Bài 24 :

NHÂN ĐỨC NHÂN BẢN (1)

 

PHẦN HỌC SINH

 

Câu 1 : H. Đức khôn ngoan là gì ?

            T. Đức khôn ngoan là nhân đức giúp ta nhận rõ điều tốt cần làm và những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy.

 

Câu 2 : H. Muốn tập đức khôn ngoan, ta cần làm gì ?

            T. Ta cần khiêm nhường học hỏi, chăm lo kiểm điểm đời sống, và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để luôn làm đúng ý Thiên Chúa.

 

Câu 3 : H. Khi phải chọn giữa hai điều tốt, làm sao biết đâu là ý Chúa ?

            T. Ta hãy giữ cho được tấm lòng tha thiết muốn vâng theo ý Chúa, và khiêm nhường cầu nguyện, nếu cần thì hỏi ý kiến những người đáng tin cậy, rồi thấy lý trí và lương tâm hướng về phía nào thì phía ấy là ý Chúa.

 

Câu 4 : H. Đức công bằng là gì ?

            T. Đức công bằng là nhân đức giúp ta quyết dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và dành cho người khác những gì thuộc về họ.

 

Câu 5 : H. Muốn tập đức công bằng, ta cần phải làm gì ?

            T. Ta cần phải làm hai điều này :

            - Một là dành thời giờ cho việc thờ phượng Chúa sáng tối hàng ngày.

            - Hai là tập quen tôn trọng sự thật và các quyền lợi của người khác như sự sống, danh dự và của cải.

 

PHẦN GIÁO LÝ VIÊN

 

1. Lời Chúa : Rm 13, 11 – 14

2. Ý chính : Muốn nên giống Chúa Giêsu, hãy rèn luyện đức tính  hy sinh, tự thắng chính mình trong cuộc sống hàng này.

3. Giáo cụ trực quan : Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 96 trang 91-92 từ “Anh em hãy vui mừng luôn” tới “còn điều gì xấu thì tránh xa”.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

          Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lên trong trái tim chúng con ngọn lửa yêu mến như Chúa Giêsu để chúng con biết hăng say, nỗ lực trong việc tìm kiếm và thực hành những đức tính tốt qua giờ học Giáo lý này.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm :

+ Ôn bài cũ :

- Nhân đức là những thói quen tốt của mỗi người. Những thói quen tốt đó, sẽ giúp cho họ sống tương quan với Thiên Chúa và với mọi người một cách tốt đẹp.

- Có mấy thứ nhân đức ? (Có 2 thứ : nhân đức nhân bản và nhân đức hướng thần).

- Nhân đức nhân bản do đâu mà có? (Do luyện tập).

- Nhân đức hướng thần do đâu mà có ? (Do Chúa ban ).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua các em có xả rác bừa bãi không ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa.

Câu truyện sau đây sẽ nói đến một trong những nhân đức nhân bản. Chuyện kể  như sau:

Vua nước Nhật có 100 chiếc bình cổ quý giá. Một vị quan đại thần sơ ý làm vỡ một chiếc. Vua sai quân đem đi chém đầu. Một vị quan đại thần khác thấy vậy, liền đến bên chiếc tủ chứa đựng các bình ấy, lấy vai đẩy chiếc tủ, cả 99 chiếc bình đều rơi vỡ tan tành...  Vua giận như điên, trước khi trị tội vua hỏi:

          - Tại sao khanh cả gan làm chuyện điên rồ đó?

          Vị đại thần đáp :

          - Hạ thần thấy vì làm vỡ một chiếc bình, mà bệ hạ sai giết một tôi trung, thế thì 99 chiếc còn lại, sẽ làm chết 99 người nữa. Nên thần xô cho vỡ hết, để chỉ một mình thần chết thôi.

          Vua nghe nói tỉnh ngộ, tha cho cả hai người.

Các em thân mến !

Ông quan đại thần đó là người thật dũng cảm và khôn ngoan. Ôâng vua quý chiếc bình hơn cả một vị quan tài giỏi, sẵn sàng ra lệnh chém đầu nếu ai làm bể nó. Vị quan đại thần đã không sợ nguy hại đến tính mạng, đã cả gan làm một việc cốt để nhà vua tỉnh ngộ, và để sau này không còn vị quan nào phải chết một cách oan uổng.

Ông quan đại thần đã thể hiện đức dũng cảm và khôn ngoan. Chính vì dũng cảm và khôn ngoan đã làm cho nhà vua tỉnh ngộ và làm cho những vị quan khác được bình an. Vậy những nhân đức hôm nay chúng ta sẽ học sẽ giúp cho chính bản thân chúng ta và cho mọi người như thế nào ? Mời các em cùng nghe Lời Chúa.

III.   CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Rm 13, 11 – 14

IV.   GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1 / Dẫn giải Lời Chúa.

          - Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe trong thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu nào? (Tín hữu Rôma).

          - Thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy làm gì ? (Hãy loại bỏ những việc đen tối, cầm lấy vũ khí sự sáng để chiến đấu).

          - Những việc xấu xa mà Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hãy loại bỏ là những việc nào ? (Chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, ghen tương, cãi cọ…).

          - Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hãy trở nên giống ai? (Giống Chúa Kitô).

          Lời Thánh Phaolô mời gọi tín hữu Rôma và mỗi người chúng ta : “Hãy mặc lấy Chúa Kitô”, mặc lấy Chúa Kitô là trở nên giống Ngài. Các em hãy mở Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 96 trang 91-92 và đọc từ “Anh em hãy vui mừng luôn” tới “còn điều gì xấu thì tránh xa”. 

             Dưới dây chúng ta sẽ tìm hiểu xem điều gì là tốt để chúng ta tập luyện nhá.

2/ Giải thích câu hỏi thưa.

Câu 1 : Đức khôn ngoan là gì ?

- Như chúng ta đã học ở bài trước, những nhân đức hướng về người khác gọi là những nhân đức gì ? (Nhân đức nhân bản).

- Có mấy nhân đức nhân bản cột trụ cho đời sống đạo làm người ? (Có bốn).

- Đó là những nhân đức nào ? (Khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ).

Chúng ta sẽ học 2 nhân đức đầu là khôn ngoan và công bằng trong bài học hôm nay. Trước hết chúng ta sẽ học về nhân đức khôn ngoan. Để tìm hiểu nhân đức khôn ngoan là gì, anh (chị) kể cho các em nghe một câu truyện:

Rơ-kháp-am là con vua Sa-lô-môn. Sau khi vua Sa-lô-môn băng hà, Rô-kháp-am lên ngôi. Lúc đó dân It-ra-en đến tâu với vua: Tâu đức vua, phụ vương ngài đã bắt chúng tôi mang một ách quá nặng,  bây giờ nếu ngài giảm bớt khổ dịch và ách nặng nề mà phụ vương đã đặt trên chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phục dịch Ngài.

Nhà vua nói với họ:

- Ba ngày nữa các ngươi sẽ trở lại đây gặp ta.

Vua Rơ-kháp-am bàn hỏi với các cựu thần đã từng phục vụ cha mình  là vua Sa-lô-môn. Họ góp ý với vua:

- Nếu ngài xử tốt với dân, chiều lòng dân, dùng lời lẽ ôn tồn mà nói với dân,  thì dân sẽ làm tôi ngài mãi mãi.

Nhưng vua không thích nghe họ, vua đi bàn hỏi với đám người trẻ là những người bạn của vua hồi nhỏ, hiện đang hầu cận vua. Họ góp ý:

-Ngài phải trả lời cho dân thế này: ngón tay của ta còn lớn hơn cả lưng của phụ vương ta. Vậy phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta sẽ chất cho nặng hơn nữa…

Ngày thứ ba toàn dân đến yết kiến vua, như vua đã hẹn. Nhà vua trả lời cứng cỏi với họ:

- Phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta sẽ chất cho nặng hơn nữa…

Nghe thấy thế, mười chi tộc phía bắc bất mãn, họ tách ra lập một nước mới vào năm 931 TCN…

Qua câu truyện trên, các em nghĩ gì về vua Rơ-kháp-am, ông ta là người như thế nào? Nếu ở địa vị như vua Rơ-kháp-am em sẽ làm theo lời khuyên của những người lớn tuổi hay những người cùng tuổi với Vua?

Nếu là người khôn ngoan, vua Rơ-kháp-am đã biết suy xét phải nghe theo lời khuyên của ai, cũng như  phải đối xử với dân như thế nào? Vì thiếu khôn ngoan mà vua Rơ-kháp-am đã làm cho đất nước bị phân đôi.

Từ câu truyện trên đối chiếu với những lời Thánh Phao-lô nhắn nhủ trong thơ Ê-phê-sô ta có thể nói:

Đức khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết suy xét để nhận ra đâu là điều tốt cần làm, đâu là điều xấu cần tránh; làm sao để thực hiện điều tốt ấy.

Đọc chung câu 1

Câu 2: Muốn tập đức khôn ngoan ta phải làm gì?

          Vua Sa-lô-môn nổi tiếng là người khôn ngoan. Khi lên ngôi vua, việc đầu tiên ông làm là lên đền Ghíp-ôn hành hương, dâng của lễ cầu nguyện với Thiên Chúa.

Thiên Chúa hiện ra và nói : “Ngươi muốn xin gì” ?

Salomôn thưa : “Xin cho con được khôn ngoan”.

Lời cầu xin đã đẹp lòng Thiên Chúa và Thiên Chúa ban cho ông còn hơn cả điều ông xin.

Để được đức khôn ngoan, Sa-lô-môn đã khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa, nhưng không chỉ cầu xin mà thôi, Sa-lô-môn còn nỗ lực tìm kiếm và học hỏi (1Vua 3, 4-15), “từ thời trai trẻ tôi đã yêu quý và tìm đức khôn ngoan cho riêng mình”.

-Vậy muốn được khôn ngoan, ta cần phải làm gì ? (Ta phải khiêm tốn cầu xin và cố gắng luyện tập mỗi ngày).

Đọc chung câu 2

Câu 3 : Khi cùng một lúc có hai điều tốt thì em phải chọn điều nào ?

          Sau đây là những ví dụ :

Điều tốt 1

Điều tốt 2

- Giờ sinh hoạt lớp, mọi người ra sân chơi trò chơi, tập múa hát, em phải cùng ra sân với mọi người.

- Nhưng lớp học dơ, bàn ghế xộc xệch, em muốn ở lại đểõ dọn dẹp.

 

- Chuông vào lớp học em phải vào lớp.

- Nhưng có một bà cụ già cần qua đường mà không ai dắt.

                                            

- Theo các em, các em sẽ lựa chọn điều tốt nào?

            Tương tự có nhiều sự việc giống như  vậy, hai bên đều tốt, em chọn điều tốt nào đúng với ý Chúa. Mà điều đúng với ý Chúa, truớc hết là chu toàn bổn phận, giờ nào việc nấy. Hơn nữa, nếu thấy lương tâm hướng về phía nào thì đó là ý Chúa. Một khi đã quen chọn những việc nhỏ thường ngày, em sẽ biết chọn đúng những việc quan trọng khác.

          Đọc chung câu 3

Câu 4 và câu 5: Đức công bằng.

-Các em có biết câu truyện ông Gia-kêu không ?

-Sau khi Gia-kêu được Chúa đến thăm nhà ông, Gia-kêu thưa với Chúa: “Thưa Ngài này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (x. Lc 19, 1- 10). Như vậy Gia-kêu đã thực hành nhân đức gì ? (Đức công bằng).

- Lời Chúa trong Tin mừng  Matthêu cũng đã dạy ta về  đức công bằng : “Của Xê-da trả lại cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21).

          - Của Xêda là của ai ? Là đức công bằng đối với tha nhân.

          - Còn của Thiên Chúa là gì ?  Là đức công bằng đối với Thiên Chúa.

-Đối với Thiên Chúa, đức công bằng đòi ta phải trả về cho Ngài những gì?

Thiên Chúa là Đấng dựng nên ta, cứu chuộc ta. Bởi thế, đức công bằng đòi ta phải biết ơn Thiên Chúa qua việc thờ phượng Ngài (x. Lc 4, 8). Đức công bằng đối với Thiên Chúa là đức thờ phượng như : Thờ lạy, tạ ơn, chúc tụng…

- Đối với người khác, đức công bằng đòi ta phải trả về cho họ những gì?

Là con người, ai cũng có quyền được sống, quyền có của cải, v.v… Đức công bằng đòi buộc ta phải tôn trọng của cải, tiền bạc, danh dự, mạng sống của tha nhân.

Bởi thế ta không được lấy, được giữ, không được làm thiệt hại những gì thuộc về người khác.

          Điều cần ghi nhớ: tất cả những gì ta muốn làm cho mình thì hãy làm cho người khác (x. Mt 7, 12)

Đọc chung câu 4 và 5

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình.

          Chúa Giêsu là mẫu gương về mọi nhân đức để ta học đòi bắt chước. Muốn giống Chúa ta phải biết hy sinh, hãm mình, rèn luyện bản thân, chiến đấu để chiến thắng bản thân mình. Đó là cuộc chiến cam go và lâu dài. Bởi thế ta cần phải có ơn Chúa rất nhiều. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ, để chúng ta có thể chiến thắng chính bản thân mình.

2/ Lời nguyện.

          Lạy Chúa Giêsu,  Chúa đã mời gọi chúng con  hãy nên hoàn thiện mỗi ngày. Xin Chúa ban ơn giúp sức  để chúng con kiên trì rèn luyện bản thân,  luyện tập các nhân đức,  nhờ đó mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa hơn. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI.   SINH HOẠT

VII.   BÀI TẬP

Điền những từ đúng hoặc sai vào những ô trống ở mỗi đầu câu:

     ____ Bạn B nhặt được một số tiền, bạn B biết rõ bạn A đánh rơi, nhưng không trả lại, lấy cớ lượm được.

    _____ Mẹ sai Tâm đi mua hàng, Tâm bớt lại một ít tiền để mua bánh ăn, lấy lý do: trả tiền công đi mua.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

          Đức công bằng giúp chúng ta dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và dành cho người khác những gì là của họ.

Các em thân mến, tuần này chúng ta quyết tâm sống công bằng đối với Thiên Chúa: Đọc kinh tối thật nghiêm trang sốt sắng, để cảm tạ Chúa và tỏ lòng yêu mến của ta đối với Thiên Chúa.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

          Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con giờ học vừa qua. Giờ đây chúng con chia tay nhau để ra về. Xin Chúa giúp chúng con biết thực hành những điều chúng con vừa học. Chúng con xin dâng điều quyết tâm tuần này lên Chúa. Xin Chúa thương giúp chúng con, để chúng con làm tròn điều quyết tâm này. Amen.

Đọc kinh Sáng Danh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà