TRUYỀN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ “HỘI NHẬP”

Linh mục Trần Đình, Dalat

 

 

Nhập đề

 

Ngày hôm nay, người ta nói nhiều đến vấn đề “hội nhập”, như “hội nhập kinh tế”, “hội nhập văn hoá”… Đây là một vấn đề quan trọng nếu không nói là nghiêm trọng, bởi vì nếu không hội nhập, người ta có nguy cơ bị tụt hậu hay có khi bị đào thải nữa.

TMV 2004 về “ Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh VN hôm nay” cũng đề cập một lần đến vấn đề “hội nhập” :

“Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh. Hội Thánh phải loan báo Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô trở nên tất cả cho mọi người. Tin Mừng phải hội nhập vào mọi lãnh vực của con người” (s. 8). “Hội nhập” ở đây được hiểu là “hội nhập văn hoá”.

Chúng ta suy nghĩ 3 vấn đề :

1.   Cái nhìn về lịch sử truyền giáo tại VN ;

2.   Khái niệm “hội nhập” ;

3.   Mầu nhiệm  “hội nhập”.

 

1. Cái nhìn lịch sử về “hội nhập văn hoá” trong việc truyền bá Phúc Âm tại VN

Vì thiếu kiến thức về lịch sử, nên xin được nói vài điều vắn tắt về kết quả của công việc truyền bá Phúc Âm tại VN của Cha Đắc Lộ mà thôi.

Trong những năm trường truyền giáo tại VN, ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, Cha Đắc Lộ đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đâu là lý do?

“Trước hết, ngài đã được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm của công cuộc truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Quốc : nhiều thừa sai, trước khi đến VN đã qua những năm truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Quốc hoặc đã được huấn luyện để đi truyền giáo ở các nước này.

Nhật Bản và Trung quốc là những nước có nền văn minh cổ kính. Vì thế, muốn đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho các dân tộc này, các thừa sai phải nắm vững ngôn ngữ, phong tục và văn hoá của họ.

Để đem kitô giáo cho người Việt, Cha Đắc Lộ và các thừa sai dòng Tên đã phải học tiếng nói và chữ viết của người Việt, tìm hiểu phong tục và não trạng của người Việt. Qua các tài liệu và sách của các thừa sai đương thời để lại, chúng ta thấy là có những thừa sai đã sử dụng ngôn ngữ VN khá thành thạo và hiểu biết phong tục VN khá sâu sắc”.

(x. Trương bá Cần, Nguyệt San CG & DT, số 56 (tháng 8. 1999), tr. 108-109)

Tin Mừng muốn đi vào lịch sử của một dân tộc hay một sắc tộc, thì phải tuân theo qui luật của sự “hội nhập văn hoá”. Đó là điều đương nhiên. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, người “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” cũng đã không đi ra ngoài thông lệ đó

 

2. Khái niệm về “hội nhập văn hoá”

Thế nào là hội nhập văn hoá” ?

“Hội nhập văn hoá” là cụm từ mới nhưng đã trở nên quen thuộc trong sinh hoạt của Hội Thánh, nhất là trong lãnh vực truyền giáo. Đây là một khái niệm thần học được áp dụng cho nội bộ của Hội Thánh.

        a/ Định nghĩa thần học của “hội nhập văn hoá” : đó là “sự hội nhập của Tin Mừng vào trong những nền văn hoá bản xứ và đồng thời là việc các nền văn hoá ấy đi vào trong đời sống của Hội Thánh” (Đức Gioan-Phaolô II, Slavorum Apostoli, số 21).

Năm 1990, trong thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ”, ngài lặp lại và triển khai thêm : “Qua việc hội nhập văn hoá, Hội Thánh làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hoá khác nhau, và đồng thời Hội Thánh dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hoá riêng của họ vào trong chính cộng đoàn của Hội Thánh. Hội Thánh truyền thông cho các nền văn hoá ấy những giá trị của mình, bằng cách đón nhận những gì tốt đẹp trong các nền văn hoá ấy và đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong”.

Và ngài  nói  tiếp : “đây là một đòi hỏi đậm nét trong suốt quá trình lịch sử của Hội Thánh và ngày nay đòi hỏi này trở nên đặc biệt rõ rệt và cấp bách”.

        b/ Lợi ích của “hội nhập văn hoá”. Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Nhờ hoạt động này…Hội Thánh nhận biết và diễn tả Chúa Kitô rõ rệt hơn và được thúc đẩy tự canh tân không ngừng” (số 52).

“Đưa đức tin hội nhập vào văn hoá và Tin Mừng hoá các nền văn hoá là hai việc đi đôi với nhau như hình với bóng, nhưng không hề là pha trộn hổ lốn : đó chính là ý nghĩa của hội nhập văn hoá (Pastores dabo vobis, số 55).

 

3. Mầu nhiệm  hội nhập văn hoá

“Hội nhập văn hoá” không chỉ là một khái niệm thần học, nhưng trước hết nó là một tiến trình kín đáo, một mầu nhiệm nữa.

       

a/ Một tiến trình kín đáo, mầu nhiệm

Người ta thường dùng dụ ngôn  hạt giống tự mọc lên trong lúc người gieo không hay biết (x. Mc 4, 26-29) để diễn tả tiến trình hội nhập văn hoá.

Dụ ngôn cho thấy hội nhập văn hoá là một hành động nhiệm mầu giữa hạt giống (Tin Mừng) và đất (nền văn hoá). Dụ ngôn cho thấy vai trò của mỗi nhân tố trong tiến trình hội nhập văn hoá.

Người loan báo chỉ đóng vai trò phụ thuộc so với vai trò của dân tộc, của nền văn hoá tiếp nhận và của Tin Mừng.

Vai trò chính yếu chắc chắn là vai trò của Tin Mừng. Hội nhập văn hoá là tiến trình Tin Mừng thấm nhập vào văn hoá để làm cho nền văn hoá đó sinh hoa kết trái.

        b/ Nền tảng thần học của hội nhập văn hoá. Mầu nhiệm  Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hoá được ví như mầu nhiệm  Ngôi Lời Nhập thể và khổ nạn.

        ú Lời nhập thể : cũng như trong mầu nhiệm  nhập thể, Ngôi Lời đã tự huỷ, trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận một phàm nhân, cụ thể là Người sinh ra, lớn lên trong nền văn hoá do thái, thì trong tiến trình hội nhập văn hoá, Tin Mừng cũng muốn trở thành một lời cụ thể trong và cho mỗi nền văn hoá của những người đón nhận Tin Mừng

        ú Lời chịu đóng đinh : Trong Đức Giêsu, chúng ta không chỉ chiêm ngắm Lời nhập thể mà còn lời chịu đóng đinh nữa. Dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” phải được bổ túc bằng “hạt giống phải chết đi” : “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không mục nát đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình…”(Ga 12, 24). Hội nhập văn hoá được xây dựng trên nền tảng mầu nhiệm  nhập thể, nhưng là sự nhập thể cứu chuộc.

(x. Gm Trần đình Tứ, Truyền giáo trong tinh thần hội nhập văn hoá, tr. 35-38)

 

Kết luận

Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Đức Phaolô 6 nói rằng : “Việc chia tách giữa Tin Mừng và văn hoá là một thảm trạng”.

Nhìn lại lịch sử truyền giáo của các vị thừa sai tại VN, chúng ta mới hiểu tầm quan trọng của việc hội nhập văn hoá. Chúng ta biết ơn các vị thừa sai đã nỗ lực suy tư để khám phá ra một khái niệm mà ngày nay khi nhìn lại chúng ta mới có thể đo lường được tầm quan trọng của nó.

Và vấn đề hội nhập văn hoá thực ra chính là mầu nhiệm  nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Việc truyền giáo hay Tin Mừng hoá cuối cùng phải được liên kết với mầu nhiệm của Người.

 


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC