HUẤN TỪ CỦA ÐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

VỚI CÁC ÐỨC GIÁM MỤC VIỆT NAM
TRONG DỊP AD LIMINA 2002.

 

Thưa Ðức hồng y,

Anh em thân mến trong hàng giám mục và linh mục,

1.        Tôi vui mừng tiếp đón anh em, các giám mục việt Nam, đã rong ruổi đường xa đến Rôma để thực hiện cuộc viếng mộ các thánh Tông Ðồ. Qua cuộc hành hương tại mộ hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, anh em muốn củng cố đức tin và sứ vụ của mình, cầu nguyện cho các Giáo phận của anh em và thắt chặt mối dây hiệp thông liên kết anh em với người Kế vị thánh Phêrô. Tôi cầu mong những giờ phút gặp gỡ khác nhau mà anh em đã trải qua giúp anh em tiếp tục can đảm theo đuổi sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu Cứu Thế, và đổi mới anh em trong sứ vụ xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.

Tôi cám ơn Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, giám mục Nha Trang và tân Chủ tịch Hội đồng giám mục anh em, vì những lời Ðức cha đã nói với tôi nhân danh anh em, làm cho tôi được chia sẻ những dấu chỉ hy vọng và những ưu tư mục vụ hiện nay tại các giáo phận của anh em. Tôi cũng nồng nhiệt chúc mừng những người trong anh em mới cịu chức giám mục. Trong cuộc viếng mộ Tông Ðồ này, tôi rất vui mừng được gặp toàn thể các giám mục trong Hội đồng giám mục. Thật là hạnh phúc vì chúng ta có thể cùng nhau sống những giờ phút hiệp thông nồng nhiệt về tinh thần và tình huynh đệ. Khi anh em trở về xứ sở đáng kính của anh em, xin anh em nói lại cho các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên, các tín hữu giáo dân, và nhất là giới trẻ, biết rằng đức Giáo hoàng cầu nguyện cho họ và ngài khích lệ họ đương đầu với những thách đố do Tin Mừng đề ra, noi gương các thánh và các vị tử đạo đã đi trước họ trên con đường đức tin vàmáu các vị đã đổ ra vẫn còn là hạt giống sinh ra sự sống mới cho đất nước.

2.        Từ cuộc viếng mộ Tông Ðồ trước đây của anh em, Giáo Hội tại Á châu đã được đặc biệt mời gọi đào sâu sứ điệp vui mừng của Ơn Cứu Chuộc, đề cập một cách đặc thù đến vấn đề cơ bản minh nhiên rao giảng ơn cứu độ cho đông đảo dân chúng Á châu chưa được nghe nói về Chúa Kitô. Cũng như các Giáo Hội địa phương khác ở châu Á, cộng đồng công giáo Việt Nam đã thực hiện những suy tư riêng về thần học, tu đức và mục vụ theo nhịp những biến cố lớn của giáo hội như Khóa họp đặc biệt về  Thượng hội đồng Giám mục Á châu, kinh nghiệm phong phú của năm Ðại Toàn Xá 2000 và mới đây là Khóa họp thường kỳ Thượng hội đồng Giám mục thế giới, mà một số người trong anh em được vui mừng tham dự. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách Giáo Hội rao giảng Tin Mừng và kích thích các giám mục thăng tiến công cuộc phúc-âm-hóa, là công tác và trách nhiệm đầu tiên của sứ vụ giám mục.

3.        Giáo Hội tại Việt Nam được mời gọi ra khơi : vì thế tôi muốn khích lệ anh em hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo trong chương trình mục vụ của anh em. tôi biết lòng nhiệt thành và những điều kiện khó khăn trong đó anh em thi hành trách vụ của mình. Ước gì luồng gió của Chúa Thánh Linh làm cho những sáng kiến tông đồ của anh em được phong phú, nhờ đó mang lại một đà tiến mới mẻ trong việc rao giảng, huấn giáo, đào tạo các linh mục và tu sĩ, cho việc cầu nguyện của các tín hữu, việc tông đồ giới trẻ và các gia đình ! Trong các giáo phận của anh em và giữa lòng Hội đồng giám mục, anh em quan tâm đề ra những chọn lựa mục vụ thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của Giáo Hội địa phương, để ý đến những môi trường con người nơi anh em sinh sống, môi trường được hình thành bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo cấu thành tinh thần đất nước anh em. trong tinh thần ấy, tổ chức của Hội đồng giám mục mà anh em vừa đặt lên, nhất là tạo thêm các ủy ban chuyên môn, là một dụng cụ phục vụ năng động truyền giáo mới mẻ mà các cộng đoàn của anh em đang cần. Sự cấp thiết của công cuộc truyền giáo phải luôn soi sáng những chọn lựa can đảm mà anh em cần đề ra, được Thánh Linh hướng dẫn, Ngài là tác nhân chính của công cuộc truyền giảng Tin Mừng, với sự trợ giúp của Ngài anh em sẽ đáp ứng được một cách hữu hiệu những đòi hỏi của việc loan báo Tin Mừng.

Các bản Phúc trình ngũ niên của anh em nhiều lần nhắc đến sự cần thiết phải phát triển việc huấn giáo khởi đầu cũng như việc đào tạo trường kỳ cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân. Nhiều năm xung đột, sự phân tán các cộng đoàn kitô và sự chênh lệch về trình độ giáo dục của các tín hữu khiến cho việc đề nghị và tổ chức huấn luyện trở nên khó khăn. Vì thế tôi khích lệ anh em thăng tiến và nâng đỡ tất cả những sáng kiến giúp các mục tử và tín hữu, qua việc huấn luyện thích hợp, biết tổ chức sống và làm chứng cho đức tin tốt đẹp hơn, đặc biệt cần mang lại cho họ một giáo huấn vững chắc về giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

4.        Ðể sứ vụ yêu thương và phục vụ của mình được trường tồn, Giáo Hội công giáo cũng được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng của mình bằng cách không ngừng đề nghị con đường đối thoại, vốn bắt nguồn và kín múc sự phong phú trong cuộc đối thoại cứu độ của tình yêu Chúa Cha đối với nhân loại, nhờ Chúa Con và trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Nguyên việc đối thoại tin tưởng và xây dựng giữa tất cả các phần tử trong xã hội dân sự sẽ giúp mang lại một niềm vui vọng mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Ðối với các tín hữu kitô, việc đối thoại này, do đức ái thúc đẩy và được ăn rễ sâu nơi ước muốn thực sự gặp gỡ Chúa Kitô Cứu Thế, nuôi dưỡng quan hệ sinh động với tha nhân bất kỳ họ là ai, trong phẩm giá bất khả nhượng của họ là con cái Thiên Chúa, nhất là khi họ đang trải qua kinh nghiệm nghèo đói hoặc bị loại trừ. Anh em hãy khuyên nhủ các cộng đoàn chiêm ngưỡng Chúa Kitô nơi khuôn mặt của những người mà chính Ngài muốn tự đồng hóa với họ, mời gọi họ hãy nhận ra trong cuộc gặp gỡ ấy lòng trung thành của Giáo Hội với sứ mạng của mình !

5.        Như Công Ðồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta, "Giáo Hội, do trách vụ và thẩm quyền của mình, không hề lẫn lộn với cộng đồng chính trị và không bị ràng buộc vào một thể chế chính trị nào". Vì thế "cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực riêng của mình". Tuy nhiên, vì cả hai đều được mời gọi chu toàn sứ mạng đặc thù để mưu ích cho cũng những con người, nên việc phục vụ ấy càng hữu hiệu hơn "nếu hai cộng đồng cộng tác nhiều hơn với nhau một cách lành mạnh" (Gaudium et spes, s. 76).

Nhân danh sự "cộng tác lành mạnh" ấy, Giáo Hội mời gọi tất cả các phần tử của mình chân thành dấn thân để cho mọi người được tăng trưởng và xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng hơn. Giáo Hội không hề muốn thay thế các vị lãnh đạo quốc gia hoặc hoạt động của con người, cá nhân hay tập thể, Giáo Hội chỉ mong ước được thi hành sứ mạng đặc thù của mình. Nhưng, qua các phần tử, trong tinh thần đối thoại và cộng tác huynh đệ, Giáo Hội muốn tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, để phục vụ toàn thể dân tộc và sự đoàn kết của xã hội. Khi tham gia tích cực vào việc phát triển nhân bản và tinh thần của con người, theo chỗ đứng và ơn gọi riêng của mình, Giáo Hội "thông truyền cho con người sự sống thần linh, nhưng cũng chiếu tỏa ánh sáng của mình [.] nhất là qua sự kiện Giáo Hội tái lập và thăng hoa phẩm giá con người, củng cố sự gắn bó hiệp nhất của xã hội con người và đưa sâu vào hoạt động thường nhật của con người một ý nghĩa và cản thức sâu xa hơn" (GS 40).

Ðể thực hiện sự "cộng tác lành mạnh" ấy, Giáo Hội mong đợi cộng đồng chính trị hoàn toàn tôn trọng sự độc lập và tự trị của Giáo Hội. Thiện ích rất quý giá là tự do tôn giáo - một vấn đề mà Công Ðồng Vatican II, các Tuyên Ngôn và Hiệp Ước quốc tế nói tới - vừa có liên quan tới những cá nhân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Ðối với những cá nhân, tự do tôn giáo đảm bảo quyền được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình mà không bị cưỡng bách, quyền được đón nhận một nền giáo dục theo các nguyên tắc đức tin của mình, theo ơn gọi tu trì và thi hành những hành vi tư cũng như công nói lên quan hệ nội tâm nối kết con người với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Ðối với các cộng đồng tôn giáo, tự do tôn giáo đảm bảo các quyền cơ bản như tự quản trị, cử hành việc phụng tự công cộng mà không bị hạn chế, giảng dạy công khai đức tin của mình và làm chứng về đức tin bằng lời nói cũng như chữ viết, nâng đỡ các phần tử của mình trong việc thực hành đạo, chọn lựa, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên của mình, biểu lộ sức mạnh đặc biệt của giáo huấn xã hội, thăng tiến các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội (x. Vatican II, Dignitatis humanae, s. 4). Tôi cũng nồng nhiệt cầu mong rằng tất cả các phần tử của quốc gia đoàn kết với nhau để thăng tiến một nền văn minh tình thương, dựa trên các giá trị phổ quát về hòa bình, công lý, liên đới và tự do.

6.        Làm sao không cảm tạ vì sức sinh động và lòng dũng cảm của người giáo dân trong các giáo phận của anh em, họ được mời gọi sống và cử hành đức tin trong những hoàn cảnh nhiều khi khó khăn ! Do chứng tá đáng tin cậy và lòng hăng hái của mình, họ là những người thừa kế xứng đáng với các tiền nhân của họ trên con đường Tin Mừng. Tôi mời gọi họ ngày càng coi trọng ơn gọi của mình là những tín hữu đã lãnh nhận phép rửa và "đảm nhận vai trò của họ trong đời sống và sứ mạng của dân Thiên Chúa, như những chứng nhân của Chúa Kitô, bất kỳ họ ở đâu" (Ecclesia in Asia, 45). Các phương tiện phải được để cho họ sử dụng hầu mang lại cho họ một sự huấn luyện  giúp họ trở thành những chứng nhân trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế.

Tôi thân ái chào thăm các linh mục, những cộng tác viên quý báu của anh em, là những người đang rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô ở Việt Nam với lòng tự tín và can đảm. Tôi biết các linh mục rất quảng đại và hăng say hoạt động để xây dựng các cộng đồng huynh đệ làm chứng cho một Giáo Hội cởi mở và có tinh thần truyền giáo. Các linh mục  ý thức rằng trách nhiệm phúc-âm-hóa có liên quan đến toàn thể dân Thiên Chúa và đòi phải có một lòng nhiệt thành mới, những phương pháp mới mẻ và một ngôn ngữ mới. Anh em có nhiệm vụ luôn gần gũi các linh mục, để nâng đỡ họ trong các dự án mục vụ, quan tâm đến đời sống thường nhật của các linh mục và nhất là đồng hành với họ khi họ sống trong những thử thách gắn liền với sứ vụ của họ. Cũng cần phải giúp các linh mục được huấn luyện về tu đức và trí thức thích hợp với những thách đố truyền giáo mà họ phải đương đầu.

Tôi vui mừng vì thái độ sẵn sàng đang thúc đẩy nhiều người trẻ trong các giáo phận của anh em, khiến họ từ bỏ mọi sự để quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô trong chức linh mục và trở thành những người trung thành quản lý các mn của Chúa. đó là một dấu chỉ hùng hồn về sức sống sinh động của Giáo Hội được các bạn trẻ biểu lộ, họ là những người đang khao khát các giá trị tinh thần và ước muốn chia sẻ với tất cả anh chị em mình.  Anh em có nhiệm vụ cẩn tắc sao cho có những điều kiện vững chắc cho việc huấn luyện và phân biệt ơn gọi, bằng cách cẩn thận chọn những người huấn luyện và các giáo sư đã trưởng thành về nhân bản và chức linh mục.

Ơn gọi phong phú về đời sống tu trì, nhất là đời sống nữ tu, chắc chắn cũng là một hồng an tuyệt vời Chúa ban cho Giáo Hội tại Việt Nam, đó là một hồng ân cần phải cảm tạ và cũng là hồng ân mà Giáo Hội không thể từ bỏ. Tôi khích lệ tất cả những người sống đời thánh hiến đừng chùn bước trong sự dấn thân truyền giáo và tái hăng hái nỗ lực rao giảng Chúa Kitô và phục vụ mọi người. Theo chứng tá táo bạo của các Dòng tu qua bao thế kỷ trước đây, ước gì các người sống đời thánh hiến không ngừng để cho mình được ơn Chúa biến đổi qua sự dấn thân hơn nữa cho Tin Mừng !

7.        Anh em thân mến trong hàng giám mục, một lần nữa tôi muốn cám ơn vì lòng quảng đại và sự dấn thân gương mẫu của anh em. tôi cảm tạ vì sự kiên trì và chứng tá can đảm của anh em. Ước gì đức cậy trông Kitô-giáo làm cho lòng nhiệt thành tông đồ của anh em được phong phú và đem lại cho anh em những sức mạnh mới để loan báo Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, Ngài đã đến "để mọi người được sống và sống dồui dào" (Ga 10,10).

Tôi phó thác anh em cho sự chuyển cầu của Ðức Mẹ Lavang, đấng mà anh em đã mừng kính một cách đặc biệt trong năm qua nhân dịp cử hành một trăm năm đại hội thánh mẫu đầu tiên, ngày 15 tháng tám. Tôi biết lòng tín thác của anh em đối với Mẹ Chúa Kitô. Xin Mẹ soi sáng con đường của anh em !

Tôi rất vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh đầy tình yêu thương, cho mỗi người trong anh em, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu giáo dân Việt Nam.

 

Vatican, ngày 22/01/2002

Ioannes Paulus PP. II

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà