người lành sẽ sống lại để được sống đời đời, còn kẻ dữ sẽ sống lại để bị luận phạt mãi mãi (Mt 25,31-46; 1Cr15, 12-23; 15,35-58)

     Đức Ki-tô xuất hiện trong vinh quang như vị thẩm phán tối cao để xét xử người lành kẻ dữ và phơi bày mọi điều bí ẩn ra trước mắt mọi người. Trời đất này sẽ qua đi nhường chỗ cho trời đất mới. Tựa như con sâu lột xác thành con bướm, trời đất cũ này sẽ lột xác thành trời đất mơí… Đó chính là Đức Ki-tô đưa lịch sử cứu độ đến cùng đích của nó bằng cách thâu gồm mọi sự trong Ngài để dâng lên Thiên Chúa Cha.

     Ngày ấy không phải là chuyện xa vời, nhưng  được báo trước nơi sự hoàn tất cuộc đời của mỗi người chúng ta và nơi giờ phút kết thúc của mỗi ngày. Chia sẻ cùng một tâm tình chờ đợi với Hội thánh, mỗi tối ta cùng với Chúa Thánh Thần cầu nguyện: “Ma-ra-na-tha, Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!” (Kh 22,20)

-Tóm ý: Chia sẻ tâm tình chờ đợi ngày Đức Ki-tô xuất hiện trong vinh quang với Hội thánh, người Ki-tô hữu cần tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

 

·       TÓM Ý TOÀN BÀI: Lịch sử Hội thánh được dệt nên bởi những con người với những biến cố và những bước thăng trầm. Lịch sử này sẽ còn kéo dài cho đến ngày cuối cùng, khi Chúa Ki-tô sẽ đến để hoàn tất mọi sự. Hơn 20 thế kỷ nay, kể từ ngày lễ Ngũ Tuần, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô kết hợp làm một với Hội thánh viết nên những trang cuối cùng của lịch sử cứu độ cho đến ngày hoàn tất trong vinh quang.

 

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

     Qua bài học giáo lý hôm nay, chúng ta biết rằng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô đã kết hợp làm một với Hội thánh và dẫn dắt Hội thánh đến ngày hoàn tất trong vinh quang, ngày phán xét chung, ngày hạnh phúc cho vũ trụ, cho những ai yêu mến Thiên Chúa, nỗ lực làm đẹp lòng Người. Chỉ có Chúa Ki-tô là vị Thẩmphán chí công, và tiêu chuẩn phán xét là lòng bác ái đối với người khác, nhất là đối với những người nghèo khổ. Người chú ý đến từng việc thiện nhỏ của ta làm cho người khác để thưởng công, cũng như Người đã không chấp nhận một hành vi ác dù nhỏ nhất. Vậy chúng ta hãy sửa soạn cho ngày ấy bằng một đời sống bác ái tích cực, để xứng đáng với triều thiên vinh quang. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

     2. Cầu nguyện:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã thương gìn giữ và dẫn dắt Hội thánh trên con đường lữ thứ trần gian. Theo lời Chúa hứa, Người sẽ ban cho chúng con một Thế giới Mới, nơi đó không còn bị thương tổn bởi tội lỗi, kiêu căng…Nhưng chỉ còn bình an, yêu thương hạnh phúc. Xin Chúa giúp chúng con chuẩn bị bước vào Thế giới Mới bằng một đời sống thấm nhuần Tin Mừng, góp phần làm cho khuôn mặt Hội thánh mỗi ngày một phản ánh rõ ràng và trung thực hơn khuôn mặt của Đức Ki-tô.

         Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen. 

VI. SINH HOẠT:  Băng reo

     - GLV : Thế giới và muôn loài           - TC: Qua đi.

     - GLV : Trời Mới Đất Mới                  - TC: Sẽ tới.

     - GLV : Muốn vào                           - TC: Phải thánh.

                                                                  A…..

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông º

     1. Hội thánh tồn tại do:

  a. Sự lãnh đạo khôn ngoan của các Đức giáo hoàng.       

  b. Ơn Chúa.

  c. Các thánh nhân đã làm vẻ vang Hội thánh.                

           ( câu b )

     2. Chúa Giê-su phán xét chúng ta dựa trên:

  a. Những bằng cấp ta đã đạt được.    

  b. Những kinh nguyện ta đọc hằng ngày.

  c. Lòng bác ái đối với người khác.      

  d. Cả 3 câu a,b,c đều đúng.          

           (Câu c )

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

     1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

     Thiên Chúa luôn yêu thương gìn giữ và dẫn dắt Hội thánh trong suốt dòng lịch sử. Ngài ân thưởng Nước Trời cho những ai sống bác ái, yêu thương tha nhân.

2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

Cầu nguyện xin Chúa giúp sống theo đúng ý Chúa muốn.

Thực hành sống bác ái: nghĩ tốt, nói tốt, làm điều tốt cho người khác.

Quan tâm đến những nhu cầu của người khác để giúp họ.

 

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, cảm tạ Cha đã ban cho chúng con những ơn cần thiết trong năm học này, để giúp chúng con hiểu sâu hơn về người Mẹ của chúng con là Hội thánh: với những chặng đường lịch sử, được đan dệt bằng những gian lao và hy vọng, bằng niềm vui và nước mắt. Chúng con hãnh diện vì được làm con cái của Hội thánh, và thấy được bổn phận góp phần xây dựng Hội thánh. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con luôn sống kết hợp với Chúa Ki-tô, thấm nhuần tinh thần Tin Mừng hầu trở nên chứng nhân trung thành của Chúa trong đời sống chúng con, để làm Vinh Danh Chúa, cứu rỗi các linh hồn và Nước Chúa trị đến. Amen.

     Hát bài cảm tạ.