Chứng và phản chứng

(Vietcatholic news 27 Oct 2009 09:49)

Từ lâu lắm rồi, nhưng nhất là gần đây khi Giáo Hội Việt Nam sắp mở Năm Thánh mừng kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông toà đầu tiên Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009) và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2010), người công giáo chúng ta thường xuyên được nhắc nhở về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô. Chẳng hạn trong Thư mới nhất của Hội Đồng Giám Mục gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 9-10-2009, có đoạn viết:

Năm Thánh 2010 phải là động lực thúc đẩy chúng ta hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người dân Việt. Để thực hiện được điều này, cần phải khơi dậy hồng ân đức tin dã lãnh nhận nhưng vì hoàn cảnh khách quan hoặc những yếu tố chủ quan, hồng ân có thể đã bị phai mờ, lãnh quên hay mai một. Ngoài ra, cần phải canh tân các phương thức truyền giáo nhằm đáp ứng những biến chuyển nhanh chóng của thời đại; tuy nhiên nên nhớ rằng chứng tá đời sống vẫn luôn là cách thế cụ thể và thuyết phục nhất trong việc làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho kẻ khác” (số 5 đoạn 2).

Làm chứng cho Tin Mừng” cũng đồng nghĩa với “làm chứng cho Chúa Kitô” bởi vì Tin Mừng là chính Chúa Kitô, Chúa Kitô chính là Tin Mừng. Chúng ta đã quá quen với những cách nói này. Nhưng làm chứng là gì?

Hình thức cao cả nhất của việc làm chứng là tử vì đạo, lấy chính mạng sống mình minh chứng cho tình yêu đối với Chúa hay cho chân lý của Tin Mừng. Trong huấn từ cho các Giám Mục Việt Nam ngày 27-6-2009 trong chuyến viếng thăm ad limina mùa hè năm nay, ĐTC Bênêđíctô đã nhắc tới loại làm chứng này trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam: “Ơn huệ đức tin đã được tiếp nhận cách quảng đại, được sống và chứng nhận [chứng thực, làm chứng, témoigné] bởi đông đảo các Vị Tử Đạo, là những người muốn loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa”.

Nhưng đó chỉ là một hình thức làm chứng, và là hình thức “tột cùng”, nói chung ít khi xảy ra. Hình thức phổ biến hơn cả, và cũng không dễ dàng, là sống chính cuộc sống bình thường của mình như một lời tuyên xưng, một lời minh chứng “thầm lặng”, theo cách nói của ĐGH Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi, 1974). Ngài viết:

Cứ xem một Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu đang sống giữa giữa cộng đồng những con người mà (biết) tỏ ra khả năng thông cảm với kẻ khác và đón nhận, thái độ chia sẻ cuộc đời và vận mệnh với kẻ khác, tình liên đới trong các nỗ lực chung nhằm tất cả những gì cao thượng và tốt lành. Cứ xem họ lại chiếu toả, một cách thật đơn sơ và hồn nhiên, niềm tin của họ vào những giá trị vượt xa những giá trị thông thường và lòng trông cậy vào những gì người ta không trông thấy, không dám mơ tưởng. Bằng cách làm chứng không lời như thế, những người Kitô hữu kia gợi lên những câu hỏi không tránh được trong tâm trí những ai nhìn thấy họ sống: Tại sao họ như thế? Tại sao họ sống như thế? Cái gì –hay ai- đang thôi thúc họ? Tại sao họ ở giữa chúng ta? Làm chứng như thế đã là loan báo Tin Mừng một cách thầm lặng mà rất mạnh mẽ và hiệu quả. Đó là cử chỉ khai mào cho việc Phúc Âm hoá” (số 21).

Một đoạn văn tuyệt vời đầy cảm hứng và gợi hứng! Nên lưu ý, ở đây Đức Thánh Cha nhắc tới hai loại giá trị mà người Kitô hữu phải theo đuổi. Một đàng là những giá trị “thông thường”, tức nhân bản hay “tự nhiên” chung cho hết thảy mọi người, dù tin hay không tin (Đức Thánh Cha nhắc tới liên đới, thông cảm, cộng tác vào việc chung, vv.); đàng khác là những giá trị mà đức tin mang tới cho ta, những giá trị Tin Mừng vượt xa những giá trị thông thường nhưng không ngược lại mà còn kiện toàn chúng. Nói cách khác, muốn cho cuộc sống chúng ta mang một giá trị làm chứng, có sức thuyết phục hay ít ra cũng gây được sự thắc mắc lành mạnh nơi người khác, Kitô hữu chúng ta phải nỗ lực làm những con người tốt và những môn đệ chân chính của Chúa Kitô.

Mấy lời dạy trên của Đức Phaolô VI còn lưu ý chúng ta về hai điểm nữa. Một là để loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, người Kitô hữu không được sống xa cách, khép kín, tự cô lập mình thành một ốc đảo trong xã hội; nếu ta không cởi mở hoà mình với những người sống xung quanh, làm sao tạo được mối liên lạc và thiện cảm “tự nhiên”, mà nếu thiếu nó thì làm sao người ngoài chịu lắng nghe chúng ta và nhìn nhận tôn giáo chúng ta là hay là tốt được? Nói đơn giản hơn theo Phúc Âm, là muốn làm men làm muối cho đời thì phải nhập vào đời, miễn là vẫn giữ được nguyên chất chứ không để cho mình bị biến chất theo đời.

Điểm lưu ý thứ hai nằm trong câu: “Họ chiếu toả một cách thật đơn sơ và hồn nhiên niềm tin của họ”. Đức Thánh Cha muốn nói rằng người Kitô hữu làm chứng cho Chúa Kitô bằng cuộc sống mình khi họ để cho các giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đời sống của mình cách tự nhiên và sâu xa đến độ họ chỉ sống bình thường mà vẫn có sức “chiếu tỏa” như một lời “loan báo”, nghĩa là họ không phải gồng mình lên, không phải cố tình cố ý dạy bảo ai hay làm gương sáng cho ai, lại càng không muốn tuyên truyền để lôi kéo ai về phía mình cả. Nói theo tục ngữ Việt Nam: hữu xạ tự nhiên hương. Một khi người ta có cảm tưởng mình là đối tượng cho ai đó chinh phục, họ sẽ có tâm lý tự vệ và cảnh giác trước mọi “ý đồ” truyền đạo… Còn nếu chúng ta sống tốt như một người tin theo Chúa Kitô phải sống một cách đơn sơ bình thường thì tác dụng có thể âm thầm nhưng chắc chắn và sâu đậm.

Ngoài ra, sống trong một môi trường văn hoá, xã hội, chính trị cụ thể, người làm chứng còn phải lưu ý tới và thực hiện những giá trị mà môi trường này đề cao hoặc đang cần hơn cả. Làm như thế là giống như phát ra những “tín hiệu” mà người chung quanh dễ dàng thâu nhận. Vì lý do đó, chúng ta thấy mấy năm qua, các Giám Mục Việt Nam thường xuyên cổ vũ nơi các tín hữu những đức tính liêm khiết, trung thực, công bằng, tôn trọng công ích, tôn trọng sự sống v.v., vì nói chung, đó là những điều còn thiếu trầm trọng trong xã hội ta hiện nay. Chính Đức Thánh Cha trong bài huấn từ tôi đã trích dẫn trên đây cũng nói với các Hội đồng Giám mục chúng ta:

Trong lá Thư Mục vụ năm qua, Anh Em đã biểu lộ mối quan tâm đặc biệt đối với các tín hữu giáo dân khi làm cho rõ ràng vai trò của ơn gọi của họ trong phạm vi gia đình. Điều đáng ước mong là mỗi gia đình Công giáo, bằng cách dạy cho con cái biết sống đúng theo một lương tâm ngay thẳng, trong sự trung thực và trong chân lý, sẽ trở nên một trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa. Còn phần họ, các giáo dân Công giáo phải dùng một cuộc sống dựa trên đức ái, sự lương thiện và lòng mến mộ công ích mà chứng tỏ rằng một người Công giáo tốt cũng là một công dân tốt”.

Vậy, thật là sai lầm khi giới hạn việc sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng vào những việc thuần tuý tôn giáo đạo đức hay những chương trình, những công việc ít nhiều quan trọng phải thực hiện với chủ đích truyền giáo rõ ràng, còn trong cuộc sống diễn ra thông thường, người ta không thấy có gì dính dáng tới “sự đạo” cả, thậm chí còn nhiều điều “phản chứng” thay vì “làm chứng”.

Một người bạn tôi kể: Ngày kia, giáo xứ của anh tổ chức đi hành hương tại một trung tâm cầu nguyện ở khá xa, phải đi rất sớm và về muộn. Sau gần một ngày cầu nguyện chung và riêng, khoảng chín giờ tối đoàn hành hương ra về, nhưng đi chưa được bao lâu thì xe bị hư, lái xe sửa chữa cả tiếng đồng hồ vẫn không đuợc, nên đã gọi điện thoại nhờ một xe bạn đến chở giúp. Xe vừa tới, chưa kịp mở cửa người ta đã ào ào chạy tới, chen chúc tranh giành, bít kín cửa xe, tiếng kêu la inh ỏi. Tài xế và phụ xe quát tháo bảo mọi người giữ trật tự để họ xếp chỗ cho. Không có kết quả, họ phải mạnh tay với mấy người đàn ông và thanh niên đang cố sức gạt cả những người già và phụ nữ ra để tìm đường lên xe trước. Vài người không nghe lại còn cự nự đòi đánh. Cuối cùng, trưởng đoàn hành hưởng phải can thiệp: “Bà con muốn về hay ở lại đây? Hãy lui ra, giữ trật tự để tôi và phụ xe cho từng người lên và xếp chỗ cho”.

Trên đường về, theo lời kể của một người ngồi hàng ghế trên hết, người ấy đã nghe tài xế lắc đầu nói một mình: “Lộn xộn chưa từng thấy, vậy mà họ mới cầu nguyện cả ngày với nhau!”

Hành động của đoàn người hành hương là một phản chứng, dù không lớn nhưng một cách nào đó, vẫn góp phần vô hiệu hoá lời rao giảng của các vị chủ chăn cũng như gương lành gương tốt của nhiều anh chị em đồng đạo nhiệt tình; nó cũng có thể góp phần đẩy nhiều người ngoài ra xa Hội Thánh, làm giảm lòng thiện cảm của những kẻ thiện chí muốn tìm hiểu Đạo Chúa.

Có một ví dụ nổi tiếng là trường hợp của Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ đã tranh đấu bất bạo động đề dành độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Trong thời gian sống và hoạt động tại Nam Phi (1893-1914), ông đã thấy tận mắt những cách cư xử bất công do chính sách Phân biệt Chủng tộc (Apartheit) của chính quyền người da trắng Nam Phi đối với người da đen và da màu nói chung, chính ông và đồng bào ông tại đó cũng chung một số phận bị khinh dể và hạ nhục. Chẳng hạn, lần kia ông ngồi trên toa xe lửa hạng nhất, có vé hẳn hòi, nhưng vẫn bị người soát vé yêu cầu phải xuống ngồi hạng ba. Lần khác, chủ một chiếc xe ngựa bắt ông phải xuống ngồi chỗ đặt chân để nhường chỗ trên cho một hành khách người Châu Âu. Là một luật sư, Gandhi đang tranh đấu cho quyền xã hội của mọi người. Vì thế ông luôn luôn từ chối chấp hành những đối xử kỳ thị và bất công như thế, kể cả có khi là một mệnh lệnh không hợp lý của nhà cầm quyền, và dĩ nhiên là ông thường bị hành hung hoặc giam cầm. Ngay từ thời đó, ông đã rất có thiện cảm với Kitô giáo, ông thích đọc Kinh Thánh và thán phục giáo lý cùng cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô đến nỗi đã nghĩ tới việc trở thành Kitô hữu. Ông đặc biệt thích Bài Giảng Trên Núi và tự nhủ mình sẽ có thể tìm thấy ở đó một giải pháp cho hệ thống đẳng cấp (castes) trong nước mình. Nhưng ngày nọ, ông bước vào một nhà thờ của người da trắng. Một người tiến đến gần và nói với ông: “Nơi này không dành cho người da màu”. Thế là hết. Ước muốn nhập đạo của ông tan biến khi ông ra khỏi ngôi thánh đường này.

Trong Năm Thánh sắp tới, có lẽ mỗi cộng đoàn Kitô hữu từ giáo phận xuống giáo xứ, tu viện và gia đình, và mỗi tín hữu giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nên thường xuyên kiểm điểm đời sống mình về mặt phẩm chất Tin Mừng và sức chiếu toả truyền giáo, và hết sức loại trừ, nếu có, những bất nhất, những mâu thuẫn và do đó những phản chứng trong cuộc sống cá nhân cũng như tập thể.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm