HỘI  NHẬP  VĂN  HÓA

(Bài tham luận đọc tại Đại Hội Dân Chúa 2010)

                     

        Thư Chung lịch sử 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) - với định hướng Gắn Bó Với Dân Tộc Và Đất Nước, nói theo cách hiện nay là Hội Nhập Văn Hóa (HNVH)  -  đã đưa ra hai nhiệm vụ cụ thể mà một trong đó là : " Xây dựng trong Hội thánh (Việt Nam) một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc." (số 9). Còn trong Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa (ĐHDC) sắp tới, thì chúng ta đọc được, nơi Đề Nghị Mục Vụ về HNVH, định hướng như sau : " Giáo Hội Việt Nam trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, Giáo Hội nỗ lực đưa những giá trị cao đẹp của văn hóa đó vào lời kinh, tiếng hát, cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong ngôn ngữ, suy tư thần học." (số 34)

          Như thế chúng ta thấy rằng, tuy khác nhau về cách diễn đạt và cách nhau một khoảng thời gian 30 năm, cả hai văn kiện đều nhằm đưa ra một nhiệm vụ thống nhất cho toàn Dân Chúa : đó là hội nhập văn hóa.      

          Nhưng chúng ta đã thấy được gì trong 30 năm qua - từ khi Thư Chung ra đời - và sẽ được thấy gì trong những tháng năm hậu ĐHDC ? Đó là ưu tư của toàn thể Dân Chúa. "Trân trọng, học hỏi, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam" là một yêu cầu, một đề nghị hết sức chính đáng. Nhưng - nói theo kiểu Thánh Phao-lô - "…học hỏi…" làm sao được nếu không có thầy dạy, mà dạy làm sao được nếu không có những giáo trình mang tính HNVH, mà làm sao có được các giáo trình đó nếu thiếu một tập thể giáo sư và chuyên viên nghiên cứu làm việc chung một cách khoa học, mà tập thể đó làm sao có được nếu không được cấp thẩm quyền nào tập hợp và ủy quyền ?!

          Như vậy, nhiệm vụ cấp bách là phải qui tụ được một tập thể những giáo sư, những chuyên viên để tập thể này soạn ra những giáo trình phù hợp, cung cấp cho các nhà đào tạo chất liệu giảng dạy. Có vậy, kế hoạch thực hiện đề nghị mục vụ về HNVH mới có cơ may được thể hiện; nếu không đề nghị này vẫn nằm trên bàn giấy thôi. Và nhiệm vụ cấp bách vừa nói chính là nhiệm vụ của các Ủy Ban Giáo Lý Đức Tinn, Văn Hóa và Phụng Tự thuộc HĐGMVN.

          Nói đến hội nhập văn hóa, người ta dễ nghĩ đến những biểu hiện thường có tính phụ thuộc chứ không phải là bản chất : như biến Đức Mẹ - một phụ nữ Do-thái - thành người Việt Nam với áo dài và vương miện, xây nhà thờ theo kiến trúc chùa chiền, mặc áo thụng xanh đỏ khi cử hành thánh lễ … Chúng ta không ngạc nhiên sao khi thấy tượng Đức Phật đời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, hoặc kinh kệ Phật giáo vẫn là tiếng Phạn được phiên âm, tu phục của các Sư Sãi vẫn không hề cần đến thời trang, …mà có ai dám bảo rằng Phật giáo đã không hội nhập vào văn hóa Việt Nam ?!

          Vậy trước mắt, và trong khi chờ đợi được học hỏi cách hội nhập văn hóa theo đúng định hướng được đề ra, chúng ta có thể và phải ưu tiên làm gì? Học giả Vũ Lưu Xuân, trong bài "Từ Bi, Bác Ái, Từ Góc Nhìn Hội Nhập" của ông, đăng trên Ns CG&DT số 142, tháng 10.2006, đã viết những lời kết rất đáng được lưu tâm và có thể coi như một câu trả lời như sau : " … Có thể khẳng định : Sống triệt để "đức Ái" cũng chính là hội nhập, một thứ hội nhập không ồn ào, không phô trương, và rất nhiều khi không để lại chứng tích cho hôm nay và mai sau, trong khi con người đa phần thích để lại chứng tích, và vì rất thích, nên thường xuyên chú trọng tới bề ngoài".

          ĐHDC khơi dậy nhiều hoài bão. Xin đừng dập tắt niềm hy vọng mới bừng lên.

         

                  

                   Giuse Bùi Văn Tường

               Một đại diện giáo dân Đà-lạt.                                              

                  

 

                            

 


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội