TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

--------------

 

THAM GIA CÁC PHONG TRÀO

VÀ HIỆP HỘI CANH TÂN ÐỂ TRUYỀN GIÁO

 

VÀO ĐỀ

          Trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Châu Á” Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ đã công khai và long trọng nhìn nhận những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội Á châu ngày nay, trong đó nổi bật nhất là sự xuất hiện của các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản và các Phong Trào & Hiệp Hội Canh Tân.

 

           Trong bài 10 chúng ta đã tìm hiểu về các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản. Trong bài 11 này chúng ta sẽ đề cập đến các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân để hiểu biết và tích cực tham gia các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân ấy vì đó là một trong những Ðưòng Lối Truyền Giáo thích hợp và cần thiết của Giáo Hội Công Giáo ngày nay.

 

TRÌNH BÀY

I. QUAN ÐIỂM CỦA GIÁO HỘI VỀ CÁC PHONG TRÀO VÀ HIỆP HỘI CANH TÂN.

Muốn biết rõ quan điểm của Giáo Hội về các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân, chúng ta nên đọc lại diễn từ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi Ðại Hội Phong Trào Canh Tân Ðặc Sủng thế giới (1992) và nhận định của Ngài trong Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á (1999):

1.1 Trích diễn từ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gởi Đại Hội Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Thế Giới:

“Trong niềm vui và bình an của Chúa Thánh Thần, tôi xin chào mừng Đại Hội Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Thế Giới.  Trong khi anh chị em chuẩn bị mừng 25 năm ngày khởi xướng Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, tôi ước ao được liên kết cùng với anh chị em dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và cảm tạ về những hoa quả đang nảy nở tràn đầy trong Giáo Hội.  Sự bộc phát của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng sau Công Đồng Vatican II là món quà đặc biệt mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội.  Đây là dấu chỉ thiết tha được sống trọn vẹn với phẩm giá của Phép Rửa và Ơn Gọi, là những người con thừa tự của Chúa Cha để nhận biết quyền năng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, trong kinh nghiệm cá nhân hay nhóm cầu nguyện một cách mạnh mẽ, và đi theo giáo huấn mà Kinh Thánh đã chỉ dạy cho chúng ta trong ánh sáng của cùng một Thánh Thần, Đấng linh ứng cho Lời Kinh Thánh được viết ra.  Chắc chắn một trong những kết quả quan trọng nhất của sự thức tỉnh tâm linh là làm tăng lòng khao khát được trở nên thánh thiện thấy được nơi đời sống của mỗi người và trong toàn thể Giáo Hội.

 “Chúng ta phải tin rằng một sự thức tỉnh sâu đậm về Chúa Giêsu Kitô và công việc của Chúa Thánh Thần đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong thời đại của chúng ta hôm nay, vì Thần Khí "là tâm điểm của đức tin người Kitô hữu và cũng là cội nguồn quyền năng mạnh mẽ của cuộc Canh Tân Hội Thánh”. Thật vậy, Chúa Thánh Thần chính là “nhân tố trọng yếu của sứ mệnh Giáo Hội”, để bảo tồn và dẫn dắt những nỗ lực mang những ân huệ của Lễ Hiện Xuống đến với mọi người.

“Vì những ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho để giúp xây dựng Giáo Hội, mà anh chị em chính là những người lãnh đạo Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng, được thách đố để tìm những đường lối hữu hiệu cho những nhóm khác nhau mà anh chị em đại diện có thể biểu lộ được sự hiệp thông trọn vẹn cả tâm trí lẫn trái tim với Tòa Thánh và hội đồng Giám Mục. Anh chị em phải hợp tác tích cực hơn một cách tràn đầy hoa quả trong sứ mạng của Giáo hội trên khắp thế giới…. “hầu cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban” (Cl 2,19).

 “Ngay thời điểm hiện tại của lịch sử Giáo Hội, Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng đóng góp một vai trò trọng đại trong việc cổ võ sự bảo vệ rất cần thiết của đời sống người Kitô giáo trong xã hội ngày nay, khi mà chủ nghĩa xác thịt thế gian và hưởng thụ vật chất đã làm suy yếu khả năng đáp trả sự linh ứng của Thánh Thần và khả năng biện phân ơn gọi tình yêu của Thiên Chúa.  Sự đóng góp của anh chị em trong việc tái truyền bá phúc âm, rao giảng Lời Chúa vào trong xã hội ngày nay là việc cần đặt lên hàng đầu bởi lời chứng cá nhân cho việc ngự trị của Thánh Thần đang ở trong mình bằng cách tỏ ra tho thấy sự hiện diện của Thánh Thần qua những việc làm thánh thiện và hiệp nhất. 

“Chứng từ của đời sống một người Kitô hữu là hàng đầu và không sứ mạng nào khác có thể thay thế được”. Còn điều gì có ý nghĩa và hữu hiệu hơn là sự lôi cuốn những người đã mất những đường hướng tâm linh được dẫn đến chân lý mà duy nhất điều này mới có thể làm ổn định sự sự không an nghỉ của trái tim con người qua chứng nhân sống của những Kitô hữu đầy sốt mến.  Làm chứng nhân cho Chúa là làm men dậy bột đầy quyền năng giữa những người có lẽ chưa thật sự ý thức được giá trị đích thật về ơn cứu độ mà Chúa Giêsu là Người duy nhất có thể ban cho ơn cứu độ.

“Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng cũng góp phần trong việc nuôi dưỡng sự tăng trưởng của đời sống tâm linh vững mạnh trên quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội, trong sự phong phú của truyền thống Giáo Hội, và đặc biệt thể hiện qua những Bí tích.  Thường xuyên rước Thánh Thể và siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải là điều cần thiết cho đời sống đích thực trong Chúa Thánh Thần, đây là những phương tiện mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta để khôi phục và gìn giữ những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài, chính Thánh Thần sẽ dìu dắt cho những ai được Ngài chọn như các Giám Mục để chăm sóc cho Giáo Hội của Chúa (Cv 20,28).

‘Sẽ chẳng có xung đột xảy ra trong việc trung thành với Chúa Thánh Thần và việc trung thành với Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội.  Cho dù Canh Tân Đặc Sủng thể hiện qua bất cứ hình thể nào – như những nhóm cầu nguyện, những cộng đồng giao ước, những cộng đồng đời sống và phục vụ -  là những dấu chỉ cho thấy sự sinh hoa trái sẽ luôn được tăng trưởng vững mạnh trong sự hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương. Vai trò của anh chị em là sắp xếp, tổ chức để giúp Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng với nhiều khía cạnh khác nhau, được phối hợp trong sự hợp nhất với các linh mục chánh xứ vì mục đích chung, để sự liên kết được chặt chẽ và toàn vẹn cùng một chi thể. 

“ Đồng thời, sự thấm nhuần căn tính Công Giáo của anh chị em nhờ rút ra từ kho tàng của truyền thống Công Giáo là một phần đóng góp không thể thay thế được cho sự đối thoại đại kết được nuôi dưỡng bởi Chúa Thánh Thần, phải dẫn đến sự  trọn vẹn của tình huynh đệ hiệp nhất: trong việc tuyên xưng đức tin, trong việc cử hành thờ phượng Thiên Chúa, và trong sự hòa hợp huynh đệ của gia đình Thiên Chúa.” (1)

1.2 Trích Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á:

 “Thượng Hội Ðồng (Giám Mục Á Châu) cũng nhìn nhận vai trò các phong trào canh tân trong việc xây dựng sự hiệp thông, tạo các cơ hội cho người ta kinh nghiệm Thiên Chúa một cách thâm sâu hơn qua đức tin và các bí tích, và cổ võ việc hoán cải đời sống. Những ai tham gia các Hiệp Hội và các Phong Trào ấy hãy góp tay xây dựng Giáo Hội địa phương, không coi mình như những tổ chức thay thế các cơ chế giáo phận và sinh hoạt giáo xứ. Sự hiệp thông trong Giáo Hội sẽ trở nên vững chắc hơn, khi các người lãnh đạo các phong trào ấy tại địa phương cùng làm việc chung với các vị chủ chăn trong tinh thần bác ái, vì lợi ích của mọi người (1 Cr 1,13)” (2).

         

II. GIÁO HỘI VIỆT NAM VỚI CÁC CÁC PHONG TRÀO VÀ HIỆP HỘI CANH TÂN.

Những nguyên nhân khiến các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản (đúng nghĩa) chưa hình thành trong lòng Giáo Hội Việt Nam cũng là những nguyên nhân chính khiến các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân khó phát triển trong lòng Giáo Hội Việt Nam.

 

Thật vậy:

(1) Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không có hoặc có rất ít liên lạc với các Giáo Hội trên toàn thế giới nói chung và thuộc vùng Ðông Nam Á nói riêng trong một thời gian dài (từ năm 1975), nên không có thông tin cập nhật về những điều mới mẻ xuất hiện trong lòng các Giáo Hội ấy trước và sau Công Ðồng Vatican II, trong đó nổi bật nhất là các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản và các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân.

 

(2) Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, do truyền thống, có xu hướng bảo thủ, trọng luật và bảo vệ cơ cấu nên chẳng những ít quan tâm, mà còn tỏ ra dè dặt, thậm chí e ngại, đối với các Phong Trào Canh Tân Ðổi Mới là những Ơn đặc sủng xuất phát từ Chúa Thánh Thần để làm cho các cơ cấu trong / của Giáo Hội sinh động và tươi trẻ (3).

 

(3) Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thường thì việc gì cũng xuất phát từ hàng giáo sĩ trong khi anh chị em giáo dân giữ phần chủ động rất lớn trong các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân dưới sự linh hướng của hàng giáo sĩ. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có vài ba linh mục dấn thân vào việc gây dựng Phong Trào Cầu Nguyện Thánh Linh trong khi hầu hết các giám mục, linh mục lại “dị ứng” với Phong Trào này.

 

(4) Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hễ một nhóm giáo dân nào sinh hoạt với danh xưng Nhóm Cầu Nguyện Thánh Linh hay Cầu Nguyện Chữa Lành thì thường bị nghi ngờ và rất dễ bị gán cho hai chữ rối đạo, làm như trong Công Giáo Chúa Thánh Thần không có vai trò gì và việc chữa lành chỉ có trong thời Chúa Giêsu còn tại thế và thời Giáo Hội sơ khai mà thôi (4).

 

Ngoài bốn lý do trên khiến các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân khó phát triển trong lòng Giáo Hội Việt Nam, còn có một lý do khác do chính những người tham gia các Nhóm Cầu Nguyện Thánh Linh tạo ra.

Ðó là có một số giáo dân gia nhập Phong Trào hay Nhóm Thánh Linh chưa nắm rõ tinh thần, nội dung và phương pháp của Phong Trào hay Nhóm Canh Tân (cũng có nghĩa là chưa được huấn luyện đầy đủ) đã tự tung tự tác đứng ra tổ chức, điều hành các Nhóm và giảng dậy một cách tùy tiện không đúng Giáo Lý của Hội Thánh, khiến cho các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải e dè và nhiều giáo dân hoang mang, thắc mắc.

 

THAY LỜI KẾT

Không phải vì có nhiều tai nạn giao thông trên đường / phố mà các bậc cha mẹ cấm không cho con cái lái xe ra đường. Cũng thế không thể vì có những sai trật của một số tín hữu mà Giáo Hội Việt Nam thờ ơ, nghi ngại và ngăn cấm các Phong Trào Canh Tân trong đó chủ yếu là các Nhóm Cầu Nguyện Thánh Linh và Cầu Nguyện Chữa Lành.

 

Trái lại Giáo Hội Việt Nam, nếu muốn đẩy mạnh việc Truyền Giáo hơn nữa, thì cần phải tạo điều kiện cho Chúa Thánh Thần hoạt động để Người ban cho các tâm hồn và Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam một Sức Sống Mới.

 

Trong tháng 6.2006 vừa qua trên mạng lưới Zenit Agency của Vatican có đăng một loại bài giới thiệu các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân (5). Nhưng có lẽ việc giới thiệu ấy chẳng được mấy ai trong Giáo Hội Việt Nam quan tâm.

 

Vậy thì việc làm đầu tiên của chúng ta là tìm hiểu về các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân ấy. Phải chăng đây là công việc của các Uỷ Ban Giám Mục về Truyền Thông? về Truyền Giáo? và về Giáo Dân?

 

 

 

           Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

           New Orleans (LA/USA) ngày 05.10.2006.

 

 

.........................

Chú thích

(1) Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi Ðại Hội Phong Trào Canh Tân Ðặc Sủng Thế Giới,  ngày 14 tháng 3 năm 1992.

(2) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 25.

(3) Leonardo Boff đã có một cuốn sách nổi tiếng một thời:  GIÁO HỘI: CƠ CHẾ VÀ ÐẶC SỦNG. Thật ra thì cơ chế và đặc sủng là hai đặc điểm của Giáo Hội. Nhưng trong thực tế một Giáo Hội quá nặng về cơ chế - như Giáo Hội Việt Nam - thì đặc sủng sẽ không có đất sống.

(4) Xin mời đọc cuốn sách CHÚA GIÊSU ÐANG SỐNG của linh mục Emiliano Cardif. Bạn đọc có thể tìm thấy cuốn sách này trên mạng thanhlinh.net.

(5) Xin lỗi được nêu tên các Phong Trào và Hiệp Hội ấy bằng tiếng Anh theo bản tin Zenit bằng Anh ngữ: Beatitudes Community, Pope John XXIII Community, Missionary Contemplative Movement P.de Foucauld, Mission Community of Villaregia, Militia of the Immaculata, Militia Christi, Living in Spi-rituality Movement, Memores Domini  Lay Association, Marianist Lay Commu-nities, Prayer and Life worshops, Light-Life Movement, Life Ascending Inter-national, Movement of Catholic Students vân vân….


Trở về Trang Mục Lục