Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Chiều tại quảng trường Thánh Phê-rô nhân dịp công bố Năm Thánh về Lòng Thương Xót chiều thứ Bảy 11.04.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

Lời chào của Chúa Giê-su Phục sinh dành cho các môn đệ của Ngài vào buổi chiều ngày Phục Sinh vẫn còn đang vang vọng trong tất cả chúng ta: „Bình anh cho anh em!“ (Ga 20,19). Trước hết, trong tuần này, hòa bình vẫn chỉ là ước mơ đối với rất nhiều dân tộc mà họ đang phải gánh chịu những bạo lực to lớn của nạn kỳ thị và thần chết, chỉ vì họ mang danh là Ki-tô hữu. Lời cầu nguyện của chúng ta càng ngày càng phải khẩn thiết hơn và trở thành một tiếng kêu cứu dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng giầu Lòng Thương Xót, để Ngài bảo vệ Đức Tin của rất nhiều người anh chị em đang bị đau khổ. Đồng thời chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài biến đổi con tim chúng ta để chúng ta đi ra khỏi sự thờ ơ lãnh đạm và đạt tới được sự cảm thông.

 

Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta được cứu độ trong mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Ngài là Đấng Giao Hòa, Đấng đang sống giữa chúng ta để ban tặng cho chúng ta con đường dẫn tới ơn giao hòa với Thiên Chúa cũng như dẫn tới sự giao hòa giữa những người anh chị em với nhau. Thánh Tông Đồ thốt lên trong sự hồi tưởng rằng, bất chấp những khó khăn và những đau khổ, niềm hy vọng vào ơn cứu độ mà Tình Yêu của Chúa Ki-tô rắc gieo trong lòng chúng ta, vẫn tiếp tục phát triển và lớn lên. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được đổ vào trong lòng chúng ta, làm cho chúng ta được nên công chính cũng như ban tặng bình an cho chúng ta.

 

Một vấn nạn đang làm cho con tim của nhiều người phải bận tâm: tại sao Năm Thánh về Lòng Thương Xót được cử hành hôm nay? – Điều này hoàn toàn đơn giản, vì Giáo hội trong thời đại hôm nay được kêu gọi phải có những canh tân to lớn, hầu giới thiệu những dấu chỉ về sự hiện diện cũng như sự gần gũi của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn nữa. Đây không phải là thời gian dành cho sự tiêu khiển, nhưng trái lại, để luôn luôn tỉnh thức, để nhìn ra những khả năng và những điều chính yếu nơi chúng ta trong việc tái sinh. Đối với Giáo hội, đây chính là thời gian để tái khám phá ra ý nghĩa của sứ mạng mà Chúa Giê-su đã trao phó cho Giáo hội trong ngày Phục Sinh: trở nên những dấu chỉ và những khí cụ đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha (xc. Ga 20,21-23). Vì thế, Năm Thánh nên giữ cho được sự sống động luôn nơi niềm mong muốn có thể nhận ra được thật nhiều các dấu chỉ của sự dịu hiền mà Thiên Chúa đang giới thiệu với toàn thể thế giới, trước hết là cho những người đang phải đau khổ, cho những người cô đơn và bị bỏ rơi, kể cả cho những người không còn niềm hy vọng, hầu đạt tới được ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha, và biết rằng mình đang được Ngài yêu thương. Đó là một Năm Thánh giúp chúng ta cảm thấy một cách sâu xa hơn nữa niềm vui trong chính chúng ta, để chúng ta được tái phát hiện ra bởi Chúa Giê-su, Đấng đã đến với tư cách là vị mục tử nhân lành để kiếm tìm chúng ta, vì chúng ta đã đi lạc đường. Đó là một Năm Thánh nhằm giúp chúng ta cảm nhận được hơi ấm của Tình Yêu Ngài, khi Ngài mang chúng ta trên đôi vai của Ngài để mang chúng ta trở về với nhà của Thiên Chúa Cha. Đó là Năm Thánh mà trong đó chúng ta được Chúa Giê-su động chạm tới, và được lòng Thương Xót của Ngài biến đổi, hầu cho chúng ta cũng trở thành chứng nhân của Lòng Thương Xót. Đó là nền tảng của Năm Thánh, vì Năm Thánh này chính là thời gian của Lòng Thương Xót. Đây là thời gian quý giá để chữa lành các vết thương, để không trở nên mỏi mệt trong việc gặp gỡ với những người mà họ đang mong chờ được nhìn thấy những dấu chỉ về sự gần gũi của Thiên Chúa, và được giơ tay đụng chạm tới Ngài, hầu giới thiệu cho tất cả biết về con đường dẫn tới ơn tha thứ và ơn giao hòa.

 

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, Mẹ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, xin Mẹ hãy mở cặp mắt của chúng ta ra, để chúng ta hiểu được sứ mạng mà chúng ta được kêu gọi thực hiện; xin Mẹ giúp chúng ta đạt tới được ân sủng để sống Năm Thánh về Lòng Thương Xót này trong một chứng tá trung tín và phong nhiêu.

 

Vatican ngày 11 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội