LOAN BÁO TIN MỪNG

“VỚI MỘT NHIỆT TÌNH TÔNG ĐỒ MỚI”

 

Lm Giuse Nguyễn hưng Lợi, DCCT

 

 

Nói đến việc truyền giáo, ta cần phải trở về với quá khứ, để :

. một mặt : cảm mến và biết ơn các vị thừa sai, các bậc tiền nhân, những người đã góp phần to lớn cho Hội Thánh Việt Nam như TMV nhận định  (x.số 6).

. mặt khác : tiếp nối bước chân truyền giáo của các ngài, “đem Tin Mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu” này với một nhiệt tình tông đồ mới (x. số 7)

 

 “Nhiệt tình tông đồ mới” được TMV gồm tóm trong những điểm sau đây :

 

1. Nhờ sức mạnh, nhờ lửa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần

TMV viết : “Hãy lên đường với tinh thần tông đồ, là sự hăng hái được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là lòng nhiệt thành truyền giáo được nung đốt bởi lửa của Chúa Thánh Thần, là những sáng kiến do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần” (số 7)

 

Điều này được soi sáng bởi số 51, Dominum et vivificantem : ‘Trong yếu tính sâu xa nhất của việc loan báo Tin Mừng, đức tin là sự mở ngỏ của trái tim con người trước ơn huệ, trước việc Thiên Chúa thông ban chính mình trong Thánh Thần”

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nói rằng  “nếu anh chị em không ngừng giúp anh em mình lãnh nhận lời Thiên Chúa đúng theo bản chất của nó: đó là được mạc khải và linh hứng bởi Thiên Chúa như sáng kiến và ơn huệ của Người, được Hội Thánh rao giảng, được cử hành trong phụng vụ và được các thánh đem ra sống. Chỉ như thế, các cộng đoàn của anh chị em mới có khả năng ‘ đọc lại ‘ cách đích thực trước những biến cố mới “ Để con người khả dĩ hiểu được mạc khải cách sâu xa hơn mãi, Thánh Thần không ngừng dùng những ơn huệ của Người làm cho đức tin nên hoàn hảo hơn” ( Lời Thiên Chúa, 5 ).

 

Trong diễn từ trước 2000 linh mục, tu sĩ…ở thủ đô Uruguay ngày 31/3/1987Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết :” Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải giơ cao ngọn đuốc của sự thật Tin Mừng để soi sáng những bước đi chập choạng và thiếu hy vọng của biết bao anh em chúng ta đang bị trôi dạt. Con đường của Hội Thánh, đó là con người mà trong trái tim’ Thánh Thần không ngừng là vị canh giữ niềm hy vọng” (Dominum et vivificantem, 67 ).

 

TMVï 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết tiếp: “ Đó là tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi” loan báo Tin Mừng cho người nghèo…”( Lc 4, 18  ).

 

2. Tinh thần của Chúa Giêsu Kitô

 

Tin Mừng của thánh Luca 4,17-21 cho thấy chính Chúa Giêsu đã được Thánh Thần xức dầu, tấn phong, được Chúa Cha xác nhận là người Con chí ái và được Chúa Cha sai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài là Đấng Mêsia mà muôn dân hằng mong đợi từ bao ngàn năm. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha xức dầu, nghĩa là được phong vương, lại được sai đi rao giảng cho những người nghèo khó, đui mù, tù đầy, bị áp bức đúng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo:” Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai  đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”( Lc 4, 18-19 ).

 

Ở đây ta nhận thấy nét đẹp tương phản, Chúa Giêsu được phong vương lại đồng hóa với những người nghèo, đăng quang không kèn, không trống, khác với mọi suy nghĩ của trần gian. Do đó, người tông đồ không thể chọn con đường nào khác ngoài con đường của Chúa Giêsu đã chọn. Đó là con đường khiêm hạ, từ tốn và khó nghèo. Và để đi được con đường đó, người tông đồ và người Kitô hữu cũng phải bước theo con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua.

 

3. Tinh thần của các tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần

 

Trước ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ vẫn còn sống trong vòng u tối, dù rằng các Ngài đã đi theo Chúa Giêsu Kitô, đã được Ngài hướng dẫn, chỉ dậy, vén mở chân lý, nhưng trí các Ngài vẫn bị che mờ vì Chúa Thánh Thần chưa tới. Nhưng, ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đổ xuống trên đầu các Ngài, biến đổi tâm trí của các Ngài,khiến các Ngài mạnh dạn, kiên cường, mở tung cánh cửa đang khép kín vì sợ người Do Thái, để tới mọi nơi làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh( Cv 2 ). Có thể nói, đây là biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ: biến cố ấy đã thay đổi tất cả, đã làm đảo lộn tất cả, giúp các tông đồ trở nên những chứng nhân can trường không hề sợ sệt, dẫu có phải hy sinh tới cả mạng sống của mình vì Chúa Thánh Thần đã biến đổi các Ngài trở nên những người hoàn toàn mới với tinh thần mới, cung cách sống mới, suy nghĩ và hành động mới. Các Ngài đã cảm nghiệm lời Chúa sâu xa:” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người chết vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

 

4. Tinh thần của các tín hữu tiên khởi

 

Được các tông đồ rao giảng, các tín hữu của các cộng đoàn tiên khởi đã thấm nhuần đức tin sâu sắc. Đời sống của họ là dấu chỉ của Tin Mừng, họ chuyên cần nghe các tông đồ rao giảng, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng ( Cv 2, 42  ), họ sống hoà thuận yêu thương nhau ( Cv 2, 44- 46 ) và rao giảng, loan báo Đức Kitô phục sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

 

5. Tinh thần của các vị thừa sai

 

Đây là nét rất đặc biệt của các vị thừa sai, các Ngài sẵn sàng đi đến mọi nước mọi nơi với những khó khăn đầy dẫy trước mắt: một đất nước các vị thừa sai tới có thể là đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, ngôn ngữ khác biệt, chính trị của đất nước ấy khó khăn, có chiến tranh vv và vv…Tất cả những khó khăn ấy, vẫn không làm chùn bước các vị thừa sai; có nơi, có nước với những chính sách cấm đạo khắt khe, hà khắc, có khi phải thiệt mạng nhưng các vị thừa sai vẫn kiên cường loan báo Tin Mừng.

 

Công cuộc truyền giáo là việc của Chúa Thánh Thần và có thể nói được là sáng kiến của Chúa Thánh Thần. Mọi sáng kiến truyền giáo đều bắt nguồn từ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

 

Thư mục vụ năm 2003 của Hội Đồng Việt Nam trong số 7 này đã đặt nền tảng căn bản của việc loan báo Tin Mừng dựa vào Chúa Thánh Thần như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong” Bước qua ngưỡng cửa hy vọng rằng :” Hôm nay công cuộc Phúc Aâm hoá đổi mới cách gặp gỡ con người, thích nghi với sự thay đổi thế hệ: trong khi các thế hệ: trong khi các thế hệ xa rời Chúa Kitô và xa rời Giáo hội qua đi,- đó là những thế hệ đã chấp nhận kiểu mẫu”tục hóa” về tư duy và về cuộc sống, hoặc đã bị áp đặt cho cái kiểu mẫu đó,-thì Giáo Hội đã luôn hướng về tương lai, không bao giờ ngưng lại, Giáo Hội đã tới gặp các thế hệ mới. Và điều đó rõ ràng là những thế hệ mới này đang phấn khởi đón nhận những gì mà cha mẹ họ đã có vẻ muốn gạt bỏ.

 

Như thế nghĩa là gì ? Nghĩa là Chúa Kitô luôn trẻ mãi. Nghĩa là Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động”( Có thể chấp sự thách đố của cuộc loan báo Tin Mừng chăng ? ). Như vậy, hôm nay đang có một yêu cầu rõ ràng đối với việc tái loan báo Tin Mừng. Con người đang mong đợi lời loan báo Tin Mừng sẽ đồng hành với nó trên con đường lữ hành trần thế. Các thanh thiếu niên chờ đợi thông điệp này để lên đường. Phải chăng sự xuất hiện của hiện tượng này đã không phải là một dấu hiệu của năm hai ngàn đang tới gần ?.

 

Do đó, để công cuộc truyền giáo có kết quả, người Kitô hữu hay những sứ giả Tin Mừng được Đức Thánh Cha khuyên nhủ ra đi với một nhiệt tình tông đồ mới mà chính Chúa Thánh Thần là tác nhân cốt yếu để người tông đồ hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ. Đồng thời, đừng bao giờ để cho sự thành công hay thất bại khiến người Kitô hữu quên mất ơn gọi tôi tớ của mình, để cho Chúa lo chuyện làm cho lớn lên như Ngài muốn và khi Ngài muốn ( 1 Co 3, 7 ) và bắt chước tông đồ Phaolô biết chịu đựng những sự thiếu thốn cũng như sống trong sự dư giả, trở nên mọi sự đối với mọi người và sẵn sàng chấp nhận mọi sự: no cũng như đói, sung túc cũng như thiếu thốn, Người có thể tuyên xưng một cách bất khuất:” Tôi có sức chịu mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi “( Ph 4, 12-13 ).


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC