Bài II

 

“CHÚA GIÊSU KITÔ
LÀ SỨ GIẢ TIN MỪNG ĐẦU TIÊN VÀ VĨ ĐẠI NHẤT”

Lm Đỗ Quyên, Dalat

 

Tham khảo : Lm Giuse Võ đức Minh, Từ Tân Ước đến với Chúa Giêsu. x. Đức Giêsu, con người  lữ hành, tr. 9-14.

 

Trong việc loan báo Tin Mừng, Hội Thánh noi gương Chúa Giêsu Kitô, “sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất” (TMV, số 3).


Chúng ta giới hạn đề tài bằng cách nhìn vào Đức Giêsu của Tin Mừng Marcô để học cung cách loan báo Tin Mừng của Người.


Theo Marcô, Đức Giêsu là “con người lữ hành để loan báo Tin Mừng”. Ta có thể vẽ phác “con người lữ hành” ấy qua những nét tiêu biểu sau đây :

 

I. Con người ta gặp giữa mọi người.

 

        1/ Đức Giêsu là con người của quần chúng, chia sẻ những vui buồn của họ, muốn thu hẹp những quãng cách trong gặp gỡ tiếp xúc.

Người ta vẫn gặp thấy Người đi đứng giữa đám đông ồn ào chen lấn, xô đẩy nhau, như khi Người tới nhà ông trưởng hội đường tên là Gia-ia để chữa cô con gái của ông sắp chết (x. 5, 21-43).


Những khi Người rao giảng, ta vẫn gặp thấy cảnh tượng quen thuộc ấy. Người hâm mộ, tò mò kéo đến càng lúc càng đông, khiến Người phải lên thuyền mà ngồi (x. 4, 1-2).

 

        2/ Đức Giêsu là con người sống đơn sơ, bình dị. Giữa bão tố ầm ầm, thậm chí nước tràn cả vào thuyền, ta vẫn thấy Người kê đầu vào mạn thuyền mà ngủ (x. 4, 35-38).

 

II. Con người ta bắt gặp trên đường đi

 

        1/ “Chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ ngả đầu” (x. Lc 9, 57-58 ; Mt 8, 18-20).

Bước chân của Đức Giêsu in dấu trên mọi nẻo đường xứ Phalệtinh. Người là con người luôn di động, chủ động đến với con người, tìm gặp con người.

 

        2/ Vì thế, Marcô hầu như muốn đồng hoá Đức Giêsu với đường đi.

Bước chân của “người loan báo Tin Mừng” luôn động đạt : Người “bỏ” Nazareth (x. Mc 1, 9); “đến” xứ Galilê (x. 1, 16); “đi” dọc theo bờ biển…”đi” xa hơn một chút nữa (x. 1, 21); sáng tinh sương, Người chỗi dậy “ra đi” (x. 1, 35).

 

III. Con người đi qua mà không bao giờ dừng lại.

 

        1/ Đức Giêsu không bao giờ tìm kiếm lời ca ngợi, tung hô. Không một ai, không một nơi nào, biến cố nào dù thành công hay thất bại có thể cầm giữ được Đức Giêsu.

Đức Giêsu thuyết giảng thành công, đã trở nên nổi tiếng và người ta tìm cách giữ Người lại, nhưng Người nói với các môn đệ : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi” (1, 36-38).

 

        2/ Là con người của đám đông, nhưng Đức Giêsu không chiều theo thị hiếu của họ, không lệ thuộc họ, không mị dân (x. 6, 45 ; 8, 9-10.11-13).

Quả thật, Đức Giêsu là con người “đi qua mà không bao giờ dừng lại”.

 

IV. Con người đi trước mọi người

 

        1/ Đức Giêsu, con người lãnh đạo, Vị Thầy. Người không bao giờ xuất hiện mà vắng bóng các môn đệ. Nhưng trong mọi trường hợp, Người luôn “đi trước”ï, còn các môn đệ thì “đi sau” (x. 1, 18.20; 2, 14; 8, 33; 10, 52).

 

        2/ Đức Giêsu, con người can đảm. Trên đường tiến về Giêrusalem “Đức Giêsu dẫn đầu đi trước họ, còn những kẻ theo sau thì sợ hãi” (10, 32). Rồi sau khi sống lại, chính Người cũng lên Galilê trước để đợi các môn đệ ở đó (16, 7).

 

IV. Con người ra khỏi mọi ranh giới

 

Đức Giêsu đã chọn vùng đất Galilê như nơi lý tưởng để loan báo Tin Mừng . Tại sao ?

 

Thưa, bởi vì :

 

1. Galilê là vùng đất không có ranh giới, từ đó Người dễ dàng tiếp xúc với dân ngoại mà tiêu biểu là Tyrô, Siđôn (3, 8; 7, 24.31), hoặc Kaisaria của Philíp (8, 27).

 

2. Khi chọn Galilê làm nơi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã muốn xoá bỏ mọi ranh giới phân cách giữa người Do thái với lương dân, điều mà quá khứ đã dựng lên.

 

Người như muốn nói rằng : từ nay Tin Mừng không được thu hẹp lại một nơi chốn nào nữa, không còn là độc quyền của riêng ai, nhưng phải được công bố cho mọi nơi và mọi người. Người môn đệ phải ghi khắc trong tâm khảm mình chân lý ấy.

 

Kết luận : Đức Giêsu quả thật là khuôn mẫu lý tưởng cho những con người loan báo Tin Mừng hôm nay.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC