ĐTC Phanxicô và Bài Giảng Lễ Làm Phép Dầu

Thứ Năm Tuần Thánh, 28-03-2013, tại Đền Thờ Thánh Phêrô

(Bản dịch của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm)

 

Đôi lời giải thích

 

Bài giảng sau đây của ĐTC Phanxicô gồm 9 khúc. Vì Lễ Làm Phép Dầu đặc biệt hướng về chức Tư tế, nên ngài đã khai thác ý nghĩa của hai đoạn Kinh Thánh liên quan tới Tư tế A-ha-ron (Tv 133, 2) và lễ phục ê-phốt của Vị Thượng tế trong Cựu Ước (Xh 28, 6-14. 21), để ngỏ lới với Dân Chúa , đặc biệt với các Linh mục. Tôi mạn phép tô đỏ những câu liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới đề tài 1: “Dầu quý đổ trên đầu A-ha-ron…”, và tô xanh những câu đề cập tới ý nghĩa biểu tượng của lễ phục ê-phốt (đề tài 2). Đề tài 1 được triển khai nhiều hơn, nhưng cả hai đề tài bổ túc cho nhau, quyện vào nhau, và đều hướng lên đỉnh cao và trung tâm của chức tư tế, là Đức Giêsu-Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, Đấng thực sự vác Dân thánh trên vai và mang tên mỗi tín hữu được khắc ghi trong tim mình với công hiệu cứu độ hoàn hảo.

-Một chi tiết đáng chú ý: Trong câu Tv 133, 2 được ĐTC trích dẫn và khai thác, có một từ ngữ mà các nhà chú giải và các dịch giả đã hiểu hai cách khác nhau. Nói vắn tắt và đơn giản:  Dầu quý đổ trên đầu ông A-ha-ron chảy xuống râu ông, rồi chảy đến đâu nữa?

Các độc giả Việt Nam có thể kiểm tra dễ dàng:

-          Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chọn cách hiểu 1):“…như dầu quý đổ trên đầu – xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron”.

-          Còn LM Nguyễn Thế Thuấn đã chọn cách hiểu thứ 2): “Như dầu tốt tươi đổ trên đầu – lan cả xuống râu. – Từ râu Aharôn – lan xuống gấu áo chầu”.

Chắc hẳn mỗi dịch giả hoặc nhóm dịch giả có những lý do để đi đến sự chọn lựa của mình. Tôi không thể trình bày cặn kẽ ở đây vấn đề chuyên môn và phức tạp này, nhất là khi phải đối chiếu các bản dịch Kinh Thánh cổ kính và các bản dịch lớn trên thế giới.

Một điều chắc chắn là tôi – cũng như  tất cả những ai đọc bài giảng của ĐTC – phải tuyệt đối tôn trọng cách hiểu của ngài, khi ngài đã chọn cách hiểu thứ hai. Ngài dùng chữ tiếng Ý “l’orlo” “gấu áo”. Và ngài khai thác tối đa ý nghĩa của dầu quý chảy từ đầu ông A-ha-ron xuống đến râu, rồi xuống tận gấu áo, tức tới mút cùng chiếc áo chầu của ông. Mà theo ngài, chiếc áo chầu (e-phốt), tức lễ phục thánh thiêng của Vị Thượng Tế, tượng trưng cho cả vũ trụ [k. (2)], và gấu áo tượng trưng cho các “vùng ngoại biên (periferie) của xã hội: ngài dùng từ ngữ này đến 5 lần [k. (4); k. (5) hai lần; k. (6); và k. (9)], ngoài ra ngài dùng thêm những cụm từ tương đương như: “…đến tận bờ cõi vũ trụ” [k. (2)], “chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống[k. (5)]. Ý tưởng này có thể được      coi như sợi chỉ đỏ, được tô điểm thêm bằng sợi chỉ xanh của đề tai 2, chạy xuyên suốt cả bài giảng.

-          Chi tiết thứ hai đáng chú ý, là ĐTC dùng danh từ tiếng Ý “l’unzione” rất nhiều lần trong bài giảng này, với cả bốn nghĩa (tương tự như danh từ tiếng Pháp “l’onction”) được xác định trong các quyển từ điển Ý-Ý hay Ý-Pháp, Pháp-Ý…có uy tín nhất. Đó là: 1) l’unzione chỉ hành động xức dầu; 2) chỉ trạng thái của người được xức dầu; 3) chỉ chính dầu dùng để xức – tôi dịch thành “dầu” hoặc “dầu xức”; và 4) theo nghĩa rộng và loại suy, “l’unzione” chỉ “khả năng khuyến dụ kẻ khác làm điều thiện bằng những cử chỉ và lời nói đầy sức thuyết phục”, những cử chỉ và lời nói này “biểu thị lòng đạo đức, sốt sắng, dịu dàng”, dường như có chất dầu thánh thiêng đã thấm nhập vào lòng trí con người đó, khiến người đó có được khả năng dẫn đưa kẻ khác đến đời sống đạo đức, sốt sắng…-- ĐTC dùng danh từ “l’unzione” theo nghĩa 4) tại khúc (5) mà tôi đã dịch thành “với sức thấm nhập đầy thuyết phục của dầu xức”. Còn những chỗ khác thì tùy ngữ cảnh mà dịch.

 

Sau đây là bản dịch Bài Giảng của ĐTC Phanxicô:

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

(1) Thật là một niềm vui cho tôi, khi được cử hành Thánh Lể Làm Phèp Dầu đầu tiên trong cương vị Giám Mục Rôma. Với lòng trìu mến, tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt các anh em linh mục thân yêu, hôm nay, anh em cũng như tôi, nhớ lại ngày chịu chức thánh của mình.

 

(2) Các Bài đọc, và cả Thánh vịnh đáp ca nữa, nói với chúng ta về những “Người-Được-Xức-Dầu”: Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách Isaia, vua Đavít, và Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Cả ba Vị này có một điểm chung, là phép xức dầu, mà các ngài lãnh nhận, đều nhắm vào việc xức dầu cho dân Thiên Chúa gồm những tín hữu, mà các ngài là những đầy tớ phục vụ họ; mục đích của việc các ngài chịu xức dầu là để phục vụ người nghèo, người bị cầm tù, người bị áp bức…Một hình ảnh rất đẹp diễn tả ý nghĩa “hiện hữu cho tha nhân” hàm chứa trong Dầu Thánh, là hình ảnh tìm thấy trong Thánh vịnh 133: “Như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu, xuống râu ông A-ha-ron, xuống gấu áo chầu của ông” (câu 2). Hình ảnh dầu chảy tràn, từ râu ông A-ha-ron xuống đến tận gấu lễ phục thánh thiêng của ông, là hình ảnh diễn tả phép xức dầu cho các tư tế, dầu đó, xuyên qua Người-Được-Xức-Dầu, chảy đến tận bờ cõi vũ trụ được biểu trưng bởi lễ phục.

 

(3) Lễ phục thánh thiêng của Vị Thượng Tế có rất nhiều hệ thống biểu tượng: một trong số đó là biểu tượng mang tên các con trai của ông It-ra-en, tên của họ được khắc trên những viên đá mã não trang điểm cho hai cầu vai của áo ê-phốt, là tiền thân của áo lễ -- casula –chúng ta dùng ngày nay: sáu tên trên miếng đá ở cầu vai phải và sáu tên trên miếng đá ở cầu vai trái (x. Xh 28, 6-14). Trên túi đeo trước ngực cũng khắc tên mười hai chi tộc It-ra-en (x. Xh 28, 21). Điều này có nghĩa là: vị tư tế khi cử hành phụng tự thì vác trên vai mình chính dân đã được trao phó cho mình và mang tên của họ được khắc ghi trong tim. Khi khoác chiếc áo lễ khiêm tốn của chúng ta vào mình, điều này có thể giúp chúng ta cảm thấy thấm thía, trên đôi vai và trong trái tim, sức nặng và gương mặt  của dân tín hữu chúng ta, của các thánh và các Vị tử vì đạo của chúng ta, mà thời nay có không biết bao nhiêu mà kể!

 

(4) Từ vẻ đẹp của những gì thuộc về Phụng vụ, -- mà không chỉ đơn thuần để trang trí và đáp ứng một sở thích thưởng thức cái đẹp nơi vải vóc, nhưng chính là sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa đang tỏa rạng nơi dân của Người, một dân sống động và được củng cố vững mạnh, bây giờ chúng ta hãy bước sang phần chú mục vào hành động. Dầu quý xức lên đầu ông A-ha-ron không chỉ ướp hương cho con người ông thơm tho, nhưng chảy tràn và chạm đến các “vùng ngoại biên”. Chúa sẽ nói rõ điều đó: ngài được xức dầu là vì người nghèo, vì người bị cầm tù, vì người bệnh tật và vì những ai buồn bã, cô đơn. Anh em thân mến, dầu xức không phải để ướp thơm bản thân chúng ta và lại càng không phải để lưu trữ trong bình, trong lọ, vì nó sẽ trở nên ôi khét…và cõi lòng sẽ trở thành đắng đót.

 

(5) Người ta nhận ra một linh mục tốt từ cách dân của ngài được xức dầu như thế nào; đây là bằng chứng rõ ràng. Khi dân chúng của chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc, người ta sẽ nhận thấy: ví dụ, khi họ ra khỏi nhà thờ sau Thánh Lễ với gương mặt của người đã nhận được một tin mừng. Dân chúng của chúng ta ưa thích Tin Mừng được rao giảng với sức thấm nhập đầy thuyết phục của dầu xức, ưa thích khi Tin Mừng mà chúng ta rao giảng đi vào cuộc sống thường ngày của họ, khi Tin Mừng, giống như dầu xức cho ông A-ha-ron, chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống, khi Tin Mừng chiếu sáng cho những hoàn cảnh tột cùng, những “vùng ngoại biên, nơi mà dân tín hữu bị đẩy vào nguy cơ bị xâm lăng bởi những kẻ muốn cướp phá đức tin của họ. Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tế đời sống thường ngày của họ, những đau khổ, những niềm vui, những lo âu và những hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn đẩy lên tới Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”; “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời cầu khẩn, lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa. Khi chúng ta đứng trong mối tương quan như thế với Thiên Chúa và với Dân của Người, và ơn thánh đi xuyên qua chúng ta, lúc đó chúng ta là linh mục, là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Điều tôi cố ý làm nổi rõ là chúng ta phải làm cho ơn thánh luôn luôn hồi sinh, và phải thấy được bằng trực giác rằng, trong mỗi lời xin, đôi khi không đúng lúc, đôi khi thuần túy vật chất hoặc nói trắng ra là tầm thường – nhưng chỉ có dáng vẻ như thế thôi -- , trong mỗi lời xin của dân chúng có chứa đựng một ước muốn  được xức bằng dầu thơm, vì họ biết chúng ta có thứ dầu đó. Nhận thức bằng trực giác và cảm nhận, như Chúa đã cảm nhận sự lo âu đầy hy vọng của người đàn bà bị bệnh xuất huyết, khi bà ấy chạm tới vạt áo choàng của Người. Thời khắc ấy của Đức Giêsu ở giữa đám dân chúng đang vây quanh Người từ mọi phía, thể hiện tất cả vẻ đẹp của A-ha-ron mang lễ phục tư tế và với dầu xức đang chảy xuống trên áo chầu. Đó là một vẻ đẹp ẩn dấu, chỉ tỏa rạng cho cặp mắt đầy lòng tin của người đàn bà đã bị bệnh xuất huyết ấy. Tuy nhiên, chính các môn đệ -- những linh mục tương lai – đã không thấy được, không hiểu được: trong “vùng ngoại biên của cuộc hiện sinh”, họ chỉ thấy bề mặt của sự kiện đám đông đang chen lấn từ mọi phía làm Đức Giêsu nghẹt thở (x. Lc 8, 42). Trái lại, Chúa thì cảm nhận được sức mạnh của dầu xức mà Người đã nhận lãnh từ Thiên Chúa tràn đến viền áo choàng của mình.

 

(6) Như thế chúng ta cần phải đi ra để trải nghiệm phép xức dầu của chúng ta, trải nghiệm sức mạnh và tính công hiệu mang giá trị cứu chuộc của nó: tại những “vùng ngọai biên”, nơi có đau khổ, nơi có đổ máu, nơi có sự mù lòa đang ước muốn được nhìn thấy, nơi có những tù nhân của biết bao ông chủ xấu xa. Ắt hẳn, không phải qua những tự lực thử nghiệm hoặc sự nội quan lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp gỡ được Chúa đâu: các khóa học tự trợ giúp trong cuộc đời có thể hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng cách đi từ khóa học này đến khóa học khác, từ phương pháp này đến phương pháp nọ, sẽ  đưa chúng ta đến chỗ trở thành những đồ đệ của Pélage, đến chỗ làm giảm nhẹ sức mạnh của ơn thánh. Ơn thánh trở nên sinh động và tăng trưởng trong mức độ mà chúng ta, được thúc đẩy bởi đức tin, đi ra để trao ban chính mình và trao ban Tin Mừng cho tha nhân, trao ban cái chút xíu dầu xức chúng ta đang có cho những người không có tí nào cả.

 

(7) Linh mục nào mà ít đi ra khỏi chính mình, ít xức dầu cho dân chúng - tôi không nói “không xức tí nào cả”, bởi lẽ, cảm tạ Chúa, chính dân chúng “lấy cắp” được dầu của chúng ta -, Linh mục ấy sẽ đánh mất phần tốt nhất trong dân của chúng ta, đánh mất điều có khả năng kích hoạt phần sâu sắc nhất của trái tim linh mục. Ai không đi ra khỏi chính mình, thì, thay vì làm người trung gian, sẽ từng bước trở thành một người môi giới và một nhà quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt: người môi giới và nhà quản trị “đã lãnh thù lao của mình rồi”, và bởi lẽ họ không đem chính mạng sống và chính trái tim mình ra để đánh cược, thì họ cũng không nhận được một lời cảm ơn trìu mến xuất phát từ trái tim của dân chúng. Chính từ đó phát sinh tâm trạng không thỏa mãn nơi một số Linh mục, và cuối cùng các vị này mang tâm thế buồn, trở thành những Linh mục buồn và biến chất thành một thứ nhà sưu tập đồ cổ hoặc đồ mới, thay vì làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên” – vâng, chính đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận --; và thay vì làm những mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, và những người thả lưới gom người. Đúng là cái được gọi là cuộc khủng hoảng căn tính Linh mục đang de dọa tất cả chúng ta và nó được ghép vào với cuộc khủng hoảng của nền văn minh; tuy nhiên, nếu chúng ta biết chế ngự làn sóng của nó, chúng ta sẽ có thể ra khơi nhân danh Chúa mà thả lưới. Thật là một điều tốt, khi chính thực tế cuộc sống đưa đẩy chúng ta ra đi đến chỗ, mà cái thực chất của chúng ta là do ơn thánh mới có được, nay xuất hiện rõ ràng như ơn thánh thuần túy, ngay trong biển cả của thế giới hôm nay, nơi chỉ dầu xức – chứ không phải chức năng – là thực sự có giá trị, và chỉ những tấm lưới nào được thả xuống nhân danh Đấng, mà chúng ta đặt hết lòng tín thác vào Người, tức là Đức Giêsu, thì mới mang lại kết quả phong phú.

 

(8) Anh chị em tín hữu thân mến, anh chị em hãy ở gần bên các Linh mục của mình với lòng trìu mến và kinh nguyện, để các ngài luôn luôn là những Mục tử như lòng Chúa ước mong.

 

(9) Anh em Linh mục thân mến, nguyện xin Thiên Chúa Cha lại ban Thần Khí của sự thánh thiện vào trong chúng ta, chúng ta đã được xức bằng chính dầu Thần Khí, xin Chúa Cha lại ban Thần Khí của Người vào trong trái tim chúng ta thế nào, để dầu xức chạm tới được tất cả các “vùng ngoại biên, nơi mà dân tín hữu của chúng ta đang chờ đợi và coi trọng dấu ấy nhất. Chớ gì dân chúng của chúng ta cảm nhận được chúng ta là những môn đệ của Chúa, cảm nhận được rằng chúng ta mang tên của họ như một tấm áo, rằng chúng ta không tìm kiếm một căn tính nào khác; và chớ gì, qua lời nói và việc làm của chúng ta, họ nhận được thứ dầu hoan lạc mà Đức Giêsu, Đấng-Được-Xức-Dầu, đã mang đến cho chúng ta. Amen.


Văn Kiện Giáo Hội