CHƯƠNG IX

ĐỨC KITÔ CỨU ĐỘ CHÚNG TA BẰNG CÁI CHẾT

VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA NGƯỜI

 

 “Đức Kitô, “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(Cl 1,18),là nguyên lý sự sống lại của chúng ta:ngay trong hiện tại,Người công chính hóa linh hồn chúng ta (x.Rm 6,4),và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (x.Rm 8,11)(GLHTCG 658)

         Cả cuộc đời Chúa Giêsu là một Mạc khải về Chúa Cha,nhưng Người mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha rõ nhất là lúc Người chết và sống lại.Người không chỉ cho chúng ta biết khuôn mặt yêu thương của Chúa Cha mà Người còn cho thấy quyền năng yêu thương của Chúa Cha làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào.Để tiếp tục khám phá Mạc khải của Người về Thiên Chúa,chúng ta sẽ tìm hiểu các vấn đề sau đây:

            - Lý do tối hậu của việc Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta là gì?

            - Cao điểm của lịch sử loài người là gì?

            - Tại sao Đức Kitô đã chịu đau khổ và chịu chết?

            - Đau khổ,sỉ nhục,thất bại có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta?

I.TRONG ĐỨC KITÔ,CHÚNG TA CHẾT VÀ SỐNG LẠI

   Chúng ta đã biết Thiên Chúa đến giữa chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô thế nào rồi.Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết đời sống nội tại của Thiên Chúa,Chúa Ba Ngôi,và các Ngôi vị cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta.Người đã chia sẻ niềm vui nỗi buồn của loài người chúng ta và đã ban cho chúng ta đời sống mới.Người chỉ cho chúng cách sống đời sống mới qua cách sống của Người là hãy sống hoàn toàn cho Thiên Chúa.

    Tuy nhiên,Người không chỉ dạy chúng ta cách thế đạt tới Nước Thiên Chúa mà,quan trọng hơn,Người làm cho chúng ta có thể vào Nước Thiên Chúa.Từ thời Ađam,con người đã bị xa cách Thiên Chúa do tội lỗi.Kiêu căng và ích kỷ đã ăn sâu trong bản tính loài người.Con người bị phân rẽ ngay trong chính mình và tách biệt khỏi người khác và Thiên Chúa.

     Kế hoạch của Thiên Chúa là chia sẻ sự sống của Ngài cho chúng ta mãi mãi.Ngài sẽ cứu loài người khỏi án phạt do tội lỗi gây ra.Chúng ta gọi những hành động giải thoát loài người này là “Lịch sử cứu độ”.Cao điểm của Lịch sử cứu độ là biến cố Đấng Cứu Độ đến.

     Ngài đã chuẩn bị cho biến cố này trong nhiều năm từ những người đầu tiên cho tới suốt cả thời Cựu Ước.Ngài đã cố gắng lôi cuốn họ bằng sự hiện diện quảng đại với họ,ban tình yêu của Ngài cho họ trong mức độ họ có thể đáp trả.Ngay cả khi họ phản bội giao ước hết lần này đến lần khác,Ngài vẫn đến với họ bằng tình yêu và tha thứ.Ngài hành động từ từ tùy theo mức độ của họ,vì Ngài không hề ép buộc ai đến với Ngài.

      Nhưng loài người vẫn không ngừng phạm tội.Tội lỗi của con người quá nhiều đến nỗi dường như kế hoạch của Thiên Chúa bị thất bại,Thiên Chúa hằng sống như đã chết,hay chí ít đã bị lãng quên.Tình trạng nô lệ lan rộng,phẩm giá người phụ nữ bị hạ thấp,mại thánh,sát tế con người,ngược đãi người yếu thế khi mang họ ra làm trò tiêu khiển giải trí,thích thú nhìn người khác bị xé ra từng mảnh nơi các hí trường,đó là thế giới của hơn hai ngàn năm trước.Nhưng đó cũng là“thời gian viên mãn”mà Thiên Chúa đã chuẩn bị.Vì chính trong tình trạng này,loài người cần tới Đấng Cứu Độ và khát khao Người đến.Rồi Chúa Cha đã đáp ứng bằng một cách thế mà không ai có thể ngờ tới.

     Ngài đã sai Con Một Ngài,Chúa Giêsu Kitô,đến chế ngự sức mạnh của tội lỗi và đổ đầy trên nhân loại chúng ta ơn hiện sủng của Ngài.Theo kế hoạch của Ngài,chúng ta sẽ lớn lên trong quà tặng này của Ngài,trong đời sống mới này,cho tới khi chúng ta diện đối diện với Ngài mãi mãi trên Trời.Chúa Giêsu tóm kết sứ mạng của Người như sau: “Tôi đến để họ được sống và được sống dồi dào”(Ga 10,10).Nhiều người tin rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban Đấng cứu độ,nhưng họ không bao giờ nghĩ rằng đó lại là Con Thiên Chúa.

     Chúa Giêsu,Con Thiên Chúa,Đấng Cứu độ đã đến,Người có thể cứu chúng ta vì Người hoàn toàn khai mở chính mình cho Chúa Cha.Người hoàn toàn làm theo ý Cha. “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi,nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”(Ga 5,30).Người là một người hoàn hảo,một con người đích thật,nhưng không hề kiêu ngạo và ích kỷ.Người là Adam mới,điểm khởi hành mới,đầu của nhân loại mới.Sự vâng phục của Người đền bù sự bất tuân của Adam và của tất cả chúng ta.Người chỉ cho chúng ta cách thế đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.Người “làm trống rỗng” chính mình để Thiên Chúa Cha có thể đổ đầy trên Người sự sống và tình yêu cho toàn thể nhân loại (x.Pl 2,5-11).

      Chúng ta phải nhớ rằng mỗi người chúng ta luôn cần tới Đức Kitô là Đấng Cứu Độ mình vì mỗi chúng ta đều là tội nhân.Tất cả chúng ta được sinh ra trong tình trạng và môi trường tội lỗi mà chúng ta gọi là “Tội Nguyên Tổ”.Tất cả chúng ta cần được giải thoát,được nâng dậy khỏi sự bất tuân cao ngạo của chúng ta.Chúng ta lại hay rơi vào tội lỗi hết lần này đến lần khác.Chúng ta cần mở lòng ra cho tình yêu của Thiên Chúa.Chúng ta cần một ai đó tóm lấy và mang ra khỏi tội lỗi để đem đến với Thiên Chúa.

     Chúng ta không thể tự cứu mình vì chúng ta đầy tội lỗi,chính Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng cách trở nên người phàm trong Chúa Giêsu Kitô.Giống như người cha người mẹ đã cúi xuống đứa con tật nguyền để ẵm nó lên,Thiên Chúa,qua Chúa Giêsu Kitô,đã làm cho chúng ta điều chúng ta không thể tự mình làm được.

      Chúa Giêsu Kitô dùng cả cuộc đời,mọi hoạt động của Người để cứu chúng ta.Tuy nhiên, hành động trung tâm,lớn lao nhất là sự chết và sự sống lại của Người.Thánh Phaolô nói cách cô đọng như sau:“Chúa Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”(Rm 4,25).

      Nhờ sự chết và sự sống lại,Người kết hợp ta lại với Người đến nỗi chúng ta có thể chia sẻ những gì Người đã làm,nhất là được chết và sống lại với Người.Có lẽ chúng ta đã biết tình yêu gây ra cho một người đau khổ vì người mình yêu thế nào rồi:cha mẹ đau khổ,phiền muộn khi nhìn thấy con mình đau khổ;những đau đớn của người vợ cũng gây ra cho người chồng những đớn đau trong tâm hồn.Một số người đã yêu đến nỗi đã hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu. Cũng vậy,Đức Kitô đã đồng hóa chúng ta với Người và đã chết vì tội lỗi chúng ta.Người hoàn toàn vô tội nhưng đã hy sinh mạng sống mình vì chúng ta.Người là “người cho người khác”.Chính Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13).

      Đức Kitô đã làm như vậy và còn làm hơn thếù nữa.Vì tội lỗi,chúng ta trở thành thù địch của Người,thế mà Người vẫn hy sinh mạng sống cho chúng ta và làm cho chúng ta trở nên bạn thiết của Người.Thánh Phaolô viết: “Hầu như không ai chết vì người công chính,họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng.Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta,ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”(Rm 5,7-9).

       Qua cái chết vì chúng ta,Đức Kitô tha thứ tội lỗi cho chúng ta.Khi Người bị giết chết,Người tiêu diệt sức mạnh tội lỗi đè nặng trên chúng ta;khi Người được an táng,sức mạnh của tội lỗi bị chôn vùi với Người (x.Rm 6,4-11).

       Nhờ sự sống lại,Đức Kitô mang lại cho chúng ta đời sống mới trong ơn hiện sủng của Thiên Chúa.Giờ đây,Đức Kitô là đầu của dòng dõi loài người được tái sinh,là“trưởng tử giữa đàn em đông đúc”.Người ban cho chúng ta đời sống mới này là đời sống chia sẻ sự sống của Thiên Chúa,chính Thiên Chúa ở giữa chúng ta.Nếu chúng ta chấp nhận điều này thì đây là khởi đầu của một mối thân tình không thể tưởng tượng được với Thiên Chúa và sẽ không bao giờ chấm dứt.

        Cái chết và sự sống lại của Đức Kitô là một khúc quặt trong lịch sử loài người.Thế giới cũ đã chấm dứt và một thế giới hoàn toàn mới,một cái nhìn mới về thực tại đã bắt đầu.Giờ đây, chúng ta có thể có một đời sống yêu thương và thân tình không tưởng tượng nổi với chính Thiên Chúa.

II.QUA HIẾN LỄ HOÀN HẢO CỦA ĐỨC KITÔ,GIỜ ĐÂY CHÚNG TA CÓ THỂ ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA

      Con người luôn tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa để xem Ngài có ở đâu đó không,xem Ngài có quan tâm đến mình không.

      Những người thời xưa tìm cách đến với Ngài qua những hiến lễ dâng lên Ngài. Cái chết và sự sống lại của Đức Kitô mới là của lễ hoàn hảo,nhờ đó người ta có thể đến gần Thiên Chúa.Thật vậy,thời Cựu Ước, dân Israel thờ phượng Thiên Chúa qua các hiến lễ bằng thú vật hay hoa trái của vụ mùa,được các tư tế dâng lên.Những hiến lễ này chỉ là chuẩn bị,báo trước cho hiến lễ hoàn hảo của Đức Kitô,Người dâng chính mạng sống mình như là lễ vật của chúng ta lên Chúa Cha (x.Dt 9,13-14). Sự tuân phục và tình yêu đối với Chúa Cha đã làm cho cái chết của Người trở nên một hiến lễ hoàn hảo.Như thế,Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta đến với Ngài nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Kitô,Con Ngài.

      Ngoài ra,Đức Kitô là một Thượng tế hoàn hảo của chúng ta. Các tư tế thời Cựu Ước đã dâng lễ vật lên Thiên Chúa nhân danh dân chúng và chuyển lời chúc phúc của Thiên Chúa cho dân chúng.Đức Kitô dâng chính mạng sống mình cho Chúa Cha và mang cho chúng ta quà tặng của Thiên Chúa là hạnh phúc muôn đời.Tư tế của Luật cũ là những người bất toàn.Đức Kitô là con người hoàn hảo vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là người giống như chúng ta,hiểu rõ những yếu đuối của chúng ta.Như thế,Người là Linh mục tối cao,là Thượng Tế và là Đấng Trung gian hoàn hảo của chúng ta(x.Dt 5,1-10).

       Hơn nữa,việc Người lên Trời hoàn tất sự sống lại của Người.Sứ vụ trên trái đất của Người giờ đây đã hoàn tất.Người trở về với Chúa Cha và được vinh quang bên hữu Chúa Cha trên Trời.       Vinh quang của Người cho thấy rằng Chúa Cha đã chấp nhận hiến lễ của Người và giờ đây chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa mãi mãi.Như thế,sự sống lại và lên Trời của Đức Kitô chứng tỏ rõ rằng hiến lễ của Người vì phần rỗi chúng ta đã được Chúa Cha chấp nhận.

III.GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU

     Xưa kia,Thiên Chúa đã đưa Dân Ngài ra khỏi Ai Cập,cứu Dân Ngài khỏi kiếp nô lệ.Ngài cũng đã giúp họ vượt qua Biển Đỏ và sông Giorđan,để được hợp nhất với Ngài trong Giao ước núi Sinai và Đất hứa.Bất cứ khi nào người Do Thái ăn tiệc Vượt Qua hàng năm,họ hướng về Con Chiên Vượt qua mới,một cuộc xuất hành mới đến với tự do và hạnh phúc đích thật.Đức Kitô là Chiên vượt qua thật.Người vượt từ sự chết đến sự sống,từ thế giới này đến với Chúa Cha,mang theo tất cả chúng ta.

      Đức Kitô hoàn tất hành trình Vượt Qua này qua việc cho chúng ta vượt qua với Người đến hạnh phúc muôn đời.Người là “Con Chiên Thiên Chúa”(Ga 1,29),hy sinh mạng sống để cứu chúng ta (x.1Cr 5,7;Ga 8,32-36).

       Bằng cái chết và sự sống lại,Đức Kitô đã giải thoát chúng ta từ kiếp nô lệ tội lỗi tới chỗ được tự do hoàn toàn của Dân được Thiên Chúa cứu chuộc.Đây là cuộc xuất hành mới mà Đức Kitô là Môsê mới hướng dẫn nhằm đưa tất cả chúng ta đến với tự do và hạnh phúc đời đời.Vì thế,chúng ta hãy kết hợp với Người.Từ nay,tội lỗi không thể giam hãm chúng ta lâu hơn nữa và không thể ngăn cản chúng ta đạt tới hạnh phúc thật.

        Qua cái chết và sự sống lại,Chúa Giêsu Kitô bắt đầu một Giao ước mới,hoàn hảo và vĩnh cửu.Các giao ước cũ giữa Thiên Chúa và Dân Ngài đạt tới cao điểm ở Giao ước Sinai.Ông Môsê đã ký kết giao ước này với Thiên Chúa qua việc rảy máu thú vật trên dân chúng;cũng vậy,giờ đây,Đức Kitô đã đổ máu của Người trong Hy tế Thập Giá để bắt đầu một Giao Ước mới,vĩnh cửu,đó là Tân Ước.Vào bữa ăn tối,trước khi chịu chết,Người nói: “Chén này là Giao ước mới,lập bằng máu Thầy,máu đổ ra vì anh em”(Lc 22,20;Dt 8-10).

      Trong Cựu Ước,máu của các con vật được tế hiến đã được các vị Thượng tế mang vào nơi cực thánh của Đền Thờ,nơi Thiên Chúa ngự giữa Dân Ngài.Giờ đây,Đức Kitô dâng máu mình và đi vào nơi Thiên Chúa ngự trên Trời,mang chúng ta đi cùng với Người,thỏa mãn khát mong được hiệp nhất với Thiên Chúa của loài người chúng ta: “Người đã vào cung thánh không phải với máu của các con dê ,con bò,nhưng với chính máu của mình,Người vào chỉ một lần thôi,và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”(Dt 9,12).

      Qua Giao ước mới này,Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta sự sống sau khi chết,một sự sống bất tận,một hạnh phúc không thể tưởng tượng nổi,đó là được chia sẻ sự sống của Ngài,sống như Ngài sống.Qua giao ước cũ,Thiên Chúa ban cho Dân Ngài đất đai,dòng dõi,nếu họ trung thành giữ giao ước.Họ không được hứa một cuộc sống mãi sau khi chết,và cũng không được biết phải làm gì để đạt được sự sống này.Giờ đây,Thiên Chúa ban chính Ngài cho chúng ta mãi mãi.Đây là tặng phẩm tình yêu hoàn hảo nhất,một tương quan cá vị gần gũi nhất mà chúng ta có thể có với Ngài.

       Phần chúng ta,chấp nhận Giao ước tình yêu này là đón nhận Đức Kitô và sống theo giáo huấn sống yêu thương của Người.Đức Kitô,Con của Ngài,là dấu chỉ sống động của tương quan gần gũi,cá vị của Giao ước mới này.Thật vậy,Đức Kitô là Giao ước mới,Người liên kết chúng ta với Thiên Chúa trong Người.Với niềm tin vào Người,chúng ta đi vào Giao ước này một cách cá vị.Người là chứng cứ rõ ràng,dấu chỉ lớn lao chứng minh rằng tương quan tình yêu này là thật.Với việc đón nhận Người,chúng ta bắt đầu sống sự sống đời đời,qua ơn hiện sủng của Thiên Chúa ở trong ta,tại đây và lúc này.

      Người cho ta biết rằng đây là một giao ước tình yêu,một điều tốt nhất mà Người có thể ban cho chúng ta.Nhờ sự chết cho tình yêu Chúa Cha và chúng ta,Người kết hợp chúng ta vào tình yêu của Người với Chúa Cha.Nếu chúng ta tuân giữa Giao ước mới này,chúng ta phải sống yêu thương.Cũng như hôn ước,một giao ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đóng dấu mối tương quan tình yêu sâu xa của hai người thì Giao ước giữa ta với Thiên Chúa nói lên rằng chúng ta đã yêu,rằng chúng ta muốn ràng buộc chính mình vào đời sống yêu thương với Thiên Chúa và với người khác.

III.Ý NGHĨA CỦA GIAO ƯỚC MỚI

     Tới đây,chúng ta hãy tạm dừng lại và suy niệm đoạn Phúc Âm nói về cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Đức Kitô để đánh giá tình yêu lớn lao của Thiên Chúa trong việc cứu độ chúng ta.Khi làm việc này,chúng ta hãy luôn nhớ rằng tội lỗi của chúng ta đã góp phần vào cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Người.

       Đang khi Chúa Giêsu đi rao giảng,cái chết của Người có vẻ như càng ngày càng sắp xảy ra,hiển hiện rõ ràng trước mắt Người.Người đã nói: “Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ”(Lc 17,25).Các môn đệ Người bị “sốc” và bị vấp phạm vì những lời tiên báo này của Người;khi họ lên Giêrusalem lần cuối cùng “…các ông kinh hoàng,còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi”(Mc10,32).

       Sau bữa ăn tối với các Tông đồ,Chúa Giêsu đi cầu nguyện ở vườn Giêtsimani, nơi đây Người đã nhận thức rất rõ các tội lỗi mà Người đã đảm nhận và cái chết đang chờ đợi Người.Điều này đã gây ra cho Người một cơn hấp hối tinh thần khủng khiếp đến nỗi “…mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”(Lc 22,44).

       Người có vẻ lo sợ trước thử thách,nhưng vẫn trung thành với ý của Chúa Cha: “Cha ơi nếu được,xin cho chén này rời khỏi con.Nhưng xin đừng theo ý con,mà xin theo ý Cha”(Mt 26,47-49).Trong khi đó,các Tông đồ vẫn ngủ li bì.

       Giuđa,một trong mười hai tông đồ đã phản bội Người qua cái hôn bằng hữu và Người đã bị các địch thù bắt (Mt 26,47-49).

       Các môn đệ đều bỏ Người.Còn Phêrô,vị Tông đồ trưởng,mặc dù đã được Chúa Giêsu cảnh báo trước cũng đã chối Người: “Tôi không biết ông ấy!”(Lc22,57).

       Người ta đã đưa Người ra trước Thượng Hội Đồng Do Thái để xét xử.Tại đây,Người đã tuyên bố sứ vụ thần linh của Người cách công khai: “Tôi nói cho các ông hay:từ nay,các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”(Mt 26,64).Chính vì điều này mà Người đã bị đánh đập,xỉ nhục và bị kết án tử hình.

       Sau một đêm bị tra xét,hành hạ,sáng hôm sau,Người bị đưa đến dinh quan Tổng Trấn Rôma là Philatô.Ông Philatô  xét thấy Người không có tội gì.Nhưng trước sự phản đối quyết liệt của các người lãnh đạo Do Thái và dân chúng,cuối cùng,ông đã trao Người cho họ đem đi đóng đinh vào thập giá (x.Ga 19,12-16).

       Người đã phải vác thập giá lên đồi Calvariô và người ta đã đóng đinh Người vào thập giá ở đó.Trước khi tắt thở,Người đã cầu nguyện: “Lạy Cha,xin tha cho họ,vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34).Người còn hứa ban Nước Trời cho một người trộm cướp giết người cùng bị đóng đinh với Người có lòng ăn năn thống hối (x. Lc 23,39-43).Người cũng đã trao phó Mẹ Người cho môn đệ Người yêu (x.Ga 19,25-27).

       Đây là cách thế Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của mình với Chúa Cha và với chúng ta.Người luôn luôn đặt Chúa Cha lên trên hết và hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha.Khi thi hành ý Chúa Cha,Người hoàn toàn ban mình cho chúng ta.Chúa Cha “đã làm cho Chúa Giêsu thành tội nhân”vì chúng ta.

       Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta bằng cái chết thập giá để tình yêu của Ngài dành cho chúng được tỏ lộ rõ ràng.Thật vậy,khi chúng ta thấy Con Một của Ngài bị xỉ nhục và bị giết,chúng ta tin nhận Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu.Không có cách thế nào bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta rõ hơn nữa.Không còn cách nào khác hơn thuyết phục chúng ta rằng chúng ta đáng yêu trong con mắt của Thiên Chúa (x.Ga 3,16;1Ga 4,10).

       Đây cũng là cách thế Thiên Chúa thiết lập Vương quốc của Ngài.Chúa Giêsu đến với nhân loại như một vị tiên tri khiêm tốn và yêu thương chứ không như một ông vua đầy quyền lực.Người muốn biến đổi trái tim chúng ta bằng tình yêu và thiết lập một Vương quốc tình yêu.

IV.ĐỨC KITÔ PHỤC SINH Ở GIỮA CHÚNG TA

    Sự sống lại của Đức Kitô là chìa khóa của đức tin.Thật vậy,Lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên,lời rao giảng làm cho hàng tỷ người tin vào Chúa và thay đổi lịch sử thế giới,nhấn mạnh đến biến cố độc nhất và nền tảng của Kitô giáo là:Chúa Giêsu Kitô,Đấng đã bị giết chết,được an táng trong mồ,đã sống lại,ra khỏi mồ,nhờ quyền năng của Thiên Chúa,và đã đi vào vinh quang.Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô (x. Cv 2,22-36).

     Sự sống lại của Đức Kitô nói với chúng ta rằng,nếu chúng ta tin và kết hợp với Người,chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người.Người giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi trước cái chết và đem lại niềm vui và hy vọng cho cuộc sống chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.Ai tin vào Thầy thì dù đã chết,cũng sẽ được sống.Ai sống và tin vào Thầy,sẽ không bao giờ phải chết”(Ga 11,25-26).

       Chúng ta phải kết hợp với Đức Kitô và thông phần vào sự chết và sự sống lại của Người để đạt tới sự sống đời đời với Thiên Chúa.Bí tích Rửa Tội là khởi đầu cho sự kết hợp này.Thánh Lễ là cách thế mà Đức Kitô đã thiết lập để nối dài sự chết và sống lại của Người hầu chúng ta thông phần vào sự chết và sự sống lại của Người.Trong mỗi Thánh Lễ,Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta.Chúng ta tin rằng tham dự Thánh lễ là cách thế đón nhận tình yêu của Đức Kitô.

       Khi sống lại từ cõi chết,Chúa Giêsu Kitô về với Chúa Cha và đồng thời cũng đến với chúng ta,Người đang ở giữa chúng ta ngay tại đây và lúc này.Chính Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).Tuy Người hiện diện với chúng ta cách vô hình nhưng rất gần chúng ta,Người ở bên cạnh chúng ta,trong lòng chúng ta.Đặc biệt Người kết hiệp với chúng ta trong Hội Thánh của Người.

        Vào ngày tận thế,Người sẽ xuất hiện cách hữu hình để xét xử toàn thể nhân loại.Lúc đó công việc của Người giữa chúng ta mới hoàn tất.Lúc đó Người sẽ đưa mọi người vào Vương quốc tình yêu và trao lại cho Chúa Cha mãi mãi.

        Trong khi chờ đợi ngày đó đến,công việc của Đức Kitô giữa chúng ta sẽ được hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần,Đấng mà Người gửi tới cho chúng ta từ Chúa Cha.Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu giáo huấn của Đức Kitô và ban cho chúng ta ơn can đảm để theo Đức Kitô,sống theo giáo huấn của Đức Kitô.

 V.TRONG PHỤNG VỤ

     - Cử hành Thánh Lễ  là cử hành hy tế của Đức Kitô,cử hành Mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô.Khi tham dự Thánh lễ,chúng ta thông phần vào hy tế của Người, canh tân lại giao ước tình yêu của chúng ta.

     - Hàng năm chúng ta cử hành biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại vào Tuần Thánh:

         + Chúa Nhật Lễ Lá:Mỗi người tham dự Thánh Lễ cầm trong tay một cành lá đã được làm phép và tham gia cuộc rước nhằm nhớ lại việc dân chúng đón rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem xưa.Trong Thánh Lễ chúng ta nghe bài Tin Mừng kể về sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô.

         + Thứ năm Tuần Thánh:Vào buổi tối ngày thứ năm Tuần Thánh,chúng ta cử hành Thánh lễ Tiệc ly.Ý tưởng chính yếu của Thánh Lễ này là “Giờ của Chúa Giêsu”.Trong Bữa Tiệc ly,Chúa Giêsu thực hiện giờ của mình qua hành động tự hiến làm của lễ hy sinh và nên lương thực nuôi linh hồn mọi người.Thánh Lễ còn là tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể,chức linh mục,rửa chân cho các Tông đồ và nhắc chúng về giới luật yêu thương.

        + Thứ sáu Tuần Thánh:Ngày tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá.Phụng vụ hôm nay gồm việc công bố Lời Chúa,đặc biệt Bài Phúc Âm tường thuật sự Thương Khó Chúa Giêsu theo Thánh Gioan,các lời nguyện,thờ lạy Thánh Giá và Rước Lễ.

        + Chủ Nhật Phục Sinh:Chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu sống lại.Đây là lễ trọng nhất trong năm Phụng vụ.Lễ Phục Sinh bắt đầu từ Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành vào tối thứ bảy.

            Từ Lễ Phục Sinh cho tới Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,cây nến Phục Sinh,biểu tượng Chúa sống lại,được thắp sáng vào các lễ Chủ nhật và các Lễ trọng trong Mùa Phục Sinh.

         + Các ngày Chúa nhật trong năm đều là ngày tưởng niệm Chúa Phục Sinh.Ngày Chúa Nhật là trung tâm của tuần lễ Kitô giáo.

 V.ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY

     Thái độ của chúng ta đối với tội lỗi và đau khổ

    - Đức Kitô đã tự nguyện lựa chọn sự đau khổ và cái chết để cho chúng ta thấy tính chất nghiêm trọng của tội lỗi.Tội lỗi làm chúng ta xa Chúa mãi mãi. Người đã chịu đau khổ và chịu chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và đưa chúng ta vào Nước Thiên Chúa. Vì thế,chúng ta hãy cố gắng tránh xa tội lỗi.

    - Chúng ta cũng cần tìm hiểu về mầu nhiệm đau khổ.Tại sao Thiên Chúa cho phép sự đau khổ xảy ra?Tuy dù chúng ta không thể hiểu thấu toàn vẹn lý do của đau khổ,nhưng chúng ta có thể khám phá ra một vài lý do của sự đau khổ.Nếu chúng ta luôn luôn hạnh phúc,sở hữu mọi thứ chúng ta muốn trên thế giới này,chúng ta sẽ trở nên tự mãn,kiêu ngạo và ngừng việc tiến tới với Thiên Chúa và sự sống đời sau vốn là cùng đích đích thực của loài người chúng ta.Chúng ta cũng thôi,không làm việc để xây dựng thế giới này thành “trời mới,đất mới”, nơi tình yêu và công lý ngự trị (x.2Pr 3,13).

        Chỉ một mình Thiên Chúa nhìn thấy toàn bộ “bức tranh” của lịch sử.Ngài muốn chúng ta đặt trọn niềm tin vào Ngài,như một người mẹ nói với đứa con nhỏ của mình sắp sửa chịu giải phẫu: “Con sẽ thấy đau đấy,nhưng hãy tin lời mẹ,nhờ việc giải phẫu này,con sẽ khỏi bệnh”.

       - Đức Kitô cho chúng ta biết đau khổ có sức mạnh gieo vãi tình yêu trên thế giới,đem chúng ta và người khác đến hạnh phúc muôn đời.Thiên Chúa có thể tự ý lựa chọn cách thế cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết.Nhưng Ngài đã để cho người ta gây ra cái chết đau đớn cho Con Một của Ngài.Qua đó,Ngài dạy chúng ta rằng nếu chúng ta đón nhận những đau khổ,xỉ nhục thì chính những đau khổ này có thể có một sức mạnh làm nảy sinh những điều tốt lành.

      - Là môn đệ của Đức Kitô,chúng ta phải chịu đau khổ với Người.Chính Người nói: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 14,27).Thánh Phêrô cũng nói: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em,để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”(1Pr 2,21).Quả thật,không còn con đường nào khác cho người Kitô hữu.

      -  Khi đau khổ xảy đến,chúng ta hãy kết hiệp nó với sự đau khổ của Đức Kitô,xin Người giúp chúng ta biết chịu đựng nó và biết lợi dụng nó.Đau khổ có thể dạy chúng ta sống khiêm nhường,kiên nhẫn,tha thứ và biết phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.

      - Những đau khổ của Đức Kitô dẫn Người đến chiến thắng vinh quang.Cũng vậy,những đau khổ xảy đến với chúng ta sẽ chấm dứt vào một ngày nào đó trong niềm vui vĩnh cửu trên Trời.       Niềm vui và hy vọng là cách sống của các môn đệ của Đức Kitô.

 

                                   TÓM LƯỢC

     (Trích Bản Toát Yếu sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo)

1.H. Tại sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?

   T. Để tất cả chúng ta,là những kẻ đáng chết vì tội lỗi,được giao hòa với Ngài,Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch tràn đầy tình yêu là sai Con mình đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi.Cái chết của Đức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước,đặc biệt như hy tế của Người Tôi Tớ chịu đau khổ,và đã xảy ra “theo như lời Thánh Kinh”.

2.H. Đức Kitô đã dâng hiến mình cho Chúa Cha thế nào?

   T. Đức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha để chu toàn ý định cứu độ.Người đã trao ban sự sống “làm giá chuộc cho nhiều người”(Mc 10,45).Nhờ đó,Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa.Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo để Thiên Chúa,Đấng muốn cứu độ mọi người,thể hiện tình yêu của Ngài.

3.H. Hiệu quả hy tế của Đức Kitô trên thập giá là gì?

   T. Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội,nghĩa là Người sửa lại tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến chết.Tình “yêu thương đến cùng”(Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã giao hòa toàn thể nhân loại với Chúa Cha.Như vậy,hy lễ Vượt Qua của Đức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị,hoàn hảo và tối hậu,và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

4.H. Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?

   T. Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô.Với thập giá,cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

5.H. Sự Phục sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào?

   T. Sự Phục sinh là một hành động siêu việt của Thiên Chúa.Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi:Chúa Cha bày tỏ quyền năng của mình;Chúa Con “lấy lại” sự sống mà Người đã tự do dâng hiến (Ga 10,17) bằng cách kết hợp linh hồn và thân xác mình,mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn vinh.

6.H. Đâu là ý nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Phục sinh đối với ơn cứu độ?

   T. Phục sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể,xác nhận thần tính của Đức Kitô cũng như tất cả những gì Người đã làm và đã giảng dạy.Cuộc Phục sinh thực hiện tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vì lợi ích của chúng ta.Hơn nữa,Đấng Phục Sinh,Đấng chiến thắng tội lỗi và cái chết,là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta.Ngay từ bây giờ,Phục sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa,khiến chúng ta được thực sự tham dự vào sự sống của Con Người duy nhất,Đấng sẽ làm cho thân xác chúng ta được sống lại vào ngày tận thế.

 

                CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN

1.         1. Cái chết và sự sống lại của Đức Kitô có ý nghĩa gì đối với cá nhân bạn?

2.        2. Những đau khổ của chúng ta có tăng thêm ý nghĩa khi liên   kết với Thập Giá của Đức Kitô không?

   3. Bạn có đồng ý rằng một người Kitô hữu phải là một người lạc   quan không?