Truyền Giảng Tin Mừng

Trong Bối Cảnh Văn Hóa Việt Nam

Vào đề

Trình bày đề tài phong phú này trong 10 phút là một điều khó. Vì thế, tôi xin giới hạn đề tài này vào những gì thực tế nhất và có ích lợi thật sự cho việc truyền giảng Tin Mừng trong tương lai, hơn là trình bày những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Tại Việt Nam, Tin Mừng đã được các thừa sai đến rao giảng từ giữa thế kỷ 16, tới nay đã được 450 năm. Các thừa sai, nhất là các cha dòng Tên, đã cố gắng truyền bá sứ điệp Kitô giáo một cách thích nghi với bối cảnh văn hóa của dân tộc Việt Nam nên đã thành công tốt đẹp. Để tiếp nối công trình của các thừa sai, chúng tôi cảm thấy phải tiếp tục truyền giảng Tin Mừng một cách thích nghi với bối cảnh văn hóa hiện tại của dân tộc mình, đúng như Công Đồng Vatican II chủ trương.

Trình bày

1.      Tình trạng Việt Nam hiện nay

Tỷ lệ người công giáo so với dân số hiện nay đang sút giảm và sẽ còn sút giảm. Đó là tình trạng báo động khiến người Kitô hữu Việt Nam phải suy nghĩ lại về cách sống và cách loan báo Tin Mừng của mình.

Tình trạng trên xảy ra, có thể do cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo, phong cách sống đạo của người Kitô hữu, và một số đường lối cũ xưa của Giáo Hội không đáp ứng được nhu cầu tâm linh đã thay đổi của con người thời đại.

2.      Hội nhập văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác

Xã hội Việt Nam cũng như thế giới hiện nay thay đổi thật nhanh chóng, nên não trạng, quan niệm, lề lối suy nghĩ, cách sống của thế hệ sau khác với thế hệ trước khá nhiều. Vì thế, việc truyền giảng Tin Mừng từ thế hệ trước sang thế hệ sau đòi hỏi phải có sự thích nghi, phải hội nhập văn hóa : một thứ hội nhập văn hóa mang tính sáng tạo và được thời đại hóa. Nếu không hội nhập văn hóa như thế, việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.

Vì thế, chúng tôi cảm thấy cần phải tìm hiểu văn hóa của người thời đại, nhất là của những thế hệ sắp tới. Một linh mục Việt Nam nhận định : Thế giới ngày nay đề cao tự do, nên rất sợ những định chế có vẻ ép buộc của Giáo Hội. Họ đề cao khoa học kỹ thuật thực nghiệm, nên rất sợ những tín điều mầu nhiệm của Giáo Hội.... Thế hệ trẻ của Việt Nam là như thế, và chúng tôi đang phải rao giảng Tin Mừng cho họ, trong chính bối cảnh văn hóa ấy.

3.      Phải thay đổi cách sống và rao giảng Tin Mừng

Đời sống văn hóa của người thời đại, nhất là của các thế hệ trẻ không còn giống như những thế hệ cũ. Vì thế, nhu cầu tâm linh của họ cũng thay đổi. Những nề nếp cũ của Giáo Hội đã từng làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của những thế hệ cũ, hiện nay không còn thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của các thế hệ mới. Mà nếu nhu cầu tâm linh của họ không được thỏa mãn, đương nhiên họ sẽ tự động đi tìm những tổ chức khác có khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ hơn.

Do đó, chúng tôi cảm thấy cần phải thay đổi cách nhìn cũng như cách trình bày Tin Mừng và sứ điệp Kitô giáo để chúng phù hợp hơn với thế hệ trẻ (với những ưu tư, khát vọng, thao thức, não trạng, tâm lý, khuynh hướng, quan niệm, cách suy nghĩ...). Người Kitô hữu Việt Nam cũng cần thay đổi cung cách sống đạo của mình để có sức thu hút anh em ngoài Kitô giáo và làm phát triển Giáo Hội Việt Nam hơn.

4.      Làm chứng bằng sự bình an và vui tươi

Tinh thần của người thời đại và thế hệ trẻ là đầu óc khoa học thực nghiệm : Chỉ tin sau khi đã chứng minh, nghĩa là chỉ chấp nhận sau khi đã kiểm chứng bằng thực tế. Do đó, sứ điệp Kitô giáo chỉ được họ chấp nhận là hay nhất, tốt nhất khi họ thấy những người Kitô hữu chung quanh họ thường xuyên sống trong bình an và vui tươi bất chấp nghịch cảnh, đồng thời sống yêu thương nhau và yêu thương mọi người. Phản chứng nhất của Tin Mừng là sự lo lắng, nỗi buồn phiền và cách cư xử thiếu tình thương của người Kitô hữu.

5.      Cần trình bày một Đức Kitô sống động

Để rao giảng và trở nên nhân chứng sống động của Tin Mừng Đức Kitô, thì phải có Ngài hiện diện cách sống động trong mình. Có như thế, những lời rao giảng của mình mới có sức thu hút mãnh liệt. Nhưng rất tiếc trong quá khứ và hiện tại cách đào tạo tu sĩ, chủng sinh, cũng như cách giảng dạy của các linh mục, giáo lý viên đối với giáo dân đang làm cho người ta khó mà cảm nhận được Đức Giêsu sống động trong mình (...), một Đức Giêsu đang yêu, đang chết và sống lại trong chính con người mình.

Người thời đại hay thế hệ trẻ ngày nay không chịu nổi những lý thuyết mơ hồ trong một cuộc sống đầy những vấn đề thiết thực phải lo toan. (...). Chúng ta đã biến Giêsu thành một nhân vật trong quá khứ mà quên đi một Giêsu sống động ở hiện tại, một Thiên Chúa hằng sống đang ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14) và ở trong chúng ta (x. Gl 2,20). Việc rao giảng phải được thực hiện làm sao để người dạy cũng như người học đều cảm nghiệm được Đức Giêsu sống động trong đời mình, một sự hiện diện đầy sức mạnh, quyền năng và tình yêu chan hòa trên đời sống họ.

6.      Đừng quá chú trọng đến kiến thức, giáo điều

Trong quá khứ, chúng ta đã quá chú trọng đến kiến thức hay giáo điều về Thiên Chúa, về Đức Kitô, nhưng ít chú trọng đến việc cảm nghiệm quyền năng và sự hiện diện sống động của Thiên Chúa hay Đức Kitô nơi bản thân. Cái được gọi là đức tin của người Kitô hữu lắm khi chỉ là chấp nhận xuông những kiến thức hay giáo điều ấy. Những thứ ấy cho dẫu có đúng và chính xác đến đâu, cũng không trực tiếp đem lại sự sống và sức mạnh tâm linh cho con người. Chỉ có sự kết hiệp và cảm nghiệm Thiên Chúa thật sự mới đem lại sức sống cho con người. Vì thế, thế giới cần cảm nếm và hưởng thụ chính Thiên Chúa hay Đức Kitô gấp trăm ngàn lần những lý thuyết hay giáo điều nói về các Ngài. Nếu những lý thuyết hay giáo điều ấy chỉ là cớ gây chia rẽ trong hàng ngũ các Kitô hữu, thì chúng ta không nên coi chúng quá quan trọng.

7.      Saün sàng thay đổi những gì có thể thay đổi

Để dễ dàng thích ứng với nhu cầu tâm linh của con người thời đại, nhất là của những thế hệ tương lai, chúng ta cần phải saün sàng thay đổi những gì có thể thay đổi. Thời các Tông Đồ, còn gì linh thánh hơn phép cắt bì và luật Môsê, là những cái được coi là xuất phát từ chính Thiên Chúa nên sẽ không bao giờ thay đổi ? Thế mà khi chúng không còn thích hợp với con người thời ấy, các Tông Đồ đã mạnh dạn bãi bỏ chúng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của những Kitô hữu gốc Do Thái. Nếu Giáo Hội không can đảm như các Tông Đồ, dám thay đổi những gì từ xưa đến nay vẫn được coi là linh thánh, là không thể biến đổi, nhưng hiện nay thật sự không còn phù hợp với con người thời đại nữa, thì e rằng Giáo Hội không thể làm tròn sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó.

Phép cắt bì và luật Môsê có linh thánh tới đâu thì cũng là để phục vụ con người, chúng không linh thánh bằng chính con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, được thông phần bản tính của Thiên Chúa. Cũng vậy, mọi giáo lý, tín điều, luật lệ, triết lý, thần học... đều được lập nên vì con người, để phục vụ con người, chứ không ngược lại. Những cái đó chỉ là phương tiện của con người, và con người mới là mục đích của chúng. Chúng phải thích ứng với con người, chứ không phải con người phải thích ứng với chúng. Vì thế, bao lâu chúng không còn thích hợp hay cản trở con người đến với Chúa và với nhau, thì những người có trách nhiệm hướng dẫn lãnh đạo Giáo Hội nên bãi bỏ. Các Tông Đồ đã làm điều đó trước chúng ta và làm gương cho chúng ta.

8.      Cần phân biệt cái không thể thay đổi, với cái có thể thay đổi

Vậy, khi cần phải thay đổi, chúng ta nên saün sàng thay đổi những gì có thể thay đổi và chỉ cương quyết giữ lại những gì cốt tủy không thể thay đổi được. Muốn thế, ta cần phải phân biệt những gì không thể thay đổi với những gì có thể thay đổi, những gì là mục đích với những gì là phương tiện, những gì là cốt tủy với những gì tùy phụ. Chẳng hạn, trong giáo huấn của Đức Kitô, - là Ngôi Lời đã nhập thể vào ngôn ngữ và văn hóa của con người - và trong giáo huấn của Giáo Hội, cần phân biệt đâu là yếu tố cốt tủy của sứ điệp, và đâu là yếu tố văn hóa được dùng để diễn tả sứ điệp. Lẫn lộn hai yếu tố đó, ta sẽ không quyết đoán được những gì có thể thay đổi và những gì không thể thay đổi.

Để kết thúc

Tại Việt Nam, xã hội đang bắt đầu thay đổi với tốc độ nhanh. Việt Nam đã mở cửa để các nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh. Xã hội đang được công nghiệp hóa, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa... khiến đời sống được nâng cao hơn nhưng lại bận rộn hơn xưa rất nhiều. Xã hội thay đổi như thế, nên chúng tôi cảm thấy mình cũng cần phải thay đổi những gì có thể thay đổi và được phép thay đổi để thích ứng với nhu cầu tâm linh mới của con người hiện đại. Giáo Hội thời sơ khai đã thích ứng một cách hết sức mềm dẻo với xã hội thời đại ấy, đó là một Giáo Hội trẻ, đầy sức sống.

Nếu một Giáo Hội địa phương không còn khả năng thay đổi để thích ứng với xã hội của mình, đó là dấu hiệu cho thấy Giáo Hội đó đang già cỗi và không còn sức sống. Chúng tôi muốn mình là một Giáo Hội trẻ. Tuy nhiên, để giữ sự hiệp thông, sự thay đổi của một Giáo Hội địa phương còn tùy thuộc vào sự thay đổi của Giáo Hội toàn cầu. Chúng tôi đang chờ những quyết định mới từ phía trên, cũng như từ Thượng Hội Đồng Giám mục này, và chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến, đề nghị giúp chúng tôi thích ứng với xã hội một cách tốt đẹp nhất.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà