PHẦN MỘT

TÂM LÝ LỨA TUỔI

NỘI DUNG GIÁO LÝ CÁC LỚP THÊM SỨC

(KHỐI CĂN BẢN)

NHỮNG THÓI QUEN VÀ YÊU CẦU CẦN ĐẠT

 

CHƯƠNG  I

 

SƠ LƯỢC ĐẶC TÍNH TÂM LÝ LỨA TUỔI

(9-12 tuổi)

 

So với lứa tuổi 7 đến 8 tuổi, tâm lý của lứa tuổi 9 tới 12 tuổi quân bình hơn và tương đối ổn định, ít thay đổi. Sau đây là một số tâm lý chính yếu của lứa tuổi này  :

I. Hoạt động và hướng ngoại  :

     1. Hướng ngoại  :

         Các em thích tìm hiểu ngoại vật. Những gì nghe, thấy, sờ được lôi cuốn sự chú ý và sự thích thú của các em. Tuổi này rất dễ bị thế giới bên ngoài lôi cuốn. Vì thế tuổi này được gọi là tuổi thực nghiệm.

      2. Hoạt động  :

Các em thích hoạt động hơn suy nghĩ. Vì thích hoạt động nên các em  :

a- Thích khám phá sử dụng máy móc, chế tạo đồ vật. Do đó các em rất cảm phục các nhà phát minh và các nhà thám hiểm.

b- Thích những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong chuyện. Ít lưu tâm đến các tâm tình, tình cảm, nhưng rất chú ý đến các hành động của họ.

     Tuổi này không thích và không tin vào những chuyện thần tiên và giả tưởng như lứa tuổi trước nữa.

c- Chú trọng đến những quy luật hành động.

II. Óc  phán đoán và lý luận.

    1. Óc  phán đoán phát triển  :

              a- Bắt đầu phát sinh tâm tình bình đẳng và liên đới. Các em nghe theo những phán đoán khác với gia đình, chịu uy quyền của người khác hơn là của cha mẹ, thích ý kiến của người khác hơn của cha mẹ. Những điều này là dấu chỉ sự phát triển bình thường của óc phê phán.

              b- Lứa tuổi này hay đối chiếu cha mẹ với thầy cô, cha mẹ các em với cha mẹ của bạn khác. Nếu các em thấy cha mẹ mình không tốt hơn cha mẹ của các bạn khác thì cảm thấy xấu hổ, bất mãn và không vâng lời nữa. Vì vậy, các bậc cha mẹ, những người có trách nhiệm giáo dục không được làm ngơ trước óc phê phán này.

    2. Óc lý luận  :

             Các em dần dần thay đổi từ óc mơ mộng bằng óc lý luận. Các em rất dễ hào hứng để cho mình cuốn theo các ý tưởng, các kiến thức mới lạ, không ngừng đặt ra những câu hỏi tò mò, thắc mắc.

             Tuy chưa thể lý luận suy diễn theo dạng đặt vấn đề  “ vì vậy”, “cho nên”, “do đó” như người lớn, nhưng các em không còn thoả mãn với những câu hỏi “tại sao ?” mà đã chuyển dần sang câu hỏi khó hơn “làm thế nào ?” tức là có khuynh hướng khách quan hơn, sâu xa hơn.

    3. Óc thực tiễn  : nhắm kết quả.

              Các em có thể suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ này hướng về hành động. Suy nghĩ để hành động hữu hiệu hơn. Các em chưa hiểu nổi chính ý tưởng trừu tượng, nhưng có thể hiểu ý tưởng trừu tượng qua các hành vi cụ thể.

Ví dụ  : Các em chưa hiểu được ý niệm công lý, nhưng thấy rõ cho đứa nhiều, đứa ít là không công bằng.

III. Sự chú ý  :

        Ở lứa tuổi này, các em có thể chịu đựng, cố gắng chú ý lâu hơn.

IV. Thói quen và trí nhớ.

          - Hành động theo thói quen, tập quán  :

             Các em ưa thích những gì đều đặn, làm cùng một cách, một kiểu.

          - Trí nhớ phát triển mạnh  :

             Các em thu nhận lẫn lộn đủ thứ. Tuy nhớ rất dễ dàng nhưng thiếu xác tín. Vì thế thường hành động theo thói quen.

V. Tình cảm

-  Tình cảm gắn liền với hành động  : bộc trực, hồn nhiên.

-  Thích ganh đua, thích được khen.

-  Nhạy cảm, vui buồn ngắn  ngủi.

VI. Xã hội tính  :

    1. Sống theo quy ước xã hội  :

          Các em dễ bị xã hội ảnh hưởng. Các em thường nghĩ, nhìn, làm như mọi người.

    2. Các em thích tụ họp từng nhóm để vui chơi.

    3. Dễ hợp tác, dễ ganh đua.

Khi soạn bài, truyền đạt Giáo lý cho các em ở lứa tuổi này (khối Căn bản), chúng ta hãy nhớ tới các đặc tính tâm lý trên của các em để có thể đạt được hiệu quả tốt.