Các
văn kiện cấm đạo
7/25/2013
Để viết chương sách này, chúng tôi phải tham khảo nhiều tác
phẩm liên quan đến Lịch Sử Việt Nam và Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt
trong những thế kỷ cấm đạo hay những triều đại vua Lê chúa Trịnh và chúa Nguyễn,
triều đại nhà Tây Sơn và triều đại nhà Nguyễn. Tuy nhiên, tác phẩm chúng tôi
dùng nhiều nhất, trích dẫn nhiều nhất, vẫn là bộ sách ba cuốn của linh mục Vũ
Thành, bộ DÒNG MÁU ANH HÙNG (1). Lý do, vì duy nhất chỉ nơi bộ sách này chúng
tôi mới tìm ra nhiều ‘nội dung’ của các sắc lệnh hay chỉ dụ cấm đạo của vua
chúa và nội dung các kiến nghị của quan triều các cấp. Và để giữ tính cách
khách quan, chúng tôi chỉ nêu lên các sự kiện và bản văn có lịch sử tính còn
ghi lại. Việc ‘phê bình lịch sử’ vượt khả năng của chúng tôi và ở ngoài tiêu đề
của chương sách ‘Các Văn Kiện Cấm Đạo’. Vì thế, khi đề cập đến một văn kiện cấm
đạo, chúng tôi trình bày đơn giản, mục đích để độc giả nắm bắt dễ dàng: trong mỗi
văn kiện, chúng tôi nêu bật - ‘nội dung văn kiện cấm đạo’, - ‘nguyên nhân đặc
thù thúc đẩy việc dâng kiến nghị, việc ra sắc dụ hay chỉ dụ cấm đạo’, - ‘những
vụ việc nổi bật xảy ra sau việc ban hành mỗi văn kiện cấm đạo’. Với lòng biết
ơn chân thành, chúng tôi mong ước các nhà sử học bổ túc cho những thiếu sót gặp
thấy trong chương sách này.
I. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA CHÚA TRỊNH TẠI MIỀN BẮC HAY
ĐÀNG NGOÀI (3).
Theo sử gia Trần Trọng Kim, “Đầu thế kỷ XVI, vì vua nhà Lê
hoang dâm vô độ, bỏ việc chính trị đổ nát, cho nên trong nước loạn lạc, nhà Mạc
mượn dịp mà làm sự thoán đoạt. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng
nhớ đến công đức của vua Thái Tổ và vua Thánh Tông, cho nên lại phò con cháu
nhà Lê trung hưng lên ở phía nam, lập ra một triều đình riêng ở vùng Thanh Hóa,
Nghệ An để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam Triều và Bắc Triều. Hai
bên đánh nhau suốt sáu mươi năm trời. Đến khi nhà Lê có họ Trịnh giúp đỡ, dứt
được nhà Trịnh, tưởng giang sơn được thống nhất như cũ. Ai ngờ, họ Trịnh và họ
Nguyễn sinh lòng ghen ghét nhau, rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nước ra
làm hai mảnh: họ Trịnh ở xứ Bắc và họ Nguyễn ở xứ
Chính trong bối cảnh đó mà hạt giống Tin Mừng được gieo vào
và lớn lên giữa bao nhiêu gian lao chất chứa trong những cuộc bắt đạo. Trước
tiên chúng tôi nêu lên những văn kiện tức là kiến nghị, sắc lệnh trục xuất hay
sắch lệnh bắt đạo trong suốt thời của chúa Trịnh tại miền Bắc.
1. Chúa Trịnh Tráng (1627-1658).
* 1629, sắc lệnh cấm đạo đầu tiên (4).
Nội dung sắc lệnh:
Rất tiếc, chúng ta không có hết bản văn của sắc lệnh, ngoại
trừ đoạn sau đây: “Hoàng thượng sắc dụ cho nhân dân biết, các Tây Giang Đạo Trưởng
ở trong triều trẫm không có dạy nhân dân những đạo lý sai lầm hại dân hại nước,
nhưng để đề phòng điều có thể xẩy ra sau này, hoặc những âm mưu hiện đang ngấm
ngầm xếp đặt mà Trẫm chưa điều tra ra, Trẫm cấm ngặt từ đây các thần dân của Trẫm
không được đi lại với các Đạo Trưởng và tin theo đạo đó nữa” (DMAH 1 tr. 108).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Ghen tị của lương dân khi thấy các thừa sai, nhất là cha Đắc
Lộ thu hút đông dân theo đạo.
2) Các bà vuơng phi lo cho số phận. Một bà đã sai một quan đến
cảnh báo cha Đắc Lộ: “Hỡi các Tây Giang Đạo Trưởng, sao các ngươi lại đến giảng
trong nước ta một đạo lý trái với tục đa thê trong nước ta? Các ngươi chỉ cho
phép thần dân của ta được có một vợ một chồng khi mà ta muốn có thêm nhiều tôi
trung. Từ nay, cấm các ngươi không được truyền bá đạo sai trái ấy nữa. Nếu bất
tuân lệnh ta, thì các ngươi phải biết rằng mất đầu thì cái chân không thể đứng
vững được, nghĩa là ta sẽ trừ diệt nguyên nhân sâu xa ra khỏi nước ta” (DMAH 1
tr.107).
3) Vì có lời vu cáo: các cha liên lạc với nhà Mạc và chúa
Nguyễn ở miền
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cả bốn tháng trời các cha không dám ra khỏi nhà.
2) Năm 1629 hai cha bị trục xuất xuống
miền
3) Ba tân tòng xưng đạo anh dũng: ông
Phanxicô, hai thanh niên Phanxicô và Daria.
4) Năm 1630, cha Đắc Lộ bị trục xuất
mang theo lá thư giáo dân miền Bắc kính đệ Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII.
5) Vì có thêm những lời vu khống của
các sư sãi vào lúc mất mùa vì hạn hán, chúa Trịnh Tráng càng gia tăng việc cấm
đạo, phá huỷ đền các nhà thờ, quấy nhiễu các họ đạo.
2. Chúa Trịnh Tạc (1658-1682)
* 1658, lệnh trục xuất 6 cha dòng Tên và giam lỏng 2 cha mới
tới. (Rất tiếc không tìm ra bản văn)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vì là người sùng đạo Nho, chúa Trịnh Tạc cấm đạo Công Giáo
để nâng đạo Nho lên.
2) Vì chúa muốn cấm đạo Công Giáo theo
gương nước Trung Hoa và nước Nhật.
3) Vì những vu cáo: người Công Giáo bỏ
bê việc cúng thần làng và thờ tổ tiên.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Sắc lệnh được thi hành đúng mức.
2) Ông Benoit làng Kiên Lao nêu cao
lòng nhiệt thành sống đạo và truyền đạo.
3) Có Sao Chổi xuất hiện, cả triều đình
lo sợ, chúa thu hồi lệnh cấm đạo.
* 1669, ba sắc lệnh:
Nội dung ba sắc lệnh:
- 13.5, chúa truyền cho ông trấn thủ
Nguyên do đặc thù xui khiến:
1) Hoạn quan Cao Cát nài xin chúa Trịnh phải hành động như
vua nước Nhật để nhổ tận rễ đạo Công Giáo. Bằng không người ta coi thường lệnh của
chúa.
2) Hội đồng cố vấn tố cáo rằng: Đạo Hoa
Lang là đạo lừa dối dân chúng, nhất là dân chúng ngu dốt.
3) Vu khống: Các đạo trưởng tụ họp dân
nam nữ và làm những chuyện vô luân.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cha Deyduer và 3 thày giảng bị bắt.
2) Nhiều đồ đạo bị tịch thu và thiêu đốt
3. Chúa Trịnh Căn (1682-1709)
* 1696, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung sắc lệnh:
“Đạo Hoa Lang là một thứ đạo giả dối đầy lầm lạc nghịch lại với
lý lẽ, dụ dỗ dân chúng và đã bị các tiên vương nghiêm cấm nhiều lần. Trẫm lấy
làm ngạc nhiên vẫn còn nhiều người, nam cũng như nữ, dễ dàng bị lôi kéo theo.
Vì vậy trẫm cấm những cái xấu xa và nghịch lý sau đây: Từ rày về sau, nếu các đạo
trưởng lén lút tập họp dân chúng để giảng đạo và nếu có người nào đem lòng tin
theo con đường lầm lạc này, thì các quan tại kinh đô phải xem xét cẩn mật, các
quan trấn thủ và các quan án tại các tỉnh phải trông chừng chu đáo trong địa hạt
của mình. Nếu bắt được đạo trưởng thì phải xét xử theo luật, còn giáo dân khi bị
bắt thì phải đánh đàn ông 50 roi lớn, đàn bà 50 roi nhỏ, và cắt tóc đàng sau
gáy. Nhà nào chứa chấp đạo trưởng, nếu đạo trưởng là người Âu châu sẽ bị phạt nặng
hơn là đạo trưởng và thày giảng Việt. Về các nhà thờ và đồ đạo phải thiêu hủy hết
để tận diệt hoàn toàn giáo phái hư hỏng này. Lệnh này phải được triệt để thi
hành, quan án nào chểnh mảng để cho giáo phái này còn tồn tại sẽ bị trừng phạt
xứng đáng”. Ngày 10 tháng 7 năm thứ mười bảy Hoàng Đế trị vì. Sắc lệnh được
niêm yết tại hoàng cung ngày 15.7 tức ngày 12.8.1696 Dương Lịch (DMAH 1 tr.
134).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Lương dân tố cáo: người Công Giáo không chịu góp tiền xây
chùa hoặc cúng thần làng.
2) Các quan cấp tổng và làng tố cáo:
người Công Giáo họp đông đúc cầu nguyện, nhất là khi có đám tang.
3) Lương dân tố cáo: người công gìáo
đeo ảnh tượng ra bên ngoài, như để nhạo đức Phật.
4) Ngày 20.7.1696, một tàu Hòa Lan cập
bến với hai cha thừa sai và nhiều kiện đồ đạo bị phát giác.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cha sở làng Kiên Lao, một xứ lớn với 4.000 giáo dân, bị
lính đến xét nhà và bắt cha với 3 hòm đồ đạo. 200 bà giáo dân cầm giao, gậy đến
đánh nhau với quân lính để giải cứu cha sở và lấy lại 3 hòm đồ đạo. Tức giận,
quan phủ cho 30 quân lính với đầy đủ khí giới, về làng Kiên Lao bắt lại cha sở
và lấy lại 3 hòm đồ đạo.
2) Ông Emmanuel và ông Jérôme, người
làng Kiên Lao bị bắt và can đảm tuyên chứng đức tin
3) 32 trưởng gia đình làng Vang Va đã
cương quyết tuyên xưng đức tin. Quan trấn thủ thán phục nên chỉ đánh đòn nhẹ
nhàng và bắt nộp ít tiền phạt rồi cho về.
4) Dựa vào sắc lệnh cấm đạo: các quan cố
bắt nhiều giáo dân ‘để đòi tiền chuộc’, quân lính lo lục soát các gia đình Công
Giáo mong ‘tịch thu vải vóc, lụa là…’, lương dân ùa theo đốt phá nhà thờ.
5) Cô Lucia 14 tuổi, can đảm tuyên xưng
đức tin. Vì thế, dù còn nhỏ tuổi, cô cũng bị tra tấn đến nhừ tử. Thấy cô kiệt sức
quan mới thả cho về. Về gia đình được 13 ngày, cô qua đời. Mọi người coi cô là
anh hùng tử đạo.
4. Chúa Trịnh Cương (1682-1709).
* 1721, sắc lệnh cấm đạo
Nội dung sắc lệnh:
“Đạo Hoa Lang đã lạm dụng tình hữu nghị để lừa dối những người
ngu dại, dụ dỗ nhiều người khác tin theo. Người nào tin theo là làm nghịch lại
đạo giáo của quốc gia, nghịch lại lương tri, và hơn nữa còn muốn xóa bỏ đạo lớn.
Từ trước các vị cố vấn khôn ngoan và sáng suốt đã nghiêm cấm đạo này, nhưng các
người đứng đầu đã không chịu từ bỏ lại còn tăng thêm số người theo đạo nữa. Nếu
chúng ta không trừ diệt, dần dần người dân sẽ theo phái giáo này, vì chưng lòng
người dễ chiều theo và sợ rằng sẽ đem đến nguy hại cho quốc gia. Vì vậy cần phải
chấm dứt mọi tiến triển của đạo này và chấn chỉnh trật tự chung. Vậy các tín hữu
đã theo đạo phải sửa sai lầm lỗi. Nếu ở kinh thì phải nộp sách và đồ đạo tại
các phường trưởng, còn ở miền quê thì nộp cho các xã trưởng để đem đốt trước mặt
mọi người. Ngoài ra các tín đồ còn phải viết tờ xuất giáo từ bỏ tà đạo và trở về
đường ngay trong thời hạn một tháng. Hết thời hạn, nếu bắt được người nào còn
theo đạo này hoặc tàng trữ đồ đạo, thì cho phép phường trưởng, xã trưởng hay bất
cứ ai được tố cáo với quan án. Sau khi đã bắt và xét xử, và nếu thấy có tội trạng
thì giao nộp cho quan trấn để cắt tóc đàng sau gáy, thích bốn chữ ‘Học Hoa Lang
Đạo’ vào mặt để làm gương cho các người khác còn mù quáng tin theo. Mỗi người bị
kết án phải nộp tiền phạt là 100 quan tiền để thưởng công cho người cáo giác.
Còn phần 3 đạo trưởng ở khu phố thuộc xứ nam thì phải trục xuất về nguyên quán,
không cho phép trở lại xứ này nữa. Về phần người Bồ Đào Nha còn trốn tránh
trong các xứ để giảng dạy đạo thì các quan trấn có thêm vụ lùng bắt và giải về
triều đình để diệt trừ tà đạo này. Để danh chính ngôn thuận, các quan phải công
bố sắc lệnh này”. Ban hành năm thứ tám triều đại Vĩnh Thịnh, ngày 22.03 (27.4
Dương Lịch) và công bố ngày 16.4 (10.5 Dương Lịch) (DMAH 1 tr.140).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến.
1) Một nhà sư pháp danh là Cháy, một trong các cố vấn thế giá
của chúa Trịnh Cương, ráo riết đề nghị cấm đạo Hoa Lang để chấn hưng đạo Phật.
Đây là lý do chính.
2) Sư Cháy và nhiều quan triều cho rằng đạo Hoa Lang khinh bỉ
thần phật và coi thường kỷ luật nhà nước, lại mỗi ngày một phát triển.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Hai thày giảng Phêrô Hiệp và Piô Mỹ Lộc can đảm giữ đức
tin, không đạp ảnh.
2) Ba thừa sai bị bắt giải về kinh: Đức
Cha Bourges, Đức Cha phó Belot và thừa sai Guisain. Các ngài phải đối chất với
hội đồng cố vấn về 14 câu hỏi.
3) Để trốn tránh, khỏi bị bắt, nhiều
linh mục và thày giảng phải tàng hình làm người chèo thuyền, buôn bán trên sông
hay làm thày lang chữa bệnh.
4) Về luật buộc ‘viết giấy xuất giáo’,
thì nhiều người Công Giáo chung nhau viết một tờ khai rằng: ‘Chúng tôi không
tin theo Hoa Lang nhưng chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời mà thôi’.
5) Riêng tại địa phận Đông Ký có 304
người bị thích chữ ‘Học Hoa Lang Đạo’, 11 nhà xứ và 183 nhà thờ bị tàn phá.
6) Cha Giuse Phước quê Thanh Hóa bị kết
án tù chung thân năm 1717 và đã tạ thế ngày 10.02.1732.
* 1721, sắc lệnh cấm đạo:
Nội dung sắc lệnh:
Nhân danh chúa Trịnh Cương, các quan án và năm quan hội đồng
cố vấn truyền lệnh cho các trấn thủ: “Đạo Hoa Lang đã làm xáo trộn thế giới và
lừa dối thần dân. Các năm trước đã ra lệnh rất nghiêm nhặt, trục xuất đạo trưởng,
tháo gỡ nhà thờ và thiêu hủy ảnh tượng với mục đích trừ diệt tận gốc rễ sự dữ
này ra khỏi lòng người dân. Thế nhưng thói tục mù quáng này chưa trừ được hết,
vẫn còn đạo trưởng lén lút trong nước, đi khắp các tỉnh dựng nhà hội họp giảng
đạo. Vì vậy, cần phải tìm mọi cách loại trừ bằng được đạo giáo nguy hiểm này.
Các trấn thủ phải sai lính đi lùng các huyện và làng xem đâu có nhà hội thì phải
kê khai rõ ràng, tên gia đình chứa chấp, đoạn bắt trói giải về kinh đô. Các trấn
thủ cũng phải lùng xem có những người nào theo đạo này hoặc nghe biết nơi nào
khác có nhà hội họp giảng đạo, đồ đạo tàng trữ, thì phải viết giấy tâu về kinh.
Nếu lời khai là đúng với sự thật sẽ được trọng thưởng những đồ vật và ruộng vườn
của người bị tố giác…”. Bảo Thái năm thứ hai, ngày 19.10 (8.12 Dương Lịch)
(DMAH 1 tr.151).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Năm 1720, một học sinh dòng các cha Đa Minh tại Lục Thủy
tên là Văn Sao bị loạn trí. Khi bị loại khỏi trường, anh tự xưng là vua Miền Bắc
và xúi dân nổi loạn… Anh bị chính quyền bắt giam và điều tra. Anh tố giác 3 cha
Đa Minh Tây Ban Nha là lãnh tụ phản loạn, và 4 trụ sở là sào huyệt… Vì thế, các
cha phải ẩn trốn khắp nơi, người giữa đồng lúa, người trong nghĩa trang, người
sau lẫm lúa…
2) Dựa vào sự kiện trên, nhà sư Cháy, bấy giờ là chủ tịch hội
đồng cố vấn, vận động với chúa Trịnh Cương và họp bàn với các quan trong cung
triều, ra sắc lệnh cấm đạo trên đây.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cuộc cấm đạo năm 1722 chĩa mũi dùi vào địa phận Đông Ký
thuộc các cha dòng Đa Minh.
2) Trong những cuộc càn quét họ bắt được
nhiều đồ lễ và bắt giam nhiều giáo dân. Thấy các giáo dân bị tra tấn dã man,
thày già Lễ đã ra mặt tự nhận đồ lễ đó là của mình quản lý. Thày xin chịu tội
và xin cho giáo dân được trả về gia đình… Vì thày ‘thà chết chứ không bỏ đạo’,
nên thày bị hành nhục quá lẽ và đã chết rũ tù ngày 28.1.1722, thọ 70 tuổi.
3) Cuộc tử đạo của 2 cha dòng Tên và 9
giáo dân tại miền Bắc, năm 1723. Hai cha dòng Tên là cha J.B.Messari và cha
Francois Marie Bucharelli cùng ba thày Ambrosio Đào, Emmanuel Điền, và Philippe
Mi bị bắt ở Quảng Yên gần biên giới Trung Hoa. Trong số giáo dân, nổi bật là cụ
già Luca Thu. Cụ luôn khảng khái tuyên bố: “Tôi kính vua chúa và không bao giờ
khinh khi luật quốc gia, nhưng tôi quyết tâm tôn thờ một vị Vua cao cả trên trời”.
Cụ bị hành hạ suốt hai năm tù, và sau cùng bị chém đầu.
5. Chúa Trịnh Doanh (1740-1769) (5)
• 1754, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung sắc lệnh:
“Nhân danh chúa Trịnh Doanh, Hội dồng các quan truyền lệnh
cho các quan huyện như sau: Đạo Hoa Lang lầm lạc nghịch lại lý trí, mê hoặc
lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm. Các năm trước hội đồng đã gửi
các sắc lệnh ngăn cấm để chặn sự xâm nhập của đạo này, nhưng vẫn còn có người
tiếp tục làm hư hại người khác. Vì vậy quan trấn các phủ huyện phải bí mật điều
tra. Nếu bắt được đạo trưởng thì phải giải họ về kinh, các tín hữu thì phải trừng
phạt, hoặc lưu đày, hoặc tạp dịch trong các chuồng thú vật, hoặc đánh đòn. Nếu
các quan chểnh mảng nhiệm vụ này sẽ bị trừng phạt, ai nhiệt thành sẽ được trọng
thưởng” (DMAH 1 tr. 189-190).
Nguyên do đặc thù xui khiến:
1) Có lẽ vì thấy, từ năm 1748, có nhiều quan quân theo đạo
Công Giáo, do ảnh hưởng các cha dòng Tên giỏi thiên văn, toán học, nên chúa Trịnh
Doanh và hội đồng cố vấn sốt ruột, sợ hãi và sinh lòng ghét đạo.
2) Có lẽ vì thấy các làng Công Giáo công khai tụ họp, lễ lạy
mỗi ngày một đông… khiến lương dân ganh tị khiếu nại lên các quan trấn và lên
chính chúa Trịnh Doanh.
3) Nên ngay năm 1750 chúa Trịnh Doanh đã lặp lại các lệnh cấm
đạo cũ. Và cụ thể, năm 1751, chúa không cho các thừa sai từ Macao tới được xuống
khỏi tàu, đặt chân lên đất.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Nhiều nhà thờ bị phá hoặc bị bán cho dân hay thưởng cho
người ‘có công tố cáo’.
2) Giáo dân không được tụ họp và buộc dựng
cây nêu trước nhà.
3) Các linh mục và thày giảng phải trốn
tránh.
4) Cha Đóa bị bắt với 4 người nhà, cha
Cai bị bắt tại Bố Chính với bốn giáo dân, một số chủng sinh Thanh Hóa bị bắt, một
cha dòng Đaminh bị bắt ở giáo phận Đông Ký.
5) Năm 1765, nhân vụ kết án một nhà sư phạm pháp và triệt hạ
một số chùa chiền, chúa Trịnh Doanh lại ra lệnh cấm đạo. Vì thế ba linh mục:
cha Orta dòng Tên, cha Đóa dòng Đaminh và cha Hiên bị bắt.
6. Chúa Trịnh Sâm (1767-1782).
• 1773, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung sắc lệnh:
“Hội đồng tòa án công bố sắc lệnh của hoàng thượng cho các
quan khắp nơi trong nước được biết để tuân hành. Khắp nơi tà đạo dùng lời nói lừa
gạt nghịch lại với luật lệ và thói tục quốc gia nên cần phải nghiêm cấm. Tà đạo
ấy là đạo Hoa Lang, giảng dạy những điều kỳ quặc và nói về các tật xấu cũng như
các nhân đức làm cho người nghe cảm động vì những lời nói dối trá ấy. Những người
theo tà đạo, không những hủy hoại luật lệ mà còn xúc phạm đến cả đạo lý quốc
gia nữa. Từ lâu đời đã có nhiều sắc lệnh cấm đạo này. Các sắc lệnh đã truyền
cho các quan trấn phải hết lòng bắt bớ các người tin theo. Không những các người
mê muội tin theo mà mỗi ngày con số các tín hữu còn tăng thêm khắp mọi miền,
che giấu cho nhau. Chắc chắn rằng đạo đó là một lừa dối, không thể để cho tiếp
tục bành trướng thêm. Vậy các quan phải tuân theo lệnh hoàng thượng, chấn chỉnh
tục lệ quốc gia và loại trừ các thói xấu. Do đó hoàng thượng ra lệnh cấm đạo
này vì đó là tà đạo. Các người đã trót theo thì phải sửa lầm lỗi, mang nộp các
sách đạo và thiêu hủy hoàn toàn. Các nhà hội họp và nhà thừa sai phải phá hủy.
Ai bắt gặp đạo trưởng ở đâu đều được quyền bắt giữ và giao cho quan trấn tại
kinh đô hoặc giao cho quan sở tại. Sau khi hội đồng tòa án xem xét tội phạm sẽ
ra án. Hạn cho hai tháng để các người học đạo được thay đổi việc học. Tại các
trường bất cứ ở đâu, phải nghiêm cấm việc giảng dạy đạo nói trên. Sau thời hạn
hai tháng còn bắt gặp thừa sai hoặc người dạy đạo trong bất cứ nơi nào, cả những
người nghe theo hay thực hành đạo, các quan sở tại và mọi người biết phải tố
cáo với quan trấn thủ. Quan trấn thủ sẽ sai lính đến bắt các người đứng đầu
cũng như các tín đồ để giao nộp cho tòa xét xử xứng tội phạm. Nếu quan hay xã
trưởng để cho thày đạo giảng dạy trong lãnh thổ của mình mà không tố giác sẽ bị
bắt giam. Người nào tố cáo sẽ được trọng thưởng. Nếu làng xã nào không ngăn cấm
hoặc tố cáo hoặc có người khác tố cáo đúng sự thật thì người tố cáo được thưởng
và miễn tạp dịch ba đời, làng xã bị tố cáo sẽ bị nộp thuế gấp mười lần. Nếu người
tố cáo thuộc làng khác thì làng ấy được giảm thuế. Đó là cách phải đối phó với
đạo Hoa Lang để uốn nắn lòng người”. Ngày 28.09 năm vua Cảnh Hưng thứ IV
(14.11.1773) (DMAH 1 tr. 203-204).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Thực tế, trước năm ra sắc lệnh (1773), chúa Tịnh Sâm đã tiếp
tục bắt đạo theo các vị tiền bối của ông. Bằng chứng, cha Giaxintô Castanêđa
(Gia), cha Vinhsơn Lê Quang Liêm đã bị bắt và được tử đạo ngày 07.11.1773.
2) Có lẽ chúa Trịnh Sâm tức giận về cuộc
tranh luận theo lời yêu cầu của bà Thượng Trâm, mẹ của hoàng tử Sáu, chú của
chúa Trịnh Sâm, giữa hai cha Gia và Liêm với một nhà sư và một thày đồ nho. Cuộc
tranh luận tay tư này sau thành tập sách ‘Hội Đồng Tứ Giáo Danh Sư’.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Khi sắc lệnh được công bố, các quan chia thành hai phe:
Phe quan già cho rằng bắt đạo chỉ mở cơ hội rối loạn và cướp bóc thêm, phe quan
trẻ bao dung, cho tự do tôn giáo.
2) Nhiều quan quân và lương dân thừa cơ
hội để làm tiền.
3) Ở Nghệ An, một linh mục và hai thày
giảng bị bắt và phải nộp 800 quan tiền để được trả tự do.
4) Nhiều tu viện Mến Thánh Giá bị phá
và bị giải tán.
5) 42 giáo dân bị bắt và bị khắc chữ ‘Học
Hoa Lang Đạo’ trên má.
6) Năm 1777, thày Đaminh Thu, 30 tuổi,
bị bắt và bị xử trảm tại kinh đô.
7) Năm 1782 chúa Trịnh Sâm tạ thế và loạn
Kiêu Binh phá tan sự nghiệp của dòng họ Trịnh.
II. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA CHÚA NGUYỄN
TẠI MIỀN NAM HAY ĐÀNG TRONG
Dưới danh nghĩa phò nhà Lê, trong suốt thế kỷ XVII, các chúa
Trịnh hùng cứ miền Bắc, và chúa Nguyễn cai trị miền Nam. Theo linh mục Vũ
Thành, ‘Nguyễn Hoàng (1558-1613) cũng gọi là chúa Tiên, được Trịnh Kiểm cho coi
Thuận Hóa từ năm 1558, mười năm sau xin coi thêm Quảng Nam. Tại Quảng Nam ngoài
Dinh Chiêm còn có hai đô thị buôn bán quan trọng là Hội An (Faifo) và Cửa Hàn
(Y Turan). Hai nơi có sông thông với nhau làm thành một khu thương mại phồn thịnh.
Tại Hội An có hai phố, một dành cho người Trung Hoa Minh Hương trốn nhà Thanh
sang lập nghiệp, và một dành cho người Nhật trốn tránh cuộc bắt đạo ở Nhật. Mỗi
khu phố có quan và tổ chức riêng theo phong tục của họ, đồng thời nộp thuế cho
chính phủ.
Trong năm 1604 Nguyễn Hoàng phân chia lại các huyện trong
lãnh thổ của mình như sau: “Trấn Thuận Hóa có hai phủ là Điện Bàn và Quảng
Bình. Trấn Quảng Nam có ba phủ là Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân. Các vị
thừa sai thường viết Thuận Hóa là Sinoa và Quảng Nam là Cacham. Năm 1613, Nguyễn
Phước Nguyên cầm quyền thay cha, rất mộ mến Phật giáo nên được gọi là chúa Sãi,
bỏ lệ triều cống và tự xưng vương” (DMAH 1 tr.8-9).
1. Chúa Sãi tức Nguyễn Phúc Nguyên (1615-1635).
* 1617, lệnh trục xuất
Nội dung sắc lệnh (Tiếc là không tìm ra)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
Năm 1617 có đại hạn hán tại Nam Việt, các thày sư coi các
chùa miếu đổ tội cho cha dòng Tên là Buzomi và Pina làm các thần giận không cho
mưa nữa. Họ đòi giết hai cha để tế thần, nhưng chúa Sãi mến phục hai cha, không
nỡ giết mà chỉ xin ‘trục xuất tạm’ hai cha trong vòng vài năm.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các cha công khai lên tàu để đi Macao, nhưng rồi lại lén
lút trở lại và được quan phủ Qui Nhơn đón về săn sóc.
2) Để cứu vãn tình thế, Macao vội cho một
tàu buôn chở nhiều hàng hóa và hai cha khác là Marquez và Borri tới. Thấy vậy,
chúa sãi lại cho phép tự do giảng đạo.
• 1625, lệnh trục xuất.
Nội dung sắc lệnh:
“Trước hết tất cả các cha đang ở Quảng Nam, Qui Nhơn hoặc bất
cứ nơi nào, phải tập trung về Hội An và không được ra khỏi khu phố dành cho người
Nhật, không được xây nhà thờ hay nhà gì khác. Cũng không ai được lấy lẽ mình là
người Công Giáo để bỏ bê các lễ lạy trong làng. Còn các Kitô hữu thì không được
đeo tràng hạt ở cổ hay treo trong nhà, phải tháo cất các ảnh Chuộc Tội ngoài đường
vào trong nhà” (DMAH 1 tr.12).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Thấy bốn cha và ba thày làm việc hăng say và thành công, rửa
tội cho nhiều người, xây nhiều nhà thờ, tổ chức và sinh hoạt quy củ, các sư sãi
và một số quan lại tức tối, ghen tương… tố cáo ‘các cha dùng phép phù thủy
chiêu mộ nô lệ cho Vua Bồ Đào Nha. Họ xin với quan trấn tâu với chúa trục xuất
các cha ra khỏi vùng đất Mặn, nếu không Trời sẽ phạt.
2) Hai nhà sư thông thái đến xin tranh luận với các cha về việc
cúng giỗ tổ tiên… Sau đó họ tố cáo rằng: Đạo Công Giáo bỏ bê việc thờ cúng tổ
tiên và các tục lệ trong làng.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Sắc lệnh công bố tại trấn Quảng Nam vào tháng 12.1629,
nhưng vì cha Pina ra khơi lấy đồ và bị chết đuối, nên giáo dân xin quan trấn
triển hạn thi hành 100 ngày để họ lo việc an táng cha Pina thương mến của họ.
2) Hết hạn, thày Manuelô được sai đi
các nơi khuyên giáo dân đem ảnh Thánh Giá vào nhà kẻo các sư sãi lại tố cáo là
‘giáo dân không tuân theo sắc lệnh’.
3) Tại Quy Nhơn họ đạo Nước Mặn, quan sở
tại cấm đạo khắt khe, nên giáo dân tâu lên triều đình. Các quan đại thần cho biết:
ý của chúa Sãi là cấm đeo ảnh ra ngoài áo chứ không cấm theo đạo Kitô.
4) Quan trấn thủ Phú Yên đã không công
bố, không thi hành sắc lệnh, lại công khai biện hộ cho đạo Kitô nữa.
5) Nhiều quan lại, nhiều nhà trí thức
đã đón nhận đức tin và nhiệt tình xây dựng Giáo Hội, trong đó có bà Minh Đức Vương
Thái Phi và quan cố vấn Phaolô.
6) Vào năm 1626, con trưởng chúa Sãi chết,
dân chúng cho rằng ‘đó là Trời phạt’, nên nhiều người xin trở lại.
7) Năm 1627, nhờ ảnh hưởng của bà Maria
Minh Đức Vương Thái Phi và các quan lại Công Giáo, cha Buzomi đã lập một họ đạo
mới và xây nhà thờ ngay tại kinh đô. Cũng năm này, cha Alexandre de Rhodes và
cha Marquez đi mở giáo đoàn mới tại Bắc Việt.
• 1629, lệnh trục xuất.
Nội dung của lệnh trục xuất:
Ngày 10.8.1929, một quan cao cấp Quảng Nam rất ghét đạo đã
nhân danh chúa Sãi, tuyên bố trước tòa án với hai cha Buzomi và cha Borri và
hai thày giảng: “Chúa thượng đã nhân từ cho các ngươi được trở lại, nhưng các
ngươi nên nhớ đó là để các ngươi giúp người Bồ Đào Nha chứ không phải để giảng
đạo cho người Việt. Dù có đống vàng các người cũng không được đặt chân ở lại nước
này đâu. Bởi vì lòng thảo kính đối với tổ tiên và cha mẹ quý giá hơn vàng bạc,
trong khi đó các ngươi lại đến hủy diệt và cấm đoán. Hơn nữa các ngươi còn phạm
đến các thần thánh khiến các Ngài trừng phạt không cho mưa và dân chúng phải
đói kém, dịch tễ. Các ngươi còn làm cho tín đồ khóc lóc trước một người chết ô
nhục, đó là một việc man rợ và đáng khinh miệt, chứng tỏ các ngươi thích thú
máu của dân ta và thích nhìn thấy dân ta bị hành hạ vì vâng lời các ngươi. Dù
đúng hay không thì lễ phép của chúng ta là văn minh và thiêng liêng, còn lễ
phép của các ngươi là mọi rợ, vì thế không thể chấp nhận được dù riêng tư ở
nhà” (DMAH 1 tr. 15-16).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Dân lương và nhất là các quan lại ghét đạo, đã tỏ ra bất
bình vì thấy người Công Giáo ‘sống đạo bên ngoài cách rầm rộ, trái lệnh của
chúa Sãi’. Nhất là dịp lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh.
2) Nên từ 1628, họ đã thúc chúa Sãi trừng
phạt những người còn công khai giữ đạo. Nhiều giáo dân bị hành hạ và giam tù.
3) Năm 1629, trời hạn hán và dịch tễ,
các quan và các sư sãi đổ tội cho các thừa sai. Họ yêu cầu chúa Sãi trục xuất
các ngài ra khỏi nước.
4) Chúa Sãi chờ đợi tàu Bồ Đào Nha chở
súng đại bác tới để dùng tiến đánh chúa Trịnh. Nhưng tàu Bồ Đào Nha lại bị
thương thuyền Hòa Lan cướp mất ngoài khơi.
5) Các sư sãi và quan coi vùng thương mại
An Mi tố cáo và đòi chúa Sãi trục xuất các thừa sai.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các thừa sai ở Quảng Nam bị bắt đưa về Hội An.
2) Các thừa sai ở Quy Nhơn bị tập trung
và giam lỏng trên một đảo nhỏ, đợi tàu chở về Macao.
3) Cha Luiz, cha Fontes, thày Riberô và
một số thày giảng tìm cách giả dạng trốn lại. Nhưng khi tới bờ biển Phú Yên lại
bị bọn cướp tấn công. Chúng giết hai thày giảng, đánh nhừ tử những vị khác.
Quan trấn Phú Yên và giáo dân đến ủy lạo các ngài.
• 1630, lệnh trục xuất.
Nội dung sắc lệnh:
Một quan từ Thuận Hóa đến Cửa Hàn công bố lệnh của chúa Sãi
cho các linh mục tập trung trước tòa án: “Chúng tôi người phương đông, các ông
người phương tây, xa cách nhau nửa bán cầu. Các ông về nước mà rao giảng đạo
thì hợp lý hơn, còn chúng tôi quyết giữ truyền thống cha ông đã truyền lại. Điều
này các ông không biết hay đúng hơn không muốn biết nên bị trục xuất mà không
chịu đi khỏi, ra đi ngày hôm trước hôm sau trở lại. Các ông nên biết rõ ý định
của chúa Sãi là dù tầu buôn có đến hay có dâng nhiều lễ vật cao ngất như núi
cũng không kiếm được một miếng đất để đặt chân” (DMAH 1 tr.17).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Tháng 1.1630 một chiếc tàu Bồ Đào Nha cập bến và được chúa
Sãi tiếp đón niềm nở, nhưng có lẽ vì tàu không chở súng đại bác tới như chúa
đang chờ đợi, nên chúa Sãi và các quan đổi thái độ.
2) Thêm vào đó là vì sự xúi dục của mấy nhà sư có thế lực và
của quan trách nhiệm về khu vực người ngoại quốc vốn ghét đạo, chúa sãi mới chấp
thuận ‘việc trục xuất các thừa sai khi tàu buôn rời cửa Hàn’.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các thừa sai đang trốn ở Phú Yên rất thất vọng.
2) Lên tàu đi về Macao, nhưng lợi dụng
lúc đêm tối hai thừa sai dùng thuyền nhỏ trở lại Việt Nam: một cha làm việc tại
Quảng Nam và Quảng Nghĩa, một cha tại Qui Nhơn và Phú Yên.
3) Hai linh mục Nhật Bản trá hình ở lại
giúp người Công Giáo Nhật ở Hội An.
4) Cha Buzomi bị vua Chàm bắt giam,
nhưng đã đút tiền để được tự do.
• 1635, lời nói chân tình, hòa đồng và tôn trọng tự do tôn
giáo của chúa Sãi:
Lời của chúa Sãi:
Với người Bồ Đào Nha: “Trẫm đã không khéo nên nghe lời các
quan. Trẫm luôn là bạn của các người Bồ và vì thế cũng mộ mến Chúa của người Bồ
nữa. Là bạn, các ông cũng nên kính trọng các thần của nước trẫm nữa, đừng bắt
chước các thừa sai giảng lời chống lại các thần, cấm thờ kính hay dẹp bỏ các tượng
thần’.
Với cha Buzomi và các thừa sai: ‘Từ đây về sau các thần dân
được tự do giữ đạo nào lương tâm họ thấy là phải, đạo Thiên Chúa hoặc đạo ông
bà, nhưng đạo này không được chống đạo khác. Nếu người nào vi phạm trẫm sẽ trừng
phạt nặng nề. Với tự do trẫm ban cho, mọi người phải hòa thuận. Các thừa sai cứ
việc đến nước của trẫm, 100 người cũng được. Trẫm quý tất cả, nhưng trên hết là
cha Buzomi vì nhân đức và khôn ngoan của cha. Trẫm muốn gặp lại con người đức hạnh
như thế” (DMAH 1 tr.18).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Không sử liệu nào cho biết vì sao chúa Sãi có những ‘lời dễ
thương như vậy’. Hai giả thiết: có lẽ tàu Bồ Đào Nha đã chở súng đại bác tới.
Có lẽ về cuối đời chúa Sãi vốn đã có bản tính tốt lành và tâm trí thông minh,
nay trở nên tốt lành và hiểu biết sâu xa hơn.
2) Chúa Sãi không muốn các thừa sai, khi giảng đạo, cũng như
thương gia Bồ Đào Nha trong việc tiếp xúc buôn bán, nói hay làm việc gì xúc phạm
đến đạo thờ thần, kẻo lương dân và các quan buồn bực, khiếu nại đến chúa Sãi.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Nhiều tàu buôn Bồ Đào Nha cập cửa Hàn.
2) Cha Buzomi đi Macao chữa bệnh, nhưng
sau được vời về.
3) Chúa Sãi cho người bồ thêm đất tại cửa
hàn: họ cất nhà ở, làm nhà thờ và tự tổ chức, cai trị theo phong tục riêng của
Bộ.
4) Tháng 11.1635 chúa Sãi băng hà, tướng
Nguyễn Phúc Loan kế vị, ông không ưa Công Giáo bao nhiêu.
2. Thượng Vương tức Nguyễn Phúc Loan (1635-1648)
Thượng Vương tức là tướng Nguyễn Phúc Loan, cũng gọi tắt là
chúa Thương, tính tình đa nghi và cứng cỏi, ít tiếp xúc với các thừa sai nên
không ưa Công Giáo. Chính trong thời của ông, Giáo Hội đau khổ và đổ máu nhiều.
Thực thế, ngay khi vừa lên ngôi, chúa Thượng Vương đã ra lệnh cấm đạo.
• 1635, lệnh trục xuất;
Nội dung sắc lệnh:
Chúa Thượng Vương “Các thừa sai dù nhiều hay ít, tất cả đều
phải rời khỏi nước và không bao giờ được trở lại. Hơn nữa các cha đã xa quê
hương lâu năm rồi cần phải về thăm xứ sở’ (DMAH 1 tr. 20).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Dĩ nhiên chúa Thượng có chung những thành kiến về đạo Công
Giáo như hầu hết các vua chúa và quan lại thời bấy giờ: Đạo Hoa Lang, đạo ngoại
quốc, tà đạo… Đạo trái với đạo Phật, đạo Khổng, đạo thờ Tổ Tiên… Đạo ngược với
tam cương, ngũ thường… Đạo làm xáo trộn trật tự xã hội vốn có… Vậy cần phải
tiêu diệt tận rễ để bảo vệ ‘đạo lý truyền thống và xã tắc’.
2) Chúa không chấp nhận được khi nhìn thấy ảnh Chúa Giêsu chết
trên Thánh Giá, chúa cho đó là ‘một tên nghịch tặc bị hành hạ ghê gớm’…
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cha Đắc Lộ trở lại miền Nam và 4 lần bị trục xuất
(1640-1645).
2) Thày giảng Anrê Phú Yên bị bắt và đã
trở thành vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam (1644).
3) Tại Qui Nhơn, 36 người bị bắt, bị đe
dọa và đánh đòn. Một người tuyên bố bỏ đạo còn 35 người anh dũng ‘sẵn sàng chết
vì Chúa’, nhưng sau cùng quan chỉ ra lệnh đánh đòn rồi trả về.
4) Cuộc xưng đạo của hai thày giảng
Inhaxiô và Vicentê. Cả hai được phúc tử đạo ngày 15.7.1645
5) Việc xưng đạo anh dũng của 6 giáo
dân Quảng Bình và cuộc tử đạo can đảm của hai ông trùm Augustinô và Alexi vào
ngày 04.07.1646.
3. Hiền Vương tức Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Chúa Thượng băng hà 19.03.1648, con là Nguyễn Phúc Tần lên
thay, lấy hiệu là Hiền Vương, gọi tắt là chúa Hiền. Ông là người có óc chinh phục,
tính tình kiêu căng và nhiều tham vọng. Ông gây chiến với chúa Trịnh ở Bắc và
chiếm đất Chiêm Thành ở miền Nam. Ông thân với người Bồ Đào Nha để mua súng ống,
nhưng lại rất nghi kỵ đạo Công Giáo. Thời này, lịch sử Giáo Hội cũng ghi thêm
nhiều biến cố lớn: nhiều người tử đạo, Hội Thừa sai Ba Lê chính thức làm việc
tông đồ tại Việt Nam, Dòng Mến Thánh Giá được chính thức thành lập.
Chúng tôi không có được một bản văn chính thức nào về các sắc
lệnh cấm đạo của chúa Hiền. Chúng tôi chỉ biết rằng:
1) Năm 1658: Vì đặt mua súng ống và hàng hóa với các tàu buôn
Bồ Đào Nha, nhưng chờ đợi ba năm mà không nhận được, lại thêm những lời vu khống
và tố cáo của các sư sãi và một số quan lại, chúa Hiền đã nổi giận và ra lệnh cấm
đạo: ‘Cấm các bề tôi không được làm thày dạy giáo lý hay làm môn đệ của các thừa
sai. Mọi người khác không được đổi đạo cũ mà theo đạo mới. Người nào còn bất
tuân lệnh sẽ không được tha nữa’. Giáo dân không sợ hãi, vẫn bình tĩnh sống đạo.
Chỉ ông Phêrô Nết là quản gia của bà Maria Minh Đức Thái Phi, chuyên lo dạy
giáo lý, phục vụ họ đạo, thăm viếng bệnh nhân, người nghèo… đã bị bắt và bị xử
tử.
2) Năm 1661: Hiền Vương thua trận chúa Trịnh Tạc và năm sau lại
bị bão lớn, mất hết mùa màng. Chúa Hiền nghe sư sãi, cho rằng: ‘vì người Công
Giáo bỏ bê việc thờ cúng nên các thần giận’, đã ra lệnh bắt đạo triệt để tại
các trấn. Hậu quả là tại Quảng Nam 4 giáo dân, Gioan Vương, Alexi Đậu, Toma Nhuệ
và Gioan Nghiêm đã anh dũng chết vì đức tin.
3) Năm 1664: Hiền Vương tiếp tục bắt đạo và ra lệnh trục xuất
các thừa sai. Trong một buổi hội các quan tại triều do Hiền Vương chủ tọa, quan
phò mã phát biểu: “Đạo Hoa Lang là một đạo hủy hoại quốc gia. Chúng tôi nghe
nói bên Nhật, hoàng đế đã tận lực bắt đạo. Chúng ta cũng cần phải làm một lần để
tận diệt. Phải trục xuất các vị thừa sai và giết những người Việt ngoan cố giảng
đạo như bên Trung Hoa đã làm”. Thêm vào đó, đầu tháng 12, lại có sao chổi xuất
hiện, và người ta tin ‘đó là điềm xấu, chiến tranh và dịch tễ’. Tất cả đã thúc
đẩy Hiền Vương tiếp tục cấm đạo… Nhiều giáo dân bị bắt, bị hành hạ. Nhiều giáo
dân can đảm tuyên xưng và chết vì đức tin, trong đó có ông trùm Michel, và quý
ông Simeông, Vincentê, Gioan bị chém đầu, bà Monica và bà Aghata bị voi giày. Tất
cả các thừa sai bị bắt tập trung tại Hội An đợi ngày trục xuất, nhưng sau ‘dâng
tiền cho các quan’ và được ở lại.
4) Năm 1665: Hiền Vương ra lệnh cho người Nhật ở Hội An làm tờ
xuất giáo. Hầu hết đã tuân theo. Quan trấn Quảng Nam cũng muốn bắt người Công
Giáo Việt Nam làm tờ xuất giáo như người Nhật. Lại một lần nữa giáo dân Quảng
Nam gặp nhiều khốn khó. Chính Hiền Vương ra lệnh xử tử 7 người ‘chúa cho là gan
lì, cứng đầu’. Trong số 12 anh hùng tử đạo Quảng Nam trong dịp này, nổi tiếng
là ba em nhỏ Raphael và Têphanô 12 tuổi, Luxia 10 tuổi và cô Gioanna 17 tuổi. Tất
cả chết can đảm vì bị voi giày… Cũng năm 1665, 4 giáo dân Quảng Nghĩa đã bị đưa
về Hội An xét xử và bị ‘kết án voi giày’: ông Toma Tin, Toma Nghe, Benoit và
Dominicô (DMAH 1 tr. 43-65).
5) Năm 1670: Hiền vương tỏ ra cởi mở với các thừa sai Pháp. Đặc
biệt chính năm 1670, Đức Cha Lambert de la Motte cùng ba thừa sai Pháp tới Việt
Nam. Nhưng chúa Hiền vẫn không rút lại lệnh cấm đạo, nên có nhiều giáo dân bị bắt,
bị hành hạ đến chết, trong đó có quan Dominicô Thu Hạp năm 1674 và thày giảng
Gioan Kim Lau bị chặt đầu năm 1679, cả hai trường hợp không có tòa án xét xử.
4. Ngãi Vương tức Nguyễn Phúc Trần (1687-1691).
Hiền Vương tạ thế 1687. Nguyễn Phúc Trần lên kế vị lúc 39 tuổi,
là người có tính khoan dung và yêu kẻ sĩ nên được tôn xưng là Ngãi Vương. Ông rất
quen thân với cha Costa dòng Tên và cha Vachet thuộc hội Thừa Sai Balê. Nhưng
vì nhiều sức ép, Ngãi Vương đã ra sắc lệnh cấm đạo, năm 1690:
• 1690, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung sắc lệnh:
Trước những khiếu nại của dân và lo lắng của các quan, một
hôm Ngãi Vương đã nói với các quan: “Các ngươi đừng lo lắng, đầu năm mới ta sẽ
ra lệnh cấm đạo và trục xuất tất cả các thừa sai. Nếu sau lệnh cấm còn thấy
linh mục nào ngoài hai cha Pierre (Langlois) và Barthelemy (Acosta) là thày thuốc
ta đã cho phép, thì ta sẽ đày họ cho chết khốn nạn trong hoang đảo”. Và sắc lệnh
ban hành ngày 18.01.1680 gồm những điểm sau đây:
1) Đạo Công Giáo là đạo Hoa Lang, dạy những điều dối trá và
nguy hại.
2) Các quan lớn bé nếu theo đạo sẽ bị
giáng chức, người dân theo đạo phải thề từ bỏ.
3) Phải tố cáo khi thấy ‘một tụ họp ba
bốn người để hành đạo’. Nếu có thực, người tố cáo sẽ được thưởng.
4) Các nhà thờ phải biến thành nhà ở
hay phải tháo gỡ đi (DMAH 1 tr. 67-68)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Một người viết thư tố cáo Đức Cha Lambert de la Mothe, lúc
ở Siam, là đầu mối nhiều sự lộn xộn.
2) Bốn lịch mục mới thụ phong về nước với
những hòm đồ đạo mà không chịu để quan thuế khám xét.
3) Một bà Công Giáo Nhật, vì lộng quyền
tại nhà thờ Hội An, đã bị các cha xua đuổi, nên đã tức giận và tố giác Labbé
làm gián diệp cho chúa Trịnh ở miền Bắc.
4) Các cha dòng Tên ở kinh đô cho trình
diễn một kịch khôi hài mang tên ‘Ông vua phong cùi’, xúc phạm đến nhà vua, cũng
như mấy bản kịch khác chế diễu các thần phật…
5) Nhiều sĩ quan và binh sĩ trở lại đạo.
6) Nhiều quan lại, sư sãi và lương dân
bực tức về những sự kiện trên đã nài xin Ngãi Vương ra lệnh cấm đạo như trên.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Mượn lệnh nhà vua, nhiều quan làm tiền giáo dân, nhiều
làng lương dân xách nhiễu làng Công Giáo.
2) Nhiều gia đình Công Giáo hoảng sợ phải
giấu ảnh, đổi bàn thờ Chúa ra bàn thờ ông bà, nhiều làng phải phân tán và trốn
lánh… Vì trời nóng nực, hai em bé đã chết trên tay mẹ khi chạy trốn…
3) Tại Dinh Cát một giáo lý viên đã bị
phơi nắng 9 ngày và nộp tiền phạt mới được thả về.
4) Tại Quảng bình, bà Martha Mạc bị
treo ngược đầu xuống đất, nhưng vẫn can đảm tuyên xưng: “Các quan cứ hành hạ
thêm nữa đi để tôi được chết. Tôi hài lòng vì nhờ đó tôi đến với Chúa Giêsu…”
5) Tại Mười Dinh, nhiều binh sĩ Công
Giáo anh dũng tuyên xưng đức tin, nhưng chỉ bị khiển trách rồi cho về quân ngũ.
5. Minh Vương tức Nguyễn Phúc Chú (1691-1725).
Ngãi Vương nắm ngôi vừa chẵn 4 năm thì băng hà năm 1691, thọ
43 tuổi. Nguyễn Phúc Chú lên kế nghiệp lấy hiệu là Minh Vương. Ông nổi tiếng
văn võ kiêm toàn, chiêu đãi nho sĩ và sùng mộ đạo Phật, chính ông đã quy y. Vì
thế ông ghét đạo Công Giáo.
• 1698, lệnh triệt hạ nhà thờ.
Nội dung sử liệu:
Ngay từ 1692, đã có lần Minh Vương nói với các quan đến than
phiền rằng ‘tại nhà cha Langlois giáo dân tụ họp đông đảo’: “Ta sẽ chém cha
Pierre Langlois ra từng mảnh xem ông ta còn giảng đạo được nữa không, và giáo
dân còn chỗ nào mà tụ họp nữa không?”.
Nhưng qua năm 1698, Minh Vương mới ra lệnh nghiêm khắc “triệt
hạ các nhà thờ để họ không còn nơi nào tụ họp nữa, đồng thời sẽ xử tử những
giáo dân còn cố chấp vi phạm, và giáng chức những sĩ quan hay những quan chức bất
tuân lệnh”. Minh Vương nói rõ “sẽ triệt hạ trước tiên hai nhà thờ ở Kinh Đô, mà
trước hết là nhà thờ cha Langlois quản nhiệm”. Hai quan được Minh Vương ủy nhiệm
thi hành là Hưu Cam và Ta Kang.
Ông Ta Kang dẫn 14 đội lính có khí giới đến bắt cha Langlois
ra tòa và tuyên bố: “Tôi có lệnh của Minh Vương phá hủy nhà thờ của cha, thiêu
các ảnh tượng, thông báo cấm mọi cuộc họp và cấm cha không bao giờ được giảng đạo
cho người Việt Nam nữa. Cha đáng chết nhưng Minh Vương đã rộng lượng tha mạng sống
và không phá hủy nhà của cha. Minh Vương cho phép cha giữ đạo kín đáo và tiếp tục
làm nghề thuốc cứu chữa người nghèo khó và ốm yếu như cha vẫn làm từ xưa tới
nay. Cha phải biết đó là đặc ân của Minh Vương và cha liệu đó mà xử sự cho khôn
khéo”.
Cha Langlois khiêm tốn đáp lại: “Tôi rất biết ơn Minh Vương
đã rộng lượng đối với tôi, song tôi ước ao được chịu khổ và chết vì Chúa Giêsu.
Tôi nhìn nhận rằng, chính vì ước muốn rao truyền đạo chân thật mà tôi đã không
nề quản những gian lao để đến Nam Việt này. Trong mọi việc, tôi không bao giờ bỏ
qua việc làm cho mọi người nhận biết Chúa thật trời đất và tìm kiếm ơn rỗi linh
hồn. Tôi không thể không rao giảng cho những người muốn nghe tôi. Nếu Minh
Vương và các quan triều hiểu biết về đạo Kitô và những lợi ích do đạo mang lại
thì tôi dám quyết các vị sẽ có thái độ khác đối với vị thừa sai giảng đạo. Các
vị đã nghe biết đạo dạy người ta phải thờ phượng yêu mến Chúa tể trời đất và mọi
người mọi vật, đạo cũng dạy phải vâng phục các đấng bề trên và phải hết sức làm
lành lánh dữ. Từ khi tôi đến xứ này, tôi đã hoàn toàn sống theo như đạo dạy và
các vị biết rõ như thế. Tôi đã tận tụy làm việc vất vả, hết lòng làm việc bác
ái với mọi người không kể lớn bé sang hèn. Tôi mở rộng cửa ngày cũng như đêm cứu
giúp người khác. Cho tới nay không có ai kiện cáo tôi điều gì trước mặt triều
đình, trái lại họ còn ca ngợi những công việc tôi đã làm. Thế mà hôm nay tôi bị
đối xử như một tên trộm cướp” .
Quan vội ngắt lời cha Langlois: “Đủ rồi, người ta không phiền
trách cha về những việc tốt cha làm cho người nước Nam, người ta chỉ trách là
có nhiều người đến hội họp ban đêm và cha quá hăng say làm việc cho họ trở
thành Công Giáo. Minh Vương không muốn các thần dân bỏ đạo của cha ông để theo
đạo cha giảng dạy. Minh Vương là chủ nước này, mọi người dân phải vâng phục”.
Nói rồi ông ra lệnh cho lính rút lui và trả tự do cho cha Langlois (DMAH 1 tr.
70-73).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Minh Vương sốt ruột và tức giận vì thấy dân chúng theo đạo
mỗi ngày một nhiều và hội họp đọc kinh, cử hành thánh lễ mỗi ngày một đông, nhất
là vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục Sinh.
2) Lương dân cũng đồng tình với Minh
Vương về điểm trên đây. Vì thế làng Thương Lo đã làm đơn kiện và còn vu khống
là dân Công Giáo đã bẻ gẫy tay Phật và ăn cắp đồ trong chùa. Minh Vương cho
quan điều tra thì ‘tay phật đã gãy từ mười mấy năm về trước’ và ‘chỉ mất vài
nén hương, không biết ai là thủ phạm’.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Hầu hết các nhà thờ thuộc các tỉnh đều bị phá gỡ trong những
ngày tiếp theo.
2) Ngày 2.11.1698 xảy ra một cơn bão lớn
làm tốc mái cung điện, bể đổ nhiều chùa chiền và nhà ở, nhận chìm nhiều thuyền
bè đánh cá… Minh Vương sợ, coi là Trời phạt, nên cho phép dựng lại các nhà thờ.
• 1700-1725, có nhiều cuộc cấm đạo, đặc biệt tại các tỉnh
Kinh Đô, Hội An, Nha Trang, Nha Ru, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Bình, Dinh Cát,
Văn Cui. Nhiều giáo dân bị bắt, bị giam tù. Không có lý do gì độc đáo ngoại trừ
‘lương dân và sư sãi kiện lên Minh Vương về việc dân Công Giáo tụ họp đông đảo
khắp nơi’. Nhiều giáo dân anh dũng xưng đạo:
1) Năm 1700: tại kinh đô có 22 người bị bắt trong đó có 3 cha
dòng Tên, Antôn Arnedo, Giuse Candone, Phêrô Belmonte; và hai thừa sai Pháp là
cha Langlois và Cappony. Tại Hội An, 42 người bị bắt cùng với ba cha, là
Nicolas de Fonseca, Sennemandô và Maurô. Trong số 42 giáo dân chỉ có 10 người bền
vững đến cùng. Minh Vương ra lệnh: ‘những người chối đạo bị chặt ngón tay, gọt
trọc đầu, đánh đòn rồi mới được trả tự do, và những người cương quyết giữ đức
tin bị kết án bỏ đói cho đến chết’. Tại Nha Trang, Nha Ru và Đồng Nai, nhiều
giáo dân bị bắt như ông Laurent Hanh, ông Antoine An, ông Dominique Ben, bà
Agnès Bưởi, chú bé Anrê, bà Elisabeth… Họ đã anh dũng ‘không đạp ảnh’ nên bị ‘kết
án bỏ đói đến chết’.
2) Năm 1713 (?): 10 giáo dân Quảng Nam, bà Nenoit, bà Anna,
ông Bartheolomêô Miêu, ông bà Phêrô và Maria Thanh, ông Toma Vinh và bà Monica
Sum đã can tràng ‘không đạp ảnh và tuyên xưng đức tin, chịu những trận đòn hung
dữ’… và sau cùng chết vì đạo vào quãng năm 1713. Cùng năm 1713, nhiều giáo dân
Quảng Bình và Dinh Cát bị bắt. Nhưng đáng chú ý nhất là sĩ quan Phaolô Kiên.
Sau đây là hai sử liệu về cuộc đối đáp giữa sĩ quan với Minh Vương:
+ Minh Vương nghiêm khắc hỏi ông Kiên: “Ông cai, ta không muốn
các thần dân trong toàn quốc theo đạo. Tại sao, ông đã biết lệnh mà không tuân
theo? Ngươi thật đáng chết. Ngươi hãy chọn ngay bây giờ: một là bỏ đạo ngoại
lai đó, hai là phải chết! ”. – Ông Kiên vững vàng thưa: “Thưa chúa thượng, thần
sẵn sàng tuân lệnh trong mọi sự miễn là lương tâm thần không trách cứ. Chỉ có đạo
Kitô mới bắt được thần không tuân lệnh bởi vì nếu theo lệnh chúa thượng thì thần
phải bỏ đạo và làm ngược lại Chúa Trời Đất, và như thế thần đánh mất cả mạng sống,
cả linh hồn. Thần theo đạo ngay từ còn bé do cha mẹ truyền dạy và đó là một ơn
lạ rất đặc biệt của Chúa Trời ban cho. Thần quý trọng đạo hơn cả mạng sống để
không bất xứng với hạnh phúc đời đời mà Chúa Trời thưởng cho những ai trung
thành đến cùng”. Nghe vậy các quan tức giận, cho là ông Kiên phạm thượng, họ
xin Minh Vương phân thây ra từng mảnh. Nhưng Minh Vương ra lệnh chém đầu ông
Kiên tại quê hương ông để làm gương cho người khác.
+ Trước mặt 21 người đàn ông và 5 người đàn bà của làng Van
Cui thuộc Dinh Cát bị bắt giải tới Minh Vương, Minh Vương hỏi: “Tại sao các
ngươi nổi loạn không chịu vâng phục lệnh ta và chống lại đạo tổ tiên? Các ngươi
không biết rằng ta đã ra lệnh cấm mọi thần dân không được theo đạo ngoại quốc
đó sao? Thế mà các ngươi còn cả gan theo đạo đó, không sợ phạm tội khi quân.
Hôm nay các ngươi phải công khai tuyên bố bỏ đạo hoặc nguyền rủa Giêsu hoặc phải
chết”. Họ hiên ngang thưa lại: “Chúa thượng vạn tuế! Chúng tôi hiên ngang tuyên
xưng rằng chúng tôi hết lòng vâng mệnh chúa công, chỉ trừ một điều về tôn giáo
là chúng tôi trái lệnh. Chúng tôi thà chịu chết chứ không nguyền rủa thánh danh
Chúa Giêsu là Chúa Trời Đất mà chúng tôi thờ lạy”. Nghe vậy, Minh vương tức giận,
ra lệnh chém đầu tất cả. Nhưng các quan can ngăn, Minh Vương bắt đàn ông đi khổ
sai chung thân, đàn bà bị đánh đòn rồi cho về. Trong số đàn ông, có 5 binh sĩ
mà ông Phó là quân nhân giỏi nhất, Minh Vương muốn giữ ông lại, bèn dụ dỗ riêng
ông: “Này Phó, tại sao, ngươi làm phiền lòng ta như thế? Hãy rủa thầm tên Giêsu
trong lòng thôi rồi ta tha cho ngươi ở lại trong binh ngũ”. – Ông Phó anh dũng
trả lời: “Thưa chúa thượng, sao chúa lại truyền lệnh quái ác như vậy? Giả sử
các quan trong triều có cho tôi tất cả vàng bạc trên thế gian hoặc đe dọa tôi
phải chết để bắt tôi nguyền rủa chúa công tôi cũng không bao giờ làm, bởi vì
chúa công là người tôi phải tôn kính cho đến trọn đời. Lòng tôn kính của thần đối
với chúa công trung kiên cho đến chết, thì làm sao thần có thể nguyền rủa Chúa
Giêsu là Chúa Trời Đất, Đấng dựng nên muôn loài và nắm giữ trong tay quyền sinh
sống của mọi người. Chúa công muốn làm gì thần tùy ý chúa công, nhưng thần xin
chúa công đừng bắt thần phạm tội ác chống lại Đức Chúa Trời, thần sẽ chẳng bao
giờ làm”. Nghe vậy, Minh Vương ra lệnh tịch thu tài sản và đày ông Phó đi khổ
sai (DMAH 1 tr.70-92).
6. Ninh Vương (1725-1738)
Minh Vương tạ thế 1725 và Ninh Vương lên kế nghiệp. Ninh
Vương là người có nhiều thiện cảm với đạo Công Giáo. Ban đầu còn nghe các quan
xúi dục ra lệnh trục xuất các thừa sai và nghiêm phạt những người chứa chấp các
ngài. Nhưng dần thay đổi ý kiến, không những không bắt đạo mà còn thanh trừng
những quan đại thần nào lộng quyền chủ mưu bắt đạo Công Giáo. Mười ba năm dưới
thời Ninh Vương đạo Công Giáo được bình yên. (DMAH 1 tr. 91-92).
7. Võ Vương tức Nguyễn Phước Khoát (1738-1765)
Tân vương là người thông minh, cương nghị, tham lam, tàn nhẫn,
việc gì muốn làm là nhất quyết làm cho bằng được. Ông mến chuộng nghệ thuật và
khoa học. Từ năm 1741, Võ Vương đã lần lượt chọn cha Jean Sieert rồi cha
Koefler làm ‘thày toán học’ trong triều.
• 1750, sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai.
Nội dung sắc lệnh:
Võ Vương trao cho ông Cai Ai Tin soạn sắc lệnh. Ngày
6.5.1750, sắc lệnh được loan báo trên toàn quốc: “Các thừa sai Âu châu đã giảng
dạy một thứ đạo làm cho các tín hữu thành điên dại tin vào lời họ. Nhà vương ra
lệnh cấm đạo này và không muốn các tín hữu tụ họp nữa. Các trấn thủ phải bắt
các thừa sai giải về kinh đô hoặc Quảng Nam. Nhà vương cũng muốn rằng tất cả
các nhà thờ phải triệt hạ, vật dụng trao cho làng sở tại để xây chùa hoặc nhà hội.
Lệnh cũng truyền cho các tín hữu phải nộp các ảnh tượng, tràng hạt và sách đạo.
Bắt tất cả các thày giảng đang ở các sở truyền giáo, tịch thu các tài sản của
các thừa sai Âu châu, nếu có gì đáng giá thì đưa về kinh đô, còn lại phải lưu
trữ cho đến khi có lệnh. Còn đất đai, theo lệnh của nhà vương, sẽ làm của chung
trong làng”. (DMAH 1 tr.96)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Cuộc cấm đạo bên Trung Hoa và tại miền Bắc Việt làm cho
triều đình miền Nam nghi ngờ các thừa sai ngoại quốc. Võ Vương đã nói nhiều lần:
“Hoàng đế Trung Hoa làm theo điều ông ta suy nghĩ, còn trẫm làm theo điều trẫm
nghĩ”.
2) Các thương gia ngoại quốc có những
hành động xấc ngược, chọc giận các quan. Như ông Le Poivre, một thương gia
Pháp, vì không hài lòng trong việc điều đình, đã bắt ông Michael Khương làm con
tin. Triều đình liền bắt giam 3 thừa sai cho đến khi ông Michael được trả về.
3) Triều đình bắt được nhiều thư gửi từ
Macao, có thư tiếng Việt, có thư tiếng Latinh, có thư tiếng Bồ Đào Nha. Các thừa
sai được mời tớì dịch các thư tiếng ngoại lại tỏ ra không chân thực, nên triều
đình nghi ‘là những thư xúi dục dân chúng nổi loạn’.
4) Ngày 24.4.1750 triều đình hội lại
tìm cách đối phó. Đa số các quan chọn giải pháp ‘trục xuất các thừa sai’ vì những
lý do: 1- Để cho ngoại quốc lập đạo trong nước ta là điều phi lý. 2- Các thừa
sai không ích lợi gì cho quốc gia. 3- Các tín hữu quá gắn bó với các thừa sai.
4- Một ngày nào giáo dân đông số, đạo mới sẽ áp đặt trên quốc gia. 5- nhà thờ
được dựng lên khắp nơi, có nghĩa là các thừa sai biết được hết ngóc ngách, tất
sẽ báo cáo cho ngoại quốc. Một hình thức gián điệp.
5) Người Trung Hoa sống tại miền Nam vu
khống với Võ Vương là nhiều thừa sai chứa võ khí trong nhà.
6) Chung kết là Võ Vương trao cho quan
Cai Ai Tin soạn sắc lệnh cấm đạo.
Vụ việc nổi bật theo sau.
1) Các quan trấn cho lính đi bắt các thừa sai tập trung về
Kinh Đô và Quảng Nam. Họ đến tận nhà Đức Cha Lefèvre đọc sắc lệnh và thi hành từng
điểm.
2) Nhiều quan lại và lương dân lợi dụng
tình thế xách nhiễu giáo dân để làm tiền và lấy đồ đạc.
3) Tháng 8.1750, 27 thừa sai và 2 Đức
Cha phải lên tàu Bồ Đào Nha về Macao.
4) Tại Nha Ru, 11 người trong đó có Đức
Cha Bennetat và 5 thừa sai bị bắt, đồng thời có 12 thày giảng dạy giáo lý ở các
nhà thờ cũng bị bắt. Tất cả đều bị giải nộp về Quang Nam.
5) Khoảng 200 nhà thờ bị phá gỡ, nhiều
đồ đạo bị tịch thu va thiêu hủy.
6) Năm 1752 một số thừa sai và Đức Cha
Bennetat trở lại với điều kiện ‘sống, nhưng không giảng đạo’. Thế nhưng, một
năm sau, 1753 lại có lệnh trục xuất mới (DMAH 1 tr.93-100).
8. Thời Đinh Vương tức Nguyễn Phúc Thuần
(1765-1776)
Võ Vương chết không chỉ định người kế vị. Quyền nằm hết trong
tay Trương Phúc Loan. Ông này đưa công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần lên trị
vì, lấy danh hiệu là Đinh Vương. Theo Đức Cha Piguel, triều đình có 4 quan đại
thần thì 3 ông có nhiều thiện cảm với đạo Công Giáo. Thế nhưng, Đinh Vương trị
vì vừa được hai năm đã ra sắc lệnh cấm đạo.
• 1767, sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai.
Nội dung sắc lệnh:
“Chúa truyền cho quan án Phan Than, chưởng cơ cai đội Dang,
ký lục Phương và cai bộ Khinh soạn sắc lệnh. Từ trước việc cai trị vẫn theo đạo
tự nhiên nhân bản, nhưng ít lâu nay đạo Giatô giống như giáo phái Dương Mạc dùng
lời hứa hẹn và hình phạt để lừa dối lòng người, vì thế các tiên vương đã nghiêm
ngặt cấm đoán mà dân chúng vẫn không chừa bỏ. Nay ta thấy cần phải lặp lại lệnh
cấm đạo Kitô và tra xét các nơi để loại trừ hẳn đạo này. Hiện nay dân chúng
đang trở lại đạo mới, hội họp tại các nhà thờ. Các quan phải cần mẫn điều tra
trong hạt của mình, nếu có những người tụ họp và giữ đạo thì phải bắt và đem ra
tòa xét xử, bắt chối đạo bằng lời nói hoặc bằng việc đạp lên ảnh tượng. Người
nào còn cố chấp tin theo đạo thì phải giam tù và thông báo về triều đình để duyệt
án. Người có chức tước thì phải giáng trật, thường dân thì phải lưu đày chăn
voi suốt đời. Có như thế quốc gia mới hưng thịnh” (DMAH 1 tr. 101).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Giáo dân tụ họp dâng lễ, đọc kinh nhiều ngày trong một
năm, mỗi ngày giáo dân tụ họp một thêm đông.
2) Triều đình rất sợ giáo dân ‘bùng
lên’ gây xáo trộn trong nuớc.
3) Các thừa sai nhập cảnh đông và ‘giảng
đạo quá công khai’
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các quan đồng loạt thi hành nghiêm chỉnh sắc lệnh khiến
Giáo Hội trải qua những năm chao đảo: linh mục, giáo dân trốn tránh, nhiều người
đạp ảnh chối đạo, nhiều người can tràng tuyên xưng, chấp nhận đi đày, đi cắt cỏ
nuôi voi…
2) Năm cha thừa sai họp nhau ở Thọ Đúc
để bàn kế hoạch hoạt động. Tiếc rằng có một thày giảng bị cảnh cáo về ‘cách ăn
nết ở’, đã đi báo cho quan tuần. Quan đến bắt được 2 cha, còn 3 cha khác trốn
thoát.
3) Nhiều thừa sai chạy trốn qua Cao
Miên.
4) Năm 1768 có vụ lộn xộn ở Hà Tiên,
Đinh Vương ra lệnh thiêu hủy 4 nhà thờ và bắt tù 5 thừa sai.
5) Năm 1771, Đức Cha Piguel và cha
Boiret lén tổ chức lễ Phục Sinh thật trọng thể.
III. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA NHÀ TÂY SƠN
Ba anh em Tây Sơn ‘áo vải’, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn
Huệ, khởi nghĩa chiếm được Quy Nhơn năm 1771 và xưng vương năm 1773. Ba năm
sau, 1776, chiếm được Gia Định. Rồi 10 năm sau, 1786 chiếm cả Bắc Việt. Nhưng
ba anh em chia rẽ nhau, Nguyễn Huệ xưng vương Quang Trung đóng đô tại Huế, Nguyễn
Nhạc cũng xưng vương Thái Đức đóng tại Quy Nhơn và cai trị cả Gia Đình với Nguyễn
Lữ, nên không bao lâu bị Nguyễn Ánh với sự giúp đỡ của quân Pháp, đánh chiếm
Gia Định 1789, Quy Nhơn 1799 và Huế 1801, chấm dứt nhà Tây Sơn.
Trong thời gian chiến tranh và đói kém, việc truyền giáo diễn
tiến qua nhiều thử thách, một số cơ sở được củng cố lại, một phần ba giáo dân
chạy qua Cao Miên sinh sống. Nhiều khi Giáo Hội không biết đi theo chính quyền
nào.
Thịnh tình của Tây Sơn đối với đạo Công Giáo:
1) Cha Diego de Jumilla dòng Phanxicô Tây Ban Nha nhận định:
Anh em Tây Sơn nêu cao đức công bằng, gớm ghét và quyết tâm trừ diệt các quan
tham nhũng, các trọc phú lưu manh… Họ lấy của nhà giàu phân phát cho người
nghèo.
2) Năm 1779, Nguyễn Nhạc gửi cho cha D’Ars, tức Thày Thiện, một
thẻ bài ‘được tự do giảng đạo’. Đồng thời ông khen người Công Giáo ‘biết sống
hòa thuận, không tranh chấp nhau’.
3) Năm 1783, khi rượt theo Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn bắt được
hai cha dòng Phanxicô và nghi là các ngài theo giặc. Nhưng sau khi đã điều tra,
thấy các ngài vô tội, quân Tây Sơn đã tha cho về với sắc lệnh: “Dân chúng theo
đạo Âu châu hơi khác thường và tự nhận là đạo chân thật. Đạo Công Giáo đáng ca
ngợi nếu xét cho kỹ. Họ đúc tượng một người chịu đóng đinh và tuyên xưng rằng
người đó đã chịu khổ để chuộc tội cho loài người. Khi họ phạm tội thì thành tâm
xưng tội. Họ rất quý trọng ‘nước phép’, rất đoàn kết với nhau hầu như không bao
giờ chia rẽ. Còn các cha hay thày giảng ở chung một chỗ nơi thuận tiện, để tiếp
đón các tín hữu muốn trở lại đạo hay thay đổi đời sống, từ khắp nơi đi tới… Sau
khi đã hỏi cung hai đạo trưởng bị bắt, chúng tôi thấy họ hoàn toàn không có gì
đáng nghi ngờ là phản loạn. Còn giáo dân, họ được tự do giữ đạo nếu đó là đạo
thật. Còn nếu đó là đạo lừa dối, chúng tôi sẽ không dung thứ” (DMAH 1 tr.
208-210).
Tuy nhiên phải nhận rằng: sự giúp đỡ nhiệt tình của Đức Cha
Bá Đa Lộc (Pigneaux) đối với Nguyễn Ánh, đã gây ảnh hưởng không tốt cho cách đối
xử của nhà Tây Sơn đối với đạo Công Giáo.
1. Vua Thái Đức tức Nguyễn Nhạc (1773-1793)
• 1785, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung sắc lệnh:
“Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu châu vì nó đã lan rộng trong nước.
Đó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ hay vua quan, đã phân phát một thứ
thuốc độc để người ta tin theo. Đạo này không tôn trọng các lệnh của vua cũng
chẳng tôn kính thần làng. Họ họp nhau suốt đêm cầu nguyện và nghe sách mà không
hổ thẹn vì nam nữ ở chung với nhau như thế. Họ không tha thiết gì tài sản của cải.
Bị trừng phạt mà họ cũng không hổ thẹn. Trẫm biết rõ một trường hợp chứng tỏ đạo
này đáng chê cười và có nguy hại. Một bà đã có hai con mà vì nghe theo mấy người
lừa dối đã bỏ chồng. Vì vậy không thể nhân nhượng giáo phái kỳ dị ấy được nữa.
Vì nhiều lẽ khác nhau, trẫm ra lệnh phá hủy tất cả các nhà hội họp và kiểm kê
những người theo đạo này. Người nào tới tuổi nhập ngũ phải xung vào lính, còn
các người khác phải trừng trị nghiêm khắc để xóa tên khả ố ấy ra khỏi quốc gia.
Lệnh cho các quan phải kỹ lưỡng xem xét điều tra để bắt và dẫn giải tất cả các
đạo trưởng Âu châu về kinh đô trừng phạt. Năm thứ chín triều đại của ta, ngày
4.10” (2.11.1785 Dương Lịch). (DMAH 1 tr.211).
Nguyên do đặc thù xui khiến:
Từ một vụ rắc rối giữa một linh mục với một vị quan trong triều:
Một bà Công Giáo, đã có chồng nhưng bỏ chồng để lấy vị quan trong triều. Bà ngã
bệnh nặng, muốn mời cha đến giải tội và xức dầu. Cha đến, buộc bà phải bỏ vị
quan về với chồng cũ. Bà vâng lời, bỏ vị quan về với chồng cũ. Vị quan nổi giận,
cho là chuyện phi lý… Khi bà Công Giáo chết, vị quan cũng đi dự lễ an táng, ông
thấy lễ an táng đơn giản và không ai lạy xác người quá cố. Vị quan nổi giận,
phao lên rằng ‘người Công Giáo đã giết vợ của ông’ và ‘không kính trọng người
chết’. Vị quan khiếu nại lên Nguyễn Nhạc tức vua Thái Đức. Vua vịn vào đó ra sắc
lệnh cấm đạo, nội dung như trên.
Những vụ việc nổi bật theo sau:
1) Hai cha dòng Phanxicô, một là thày thuốc, một là nhà toán
học trong triều bị bắt giam
2) Nhiều giáo dân trong 4 làng thuộc tỉnh
Quảng Nam bị bắt: một số đạp ảnh chối đạo, một số trung kiên nhưng bị phạt mỗi
người 10 quan tiền.
3) Nhiều đồ đạo bị tịch thu và lính đem
treo ra đường phố để nhạo báng đạo.
4) 400 người Công Giáo tỉnh Phú Yên bị
bắt và họ can đảm tuyên xưng đạo tập thể: ‘Chúng tôi thà chết, không bỏ đạo cha
ông chúng tôi’… Trong số 400 người bị bắt, có một quan lại và một quân nhân,
quan án dọa nạt và đòi nộp 200 quan tiền: Cả hai cương quyết không nộp tiền và
nhất quyết giữ đạo.
5) Một bà đã đến gặp vua Thái Đức xin:
nếu vua ân xá cho 400 người Công Giáo thì bà sẽ dâng 5.000 quan vào quỹ quốc
gia. Vua đồng ý.
6) Bấy giờ có nhiều tai ương xẩy ra,
như lụt lội, chuột phá hoại mùa màng … dân chúng cho là ‘trời phạt vì vua cấm đạo’…
Vì thế Nguyễn Nhạc đổi thái độ.
2. Vua Quang Trung tức Nguyễn Huệ (1788-1792)
• 1790: Lệnh bắt các thừa sai.
Nội dung của sắc lệnh (rất tiếc chúng tôi không tìm ra bản
văn)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Tin Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau) đem người Pháp đến giúp
Nguyễn Ánh khiến vua Quang Trung nghi ngờ các thừa sai.
2) Các quan và các sư sãi khiếu nại và
xin vua cho lục xét các họ đạo.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Vua Quang Trung cho lính đến lục soát các làng Công Giáo để
tóm bắt hai cha thừa sai Longer và Labartette. Nhưng hai cha trốn thoát được.
2) Không bắt được hai cha, quan cho
lính bắt các ông trùm của họ đạo, đánh đập dữ dội để họ khai chỗ hai cha trốn.
3) Vì không ai chịu khai báo, nên năm
1791, vua Quang Trung bắt các làng Công Giáo từ Phú Xuân đến Bắc Việt phải nộp
phạt 10.000 quan tiền.
3. Vua Cảnh Thịnh (1793-1801) sau đổi tên là Bảo Hưng
(1801-1802) con trưởng của vua Quang Trung.
• 1795: Hai sắc lệnh cấm đạo do Thái sư Bùi Đắc Tuyên ban
hành nhân danh vua Cảnh Thịnh, kèm theo mật lệnh của khâm sai Ngô Quang Sở.
Nội dung sắc lệnh I: Tôn vinh đạo Nho.
“Chúng tôi được biết trong những thế kỷ trước đây các quan
cai trị các tỉnh thường bảo vệ lẽ phải và sự thật, tiễu trừ những dối trá. Vì
thế mà đạo Khổng, vốn dạy dân chúng gớm ghét tật xấu và tu luyện nhân đức, được
phồn thịnh trong các triều đại trước. Thế nhưng từ khi các người Tây phương đến
lén lút truyền bá đạo của họ thì chúng tôi rất tiếc thấy đạo Khổng bị yếu kém
đi, gần như bị bỏ phế, vì những bài thuyết giáo của ngoại quốc đã thu hút dân
chúng theo đạo của họ đến nỗi gần như không còn quyền lực nào cấm cản được nữa.
Nhận thấy lòng người bị mê hoặc vì tà đạo, chúng tôi quyết định chấn chỉnh đạo
thật của tổ tiên và các vua, huỷ diệt đạo ngoại lai này để nhân dân biết phân
biệt con đường ngay đạo hạnh với gian tà. Hơn nũa, chúng tôi với một số đông
các vị nho học vốn sùng bái Khổng giáo nay phải bỏ phế văn miếu trốn tránh trên
rừng. Vì thế chúng tôi lo lắng cho việc thờ kính Khổng Tử và quyết định phát
triển. Lẽ nào chúng ta lại để cho đạo ngoại lai thắng thế. Đây là đường lối
chúng tôi sẽ hành động. Chúng tôi gửi các sĩ quan đã được chọn lựa kỹ lưỡng phối
hợp với quan sở tại Bắc Việt để chiêu mộ các người đỗ đạt, các người có học và
các nhà sư thông thái về kinh đô giúp chúng tôi chấn chỉnh đạo lý Khổng Tử. Người
nào đã học thông ngũ thư sẽ được tham chính với văn bằng tiến sĩ, người chưa học
hết sách thì xung vào cấp thấp hơn và được miễn các thuế khóa, được miễn quân dịch
ít nhất trong thời hạn ba đến sáu năm, để có thể học hỏi và có khả năng đóng
góp vào việc phục hưng đạo giáo. Còn những người đã thành tài, chúng tôi khuyến
khích mở trường dạy chữ dưới sự chỉ dẫn của chúng tôi. Những người thông thạo
khoa học và nhiều tài khéo cũng phải mở trường và biết rằng chúng tôi tôn trọng
họ”. Sắc lệnh ban hành ngày 07.01.1795 (DMAH 1 tr. 218)
Nội dung sắc lệnh II: Vinh danh đạo Phật và đạo thờ Thần.
“Lệnh của vua truyền cho trăm họ được biết về đạo thờ các thần
phật đã được bành trướng khắp nơi. Các thần lành có nhiều uy thế và ban sự sống
cho thế giới bằng những lời nói thu hút và những giáo huấn dịu dàng. Đạo Phật từ
bi thương xót chúng sinh, đầy quyền năng hằng cứu giúp ngàn vạn con người khỏi
khổ đau trong địa ngục. Cứ thế mà niềm tin, lòng mộ mến thần phật được tăng tiến
trong dân chúng từ nhiều thế kỷ qua. Nhưng ít lâu nay các thần phật bị chế giễu.
Mặc dầu nhiều người thông thái hay ngu dốt chẳng biết gì, đã đem các thần ra
làm trò cười, lòng tôn kính các thần vẫn không giảm sút. Nhưng đạo phải được
phát triển hơn nữa đối với những người biết suy nghĩ. Thật là đúng khi tin rằng
đạo và các thần thánh là những mầu nhiệm và cao cả. Chúng tôi chỉ chê trách số
đông các sư sãi theo đạo mà phục vụ chùa miếu để trốn tránh việc nước, ham hố
nhàn tản và lễ cúng do dân chúng mang tới cúng các thần. Càng có nhiều chùa với
những nhà sư lừa bịp gian dối thì nhiều nhà sư chân chính có bản lãnh truyền đạo
muốn bỏ lên rừng. Vì thế mà nơi chùa miếu có nhiều sư không biết gì về đạo cả.
Trong nước và tại các làng có nhiều chùa nhưng không có cái nào xứng danh cả,
và vì thế làm suy giảm đạo thần. Vậy chúng tôi ra lệnh mở nhiều lớp thi để chọn
thày dạy đạo Nho. Đạo thờ thần cũng là một đạo tốt dạy làm lành lánh dữ. Chúng
tôi ra lệnh mỗi vùng có từ 200 làng trở lên được xây một chùa lớn. Chúng tôi
cũng ra lệnh triệt hạ tất cả các nhà thờ Công Giáo. Vấn đề ở xa hay gần nơi thờ
tự nó không quan trọng. Ai có lòng tin, trái tim ngay chính, siêng năng cầu
kinh hoặc dâng lễ cúng thì làm tại nhà hội làng. Tất cả các tượng thần trong
nhà hay miếu nhỏ phải tịch thu đem về chùa lớn để thờ kính chung. Các thần
thiêng liêng xem thấy và biết tỏ những người thành tín và họ sẽ được nhận lời.
Lẽ tự nhiên là càng có ít chùa thì người ta càng thêm sốt sắng và lời nguyện
càng được chấp nhận. Vì vậy không còn một chùa riêng nào nữa. Thứ nhất để đạo của
các thần không bị khinh chê, thứ hai để giảm bớt các sư sãi tu chùa. Đạo thiêng
liêng có sức mạnh tự nó há cần phải có nhiều người phục dịch sao? Các sư sãi
hãy chọn một ít người chân thực, thành tín, chay trường và nhiệt tâm dâng hương
bốn mùa để dân chúng lui tới cầu khẩn những sự cần thiết. Ước gì đạo lành lấy lại
được uy thế thời xưa và nhân dân được giải thoát nơi cuộc sống viên mãn” (DMAH
1 tr.218-219).
Nội dung mật lệnh:
Hai lệnh trên được công bố tại Bắc Việt ngày 26.02.1795. kèm theo
mật lệnh của khâm sai Ngô Quang Sở. Nội dung như sau: “Mật lệnh cho các quan
văn võ. Đã nhiều thế kỷ đạo Công Giáo truyền bá lầm lạc và lợi dụng dân chúng
trong nước đến nỗi cả các người học thức cũng tin theo. Bởi vì chúng hành động
điên khùng và bí mật như các tướng cướp… muốn chiếm đất nước những năm trước
đây. Cho tới nay chúng ta chưa ý thức lưu tâm cho đủ. Vì vậy chúng tôi cấm tôn
giáo nói trên để duy trì bình an. Tất cả các quan tại các huyện phải lùng bắt tất
cả những nơi thờ phượng của đạo bị nghiêm cấm này, đem nộp tất cả các đồ đạo, vật
dụng nhà cửa để làm trại cho lính. Nếu nơi nào cần thêm người để thi hành lệnh
này thì xin với quan trấn làm sao không cho ai trốn thoát được. Đây là việc trọng
đại cần phải cẩn mật. Quan nào bất tuân sẽ bị coi là phạm tội tầy trời” Ban bố
tại Bắc Việt, ngày 26.2.1795 (DMAH 1 tr. 220).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vua Quang Trung chết 9.1792, vua Thái Đức chết 12.1793,
Nguyễn Quang Toản con trưởng của vua Quang Trung lên ngôi vừa đúng 10 tuổi, lấy
hiệu là Cảnh Thịnh. Quyền hành trao cả cho cậu là Bùi Đức Tuyên, một nhà sư tụ
trì tại chùa Thiên Lâm, nổi tiếng ghét đạo Công Giáo. Chính ông đã nhân danh
vua Cảnh Thịnh ra hai sắc lệnh.
2) Sắc lệnh thứ nhất vịn cớ ‘chấn hưng
đạo Khổng’ để diệt đạo Công Giáo.
3) Sắc lệnh thứ hai vịn cớ ‘chấn hưng đạo
Phật và đạo thờ Thần’ để triệt hạ đạo Công Giáo.
4) Mật lệnh của khâm sai Ngô Văn Sở mục
đích áp dụng cụ thể và khắt khe hai sắc lệnh trên của Bùi Đức Tuyên và nhằm đặc
biệt vào Miền Bắc.
5) Lý do vì ở miền Bắc: nhiều chùa chiền,
lăng miếu bệ rạc, đổ nát… trong khi đó các họ đạo Công Giáo được tổ chức quy củ…
Những vụ việc nổi bật theo sau.
1) Các linh mục trốn tránh, các nhà thờ bị tịch thu làm nhà ở
hay tháo gỡ đi …
2) Khâm sai Ngô Văn Sở đe dọa và dỗ ngọt
một quan chức Công Giáo để ông khai báo chỗ trốn của các thừa sai, nhưng ông
quan thưa: “Xin quan lớn hãy giết tôi ngay đi… Tôi không bao giờ chối đạo… và
cũng không thể tuân lệnh quan đi bắt những người tôi gọi là cha”.
3) Ít lâu sau có tin đồn: Bùi Đức Tuyên
muốn xưng vương, nên các quan Đại thần dùng mưu giết ông Bùi Đức Tuyên và cả
Ngô Văn Sở. Hoàng thân Nguyễn Quang Thùy, em vua Cảnh Thịnh, làm thống tướng
coi miền Bắc đã tiếp phái đoàn 100 ông trùm họ đạo. Ông Nguyễn Quang Thùy và
các quan Đại Thần khen ngợi đạo Công Giáo và xin ngưng cấm đạo ‘để tránh tai
ương’. Nhờ đó miền Bắc được bình an.
4) Nhưng tại miền Trung việc bắt đạo vẫn
tiếp tục, nhất là khi Nguyễn Ánh tấn công Quy Nhơn có tàu của Pháp yểm trợ.
5) Vì thế, tháng 5.1795 lại có một sắc
lệnh cấm đạo mới, đặc biệt bắt các thừa sai. Nội dung sắc lệnh mới như sau: “Việc
trị nước cốt ở tam cương ngũ thường, nghĩa là ba thứ bổn phận: vua tôi, cha
con, vợ chồng. Ngoài ra đối xử với nhau dựa trên các đức tính: Nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín Đạo Kitô dạy những dị đoan, nhằm lừa dối dân chúng và làm đảo lộn trật
tự xã hội. Đã từ lâu bị nghiêm cấm nhưng vẫn chưa dứt được. Vậy hoàng đế muốn
tái lập trật tự và chấn chỉnh xã tắc. Muốn được thành công thì phải tận diệt đạo
đáng ghét này. Lệnh cho phá hủy mọi nhà thờ, nhà ở của các đạo trưởng và của bất
cứ ai giữ đạo”.
6) thảm họa: ở Quãng Ngãi có 32 thày giảng
bị bắt. 30 thày bước qua ‘tử môn’ và đã bị hành nhục rồi chém đầu. Cha Emmanuel
Triệu bị bắt ngày 8.8.1798 và bị chém đầu sau một tháng. Bố ráp và bắt các thừa
sai tại ba tỉnh Bố Chính, Nghệ An và Thanh Hóa. Không bắt được các thừa sai, mà
chỉ bắt được và xử tử 2 giáo dân, 1 thày giảng, và cha Gioan Đạt, người Thanh
hóa, xử tử ngày 28.10.1798.
IV. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA NHÀ NGUYỄN
Nguyễn Phúc Ánh sinh năm Nhâm Ngọ, 1762. Năm 1773, Tây Sơn khởi
nghĩa, Nguyễn Phúc Ánh mới 12 tuổi. Năm 1777, thân phụ là Nguyễn Phúc Thuần tử
trận tại Quảng Nam. Nguyễn Phúc Ánh một mình chạy ra đảo Thổ Chu, rồi chạy sang
ẩn náu bên đất Xiêm, đợi thời cơ khôi phục lại cơ nghiệp của tổ tiên. Tới năm
1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản còn ít tuổi, nội bộ lục đục không
sao chống nổi với sức tấn công của Nguyễn Ánh, có quân Pháp hộ chiến. Năm 1802,
Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Gia Long, đóng
đô tại Phú Xuân (Huế).
1. Dưới triều đại vua Gia Long cũng là Thế Tổ, Nguyễn Phúc
Ánh (1802-1820).
Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine) gặp Nguyễn Ánh
trong cùng hoàn cảnh trốn quân Tây Sơn. Ngài chia sẻ cơm gạo với tàn quân của
Nguyễn Ánh và thành tâm giúp ông khôi phục giang san. Ngài hy vọng: với con người
thông minh và biết phục thiện như ông Nguyễn Ánh, sẽ giúp đỡ Giáo Hội sau này.
Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh cho Đức Cha giáo dục. Đức Cha cố thuyết phục
những người hảo tâm và một nhóm người Pháp ủng hộ Nguyễn Ánh dần dần lấy lại
các phần đất. Dĩ nhiên ông Nguyễn Ánh và Đức Cha Bá Đa Lộc nhiều lần xung khắc
về vấn đề tôn giáo. Chúng ta nêu lên dưới đây thái độ của Nguyễn Ánh đối với đạo
Công Giáo:
• Những sự kiện chứng tỏ ‘lòng thiện cảm và bênh vực Công
Giáo’:
1) Không chấp nhận sự vu khống: Một vị quan tố cáo là các thừa
sai lấy mắt người chết làm hạt ngọc, rồi nhét bông vào mắt thay thế. Vị quan quả
quyết đã thấy trong nhà thờ có nhiều hạt ngọc như thế’. Nguyễn Ánh nói: ‘Nếu quả
thật có như vậy, người Công Giáo sẽ bị trừng phạt, ngược lại nhà ngươi sẽ mất đầu’.
Vị quan lúng túng ‘thần chỉ nghe nói’. Nguyễn Ánh ra lệnh chém đầu vị quan cáo
gian. Đức Cha Bá Đa Lộc đã can thiệp, xin Nguyễn Ánh tha cho vị quan nói gian.
2) Giải cứu thừa sai và cho Công Giáo tự do sống đạo: Khi
đánh nhau với Tây Sơn, tiến quân đến đâu, Nguyễn Ánh đều tuyên bố cho người
Công Giáo tự do sống đạo và xin cầu cho quân đội. Nguyễn Ánh cũng cho tìm giải
cứu các thừa sai đang trốn tránh vì sợ quân Tây Sơn.
3) Bênh vực Công Giáo: Mỗi khi có xích mích và rắc rối giữa
các làng lương với làng giáo, nhất là khi làng Công Giáo bị làng lương ức hiếp.
4) Cấp cho các Đức Cha và các linh mục giấy phép tự do truyền
đạo và có quyền đem theo 15 người nhà giúp việc.
• Hứa nhưng không làm hay tránh né:
1) Nguyễn Ánh đã hứa ra sắc lệnh ủng hộ đạo Công Giáo, nhưng
không bao giờ ông làm.
2) Khi Đức Cha Labartette và Đức Cha La Mothe xin với Nguyễn
Ánh ra sắc lệnh miễn cho người Công Giáo khỏi phải tham dự vào việc cúng tế thần
làng. Nguyễn Ánh tìm cách tránh né, để một năm sau mới giao cho mấy quan đại thần
cứu xét: các quan từ chối ‘thay Nguyễn Ánh’, vì đó là ‘tục lệ quốc gia’.
• Những điều trong đạo Công Giáo mà ‘Nguyễn Ánh cho là bất khả
kham đối với ông’.
1) Việc tôn kính tổ tiên: Vua Gia Long cho rằng, dù rất thiện
cảm với đạo Công Giáo, ngài cũng không theo đạo được vì ‘đạo cấm lạy tổ tiên’.
Có lần vua đã nói: “Thật là tốt đẹp nếu tập tục này có thể dung hòa với Kitô
giáo, vì theo lối nhìn của ta, thực sự không có gì cản trở dân chúng theo đạo.
Như ta đã nói trước đây, tập tục này chỉ có tính cách dân sự và chính trị, còn
niềm tin tưởng gán cho nó là một lầm lạc của dân chúng. Thái độ của ta như thế
không tố cáo các tín hữu và cho phép họ làm theo phong tục… Nếu ta bãi bỏ đi
thì càng làm cho người khác nghĩ rằng ta đã thay đổi đạo và không còn theo ta nữa.
Ta đã cấm tà thuật, bói toán. Ta coi việc thờ kính các thần là giả dối đáng buồn
cười. Nhưng ta coi việc tôn kính tổ tiên là một căn bản của nền giáo dục. Ta muốn
mọi người chú ý và để cho người Kitô có thể gần với chúng ta hơn”. Lần khác vua
Gia Long nói với các quan Công Giáo: “Ta đã nuôi nấng các ngươi, đã ban bao
nhiêu ơn huệ, tại sao các ngươi lại từ chối lạy các tổ tiên của ta? Ta không bắt
các ngươi bỏ đạo, cũng không ép các ngươi thờ lạy các thần phật, ta chỉ muốn một
điều là các ngươi tôn kính tổ tiên ta một cách công khai. Đó là dấu chỉ lòng biết
ơn của ta với các ngài trước mặt mọi người”.
2) Việc ‘một vợ một chồng’: Có lần vua Gia Long đã nói với Đức
Cha Bá Đa Lộc: “Đạo của Đức Cha là một đạo tốt lành nhưng nghiêm khắc quá, ai
mà có thể giữ được ? Tôi không thể nào chỉ cưới có một vợ!”.
3) Đạo Công Giáo là đạo ngoại lai, dị đoan, ngu dân: Năm
1804, ngay sau khi đại sứ Trung Hoa sang tấn phong, vua Gia Long truyền cho vị
khâm sai Bắc Việt viết một sắc lệnh xác định ngày lễ quốc gia trong năm mà dân
trong mỗi làng phải đóng góp để tổ chức cử hành trọng thể. Sắc lệnh cũng đề cập
đến các tôn giáo, cụ thể là cấm xây thêm chùa để thờ Phật Thích Ca, cấm xây
thêm nhà thờ vì đạo Công Giáo là đạo ‘ngoại lai’. Về điểm này, sắc lệnh viết:
“Đạo Bồ Đào Nha (đạo Công Giáo) là một đạo ngoại lai đã được truyền bá cách lén
lút khắp trong nước và hiện nay vẫn còn, mặc dù chính phủ đã cố gắng hủy bỏ đạo
dị đoan này… một số khá lớn dân chúng trong nước bị thấm nhiễm tà đạo và đã
quen giữ lề luật một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ nên không sao mở mắt họ được.
Do đó từ rày về sau trong các tổng và các làng đã có nhà thờ thì cấm sửa chữa
hoặc xây dựng lại những nhà thờ đã bị hư nát, còn cất nhà thờ mới ở những nơi
chưa có thì tuyệt đối cấm hẳn”.
2. Vua Minh Mệnh cũng là Thánh Tổ, Nguyễn Phúc Đảm
(1820-1840).
Hoàng tử Cảnh chết sớm (1801), nên khi vua Gia Long tạ thế
(1820), người con thứ là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi kế vị lấy niên hiệu là Nhân
Hoàng Đế hay Thánh Tổ hay Minh Mệnh. Tuy mang những danh xưng thật mỹ miều,
nhưng theo nhiều sử gia Minh Mệnh là ‘ông vua độc ác’, và gọi vua là ‘Néron Việt
Nam’. Sau đây chúng ta nêu lên Thái độ và hành động của vua Minh Mệnh đối với đạo
Công Giáo.
• Vốn không ưa các thừa sai và đạo Công Giáo.
Năm 1816 được vua Gia Long đặt làm Thế Tử, thì năm 1817 Hoàng
Tử Đảm đã tuyên bố: ‘Nếu các thừa sai muốn giữ đạo thì về Âu châu mà giữ’. Rồi
đợi cho tới khi vua Gia Long băng hà, Hoàng Tử Đảm lên ngôi lấy vương hiệu là
Minh Mệnh, lúc đó ông mới bộc lộ công khai ‘ý định muốn diệt đạo Công Giáo’.
Năm 1819, trước khi mất vua Gia Long để lại một di chúc cho Minh Mạng trong đó
khoản 36 viết về các tôn giáo: Đạo Thiên Chúa, đạo Nho, đạo Phật đều tốt cả.
Không được phép bách hại đạo nào vì sẽ gây ra các vụ rối loạn trong nước, có
khi làm mất nước nữa. Nhưng Minh mệnh bất xét, vì ông đã nghĩ lâu trong đầu:
Trong một nước không thể có hai đạo, huống hồ là ba đạo.
• Quyết tâm tiêu diệt với mưu lược khôn khéo.
Trước tiên vua khôn khéo dung hòa để củng cố địa vị. Khi đã vững
đế rồi, vua mới ra tay, nhưng không trực tiếp ra mặt mà xúi các quan cấp dưới
làm kiến nghị. Thực ra đây cũng là ‘chiến lược chung’ chúng ta đã gặp trong các
triều chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Có một điều khác biệt, là các quan soạn kiến
nghị nhưng vua Minh Mệnh sửa lại cho tới khi ‘đúng tim đen của vua’. Vua Minh Mệnh
bộc lộ thâm ý diệt đạo Công Giáo mỗi khi có dịp. Chẳng hạn, năm 1821, khi các
quan đề cập đến Hồi giáo Mahômét, Minh Mệnh nói: “Trẫm cũng ghét đạo của người
Âu Châu, trẫm sẽ cấm và bắt bớ đạo cho tới khi tận diệt gốc rễ”. Khi các quan
trình bày việc bắt đạo bên Nhật, Minh Mệnh cũng nói ngay rằng: “Những cách ấy
không khéo, người Annam có cách diệt đạo hay hơn nhiều”. Năm 1822, Minh Mệnh
cho phép tàu buôn Anh cập bến với điều kiện “không được chở thừa sai tới”. Kể từ
năm 1825, Minh Mệnh thực hiện những điều ông đã nói, là ‘bắt đầu kế hoạch diệt
đạo từ từ, mà trước tiên là từ chối không cho thừa sai tới, rồi tập trung các
thừa sai đang hoạt động trong nước, ra lệnh kín đáo kiểm soát các hoạt động của
thừa sai cách nghiêm nhặt’. Năm 1830 có hai vụ rắc rối tại Mông Phụ (Sơn Tây)
và Dương Sơn (Quảng Trị), vua Minh Mệnh đã chuyển mọi lời vu cáo vào tội thực
hành đạo Công Giáo và ra lệnh trừng phạt hai họ đạo nói trên.
• 1825 : Sắc lệnh riêng cho quan trấn Quảng Nam.
Nội dung sắc lệnh:
“Quan Biện Hiệp vâng lệnh Hoàng Thượng truyền rằng: Tà đạo của
người Âu châu làm hư hỏng lòng người. Từ lâu các thuyền Âu châu khi đến buôn
bán đã để lại nhiều thừa sai trong nước. Những đạo trưởng này dụ dỗ và làm hư hỏng
nhân dân, đồng thời sửa đổi và phá đổ các tập tục tốt lành trong nước. Như thế
không phải là một cái họa cho chúng ta sao? Chính vì thế, chúng ta cần phải chống
lại tệ nạn này để dẫn đưa nhân dân trở về chính đạo. Vì lẽ đó, chúng tôi, các
quan hằng tuân giữ các lệnh truyền của hoàng thượng, gửi cho quan trấn thủ Quảng
Nam chỉ dụ của vua để khi có tàu Pháp đến thì phải chú tâm xem xét cẩn thận.
Hơn nữa, cũng phải canh chừng cẩn thận các quan ải trên núi, dưới đất hay cửa
biển hầu ngăn chặn bất cứ đạo trưởng Âu châu nào lén lút xâm nhập để họ không
thể trà trộn trong dân chúng và gieo rắc tà đạo trong đất nước. Các đạo trưởng
này kế tiếp nhau không gián đoạn và coi đó như là một việc thông thường. Minh Mệnh
năm thứ sáu, ngày 1 tuần trăng thứ nhất (12.2.1825)” (DMAH 2 tr.17-18).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
Nhân vụ tàu buôn pháp La Thétis tới cửa Hàn ngày 12.01.1825
đem theo cha Regéreau. Cha được hai thày giảng lén đưa lên đất liền. Vì thiếu
thận trọng, cha đi mở lễ luôn nên bị phát giác. Vua Minh Mệnh ra lệnh bắt cha
cho lên tàu về nước ngay. Đồng thời ‘ra lệnh’ cho các quan soạn sắc lệnh này.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Chiều lòng vua, quan trấn Quảng Nam còn ra thêm một sắc lệnh
khác lục soát các họ đạo, tìm bắt các đạo trưởng và cấm giáo dân tụ họp đọc
kinh bất cứ nơi nào và dưới hình thức nào.
2) Vụ trồng cây nêu: Vào dịp đầu năm,
vua Minh Mệnh cho gọi một quan Công Giáo đến truyền lệnh phải trồng cây nêu.
Quan thưa rằng: “Thưa hoàng thượng, dưới thời tiên đế thần chưa bao giờ bị ép
buộc làm điều này. Nếu hoàng thượng muốn đánh đòn thì thần xin chịu, nhưng trồng
cây nêu thì thần không làm”. Vì quý trọng lòng trung tín và sự khôn ngoan của
quan, vua Minh Mệnh dịu giọng: “Ta mến khanh và không bao giờ muốn đánh đòn,
nhưng từ nay về sau đừng rước đạo trưởng Âu châu vào trong nước nữa. Những vị
đã có mặt thì thôi. Nước chúng ta không phải là một đại quốc gia sao? Khanh làm
mất mặt ta khi đi tìm các đạo trưởng Âu châu đến dạy dỗ nhân dân”.
• 1826, kiến nghị thượng quan Lễ Bộ.
Nội dung kiến nghị:
“Hết lòng kính sợ, chúng thần khấu đầu dâng kiến nghị này.
Dám xin hoàng thượng để tâm đến việc tái lập chính đạo để dân chúng lớn bé được
nhờ bởi vì tà đạo lợi dụng và lừa dối dân chúng, làm sai lạc chân đạo tự nhiên.
Thật vậy, sách có viết: phải trấn áp tà đạo vừa sai trái vừa nghịch lại với trật
tự. Nhân dân phải noi theo điều ngay lẽ phải, phù hợp với đạo tự nhiên. Nhưng
trên hết phải cấm tuyệt đối đạo nào ngược lại với đạo thờ ông bà và phải củng cố
nhân tâm, vạch ra sai lầm của tà đạo đang khuyến dụ và lừa dối dân chúng. Đạo
Đường, đạo Mạc, đạo Lão Quân trước hết chỉ dạy yêu mến và săn sóc chính mình,
thứ đến dạy yêu mến tất cả mọi người và sau cùng coi việc khinh chê sự đời là một
nhân đức thanh cao. Tuy nhiên các đạo này không dựa trên luật tự nhiên nhưng
cũng không trái nghịch luật tự nhiên và không hư hỏng, cũng không làm hại đến
phong tục và tập quán như đạo Giatô. Đạo Giatô là đạo giả dối và nghịch lại với
đạo thật vì đạo khuyến dụ dân chúng, lừa dối và lạm dụng lòng đơn thành của người
dân, dùng những hình phạt hỏa ngục để làm kinh sợ người yếu đuối, dùng niềm vui
nước trời để thu hút người khác. Đạo còn xử dụng luật riêng, tòa án riêng xét xử
các vụ rắc rối. Những người theo đạo này hội họp nhau cúng tế và thờ lạy, hàng
ngàn người nối tiếp nhau vào tôn thờ như tôn thờ chủ tể của quốc gia vậy. Họ
công bố con đường họ theo là thánh và tôn vinh những người bước theo đường ấy.
Từ khi đạo này xâm nhập vào đất nước, trong khắp các tỉnh có hàng ngàn người
tin theo. Những người đã tin theo thì cuồng nhiệt như là mất trí, chạy đi đó
đây như là người điên.
Các tín đồ của đạo này không tôn kính các thần minh, cũng
không cúng tế tổ tiên. Họ giảng đạo, học hỏi và hội họp như là một thói quen.
Càng ngày tín đồ đạo này càng đông, họ xây thêm nhiều nhà thờ mới, những cái
gai chướng này lan tràn khắp mọi nơi, không có xó xỉnh nào mà không bị tiêm nhiễm.
Chính vì lẽ đó, chúng thần ngước trông lên hoàng thượng khẩn xin ngài chữa trị
các tệ đoan này. Lời của ngài như ngọn cờ triệu tập hàng hà sa số nhân dân về một
mối, từ đó các phong tục và luật lệ quốc gia sẽ thống nhất, và các lời nói hành
động sẽ hòa hợp với nhau, tất cả những cái hay cái phải sẽ được tuân theo, và
thế hệ hiện tại cũng như mai sau sẽ tuân giữ các lề luật. Như thế những con đường
sai trái được uốn nắn, sự dữ được thay thế bằng điều lành. Tất cả sẽ được thu họp
về một mối, đó là đạo của vua, của thuần phong mỹ tục và khắp mọi nơi đều khuôn
mình theo. Nhưng đạo Giatô là một cản trở cho tất cả những canh tân hoàn thiện,
mặc dù đã cấm nhưng không tiêu diệt được. Đạo Khổng đã có từ lâu đời thế mà có
nhiều người đang tâm bỏ để theo đạo Giatô là đạo cấm dân chúng theo đạo Khổng.
Chúng thần cũng đã nghiên cứu luật lệ cấm đoán của Trung Hoa
viết như sau: Tất cả những người Âu châu ở trong nước đứng đầu giáo phái lừa dối
dân chúng thì phạm tội đại nghịch đáng xử giảo. Còn những người không có chức vị
hay chức vị thấp thì phải giam tù để xét xử sau. Những người để mình bị lừa dối
và tuyên xưng đạo thì phải đày đi làm nô dịch giữa dân mọi rợ. Những người rao
giảng khuyến dụ dân theo đường hư hỏng, những người đàn bà bất trị không biết xấu
hổ, cũng như những người móc mắt người ốm, nếu bị bắt sẽ phải phạt theo trọng tội.
Trên hết các quan văn cũng như võ nếu không trông chừng các quan cấp dưới sẽ bị
đưa ra tòa xét xử.
Tất cả những nghiêm cấm trên đây rất đúng và rất đáng khen để
ngăn chặn thứ tà đạo, đưa nhân dân về phía thuần phong mỹ tục là điều phải lẽ.
Vi thế khi nghiên cứu sự việc, chúng thần xin hoàng thượng ban lệnh cấm đạo tại
khắp các làng tỉnh và huyện trong nước để mọi người biết rằng các đạo trưởng và
Kitô hữu Âu châu đang ở bất cứ nơi nào đều phải trở về nước của họ. Thời hạn là
ba tháng, khi đáo hạn họ không được phép ở lại nữa. Còn về các nhà thờ phải triệt
hạ, phải đốt các sách đạo, từ rày về sau cấm dân chúng không được học hỏi tà đạo
này nữa. Sau ba tháng, nếu phát giác được người Âu châu còn trốn tránh trong nước
thì: người có công tố giác sẽ được hưởng tất cả tài sản của người chứa chấp đạo
trưởng Âu châu trong nhà. Ngoài ra, người chứa chấp cũng như lý trưởng sẽ bị
khép vào tội đại nghịch. Nếu người Âu châu vẫn lén lút giữa dân chúng và khuyến
dụ họ theo tà đạo thì sẽ áp dụng luật của người Trung Hoa. Hơn nữa nếu các quan
có lỗi vì biếng nhác sẽ bị đưa ra tòa xét xử như các tội phạm để sự việc được
phân minh và mọi việc được tiến hành đồng đều. Vì nếu áp dụng luật nghiêm khắc
thì có hy vọng đưa được dân chúng về đường lành và chân đạo được tồn tại. Phần
chúng thần là những người kém cỏi đã xét như thế có đúng hay sai, dám xin hoàng
thượng cứu xét” (DMAH 2 tr.20-23).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vì vụ công tử Ưng Hòa tự ý bỏ hoàng cung trốn đi và các
quan vu khống cho rằng các thừa sai ‘bắt cóc’, ‘chứa chấp’ để đưa lên tàu Pháp.
Sự thật là hoàng tử chỉ dọn nhà ra ở ngoài thành thôi.
2) Nhân vụ này, người ta đã tiên đoán
‘những vụ cấm đạo nghiêm khắc sẽ diễn ra không sớm thì muộn’.
3) Nhiều người nghĩ rằng: có lẽ chính
vua Minh Mệnh đã ‘gợi ý cho’ quan Bộ Lễ viết kiến nghị này để dọn đường cho vua
dễ hành động.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Khi nhận được kiến nghị, vua Minh Mệnh làm thinh, thế
nhưng cuối năm 1826, vua ra lệnh triệu tập tất cả các thừa sai về kinh đô nói rằng
cần tuyển nhiều thông dịch viên, nhưng thực tế là để kiểm soát và giam lỏng các
ngài.
2) Đầu năm 1827 lệnh được công bố tại
miền Bắc, nhưng một đàng các thừa sai cho rằng ‘cần các thông dịch viên’ chỉ là
mưu độc của vua Minh Mệnh, nên không thừa sai nào ra trình diện. Đàng khác, miền
Bắc bấy giờ có giặc Phan Bá Bành rất mạnh, nên các quan dồn sức vào việc dẹp giặc,
không quan tâm việc áp dụng ‘sắc lệnh tập trung các thừa sai’.
3) Dẹp xong giặc Phan Bá Bành, triều
đình ra ba sắc lệnh vu khống để chống Công Giáo: - Nhiều thừa sai và linh mục bản
xứ dính líu với giặc cách bí mật. - Tịch thu được đồ đạo trong trại của địch. -
Nhiều lính giặc là người Công Giáo.
4) Nhờ ảnh hưởng của vị tướng lão thành
Lê Văn Duyệt (6) mà những thừa sai ở miền Nam được trở về nhiệm sở Đồng Nai, đó
là cha Taberd, cha Odorico và cha Gagelin.
• 1829, Kết án giáo dân tại Mông Phụ.
Năm 1829 có một người đến làng Mông Phụ (Sơn Tây) nói là mình
đưọc lệnh quan trên đến tịch thu các đồ đạo, không có giấy tờ gì. Dân làng nghi
ngờ, nên không chịu trao nộp. Vài hôm sau lính kéo đến bắt ba giáo dân đàn anh
ra hầu tòa và kết án phải lưu đày chung thân. Vua Minh Mệnh không chấp nhận bản
án, bắt ba người phải đợi hơn một năm nữa mới ra án chính thức. Ngày 14.10.1830
vua ra án như sau: “Nhà thờ Mông Phụ phải giỡ và đem về tỉnh làm nhà kho, ba
giáo dân bị kết án phải đánh 100 roi, đeo gông và phơi nắng một tháng, sau đó
phải phát lưu”. Bản án này được gửi đi các quan tỉnh để làm mẫu mà xử các vụ
người Công Giáo (DMAH 2 tr.27-28).
• 1830, kết án giáo dân Dương Sơn.
Năm 1830 dân làng Cổ Lão lên huyện nằm vạ xin phân xử lấy cho
được phần đất của Dương Sơn. Vua Minh Mệnh nghe biết, truyền đưa vụ việc lên xử
tại phủ đường kinh đô và cho biết chắc chắn họ sẽ thắng. Hiểu ý vua Minh Mệnh,
ba quan tỉnh đã xử phạt làng Dương Sơn rất nặng, là bắt mọi người làng Dương
Sơn đi lưu đày. Vua Minh Mệnh không chấp nhận bản án tập thể và quá nặng này
vua bắt phải xử lại. Các quan đành bắt 73 người Công Giáo Dương Sơn đánh đòn,
đeo gông và ngồi tù với tội danh: ‘theo đạo Giatô và kéo đến đánh dân làng Cổ
Lão’. Nội vụ được trao về cho ba quan án tòa hình. Sau đây là kiến nghị bản án
đệ lên thỉnh ý vua Minh Mạng: “Chúng hạ thần là Cẩn, Thông và Phan, quan án tòa
hình xin đệ trình lên hoàng thượng bản án xử mới để làm sáng tỏ và sửa đổi án
cũ về cuộc tranh chấp giữa hai làng Dương Sơn và Cổ Lão. Chúng hạ thần sấp mình
xin hòang thượng duyệt xét. Chúng hạ thần đã xem xét bản án do ba quan tỉnh, xử
toàn thể làng Dương Sơn, gồm 73 người đàn ông và đàn bà công khai thực hành đạo
Giatô và hai người là trùm trưởng đạo này tên là Khoa và Tài. Theo luật nước
thì hai ông trùm trưởng bị kết án xử giảo hoặc phát lưu, còn 71 người trong đó
có đội Đạo trông đội coi voi, hiện đang ở Bắc Việt phải ra lệnh cho quan sở tại
tra hỏi, còn lại 70 người thì theo như án hoàng thượng đã xử tên Quyên, tức là
đàn ông phải phục dịch như lính, đàn bà phải làm nô lệ. Tuy nhiên chiếu theo một
điều luật quy định rằng: nếu tội nhân nào cải đổi và bỏ tà đạo này bằng cách
chà đạp thánh giá thì có thể tha thứ lỗi lầm, nhưng nếu sau này người nào cố chấp
bất trị vẫn còn theo tà đạo thì sẽ bị phạt nghiêm nhặt nhất, không cần phải
thương xót. Chúng hạ thần chưa tra hỏi xem các phạm nhân có muốn bỏ đạo và đạp ảnh
thánh giá không. Ngay khi chúng hạ thần biết được ý của hoàng thượng, chúng hạ
thần sẽ thi hành theo. Tội của các quan nhân rất rõ ràng không cần minh chứng,
và luật pháp cũng hiển nhiên như đã nói ở trên. Ba quan tỉnh có bổn phận xét xử
nội vụ đã không áp dụng đúng mức nghiêm khắc của lề luật, nhưng nội vụ đã được
duyệt xét lại, bổ khuyết cho lỗi lầm ấy. Hơn nữa, ba quan tỉnh xét xử vội vàng,
đã thay đổi loại hình phạt áp dụng cho phạm nhân, phạm thêm một lỗi lầm khác.
Làm sao xét xử khi còn 23 người chưa được tra khảo? Ngoài ra còn một tội nhân
tên Sơn, là một sĩ quan trong quân đội thứ tư thuộc đệ nhị hữu đạo quân cũng
chưa được xét xử. Viên sĩ quan này phải giáng xuống làm lính thường. Nếu không
áp dụng luật pháp nghiêm khắc thì không làm sao giữ dân chúng có ý nghĩ và tòng
phục như nhau. Vì những lẽ nêu tên, chúng hạ thần xử khác với ba quan tỉnh để
các vị xem lại và thi hành luật pháp theo đúng tinh thần và sự đòi buộc phải
có. Nếu chúng hạ thần táo bạo trình lên hoàng thượng một kiến nghị như thế này
là vì chúng hạ thần xác tín rằng kiến nghị được dựa trên những lý lẽ vững chắc.
Cúi đầu xin hoàng thượng chỉ dụ. Minh Mệnh năm thứ 12, ngày 2 tuần trăng thứ 12
(4.1.1832). Vua Minh Mệnh đã ghi ‘Chuẩn y tấu’.
• Hậu quả theo sau hai vụ Mông Phụ và Lương Sơn:
1) Hai vụ nằm trong hiểm ý cấm đạo của vua Minh Mệnh.
2) Vua đã mở đường cho các quan làm tiền người Công Giáo, cho
các làng lương dân sách nhiễu các làng Công Giáo (nhiều vụ tương tự đã xảy ra ở
Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nội) đòi người Công Giáo đóng tiền vào những lễ cúng
tế thần làng. Nếu khlông chịu, họ thưa kiện lên huyện, phủ.
3) Riêng vụ Dương Sơn có liên quan đến cha Jaccard và nhà thờ,
trường học. Cha Jaccard bị xử phải lưu đày. Nhưng hoàng thượng ân xá chỉ bắt đi
phục dịch như một tên lính thường với lý do cha không phải là một người mọi rợ,
không làm gì trái pháp luật, nhưng chỉ đến nước này kiếm kế sinh nhai và lừa dối
dân chúng theo tà đạo. Còn nhà thờ và trường học của cha bị tịch thu.
• 1830, Kiến nghị các quan Bộ Hình
Nội dung kiến nghị:
Các quan Bộ Hình dâng kiến nghị xin vua Minh Mệnh cấm đạo và
triệt hạ các nhà thờ: “Kính thưa hoàng thượng, trong các đạo ở nước này có đạo
Giatô là tệ hại nhất. Đạo Phật và đạo Lão Quan tuy không hay và có nhiều dị
đoan nhưng vẫn còn tốt hơn đạo Giatô. Ngày trước hoàng đế Trung Hoa và các tiên
vương đã nghiêm ngặt cấm đoán đạo vô luân này, nhưng vì các quan biếng trễ
không thi hành lệnh chu đáo và không làm tròn nghĩa vụ khiến đạo này tiếp tục
làm hư hỏng và tăng số trong nước. Đây chính là dịp dành cho hoàng thượng tối
cao, đầy quyền uy và sáng suốt để tiêu diệt hoàn toàn tà đạo này, một thứ đạo
chỉ có hạng người cố chấp và những đàn bà ngu dại nghe theo. Các đạo trưởng phân
chia đất nước thành nhiều xứ để cai trị theo ý muốn. Các tín đồ có lòng kính trọng
đạo trưởng đến độ vâng lời tối mặt và thông báo tin tức trong nháy mắt từ Bắc
xuống Nam. Kính xin hoàng thượng ra chỉ dụ cấm triệt đạo lý sai lầm này. Quốc
gia không thể dung thứ được những người mọi rợ đến đây rao giảng đạo. Phải trừng
phạt những người cho họ trú ngụ. Cũng phải cấm các sách viết bằng chữ mọi rợ.
Phải ra lệnh nộp các sách này cho các quan huỷ đi. Đồng thời cấm các việc đọc
kinh dù là âm thầm tại nhà. Ngoài ra phải bắt các thày giảng và trưởng gia đình
đạp ảnh. Có làm như vậy họ mới được tha thứ cho lần thứ nhất. Chúng thần là những
người hèn mọn thấp trí, dám dâng thư này. Kính mong hoàng thượng chỉ giáo, muôn
đời sẽ nhớ ơn và các thế hệ tương lai sẽ xưng tụng danh của đức vua”
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Một hình thức ‘ném đá giấu tay của vua Minh Mệnh’: xúi các
quan làm kiến nghị trước rồi ra sắc lệnh hay chỉ dụ cấm đạo sau, để chứng tỏ
‘vua làm theo lòng dân’.
2) Những quan triều ghét đạo có dịp thi
công với vua Minh Mệnh.
3) Nội dung kiến nghị là lặp lại những
điều xưa cũ, không có nguyên nhân nào đặc thù.
Vụ việc nổi bật đi sau.
1) Khôn khéo của vua Minh Mệnh là ‘nhận được kiến nghị nhưng
bề ngoài coi như không có’ và làm ngơ cho các quan ghét đạo làm giả chữ ‘Y nghị’
của vua vào bản tâu mà thẳng tay bách hại đạo.
2) Từ Nam đến Bắc, nhiều nhà thờ Công
Giáo đã bị các quan tỉnh, huyện cho làng lương đến phá gỡ hay đòi buộc chính
dân Công Giáo phải tự tháo gỡ.
3) Mất cơ sở, các đạo trưởng, thày giảng
và giáo dân phải sinh hoạt lén lút …
• 1833, chỉ dụ công khai cấm đạo và mật lệnh gửi các quan trấn
thủ
Nội dung chỉ dụ:
Sau nhiều năm chuẩn bị, nay mới là lúc vua Minh Mệnh ban chỉ
dụ cấm đạo: “Ta, hoàng đế Minh Mệnh, truyền lệnh như sau: Từ nhiều năm nay, những
người Tây phương đến đây truyền bá đạo Giatô làm mê hoặc thường dân bằng lời
rao giảng có thiên đàng hạnh phúc và hỏa ngục khổ sở. Chúng không trọng kính đức
Phật cũng không thờ cúng Tổ Tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo (Khổng
giáo). Hơn nữa, chúng xây cất những nhà thờ, nhà hội to lớn tiếp đón đông đảo
dân chúng để dụ dỗ đàn bà và thiếu nữ. Ngoài ra chúng còn móc mắt những người ốm.
Không còn gì trái ngược hơn với lý trí và tập tục. Năm ngoái trẫm đã trừng phạt
hai làng theo đạo này: Dương Sơn và Mông Phụ với ý định làm cho bá chúng biết
rõ ý trẫm muốn họ xa tránh tội ác này mà trở về đường ngay nẻo chính. Và đây là
điều trẫm nghĩ: Mặc dù dân chúng ngu dốt theo đạo này đã đông số, nhưng vẫn còn
đủ lương tri biết là hợp lý hay không và còn dễ dàng dạy dỗ trở về đàng lành.
Vì vậy trước hết phải dùng lời khuyên và dạy dỗ đối với họ, nếu họ bất trị thì
mới dùng các hình khổ.
Vậy ta truyền cho tất cả những người theo đạo này, từ quan
cho chí đến dân đen phải thực tâm từ bỏ nếu họ nhìn biết quyền uy của ta. Trẫm
muốn rằng tất cả các quan hãy tỉ mỉ xem xét có còn người Kitô nào sống trong địa
hạt của mình và bắt họ tuân phục mệnh lệnh, bắt họ đạp lên ảnh tượng ngay trước
mặt mình. Nếu họ làm theo thì sẽ được ân xá. Đối với các nhà thờ và nhà đạo trưởng
các quan phải tịch thu làm kho chung. Từ nay về sau nếu có người nào bị nhận diện
hay tố cáo là thực hành những thói tục đáng ghét này sẽ bị trừng trị với hình
phạt nghiêm nhặt nhất, ngõ hầu có thể tiêu diệt thứ đạo này tận gốc rễ.
Đó là mệnh lệnh của trẫm, mọi người phải hết lòng tuân giữ.
Ngày 12 tháng 11 Âm lịch, Minh Mệnh nguyên niên thứ 13” (DMAH 2 tr. 34-35).
Nội dung mật lệnh:
Nhờ một quan cao cấp ở Phú Yên có thịnh tình với đạo Công
Giáo mà mật lệnh này đã tới tay cha Gagelin và các thừa sai: “Đạo Giatô rất
đáng ghét, nhưng dân chúng ngu dại tin theo mà không suy xét. Con số đã tăng
thêm đông và ở khắp mọi nơi trong vương quốc. Trẫm không thể để mặc cho tín đồ
thêm vững mạnh và tăng thêm số. Do đó trẫm đã ban hành chỉ dụ cấm đạo, lấy lòng
nhân từ dạy con đường phải theo để sửa đổi. Trẫm cũng nghĩ rằng những người tin
theo đạo cũng là nhân dân của quốc gia. Số người càng đông và càng mù quáng cố
chấp đến độ mang họ ra khỏi lầm lạc không phải là một việc dễ dàng trong một chốc
lát. Nếu cứ phải áp dụng đúng luật thì phải giết hết cả một đám đông. Giải pháp
này làm tổn thương đến lòng từ tâm của trẫm đối với dân chúng và rất có thể số
đông những người được gọi đến để sửa trị sẽ chìm đắm trong lỗi lầm. Vả lại cần
phải hành xử việc này một cách khôn ngoan theo câu cách ngôn: Muốn phá một tục
lệ xấu thì phải phá từ từ và muốn nhổ cỏ, phải nhổ tận gốc. Vậy hãy theo lời
khôn ngoan của tiền nhân để có thể chắc chắn thành công và không gây đổ vỡ. Trẫm
truyền cho các thống đốc và tất cả những quan lại cai trị dân chúng phải:
1) Nghiêm chỉnh chỉ thị cho các quan cấp dưới cũng như dân
chúng tự sửa mình và từ bỏ đạo này.
2) Thông báo chính xác các nhà thờ, nhà
đạo trưởng hay nhà họ dạy dỗ dân chúng để triệt hạ không trì hoãn.
3) Dùng mưu chước khôn khéo mà bắt đạo
trưởng. Các đạo trưởng Tây thì phải giải ngay về kinh đô với lý do theo lệnh
vua để dịch các thư từ Âu châu. Với đạo trưởng Việt nam thì hãy giam giữ tại phủ,
huyện và canh chừng cẩn thận, không để cho họ trốn thoát hay tiếp tục liên lạc
bí mật với tín đồ của họ. Hãy canh phòng cẩn mật và trông chừng các quan cấp dưới
để họ không lợi dụng cơ hội bắt bớ những người Kitô mà không phân biệt hay thiếu
khôn ngoan, gây ra rối loạn khắp nơi. Điều đó, các quan phải chịu trách nhiệm.
Việc này không phải là việc nhỏ nhặt, nhưng nó là nền tảng, vì vậy trẫm mới phải
nhắc nhở và luôn để tâm đến. Các khanh là những quan đầu tỉnh, hãy tuân hành
đúng lệnh triều đình, hành động cho khôn khéo để khỏi gây xáo động. Nếu xẩy ra
điều gì thì các khanh không còn đáng tin cậy nữa. Trẫm cấm không được công bố lệnh
này sợ rằng nếu công bố sẽ gây rắc rối, vậy khi nhận được một mình các khanh biết
mà thôi” (DMAH 2 tr. 35-37).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Nguyên nhân đặc thù của chỉ dụ: lòng ghét đạo Công Giáo sẵn
có nơi vua Minh Mệnh. Vua đã quy hoạch một chương trình dài hạn thể hiện ‘lòng
ghét đạo này qua những vụ việc có trước như vụ Mông Phụ, Dương Sơn’ trước khi
ra chỉ dụ. Lão tướng Lê Văn Duyệt đã chết, không còn ai cản được vua.
2) Cũng như các vị chúa Trịnh, chúa
Nguyễn, vua nhà Tây Sơn, cho đạo Giatô là tà đạo, là đạo ngoại lai, các thừa
sai là những người lừa dối, những người Việt Nam theo đạo là dân ngu dốt, dễ bị
khuyến dũ mê hoặc.
3) Vua Minh Mệnh cho Nho Giáo mới là
chính đạo, đạo Phật, đạo lão có thể bao dung còn đạo Giatô là đạo Âu châu nhất
thiết phải diệt tận gốc.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Nhiều làng Công Giáo bị xách nhiễu, buộc phải đóng tiền
vào các dịp lễ thần làng, hoặc bị dân lương kiện lên quan huyện, phủ tỉnh… Những
việc đau buồn này xẩy ra thường xuyên ở Bố Chính, Nghệ An, Hà Tĩnh,Thanh Hóa,
Hưng Yên, Nam Định, Huế… Mỗi nơi đều có những chứng nhân anh dũng, như chàng
thanh niên 21 tuổi ở Bố Chính, 20 giáo dân can trường tại Châu Đốc…
2) Linh mục Phêrô Lê Tùy chịu xử trảm tại
Quan Ban (Hà Đông) năm 1833.
3) Linh mục Phanxicô Gagelin (cố Kính)
chịu xử giảo tại Huế năm 1833
4) Quan đội Phaolô Tống Viết Bường chịu
xử trảm tại Thọ Đúc (Huế) năm 1833
• 1835, Mười điều huấn dụ
Nội dung 10 huấn dụ:
1) Đôn nhân hậu: Trọng tam cương ngũ thường. Hỡi con người, bản
tính của nhân sinh là phải biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có
phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Đó là cuộc
sống con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người.
2) Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho
chính đính trong sạch. Thật vậy, cái tâm là chính con người, nếu nó ngay thẳng
thì vạn sự lành phát xuất như từ nguồn suối, bằng không, nó là lò của trăm sự dữ
đổ trên đầu. Đấng Đại Thiên đã in sâu trong tâm hồn mỗi người đạo tự nhiên:
nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đời sống con người ở tại giữ các nguyên tắc cao cả
này. Trẫm ước mong rằng mọi thần dân hãy có tâm hồn tốt, mặc dù hoàn cảnh sống
khác nhau, nhưng tất cả hợp cùng nhau tìm kiếm sự thiện. Người giàu đừng có
kiêu căng ngạo nghễ, người nghèo đừng gian tham trộm cướp, ước ao giàu sang vượt
quá cấp bậc, để ý nghĩ xấu tiêu hao tìm kiếm.
3) Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình. Phải
bằng lòng với cuộc sống của mình, đừng than thân trách phận trời đã sinh ra ta.
Hãy làm trọn bổn phận với niềm vui, hãy làm việc hăng hái và bằng lòng. Tất cả,
người nông dân, thủ công, thương gia, binh sĩ hãy bằng lòng mãn nguyện.
4) Thượng tiết kiệm: chuộng đường tiết kiệm. Hãy xử dụng của
trời cách tiết độ, đừng như người hoang phí tiêu thụ tất cả những cái có, rồi
phải đói trong suốt năm. Ham mê các thú chơi làm nẩy sinh nghèo đói, trộm cắp
và loạn tặc.
5) Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần thục.
6) Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em. Giáo dục gia đình là nền
tảng xã tắc.
7) Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay.
Trẫm khuyên đừng để ngày nào qua đi mà không đọc sách hay học hỏi, cũng như phải
coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Giatô đều đi ngược
với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn
ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người
đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn
kính người phải chết, hủy hoại lời dạy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy
không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá,
hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân:
các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế, trong việc thờ
phượng ông bà cũng như thần làng.
8) Giới dâm thắc: Đừng giữ những điều gian tà dâm dục. Người
có công giữ nhân đức tiết hạnh sẽ được thưởng, trái lại ai lỗi phạm sẽ bị trừng
phạt. Có thể, trẫm sẽ lập nhà riêng cho họ, có thể trẫm ban bằng khen thưởng để
làm gương cho những người khác.
9) Thận pháp thủ: Cẩn thận giữ luật pháp. Đặc biệt là việc nộp
thuế.
10) Quảng thiện hạnh: Rộng rãi làm việc lành (DMAH 2 tr. 64).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vào những năm cuối đời vua Minh Mệnh lo ngại trước sự xa
đoạ của xã tắc: trong làng nhiều kẻ cường hào trái phép, nhiều thần dân biếng
nhác, chỉ cờ bạc rượu chè…
2) Nhiều quan lại tham làm tiền bạc,
ham mê tửu sắc…
3) Có nhiều giặc giã nổi lên: giặc
Vành, giặc Nồng Văn Vân, giặc Lê Văn Khôi…
4) Vẫn tiếp tục ghét đạo và cấm đạo…
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các làng đón rước 10 chỉ dụ và các quan về làng giảng huấn…
2) Binh sĩ Anrê Trần Văn Trông, Thọ
Đúc, Huế bị xử trảm năm 1835
3) Thừa sai Giuse Marchand (Du) bị xử
bá đao tại Huế năm 1835.
• 1836, Kiến nghị xin cấm đạo.
Nội dung kiến nghị:
“… Các thừa sai dùng bánh nhiệm mầu để mê hoặc dân chúng và
làm cho họ cố chấp giữ đạo. Các thừa sai còn lấy mắt người chết pha lẫn vào
hương để làm thuốc chữa bệnh. Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những
điều đồi bại. Thừa sai Marchand đã thú nhận tất cả những đồi bại này. Vì thế cần
phải đặt ra những biện pháp mới chống lại các đạo trưởng Tây phương. Rõ ràng
năm 1826 hoàng thượng đã công bố chỉ dụ rất khôn ngoan để ngăn cấm các đạo trưởng
xâm nhập quốc gia, nhưng mặc dầu vậy, Marchand đã lén vào được trong nước và ẩn
trốn nhiều năm. Có lẽ nhiều thừa sai khác nữa cũng còn ẩn trốn trong nước. Vì
thế ngước trông hoàng thượng công bố những biện pháp sau đây: cấm các tàu buôn
mọi rợ không được đến các cửa biển ngoại trừ cửa Hàn. Quan coi cửa biển này phải
nghiêm mật trông chừng tất cả mọi người nước ngoài đến đây buôn bán. Phải có
phép quan trước mới được xuống đất để buôn bán và suốt trong thời gian này phải
có người theo dõi, không được tách rời dù trong bất cứ nhà đặc biệt nào. Khi họ
đã buôn bán xong phải kiểm điểm số người trước khi dẫn lên tàu. Nếu có người
nào tìm cách trốn ở lại sẽ bị bắt ngay và phải xử tử. Còn các tàu buôn người
Trung Hoa có thể đến tất cả các cảng khác, nhưng vừa tới sẽ bị khám xét ngay và
nếu trên tàu có đạo trưởng Âu tây sẽ bị bắt và xử tử. Các đạo trưởng Âu tây bắt
được trên đất liền cũng phải xử tử. Người oa trữ cũng bị một hình phạt như thế.
Các quan cũng sẽ bị trừng phạt xử tử nếu đạo trưởng bị bắt trong địa hạt của họ,
vì đã không chịu lùng soát cho kỹ để bắt” (DMAH 2 tr.86-87).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Thực ra đây không phải là sắc lệnh của vua Minh Mệnh,
nhưng là kiến nghị các quan đã soạn theo ý của vua. Đúng theo kế hoạch ‘ném đá
giấu tay’ vốn có của nhà vua.
2) Vì thế đầy tràn những ‘nguyên nhân’
vu khống, vô căn cứ… kể cả những điều ‘thú nhận’ đã gán cho thừa sai Marchand.
3) Vì những biện pháp ‘bắt các đạo trưởng
Tây phương’ trước đây chưa nghiêm khắc đủ hoặc các quan lơ là, chỉ lợi dụng sắc
luật để làm tiền… nên kiến nghị lần này nghiêm khắc hơn cả, đối với các đạo trưởng
cũng như đối với các người oa trữ đạo trưởng và các quan lại chểnh mảng: tất cả
đều bị án xử tử.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Lại một phen các giám mục, thừa sai linh mục bản xứ, các
thày giảng, chủng sinh và những người Công Giáo nhiệt tình… phải sống trốn
tránh, cực khổ… và do đó, công việc truyền giáo bị đình trệ…
2) Thừa sai J.B. Cornay (Tân) bị bắt và
bị xử lăng trì tại Sơn Tây năm 1837.
3) Thày giảng Phanxicô Xavier Cần bị bắt
năm 1836 và bị xử giảo tại Hà Nội năm 1837
4) Thấy các quan chưa ‘hung hăng đủ’ để
bắt các đạo trưởng, đặc biệt tổng đốc Trịnh Quang Khanh ở Nam Định, vua Minh Mệnh
liền triệu Trịnh Quang Khanh về Huế khiển trách và hạ xuống làm quan huyện.
* 1838, lệnh tàn sát đạo Công Giáo.
Nội dung sắc lệnh:
Tuy vắn nhưng thật hung dữ, chỉ dụ vua Minh Mệnh gửi cho các
quan đầu tỉnh. Vua Minh Mệnh hạ lệnh thẳng thừng: “Hãy bắt bớ, đánh đập không
thương tiếc. Hãy tra tấn. Hãy ra lệnh xử tử tất cả những người từ chối đạp ảnh
thánh giá. Hãy biết rằng từ chối đạp ảnh là trở thành người phản nghịch. Không
cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt
những kẻ mù quáng và cố chấp, đừng để một người nào thoát chạy…” (DMAH 2
tr.115-116).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Có lẽ vua Minh Mệnh thấy các quan không quan tâm đủ những
sắc lệnh hay chỉ dụ cấm đạo vua đã ban hành. Trường hợp cụ thể là quan tổng trấn
Trịnh Quang Khanh ở Nam Định.
2) Có lẽ vua Minh Mệnh thấy 10 huấn dụ
vua ban bố năm 1835 không mang lại hiệu quả, từ quan chí dân chỉ nghe mà không
thực hành.
3) Đang khi đó vua giận dữ khi thấy đạo
Công Giáo mỗi ngày một phát triển cả về số đạo trưởng, thày giảng, họ đạo, cơ cấu
tổ chức…
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Thày giảng Phanxicô Chiểu bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định
năm 1838.
2) Đức Giám Mục phó Dominique Henares
(Minh) dòng Daminh bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1838.
3) Linh mục Vincentê Đỗ Yến o.p. bị bắt
và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1838.
4) Thày giảng Giuse Nguyễn Đình Uyển bị
bắt và chết rũ tù tại Hưng Yên năm 1838
5) Linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần bị bắt
và chết rũ tù tại Nam Định năm 1838.
6) Đức Giám Mục Inhaxiô Delgado (Y)
o.p. bị bắt và chết rũ tù tại Nam Định năm 1838
7) Linh mục Guise Fernandez (Hiền) o.p.
bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1838.
8) Linh mục Bênađô Vũ Văn Duệ bị bắt và
bị xử trảm tại Ba Tòa năm 1838.
9) Linh mục Dominicô Nguyễn Văn Hạnh
o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Ba Tòa năm 1838.
10) Linh mục Giacôbê Năm (Mai Ngũ) bị bắt
và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.
11) Ông Micae Lý Mỹ (Nguyễn Huy Diệu) bị
bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838
12) Ông trùm Antôn Nguyễn Đích bị bắt
và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.
13) Linh mục Giuse Đặng Đình Viên bị bắt
và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1838.
14) Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự o.p.,
bị bắt và bị xử trảm tại Bắc Ninh năm 1838
15) Y sĩ Giuse Hoàng Lương Cảnh bị bắt
và bị xử trảm tại Bắc Ninh năm 1838
16) Linh mục Francis Jaccard (Phan)
m.e.p. bị bắt và bị xử giảo tại Quảng Trị năm 1838.
17) Chủng sinh Toma Trần Văn Thiện bị bắt
và bị xử giảo tại Nhan Biều năm 1838
18) Đức Giám Mục Pierre Borie (Cao)
m.e.p. bị bắt và bị xử trảm tại Quảng Bình năm 1838.
19) Linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa bị bắt
và bị xử giảo tại Quảng Bình năm 1838.
20) Linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm bị
bắt và bị xử giảo tại Đan Sa năm 1838.
21) Thày giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ bị
bắt năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838.
22) Thày giảng Phêrô Nguyễn Văn Đường bị
bắt năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838.
23) Thày giảng Phêrô Vũ Văn Truật bị bắt
năm 1837 và bị xử giảo tại Sơn Tây năm 1838
24) Đó là chưa kể những vụ việc khác,
như vụ Đức Cha Havard phải trốn lên rừng Bạch Bát (Ninh Bình) với hai thày giảng.
Ba cha con sống dưới hầm và chỉ ăn gạo sống… Sau mười mấy ngày Đức Cha ngã bệnh
và chết trên rừng…
25) Nhìn chung lại năm 1838, chúng ta
thấy lời của cha thừa sai Delamotte bấy giờ sống lẩn trốn tại Nhu Lý thật xác
đáng. Ngài viết: “Năm 1838 là một năm khốn nạn, và bắt bớ tại Bắc Việt và Trung
Việt. Lưỡi gươm bắt đạo đã mặc sức chém giết, nhưng nước trời lại thêm đông số
các Đấng Tử Đạo…”
• 1839, hai sắc dụ.
Nội dung sắc dụ ‘mạt sát đạo Giatô’ và ‘trừng trị các binh
lính Công Giáo’, ban hành 29.7.1839
Đây chỉ là bản tóm lược: Sắc dụ gồm sáu phần: 1 – Vua kể ra
các lời buộc tội Công Giáo là không tuân giữ luật nước, đầy dẫy giả dối, giảng
dạy những điều phi lý như thiên đàng, thánh giá, nước thánh, các đạo trưởng móc
mắt người chết, dụ dỗ đàn bà con gái. 2 – Vua kể ra những việc đã làm để tận diệt
đạo này. 3 - Liệt kê các hình phạt áp dụng cho binh lính. 4 – Nêu lên những lý
do các quan có thể dùng để khuyến dụ binh lính bỏ đạo Giatô mà theo đạo nhà nước.
5 - Giải thích bổn phận hiếu đễ với cha mẹ để được giàu có và danh giá, người
không chịu bỏ đạo Giatô sẽ bị trừng phạt và làm nhục nhã cha mẹ. 6 - Truyền cho
tất cả các quan trong nước phải tận tâm giảng dạy các huấn dụ của vua. Người
nào chối đạo rồi thì không phải đến nghe giảng nữa, người nào không chối đạo sẽ
bị xử tử. Người nào chưa có thể bỏ đạo thì phải đưa đến trước mặt quan để đạp ảnh
rồi mới được để cho yên, bằng không phải thọ hình.
Nội dung của sắc dụ ‘cáo tội các đạo trưởng và giáo dân mê muội’
và bắt họ phải ‘dựng miếu tại làng để cúng tế tổ tiên và thần làng’, ban hành
03.10.1839:
“Tất cả các quan đầu tỉnh phải chỉ thị cho các quan cấp dưới
sai các cai tổng, lý trưởng những làng có người Công Giáo để dạy dỗ và xóa bỏ
những sai lầm. Sau đây là những điều cốt yếu phải giảng dạy: 1 – Ông Giatô, ông
tổ đạo của các ngươi là một người ở nước xa xôi và thuộc về một giống khác lạ với
các ngươi. Nếu đạo lý của ông ta thật củng cố lòng trung với vua, hiếu thảo với
cha mẹ, hòa thuận với anh em thì có ai bắt các ngươi về tội theo đạo đâu?. 2 –
Còn đối với các thừa sai giảng dạy về một thánh giá trên đó có treo một đứa trẻ
thì hoàn toàn không thể hiểu được. Tốt hơn hết là đừng tin tưởng vào đó. 3 –
Còn nếu các ngươi nói rằng theo đạo Giatô để được lên thiên đàng sau khi chết
ư? Nhưng các ngươi hãy xem sự gì xảy ra cho linh mục Marchand, Cornay, cho trùm
Hiền (cha Fernandez), trùm Hai (Đức Cha Henares). Không phải là họ đã chết khốn
nạn sao? Hình khổ của họ không phải là một điều ghê sợ sao? Hẳn thật bốn thừa
sai này đã giữ đạo hoàn hảo hơn tất cả dân chúng, đạo đã không ngăn cản cho họ
khỏi chết, cũng như sau khi hành quyết đầu của bốn người tách rời khỏi xác. Xem
đấy, chính họ đã kể lể những cái đẹp đẽ sau khi chết, cái chết của họ đã lật tẩy
những lời xảo ngôn. Làm sao có thể lên trời khi người ta không còn sống được nữa?
Trái lại, các ngươi hãy xem gương các cha Việt Nam Duyệt và Kiên. Bây giờ những
người đã đạp ảnh thì đều được tự do và sống an bình cho tới ngày cuối đời chờ đợi
nước trời dành cho họ. Hãy nói những niềm vui thiên đàng ở về phía nào và những
hình khổ hỏa ngục về phía nào?. 4 – Nếu các ngươi không nhạy cảm về các điều
suy nghĩ trên và nếu các ngươi tiếp tục hội họp để cầu kinh bí mật, các ngươi
có bằng chứng là điên rồ và cố chấp trong tội ác. 5 – Đó là những ý tưởng lớn cần
phải quảng diễn cho người Công Giáo để soi sáng và dẫn dụ họ trở về. 6 – Theo
lòng nhân từ sẵn có, trẫm cho triển hạn một năm để những người có trách nhiệm
phổ biến những huấn thị này, hầu qua những lần dẫn giải, dần dần họ đã bị thấm
nhiễm tinh thần của tà đạo, soi sáng họ hối hận về quá khứ và quyết tâm sửa đổi
trong tương lai. 7- Cũng phải thúc ép các người tín hữu dựng chùa miếu lại mỗi
làng để cứ thời hạn đã định cúng tế tổ tiên và thần làng. Chính nhờ làm trọn những
nghĩa vụ này mà họ thâu hồi những quyền lợi và được mọi người kính trọng và tỏ
ra xứng đáng trong thời đại thái bình của triều đại trẫm. 8 - Nếu sau khi đã
công bố sắc lệnh mà các quan không tận tình ép buộc được các cai tổng và lý trưởng
để thi hành lệnh, và nếu những cai tổng và lý trưởng không nhiệt tâm giáo huấn
dân chúng, thì hết thời hạn định, sẽ bị trừng trị về tội chểnh mảng. 9 – Sau
cùng, nếu các người Công Giáo phản nghịch trong nước, không có dấu hiệu phục
tòng bên ngoài nghĩa là ban ngày là lương, nhưng ban đêm lại thực hành đạo và
truyền đạo, thì khi ấy phải trừng phạt không thương tiếc, họ là những người
Công Giáo bất trị” (DMAH 2 TR; 289-291).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Sau khi xử hai binh sĩ Augustinô Phan Viết Huy và Nicola
Bùi Đức Thể (cùng bị lăng trì ngày 12.6.1839) trung kiên giữ đức tin và anh
dũng chịu chết vì Chúa Giêsu, vua lên cơn giận và ra hai sắc dụ này.
2) Cũng vì có nhiều tố cáo và vu gian của
lương dân và những quan lại ghét đạo thúc đẩy vua.
3) Nhiều đơn của làng lương đòi người
Công Giáo đóng góp tiền ‘sửa sang chùa miếu và tổ chức lễ cúng bái thần làng’.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Linh mục Dominicô Tước o.p. bị bắt và đánh chết tại Nam Định
năm 1839.
2) Binh sĩ Dominico Đinh Đạt bị bắt năm
1838 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1839.
3) Linh mục Toma Đinh Viết Dụ o.p. bị bắt
và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1839.
4) Linh mục Dominicô Nguyễn Văn Xuyên
o.p. bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1839.
5) Thày giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu
bị bắt 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.
6) Nông dân Stêphanô Nguyễn Văn Vinh bị
bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.
7) Thày giảng Dominicô Bùi Văn Úy bị bắt
năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.
8) Giáo dân Augustinô Nguyễn Mới, bị bắt
1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê (Thái Bình) năm 1839.
9) Giáo dân Toma Nguyễn Văn Đệ bị bắt
năm 1838 và bị xử giảo tại Cổ Mê năm 1839.
10) Linh mục Anrê Trần Anh Dũng (Lạc) bị
bắt và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1839.
11) Linh mục Phêrô Phạm Viết Thi bị bắt
và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1839.
• 1840, Cấm đạo năm cuối đời của triều Minh Mệnh.
Tuổi già sức yếu, vẫn cấm đạo gay gắt:
Hai chỉ dụ của vua Minh Mệnh 1838 và 1839 vẫn còn nóng hổi
cho tới lúc vua băng hà vì ‘ngã ngựa’ cuối năm 1840 (7). Trong năm này, mặc dầu
tuổi già sức yếu, vua vẫn hung hăng diệt đạo Giatô.
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Ngoài những lý do chúng ta đã thấy: vua tôn sùng đạo Nho
và triệt hạ đạo Giatô mà vua cho là đạo giả dối, ngoại lai, trái với đạo thật
là đạo Nho…
2) Có một lý do lớn khác và mỗi ngày một trầm trọng: dã tâm
xâm lược nước Việt Nam của các cường quốc Âu châu và cách riêng là nước Pháp.
Vụ việc nổi bật tiếp diễn:
1) Linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan bị bắt năm 1837 và bị xử
trảm tại Ninh Bình năm 1840
2) Thày giảng Gioan Baotixita Đinh Văn
Thành bị bắt năm 1837 và bị xử trảm tại Ninh Bình năm 1840.
3) Thày giảng Phêrô Nguyễn Văn Hiếu bị
bắt năm 1837 và bị xử trảm tại Ninh Bình năm 1840.
4) Linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển bị bắt
năm 1839 và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.
5) Linh mục Luca Vũ Bá Loan bị bắt và bị
xử trảm tại Hà Nội năm 1840
6) Tu sĩ Toma Toán o.p. bị bắt năm 1839
và bị bỏ đói chết tại Nam Định năm 1840.
7) Ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Năm (Quỳnh)
bị bắt năm 1838 và bị xử giảo tại Đồng Hới năm 1840.
8) Thày giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị bắt
năm 1838 và bị xử giảo tại Quảng Bình năm 1840.
9) Linh mục Dominicô Trạch (Đoàn) o.p.
bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.
10) Linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi
(Kim) bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.
11) Linh mục Phaolô Nguyễn Ngân bị bắt
và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.
12) Linh mục Martino Tạ Đức Thịnh bị bắt
và bị xử trảm tại Nam Định năm 1840.
13) Ông trùm Martino Thọ (Nho) bị bắt
và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.
14) Lý trưởng Gioan Baotixita Cỏn (Bốn)
bị bắt và bị xử trảm tại Bẩy Mẫu năm 1840.
15) Y sĩ Simon Phan Đắc Hòa (Thu) bị bắt
năm 1839 và bị xử trảm tại Huế năm 1840.
• Một nhận định ngắn: Chúng ta có thể phân cuộc bách hại đạo
Công Giáo thành hai giai đoạn: Giai đoạn I (1820-1833), khi chưa nắm vững ngai
vàng vì còn nhiều cựu thần và giặc giã, vua còn nhẹ tay đối với đạo Công Giáo.
Giai đoạn II (1833-1840) đã có lớp quan trung thành và giẹp xong giặc, vua quên
lời dạy của Tiên đế, mạnh miệng lên án đạo Công Giáo, kể cả những vu khống ấu
trĩ và thẳng tay ‘tàn sát không thương tiếc’. Phương pháp bách đạo của vua Minh
Mệnh là ‘xúi dân hoặc các quan trung thành làm kiến nghị theo ý vua’ để tránh bị
tiếng là ‘một hôn quân bạo chúa’. Sau đó dựa trên những kiến nghị ra những sắc
chỉ hay chỉ dụ ‘nghiêm khắc, tàn sát không thương tiếc’. Trong các quan trung
thành và hung dữ của vua Minh Mệnh là quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh vùng Nam
Định. Cụ thể là trong số 58 thánh tử đạo dưới thời vua Minh Mệnh đã có 24 vị trong
vùng Nam Định do quan Trịnh Quang Khanh quản nhiệm. Thật đáng tiếc cho một vị
vua ‘quá thâm Nho’ nên ‘từ trái tim đến khối óc’ đã mất tầm nhìn xa thấy rộng của
một vị hoàng đế!
3. Vua Thiệu trị cũng là Hiến Tổ, Phú Tuyền hay Miên Tông
(1841-1847).
Vua Thiệu Trị lên ngôi lúc 34 tuổi, theo quy chế được sắp đặt
từ thời Minh Mệnh mà làm theo di huấn của vua cha. Trước tiên, vua trao trả cho
Pháp những thừa sai bị bắt đang bị giam ở Huế với điều kiện ‘không được trở lại’.
Tiếc rằng, mọi sự đang dàn xếp tốt đẹp cho đạo Công Giáo được hưởng tự do, thì
tàu Pháp đã dùng đại bác bắn chìm tàu của Việt Nam đậu ở bên cạnh. Vua Thiệu trị
vô cùng tức giận, ra sắc chỉ bách hại các thừa sai và trị tội người trong nước
theo đạo Giatô.
• 1847, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung của sắc lệnh:
Đức Cha Retord cho biết: ‘Sắc lệnh của vua Thiệu Trị trước
tiên là nhắc lại các lệnh cũ của vua Minh Mệnh. Không nghiêm khắc dữ dội như
nhiều người tưởng. Tuy nhiên nó cũng gây lo âu, xáo trộn trong các cộng đoàn
Kitô giáo và khơi dậy lòng tham ‘làm tiền’ của các quan lại, cũng như khơi thêm
sự giận dữ của lương dân. Nhiều làng lương lợi dụng cơ hội xách nhiễu các làng
hay các gia đình Công Giáo. Trước hết vua ra mật lệnh cho các quan đầu tỉnh, rồi
sắc lệnh thứ hai mới dành cho các quan phủ, huyện, cai tổng, xã trưởng. Cho đến
ngày 3.5.1847, vua mới ra một sắc lệnh áp dụng những biện pháp gay gắt của vua
Minh Mệnh’.
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Chiến thuật ‘giết những người pháp đến trên chiếc tàu
Lapierre’ bị lộ và vua nghi cho một quan Công Giáo đã tiết lộ, kết quả là người
pháp đã bắn chìm các tàu Việt Nam bao quanh.
2) Hầu hết các quan đại thần và tướng
giỏi giúp vua Thiệu Trị là những quan đại thần và tướng giỏi đã từng giúp vua
Minh Mệnh. Họ cũng là những người ghét đạo, đã từng xúi xiểm vua Minh Mệnh, nay
họ cũng làm như vậy với vua Thiệu Trị.
3) Cả triều đình cũng như nhà vua đều
cho rằng ‘đạo Giatô là nguyên nhân làm cho Pháp xâm chiếm Việt Nam’. Nên bách hại
đạo Giatô vừa là cách thức báo thù cho hả dạ, vừa là cách cần thiết để chặn đường
xâm chiếm của Pháp.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Bà Anê Lê Thị Thành bị bắt và bị chết rũ tù tại Nam Định
năm 1841
2) Linh mục Phêrô Khanh bị bắt và bị xử
trảm tại Hà Tĩnh năm 1842
3) Thương gia Matthêô Lê Văn Gẫm bị bắt
năm 1846 và bị xử trảm tại Chợ Đũi năm 1847.
4. Vua Tự Đức tức Dục Tôn, Nguyễn Phúc
Thi (Hồng Nhậm) (1847-1883).
Vua Thiệu Trị băng hà 4.11.1847 thì ngày 10.11.1847 vua Tự Đức
lên ngôi, lúc mới 19 tuổi. Vua Tự Đức được tiếng là hòa nhã, thông minh nhất
triều Nguyễn, cũng là vị vua có đức hiếu đáng làm gương mẫu. Tuy nhiên vua Tự Đức
ít sức khoẻ, không biết quyết định, nên mọi việc nằm trong tay các quan đại thần
siêu thủ cổ như Trương Đăng Quế, Vũ Trọng Bình…
• 1848, sắc lệnh cấm đạo.
Nội dung của sắc lệnh, gồm ba phần:
Phần 1, nói về những sai lầm của đạo Công Giáo và đã từng bị
các vua tiền nhiệm cấm đoán. Đạo dạy không được thờ kính tổ tiên và các thần, dạy
những điều hão huyền về thiên đàng để lừa dối dân chúng, bắt dân chúng thờ lạy
một hình khổ Giêsu thật ghê sợ, đó là một thứ đạo ngăn cản mọi thứ thói tục tốt,
những người truyền đạo lại cứng cổ, cố chấp, dụ dỗ đàn bà, móc mắt bệnh nhân và
thu góp tiền của dân chúng.
Phần 2, ra lệnh đối phó với các đạo trưởng Âu châu, với các
linh mục Việt Nam, với các thày giảng và với giáo dân. Các đạo trưởng Âu châu
còn lén lút đến truyền đạo, nếu bắt được thì phải giải nộp cho quan để lãnh thưởng
300 lượng bạc trích từ công khố. Các quan phải ra án và chờ lệnh triều đình, nếu
quả có tội thì phải chém đầu và xác phải buông sông để tiêu diệt tận gốc sự dữ.
Các linh mục, các thày giảng và giáo dân bản xứ, thì trước tiên bắt đạp ảnh. Nếu
từ chối thì bị chích lên mặt hai chữ ‘tà đạo’ rồi đày ra cửa biển, nếu là giáo
dân thì bị đánh đòn rồi thả về.
Phần 3, thi hành các sắc lệnh cấm đạo đã có từ trước: Các
quan cấp trên phải giảng dạy đạo lý lành mạnh vì trời đã ghi sâu vào lòng con
người đạo tự nhiên. Các quan cấp dưới phải công bố và phổ biến rộng rãi các
thói tục tốt lành. Những thói tục do triều đình đặt ra được dân chúng thi hành
là thời đại công bằng, văn minh và văn hóa đạt đạo. Đối với những người còn cứng
lòng, hoàng đế lấy lòng nhân từ không muốn tiêu diệt dân chúng. Sắc lệnh khuyên
các quan theo gương vua và thi hành lệnh giảng dạy cho dân chúng đường ngay. Phải
phân biệt điều xấu với điều tốt. Nếu các quan tham lam, dung dưỡng người có tội
sẽ bị trừng phạt nặng nề (DMAH 3 tr.52-53).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Tranh dành ngôi vua: Vì Hồng Nhậm là con thứ của vua Thiệu
Trị, nên hoàng tử cả là Hoàng Bảo không chịu, cho rằng ‘Tự Đức đã cướp ngôi’
nên Hoàng Bảo lo lập vây cánh lấy lại ngôi báu…
2) Vua Tự Đức bị mẹ là Đức Từ Dụ và một
nhóm đại thần hủ nho lèo lái, xúi nịnh.
3) Thế yếu nhưng triều đình của Tự Đức
bảo thủ, tự mãn không muốn cởi mở và học đòi.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các quan trong triều chia rẽ: phe trẻ muốn cho tự do tôn
giáo, phe già quyết tâm diệt đạo tận rễ.
2) Không có việc bắt đạo khắt khe,
nhưng nhiều quan lại đã dựa vào sắc lệnh để làm tiền, và ra công cấm đọc kinh,
hội họp công khai.
3) Hai quan lớn Nguyễn Tri Phương và
Nguyễn Đăng Giai không công bố sắc lệnh.
4) Năm 1849, ngoài bắc bị dịch tả, người
ta chết như rạ, chỉ có người Công Giáo dấn thân giúp đỡ các nạn nhân.
• 1851, sắc lệnh ‘cấm đạo’ (13.2), mật lệnh ‘cấm đạo toàn diện’
(30.3) và chỉ dụ ‘tham khảo ý kiến’ (27.11).
Nội dung sắc lệnh cấm đạo:
Sử liệu cho biết: Từ Huế, vua Tự Đức ra lệnh triệt để cấm đạo
Giatô và tố cáo nhiều quan tổng, huyện, phủ dung dưỡng các tín đồ đạo Giatô. Đạo
này còn cả gan quyến dũ một vị hoàng tử. Sắc lệnh truyền cho các quan phải truy
nã kỹ lưỡng các đạo trưởng và trừng phạt nặng nề theo luật quy định. Ai tố cáo
sẽ được trọng thưởng. Các quan thờ ơ sẽ bị trừng phạt. Tự Đức năm thứ tư, 31.1
Âm Lịch (DMAH 3 tr.56-57).
Nội dung mật lệnh:
“Ta, Tự Đức, trung thành với lề lối từ đầu đã xem xét và nghe
ngóng trong mọi hành động, xét đoán và ra mệnh lệnh. Ta đã giao cho một quan đại
thần để lập kiến nghị mà ta gửi cho hội đồng nội các xét về việc cần phải cấm
đoán tả đạo Giatô. Theo ý kiến của quan đại thần này thì phải buông sông các đạo
trưởng Tây phương để đạo thật được sáng tỏ. Các giáo sĩ Việt dù có đạp ảnh hay
không cũng phải chém ngang lưng để mọi người biết sự nghiêm khắc của luật pháp.
Sau khi xem xét, ta thấy rất hợp lẽ”(DMAH 3 tr.57).
Nội dung chỉ dụ tham khảo: Vua Tự Đức đối diện với những khó
khăn và tế nhị. Một đàng sắc lệnh và mật lệnh không đưa lại kết quả như ý, mà
còn là dịp làm cho đạo Giatô tăng triển hơn, quan lại tham nhũng hơn, lương dân
ta thán hơn. Mặt khác dã tâm người Pháp mỗi ngày một hiển nhiên, là muốn lợi dụng
việc bắt đạo để xâm chiếm nước Việt Nam. Đây cũng là nỗi khó khăn của chính
Giáo Hội Việt Nam vừa thai sinh. Tuy nhiên nối dòng tiên đế và bị đóng khung
trong Nho giáo, vua Tự Đức vẫn không từ bỏ hay giảm bớt ‘đường lối diệt đạo
Giatô, vẫn cho rằng diệt được đạo Giatô là quốc sách sẽ thắng được quân xâm lược
Tây Phương’, vì thế ngay cuối năm 1851, vua ra chỉ dụ tham khảo ý kiến các quan
đại thần hầu tìm ra một đường lối hữu hiệu tiêu diệt đạo Giatô. Trong chỉ dụ,
nhà vua khẳng định rằng: Đạo Giatô là một thứ đạo lừa dối và nguy hiểm cho dân
chúng hơn gấp ngàn lần các đạo Phật, Lão… Hơn nữa, tín đồ Thiên Chúa giáo tinh
thông các sách thánh hiền và có bằng cấp cao. Vì thế phải làm sao giáo hóa những
người ở trong nước mà lại đem lòng theo đạo ngoại lai? Thật khó, vì nghiêm khắc
quá thì tổn thương đến lòng nhân mà hiền từ thì không nhổ hết được gốc rễ sự xấu.
Vì thế cần phải suy nghĩ chín chắn. Theo giáo huấn của tiền nhân và nhìn vào thực
tại hiện nay, có nhiều cái ngược nhau: Quân tử nói rằng ‘Sự tha thứ có ích lợi
bây giờ nhưng lại là nguồn gốc di hại về sau’. Trái lại Mạnh Tử cho rằng ‘người
đức hạnh không được ghét một ai, không được có kẻ thù’. Vua Tự Đức hỏi các
quan: phải làm sao để có một chính sách tuyệt hảo, chấm dứt được các vụ kiện,
làm phong phú nông nghiệp và tiêu diệt tà đạo Giatô?”.
Trong các bản góp ý, các quan chú tâm đến việc diệt đạo Giatô
hơn những việc khác. Về chủ trương diệt đạo Giatô có hai khuynh hướng rõ rệt:
+ Khuynh hướng nghiêm khắc, đa số là các quan lớn ở kinh
thành Huế, đề nghị: Chém đầu đạo trưởng tây, đánh đòn giáo sĩ Việt, các đồ đệ
phải xử giảo, các chủ nhà chứa chấp cũng chịu hình phạt như vậy, kể cả các lý
trưởng, các quan để cho các đạo trưởng hoạt động trong địa hạt của mình thì bị
giáng chức. Còn người tố giác sẽ được thưởng 100 lạng bạc.
+ Khuynh hướng bao dung hơn: đề nghị bắt đạo trong ba hay bốn
năm thôi, bắt mọi người Công Giáo đạp ảnh, thưởng cho những người tuân lệnh, phạt
những người bất tuân. Vua Tự Đức phê bình đường lối này: “Đã hai chục năm,
chúng ta đã nỗ lực làm cho người Công Giáo bỏ đạo mà chẳng thành công gì cả, vậy
các khanh nghĩ là ba bốn năm bắt bớ chúng ta sẽ làm cho họ hối cải chăng? Chúng
không sợ chết, cũng chẳng nuối tiếc sự sống, thì việc thưởng phạt có hữu hiệu
chăng? Các khanh chỉ biết nói mà chẳng biết hành động. Các khanh giống như người
nhìn con hổ trong hang và tin rằng nó nhỏ bé vì chỉ nhìn thấy phần nhỏ bé”.
+ Khuynh hướng biện hộ: Đây là bản tấu của quan thượng Nguyễn
Đăng Giai, một phật tử thuần thành, một quan thượng được kính trọng, đã từng là
Kinh Lược Sứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Năm 1851 ông có công giẹp giặc Tam
Đường. Ông đã dâng vua Tự Đức bản tấu trình: “Đạo Công Giáo đã có nhiều đời, số
đông lên hơn 100 ngàn. Cách thức đạo này chinh phục lòng người như sau: trước hết
họ chinh phục một người, đàn ông cũng như đàn bà, rồi trở thành một gia đình, một
xóm đạo. Họ nuôi không những người đói kém, cho quần áo những người bị lạnh lẽo,
giúp đỡ những người bất hạnh, an ủi những người sầu khổ, họ tụ họp đông để tiễn
đưa những người quá cố, không phân biệt quốc gia mà coi mọi người như một, như
thân thuộc vậy. Ban đầu người mới nghe thấy thích, sau thấy thỏa mãn và trở
thành cuồng tín không hồ nghi gì nữa. Họ coi những người khác là tội nghiệp phải
sống lầm than, không thương nhau. Như thế thì làm sao khuyên bảo họ theo lề lối
của chúng ta? Các sách vở của họ tuy viết bằng chữ không đẹp như của chúng ta
nhưng không chứa đựng điều gì sai trái nguy hại cho loài người. Các lời giảng dạy
của họ chỉ có một mục đích là làm cho con người trở nên đức hạnh và làm ích cho
người khác. Họ sống bằng lòng với tình trạng, đóng thuế rất sòng phẳng, không
có trộm cướp hay làm loạn, sáng chiều họ đọc kinh, cố gắng trở nên tốt hơn hầu
được hạnh phúc trên trời. Vậy xin đề nghị: những làng Công Giáo sẽ để cho họ được
yên, những làng pha trộn thì gom họ lại một khu vực riêng, không cho ở lẫn lộn
nữa… Những người nào lén lút không khai tên, nếu bắt được, phải đi đày. Cấm hẳn
việc gia nhập đạo Công Giáo, nếu các quan bắt gặp người nào mới gia nhập sau
này, phải kể họ như những người làm loạn. Còn đối với các thừa sai ngoại quốc
thì theo các luật lệ đã có. Như thế người Công Giáo sẽ sống an bình và nguồn gốc
sự dữ dần dần bị hủy diệt. Dân chúng thường hay bắt chước, vì thế để sửa sai, cần
phải có gương tốt. Sự thật khó hủy diệt còn sự dối trá tự nó sẽ tiêu tan. Chúng
ta hãy thực hành đạo của chúng ta một cách rầm rộ để người ta sẽ thấy đạo lý giả
trá xấu xa tan biến đi như tuyết tan dưới ánh nắng mặt trời” (DMAH 3 tr.59-60).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Lý do chính yếu là hoàng tử cả là Hoàng Bảo tước An Phong
Công vẫn ấm ức cho rằng ‘mình bị cướp ngôi’ nên tìm mọi cách dành lại ngôi báu.
Lần thứ nhất thất bại, lần thứ hai gây được một lực lượng nhỏ. Vì thế vua Tự Đức
cũng như nhiều quan đại thần cho rằng có sự đồng tình của đạo Giatô.
2) Chính Hoàng Bảo nhiều lần lại hứa
cho đạo Công Giáo được hoàn toàn tự do khi lấy lại được ngôi báu.
3) Các viên chức Công Giáo đã nhiều lần
hỏi ý Đức Cha Pellerin, nhưng ngài cấm nhặt không được dính líu vào.
4) Nhóm Hoàng Bảo đã lôi kéo được một
nhà sư có thế giá. Nhưng khi nhà sư về Huế lại không được xử thế tốt đẹp. Nhà
sư đã tố giác mọi âm mưu khiến Hoàng Bảo bị bắt và bị kết án.
5) Vua Tự Đức và các quan đại thần thủ
cựu nóng lòng vì thấy các sắc lệnh cấm đạo không hữu hiệu, bằng chứng là đạo
Giatô vẫn gia tăng…
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Thừa sai Augustinô Schoeffler (Đông) bị bắt và bị xử trảm
tại Sơn Tây năm 1851.
2) Thừa sai Louis Bonnard (Hương) bị bắt
và bị trảm tại Nam Định năm 1852.
3) Linh mục Philippê Phan Văn Minh bị bắt
và bị xử trảm tại Đình Khao năm 1853.
4) Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu bị bắt
năm 1853 và chết rũ tù tại Vĩnh Long năm 1854.
• 1854, kiến nghị của Hội Đồng Nội Các và sắc lệnh của vua Tự
Đức.
Nội dung kiến nghị:
Theo chỉ thị của vua Tự Đức, các quan trong Hội Đồng Nội Các
đã làm và tâu lên bản kiến nghị gồm 4 điểm sau đây:
+ Điểm I: Lập lại khẩu lệnh của vua Tự Đức tháng 10 năm thứ 4
Tự Đức (1851) về đạo Giatô và đặc biệt hai bản tâu trình của quan Nguyễn Đăng
Giai và Ngụy Khắc Tuần.
+ Điểm II: Các đề nghị của các quan Phạm Quỹ tổng đốc Quảng
Trị và Quảng Bình, đề nghị của Toà Tam Pháp, đề nghị của Nội Các Thưa (Cơ mật
Viện) đề nghị của quan án Can.
+ Điểm III: Duyệt lại các sắc dụ cấm đạo đã ra từ đời vua Gia
Long cho đến vua Tự Đức năm 1848.
+ Điểm IV: Kiến nghị của các quan Hội Đồng Nội Các gồm bốn điểm
chính:
a) Đối với các quan có đạo, cho hạn một tháng ở kinh đô và ba
tháng tại các tỉnh, phải bỏ đạo để giữ nguyên chức, nếu không sẽ bị truất và phải
làm mọi phu dịch. Đối với lính và dân, cho hạn sáu tháng để đạp ảnh trước mặt
quan sở tại. Hết thời hạn, những ai không đạp ảnh hoặc còn giữ đạo lén lút, phải
bắt để tra xét. Như thế vừa áp dụng sự nhân từ vừa chứng tỏ sự nghiêm khắc của
luật lệ.
b) Lệnh bắt các đạo trưởng và xử chém đạo trưởng Tây, bêu đầu
ba ngày, linh mục cũng bị xử chém, còn các thày giảng bị khắc chữ và bị lưu
đày. Cho phép lính canh đánh chết tại chỗ nếu có sự kháng cự hoặc tổ chức đánh
tháo, đặc biệt là tại các làng đánh cá thường lén lút chở các đạo trưởng. Nếu
tàu ngoại quốc đến, các quan phải canh chừng kỹ lưỡng như các lệnh của vua Minh
Mệnh đã ra. Những người có công tố giác hoặc bắt được đạo trưởng sẽ được thưởng
300 lạng bạc.
c) Bổn phận của các quan tại tỉnh, huyện và xã là tai mắt của
dân, các quan lý trưởng là đầu của dân, tất cả biết rõ các người theo tà đạo
nhưng thường làm ngơ để cho người lành phải sống giữa người lầm lạc. Vậy các
quan phải năng tuần tiễu để tìm các người Kitô và dạy dỗ họ về đàng lành. Đối với
các nhà thờ, nhà lúa và kho lúa, phải tịch thu hoặc đốt, phải phá các hầm trú ẩn
và trừng phạt những tín đồ còn tụ họp nghe giảng. Nếu các làng xã chống lại lệnh
trên, các quan tỉnh phải đem quân về mà bình định.
d) Sau cùng, nếu các linh mục Âu châu còn lén lút mà bắt được
thì quan cấp tổng và lý trưởng sẽ bị trừng phạt vào tội loạn nghịch, các quan cấp
huyện, phủ sẽ bị ghép tội biếng nhác, phạt hạ ba cấp và phạt 80 trượng. Quan đầu
tỉnh phải giáng một cấp và phạt 70 trượng. Nếu một linh mục Việt bị bắt thì lý
trưởng và cai tổng sẽ bị phạt 100 trượng và mất chức, quan huyện và phủ sẽ bị
phạt 80 trượng nhưng không bị giáng cấp, các quan lớn khác thì phải giáng xuống
một cấp.
Sau đó lại có đề nghị của quan tổng đốc Bình Định Vương Hữu
Quang, gồm sáu điểm: hạn chế đất của người Công Giáo, cấm người ngoại cho người
Công Giáo vay tiền, cấm người Công Giáo đi lại buôn bán, phải đóng những cửa tiệm
đã có, phải sai một thày giáo về mỗi làng để dạy việc cúng tế...
Vua Tự Đức bắt các quan bàn cãi từng điều một. Sau đó các
quan đề nghị theo kiến nghị đã ra và không bàn gì thêm (DMAH 3 tr. 98-100).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vẫn là sự hoài nghi ‘người Công Giáo thông đồng với người
Âu châu, đặc biệt với người Pháp’.
2) Vẫn là lòng ghét đạo Giatô và nôn
nóng muốn tiêu diệt tận gốc vì thấy đạo này mỗi ngày một phát triển.
3) Vẫn là đường lối cai trị ‘xúi quan
làm kiến nghị trước và vua ra chỉ thị sau’.
4) Có người cho rằng vua Tự Đức thẳng
tay với đạo Giatô vì vụ Hoàng Bảo đã chấm dứt và quan đại thần Nguyễn Đăng Giai
đã chết (1854).
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Cụ trùm Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông) bị bắt năm 1854
và bị đánh chết tại Mỹ Tho năm 1855.
2) Vua Tự Đức dứt khoát tiêu diệt đạo
Công Giáo từ 1854, và khi quân Pháp bắt đầu gây hấn năm 1856, thì cuộc bắt đạo
trở nên toàn diện.
3) Vào lúc tàu Pháp tiến vào cửa Hàn
thì triều đình phát giác ra quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy là người Công Giáo,
bầu khí nặng nề bao trùm triều đình Huế.
• 1857, kiến nghị của quan đại thần Nguyễn Đức Trụ và sắc lệnh
của vua Tự Đức.
Nội dung hai kiến nghị:
+ Kiến nghị của quan đại thần Nguyễn Đức Trụ: Sau khi đề cao
đức độ của vua Tự Đức, ông nêu ra mối nguy hiểm cùng với kế sách chế ngự. Ba mối
nguy là người Công Giáo, người Cao Miên và người Tây phương. Riêng về người
Công Giáo, ông đề nghị gia tăng các biện pháp nặng nề và theo sát sắc lệnh
1854: Phải tìm bắt các linh mục đang lén lút trong các làng, cũng phải xử tử
các thày giảng, vì nếu chỉ lưu đày không thôi, họ lại phổ biến ở những nơi
khác. Còn giáo dân rất đông số, không thể xử tử hết, nên cần phải giáo hóa. Những
huấn dụ của vua Minh Mệnh, cần phải dịch ra tiếng bình dân và làm thành văn thơ
cho dễ học. Về việc tưởng thưởng cần phải lưu ý đến hai yếu tố là tiền và tước
vị tùy theo người có công tố giác chọn lựa. Nhất định phải thi hành lập trường
cứng rắn, không nhân từ với người Công Giáo cố chấp và cũng không sợ hãi người
mọi rợ tây phương. Không thể để cho tàu của họ đến gần cửa biển. Vì một khi họ
đã vào được thì khó lòng trục xuất họ ra khỏi nước. Vậy nhất thiết phải lập các
đồn duyên hải để canh phòng. Vua Tự Đức trao cho ba quan điều nghiên kiến nghị
trên (DMAH 3 tr.126-127).
+ Sắc lệnh bách hại đạo Công Giáo của vua Tự Đức: “Tà đạo
Giatô trước kia được truyền bá tại Trung Hoa dưới thời nhà Minh do Lợi Mã Dậu
(cha Mateo Ricci) rồi lan sang nước ta dưới triều Lê. Trước hết là đạo truyền
bá giữa những người dốt nát ở vùng duyên hải. Những người này bị các nhà truyền
đạo lừa dối và mua chuộc bằng tiền bạc. Họ bỏ tiền mua những đất tốt, xây những
kho lúa và lập nhà thờ giảng dạy ngụy thuyết. Dân chúng say mê và tùng phục dễ
dàng. Từ đó ngụy thuyết bành trướng trong toàn quốc và hiện nay đã có hơn bốn
phần mười dân chúng tin theo. Đã có nhiều người trong giới quan lại và binh sĩ
lén lút tin theo và nếu chúng ta không canh chừng thì dịch tễ này sẽ lan rộng
khắp nước. Đáng tiếc là các quan đã chểnh mảng hoặc bị mua chuộc và coi thường
các mệnh lệnh, khiến cho tà đạo Giatô đã tổ chức được một hệ thống trên toàn
cõi đất nước. Các đạo trưởng lẩn trốn khắp nơi, trong hầm dưới đất hoặc trong kẽ
vách. Khi quan quân đến bắt thì chúng có người thông báo để chạy trốn. Vậy đối
với dân thường, lệnh cho các xã trưởng phải ra sức thuyết phục họ về đàng
chính, tuân giữ các lễ nghi trong việc cưới xin và tang chế, tôn kính các thần
làng và tổ tiên. Cho hạn trong một năm, để các người Công Giáo được bình yên sửa
đổi lầm lạc. Sau đó những ai còn cố chấp thì phải khắc chữ vào má. Cho thêm một
năm nữa, nếu vẫn còn cố chấp thì đàn ông phải tòng ngũ và đàn bà phải làm tôi tớ
trong nhà các quan. Trong năm này, các xã trưởng có công sẽ được thưởng, nếu biếng
trễ sẽ bị phạt và truất chức’ (DMAH 3 tr.127-128).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Quân Pháp bắt đầu gây hấn.
2) Phát hiện quan thái bộc Hồ Đình Hy
là người Công Giáo.
3) Những kiến nghị 1854 không được thi
hành đúng mức.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt lần thứ hai và bị xử trảm
tại Nam Định năm 1857.
2) Quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy bị bắt
năm 1856 và bị trảm quyết tại Huế năm 1857.
3) Thày giảng Phêrô Đào Văn Vân bị bắt
năm 1856 và bị xử trảm tại Sơn Tây năm 1857.
4) Đức Giám Mục Giuse Maria Diaz
Sanjurjo (An) bị bắt và bị xử trảm tại Nam Định năm 1857.
5) Đức Giám Mục Melchior Sampedro
(Xuyên) bị bắt và bị phân thây tại Nam Định năm 1858
6) Cai đội Phanxicô Trần Văn Trung bị bắt
và bị xử trảm tại An Hòa năm 1858
7) Linh mục Đaminh Mầu bị bắt và bị xử
trảm tại Hưng Yên năm 1858.
8) Cai tổng Luca Phạm Viết Thìn bị bắt
năm 1858 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1859.
9) Quan án Đaminh Phạm Viết Khảm bị bắt
năm 1858 và bị thắt cổ tại Nam Định năm 1859
10) Cai tổng Phạm Trọng Tả bị bắt năm
1858 và bị xử giảo tại Nam Định năm 1859.
11) Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc bị bắt
năm 1858 và bị xử trảm tại Gia Định năm 1859.
12) Linh mục Đaminh Cẩm bị bắt và bị
chém tại Hưng Yên năm 1859.
13) Giáo dân Phaolô Hạnh bị bắt và bị xử
trảm tại Sài gòn năm 1859
14) Ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng bị bắt
và bị giết tại Châu Đốc năm 1859.
15) Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý bị bắt
và bị xử trảm tại Châu Đốc năm 1859.
16) Linh mục Toma Khuông bị bắt năm
1859 và bị xử trảm tại Hưng Yên năm 1860.
17) Cai đội Giuse Lê Đặng Thị bị bắt và
bị xử trảm tại Huế năm 1960.
18) Thừa sai Francois Néron (Bắc) bị bắt
và bị xử trảm tại Sơn Tây năm 1860.
• 1861, sắc lệnh phân sáp toàn diện:
Nội dung sắc lệnh:
Cuối tháng 7.1861 vua Tự Đức ký sắc lệnh phân sáp toàn diện,
nội dung gồm năm khoản: “1- Tất cả già, lớn, bé, nam, nữ Công Giáo phải chia ra
phân tán vào các làng lương không Công Giáo. 2- Các làng không Công Giáo phải
nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người Công Giáo. 3- Các nhà
Công Giáo bị phá hủy, đất đai trao cho các người lương canh tác để nộp thuế. 4-
Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ tả đạo ở má trái và nơi
lưu đày ở má phải”.
Nguyên nhân đặc thù:
1) Pháp chiếm trọn miền Nam.
2) Các quan Trương Đăng Quế, Lâm Duy
Nghĩa và Nguyễn Luân dâng sớ mộ quân chống Pháp ở các tỉnh miền Nam.
3) Muốn chống Pháp là ‘phải diệt đạo
Giatô’.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Lệnh phân sáp áp dụng nghiêm khắc nhất là tại tỉnh Hải
Dương. Điển hình là tại Ngọc Cục thuộc xứ Lục Thủy có chừng 1.000 người Công
Giáo. Khi có lệnh phân sáp thì cha sở Quyền bị bắt và giáo dân bị đi phân sáp,
trong đó có 37 người đã anh dũng tuyên xưng đạo và chết vì đức tin.
2) Thừa sai Théophane Vénard (Ven) bị bắt
năm 1860 và bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy năm 1861.
3) Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt
và bị xử trảm tại Mỹ Tho năm 1861.
4) Linh mục Giuse Tuân o.p. bị bắt và bị
xử trảm tại Hưng Yên năm 1861.
5) Linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan bị bắt
và bị xử trảm tại Đồng Hới năm 1861.
6) Ông trùm Matthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng)
bị bắt và bị xử trảm năm 1861 tại Phú Ninh năm 1861.
7) Linh mục Almato Alcazar (Bình) o.p.
bị bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1861.
8) Thày giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị
bắt và bị xử trảm tại Hải Dương năm 1861.
9) Đức Giám Mục Girolamô Hermosilla (Vọng,
Liêm) bị bắt và bị chém đầu tại Hải Dương năm 1861.
10) Đức Giám Mục Valentino Berrio-Ochoa
(Vinh) bị bắt và bị chém đầu tại Hải Dương năm 1861
11) Đức Giám Mục Stêphanô Théodore
Cuénot (Thể) bị bắt và bị chết rũ tù tại Nam Định năm 1861.
12) Giáo dân Giuse Tuân bị bắt và bị xử
trảm tại Thụy Anh năm 1861
13) Giáo dân Laurensô Ngôn bị bắt và bị
trảm quyết tại An Xá năm 1861
14) Giáo dân Giuse Túc bị bắt và bị xử
trảm tại Hải Dương năm 1861.
• 1862, những sắc lệnh hạn chế tự do người Công Giáo:
+ 05.2. Có sắc lệnh làm nhà riêng tại Nam Định để giam người
Công Giáo và bỏ đói người Công Giáo. Người Công Giáo phải trình diện mỗi tháng
hai lần.
+ 14.5. Có sắc lệnh đòi các quan phải họp người Công Giáo mỗi
tháng hai lần để khuyên bảo bỏ đạo. Mặc dầu cho tự do đi đạo nhưng vua không từ
bỏ quyền khuyên bảo từ bỏ đàng tà để sống theo phong tục tốt đẹp của quốc gia.
Cấm người không Công Giáo theo đạo, nếu theo đạo sẽ bị hình phạt rất nặng. Chỉ
làm thinh cho những người có đạo kỳ cựu, vì thế tất cả những người đã chối đạo
trước không được giữ đạo lại, tất cả những người không bị khắc chữ ‘tả đạo trên
má’ cũng không được hành đạo.
+ 17.7, Có sắc lệnh cấm đọc kinh to tiếng và thực hành đạo
công khai, cấm hội họp trên 100 người tại nhà thờ, cấm dựng lại nhà thờ đã bị phá
hủy nếu không có phép của quan sở tại. Cấm người Công Giáo dự thi hay giữ các
chức vụ dân sự. Người Công Giáo đã 20 tuổi phải ghi tên vào lính và làm việc tạp
dịch trong quân đội.
+ 20.9, Có sắc lệnh đặc biệt đối với thừa sai: không được ở
hai thừa sai trong một tỉnh, thừa sai được phép buộc ở ngay trong tỉnh, trong
nhà do quan đầu tỉnh chỉ định và không được vắng mặt quá bốn ngày. Chỉ những
người khắc trên má chữ ‘tà đạo’ mới được vào nhà thừa sai.
Nguyên nhân đặc thù xiu khiến:
1) Trước hết là do dã tâm xâm lăng của quân Pháp: chiếm Vũng
tàu, Gia Định, tấn công Chí Hòa, chiếm Định Tường…
2) Vua và triều đình vẫn sợ rằng có sự đồng tình phản bội của
người Công Giáo…
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Ngày 5.6.1862, Việt Nam ký hòa ước đầu tiên với Pháp trên
tàu Duperré ở Sài gòn, gồm 12 khoản mà khoản hai ‘Việt Nam công nhận quyền tự
do giảng đạo’.
2) 300 đầu mục Công Giáo bị bỏ đói tại
Nam Định, trong đó 240 người bị chết, 20 người bị chém.
3) Cũng tại Nam Định còn 112 người Công
Giáo bị trói rồi bỏ trôi sông.
4) Tại các vùng Sa Ốc, Chấn Ninh, Quỳnh
Côi số người Công Giáo bị chém chết lên tới 5.000 người.
5) Qui Nhơn là tỉnh đầu tiên áp dụng lệnh
ân xá trả tự do cho giáo dân.
6) Lệnh ân xá được yết tại Nam Định,
nhưng tổng đốc Nguyễn Đình Tân xin triều đình thu hồi lại.
7) Giáo dân Đaminh Ninh bị bắt năm 1861
và bị xử trảm 1862 tại An Triêm năm 1862
8) Ông trùm Phalô Đổng (Dương) bị bắt
năm 1860 và bị xử tảm tại Hưng Yên năm 1862.
9) Hai giáo dân Đaminh Huyên và Đaminh
Toái cùng bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.
10) Giáo dân Vinhsơn Dương cùng các bạn
(Giuse Thoan và Vinhsơn Tuyên) bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định
năm 1862.
11) Giáo dân Phêrô Dũng và con trai là
Phêrô Thuần cùng bị bắt năm 1861 và bị thiêu sống tại Nam Định năm 1862.
12) Giáo dân Phêrô Đa bị bắt và bị
thiêu sống tại Nam Định năm 1862.
13) Năm giáo dân bị xử trảm trong một
ngày 16.6.1862: Đaminh Nguyện 60 tuổi, Vinhsơn Tường 48 tuổi, ông Đaminh Mạo 44
tuổi, ông Anrê Tường 50 tuổi và ông Đaminh Nhi 40 tuổi. Tất cả đã bị bắt và
cùng bị xử trảm tại Nam Định ngày 16.6.1862 .
14) Bảy giáo dân khác Đaminh Ninh,
Đaminh Binh, Giuse Tô, Đaminh Quy, Phêrô Tăng, Đaminh Tế, Vinhsơn Viên cùng bị
bắt năm 1861, cùng bị lưu đày đến làng Côi Sơn huyện Vụ Bản và cùng bị chém đầu
ngày 19.6.1862.
15) Sáu giáo dân khác là Vinhsơn
Chuyên, Đaminh Trương, Vinhsơn Uy, Phaolô Vu, Phêrô Phụng và Giuse Chiên cùng bị
bắt năm 1861, cùng bị đày đi Đồng Xá huyện Quỳnh Côi và cùng bị chôn sống ngày
9.6.1862.
5. Phong trào Văn Thân và Cần Vương:
Thấy nước nhà bị quân Pháp xâm chiếm, một số trí thức có lòng
ái quốc quá khích đã gây nên một phong trào ‘cứu nước’ mang tên là Phong trào
Văn Thân (7) mà người chủ xướng là Hồng Tập với 4.000 nho sĩ, năm 1864. Mặc dầu
không còn tín nhiệm vào vua Tự Đức và coi vua như ‘người bán đứt quốc gia’,
phong trào Văn Thân cũng đưa kiến nghị quy trách nhiệm việc mất nước cho người
Công Giáo và ba sứ giả đi Pháp thương thuyết là những người bán nước (Phan
Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản). Rồi để xách động dân chúng họ hô hét
khẩu hiệu ‘bình tây sát tà’ và tung ra một loạt vu khống:
1) Các họ đạo Công Giáo đều có súng đạn (Vua đã cho đi khám
xét, nhưng không tìm ra một khí giới nào).
2) Đức Cha Sohier đã mang về 400 cân
thuốc độc để diệt vua và các quan, sau đó sẽ tiến cử người Công Giáo lên làm
vua và buộc mọi người phải tòng giáo, những ai không chịu sẽ bị giết.
3) Vu khống người Công Giáo bỏ thuốc độc
vào các giếng nước, vào các ao hồ. Họ bắt một thày thuốc Công Giáo phải uống tất
cả mọi thứ thuốc ông bán, khiến ông phải chết oan.
Từ đó phong trào Văn Thân gây nên nhiều cuộc thảm sát người
Công Giáo trong khoảng từ 1873 đến1886:
1) Tại Nam Định 14 làng Công Giáo bị đốt phá, một linh mục và
một thày giảng bị giết.
2) Tại Kẻ Sở, Hà Nội, 3 linh mục, 25
thày giảng và mấy trăm giáo dân bị giết, 407 họ đạo bị tàn phá.
3) Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, Trần Tấn và
Đặng Như Mai huy động được 3.000 nho sĩ nổi lên, cùng với lương dân phá hủy 300
họ đạo, giết 4.500 giáo dân.
4) Tại Thanh Hóa, 242 nhà thờ hoặc nhà
nguyện bị đốt cháy, 6 thừa sai, 11 linh mục Việt Nam, 63 thày giảng và 288 giáo
dân bị thảm sát. Sau hịch Cần Vương năm 1885, tại Thanh Hóa còn có 40 họ đạo bị
đốt phá, 2.800 giáo dân bị thảm sát, 40.000 giáo dân chạy tán loạn.
5) Tại Quảng Trị người ta tính 10 linh
mục bị giết, 8.550 giáo dân bị giết.
6) Tại Bình Định có 8 thừa sai, 7 linh
mục, 270 nữ tu, 24.000 giáo dân (trên 42.000) bị giết. Ngoài ra còn nhà giám mục,
2 chủng viện, 10 tu viện, 17 nhà mồ côi đều bị đốt cháy.
7) Tổng kết: 20 thừa sai, 30 linh mục,
40.000 giáo dân bị giết và trên 1.000 họ đạo bị phá hủy.
Trước tình trạng một mặt là quân Pháp dã tâm xâm chiếm đất nước,
mỗi ngày một tiến quân, mặt khác phong trào Văn Thân - Cần Vương và giặc Cờ Đen
gây nhiều rối loạn và tàn sát… Vua Tự Đức và triều đình hết sức lúng túng, tuy
nhiên cũng có mấy hành động:
1) Năm 1864, xử lăng trì 7 người trong hoàng tộc chủ xướng những
hoạt động gây rối loạn của Văn Thân - Cần Vương.
2) Năm 1867, Vua Tự Đức làm bản cáo tội
với Trời và kêu gọi dân chúng hiệp nhất, góp tài góp sức bảo vệ quốc gia.
3) Quan thượng thư bộ lễ ra thông báo:
triều đình đã ra lệnh cho các quan tỉnh phải xét xử nghiêm minh các người gây
nên ‘những rắc rối và thảm họa cho Công Giáo’.
4) Năm 1869, vua Tự Đức ra sắc lệnh cho
người Công Giáo được trở về làng cũ. Cấm người lương không được sách nhiễu người
Công Giáo.
Về phía người Công Giáo, sau những trận bão tàn sát gây tổn
thất lớn lao về cả nhân lực lẫn cơ cấu và cơ sở… Với ơn Chúa và lòng tin vững
chắc, mọi sinh hoạt dần dần trở lại… bình thường và phát triển, mặc dầu bao
nhiêu khó khăn vẫn còn trước mắt… Phản ứng của các vị chủ chăn:
1) Kêu gọi giáo dân luôn can đảm và giữ vững đức tin… trong mọi
khó khăn.
2) Năm 1873, trước những thái độ ngược
ngạo của lính Pháp, các giám mục lên tiếng phản đối và luôn đứng về phía các
quan Việt Nam.
3) Ra lệnh cho giáo dân trung thành với
chính quyền hợp pháp.
Lời kết.
Đọc lại những vu cáo, hàm oan, kiến nghị, sắc lệnh và chỉ dụ
(cho dù không đầy đủ) liên quan trực tiếp đến những trang lịch sử đẫm máu của
Giáo Hội Việt Nam trong ba thế kỷ, đồng thời nhìn lại từng bước của công trình
truyền giáo và sức lớn lên của Giáo Hội Quê Hương, chúng ta cảm nghiệm được chiều
sâu chiều rộng của lời ông Tertulien khẳng định: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt
giống trổ sinh các tín hữu”. Quả vậy, sau Giáo Hội Roma bị cấm đạo từ năm 70 đến
năm 313 trên khắp đế quốc, chắc chắn trên mặt đất này chưa có một Giáo Hội Công
Giáo nào đã bị chính vua quan của mình bách hại như Giáo Hội Việt Nam. Bách hại
một cách nghiêm khắc, với hàng trăm văn kiện, với những lời nói bày tỏ tận cùng
sự hung dữ ‘diệt tận gốc rễ’, ‘hành xử không thương tiếc’, ‘thứ tà đạo, giả dối,
dụ dỗ, tồi tệ…’ và đang tâm giết chết khoảng 130.000 người dân vô tội.
Từ những văn kiện cấm đạo với tất cả những hệ lụy của chúng,
chúng ta thấy hiện lên trước mắt cả một bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa Việt
Nam cần phải được gạn lọc và đổi mới. Tất cả những dữ kiện lịch sử, chính trị,
xã hội và văn hóa của hơn ba trăm năm cấm đạo cho phép chúng ta kết luận:
1. Là những người Công Giáo trung kiên, 130.000 người tử đạo
là 130.000 anh hùng đức tin, là 130.000 ngọn đèn bác ái, là muôn vàn ‘lời tung
hô Chúa cả ba lần thánh’:
Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời,
Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,
Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ,
Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi:
Tung hô Chúa cả ba lần thánh … (9)
2. Là những người Công Giáo Việt Nam, 130.000 tín hữu đổ máu
vì đức tin, có nghĩa là các ngài đã ‘lấy đau khổ, mồ hôi, xương máu’ hoà với ‘mọi
thương khó và sự chết của Chúa Giêsu’ làm cho quê hương Việt Nam trở thành đồng
lúa phì nhiêu đón nhận Tin Mừng và làm lớn lên thành Giáo Hội Việt Nam hôm nay.
Đó là nguồn ơn của Thập Giá, là hồng ân Chúa Thánh Thần’:
Từng đoàn lớp những người con Giáo Hội,
Đến pháp trường, niềm vui mới trào
dâng,
Mắt hướng cao, hồn tràn ngập Thánh Thần,
Cùng tiến tới đỉnh vinh quang núi sọ.
Thày thuở xưa đứng giang tay trên đó,
Lễ tình yêu lấy mạng sống tiến dâng,
Môn đệ này cùng với trọn chữ tâm,
Xin hiệp nhất một bài ca hiến tế.
Và từ đấy nguồn ơn thiêng Thập Giá,
Tỏa rạng ngời trên đồng lúa bờ tre,
Ánh phục sinh rọi chiếu khắp sơn hà,
Cho Đức Tin thấm sâu vào Đất Việt (9).
3. Là những người Công Dân chân chính, 130.000 vị tử đạo là
130.000 anh hùng dân tộc. Các ngài đã can đảm đổ máu để chứng tỏ niềm tin của một
tôn giáo chân thật có sức cải hóa lòng người, đổi mới thực chất xã hội Việt Nam
đang bị tha hóa như lời nhận định của sử gia Trần Trọng Kim: “Trong làng xã thì
nhiều kẻ cường hào trái phép, mà dân thì biếng nhác, chỉ cờ bạc rượu chè, việc
tế lễ quỷ thần thì hay dùng cách xa xỉ, việc tang chế thì chọn đường xa hoa, thậm
chí có kẻ bán sạch cửa nhà cơ nghiệp để đền nợ miệng, thực là trái với nghĩa
tương bảo tương lân”. Hay nữa “Nước ta không chịu khai hóa ra như các nước khác
là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi.
Ngay khi sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt
ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm điều nông nổi càn rỡ (cấm đạo), để
cho thiệt hại thêm, như thế là tội của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm
ru?” (10). Nói một cách tích cực, 130.000 vị tử đạo là 130.000 muốn thăng hoa nền
văn hóa Việt Nam. Các ngài anh dũng đón nhận cái chết bởi ‘nhóm sĩ phu hủ lậu
cao cấp’ để vừa xóa bỏ những cái tiêu cực, cổ hủ, dị đoan của phong tục, của
luân lý và đạo cổ truyền, vừa gạn lọc, giữ lấy và đốt sáng lên những điểm tích
cực và cơ bản trong đạo lý thờ Trời, trọng vua quan, thảo kính cha mẹ, trong
luân lý tam cương ngũ thường, nhân, nghĩa lễ, trí, tín… vừa thăng hoa mọi khía
cạnh của nền đạo lý, luân lý và phong tục quốc gia nhờ ánh sáng Tin Mừng, bằng
thực hành bác ái vị tha… đúng theo lời khuyên của sử gia Trần Trọng Kim đã thổ
lộ để kết thúc bộ sách ‘Việt Nam Sử Lược’ của ông: “Có một điều thiết tưởng nên
nhắc lại, là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ lậu
đi, và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt
của dân tộc và cùng tiến với người mà không lẫn với người…” (11).
Như vậy, suy cho kỹ, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người
đã thăng hoa nền Văn Hóa Quê Hương. Đó là một sự thật lịch sử không thể phản
bác.
----------------
1. Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’1,2,3
nxb Thanh Sinh Công, Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này chúng tôi trưng dẫn nhiều và
viết tắt là (DMAH 1,2,3 tr…). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha
Vũ Thành, vì đọc các chú giải hay thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn sách, chúng
tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam mà cha đã dày
công nghiên cứu và xử dụng
2. Trần Trọng Kim ‘Việt Nam Sử Lược’
II, nxb Bộ Giáo Dục, 1971, Sàigòn, tr.3-4.
3. Đàng Ngoài, Đàng Trong: Nước Việt
Nam vào thế kỷ XVII, do các lãnh chúa thuộc hai họ Trịnh và họ Nguyễn chia đôi
đất nước để cai trị. Họ Trịnh hùng cứ Bắc Việt, còn gọi là Đàng Ngoài, họ Nguyễn
làm chúa Nam Việt, gọi là xứ Đàng Trong. Người Âu châu khi đến buôn bán với
chúa Nguyễn Hoàng đã khám phá ra có hai chính quyền khác nhau, họ gọi miền Bắc
là Tonkin và miền Nam là Cochin-china. Cha Đắc Lộ giải thích như sau: ‘Người
Trung Hoa gọi Việt Nam là Đông Kinh để phân biệt với Nam Kinh và Bắc Kinh của họ,
nhưng họ đọc vần ‘Đ’ không được nên mới đọc là Tonkin, còn xứ Nam được gọi là
Cochin-china vì người Nhật Bản hay gọi người Việt là Giao Chỉ hoặc Chiaoci, và
người Bồ Đào Nha sợ lẫn với thành phố Co-chi bên Ấn Độ nên gọi Nam Việt là
Cochin-China (Co-chi bên Trung Hoa) (DMAH 1 tr.8).
4. Phan phát Huồn, ‘Việt Nam Giáo Sử’
I, Cứu Thế tùng thư 1965, Sài gòn, tr.35 cho rằng ‘Vua Lê Trang Tông
(1533-1548) đã ra sắc lệnh bắt đạo đầu tiên’. Nhưng Vũ Thành, ‘Dòng Máu Anh
Hùng’ không đồng quan điểm, cho đó là không đúng lịch sử’ DMAH 1, tr.106. Nghĩa
là theo Vũ Thành, sắc lệnh ‘trục xuất các cha dòng Tên của chúa Sãi, Nguyễn
Phúc Nguyên năm 1617, đánh dấu năm đầu tiên của thời bách đạo hơn 300 năm.
5. Người kế vị chúa Trịnh Cương là chúa
Trịnh Giang (1730-1740). Vì chúa Trịnh Giang hoang dâm và chỉ nghe theo một số
quan lại chơi bời, hốc hách… Trong thời kỳ này, ai có tiền là được làm quan.
Năm 1737 loạn lạc nổi lên khắp nơi. Để ổn định tình thế, các quan họp nhau truất
phế Trịnh Giang, đưa em là Trịnh Doanh lên cầm quyền (DMAH 1 tr.161).
6. Nhiều vị thừa sai còn giữ lại bút
tích của lão tướng Lê Văn Duyệt như sau: “Làm sao chúng ta lại bắt bớ các đạo
trưởng Tây khi cơm gạo họ cho chúng ta ăn còn ở chân răng? Ai đã giúp tiên đế lấy
lại quốc gia? Hoàng thượng hình như muốn mất nước thì phải. Tây Sơn đã bắt đạo
và bị lật đổ, vua Pegu cũng vừa mất nước vì bắt đạo, đuổi thừa sai. Không thể
làm như thế ở nước này được. Nếu hoàng thượng quên không muốn nhớ những giúp đỡ
của thừa sai thì cũng không thể làm như vậy được. Mộ của đức thày Bá Đa Lộc
không còn ở giữa chúng ta sao? Không được. Bao lâu thần còn sống, hoàng thượng
không thể làm điều đó. Khi hạ thần thác đi rồi, hoàng thượng muốn làm gì thì
làm” (DMAH 2 tr.26).
7. Năm tạ thế của vua Minh Mệnh, theo
Trần trọng Kim (sd 2, tr. 228) là năm Canh Tí (1840), nhưng theo Vũ Thành là
ngày 20.10.1841. Chúng tôi theo Trần Trọng Kim: cuối năm Canh Tí, 1840.
8. Trần Trọng Kim, sđd, tr. 330: Sử gia
Trần Trọng Kim nhận định về phong trào Văn Thân: “Nước ta mà không chịu khai
hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo
thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ
không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn dở,
để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước
nhà chẳng to lắm ru?” .
9. Thánh Thi Kinh Chiều II, Lễ các
Thánh Tử Đạo Việt Nam.
10. Trần Trọng Kim sđd II, tr.197 và
290.
11. Trần Trọng Kim, sđd II, tr.354.
---------------------------
Sách tham khảo:
1. LM Giuse Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1,2,3. Phong trào
Thanh Sinh Công Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản, 1987.
2. LM Trịnh Việt Yên, ‘Máu Tử Đạo trên
Đất Việt Nam’ Ủy Ban Quốc Gia chuẩn bị Phong Thánh in lại và phát hành, USA
1987.
3. LM Nguyễn Hồng, ‘Lịch Sử Truyền Giáo
Việt Nam’ c.I, nhà xuất bản Hiện Tại, Sài gòn, 1965.
4. LM Phan Phát Huồn, ‘Việt Nam Giáo Sử’
q.I, in lần 2, Cứu Thế Tùng Thư, Sài gòn, 1965.
5. LM Trương Bá Cần, ‘Lịch Sử Phát Triển
Công Giáo ở Việt Nam’ I, II, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.
6. Launay, A, MEP, ‘Histoire Générale
de la Société des Missions Étrangères, 3 volumes, Paris 1894.
7. Louvet, L .E. ‘La Cochinchine
religieuse, 2 volumes, Paris, 1885
8. Trần Trọng Kim, ‘Việt Nam Sử Luợc’
c.II, Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài gòn, 1971.
9. Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, ‘Tóm tắt
niên biểu Lịch Sử Việt Nam’, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2010.