Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật 12.04.2015: „Chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong những vết thương của Đấng Phục Sinh

 

*Trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Vào ngày thứ tám sau Đại Lễ Phục Sinh hôm nay, Tin Mừng theo Thánh Gio-an tường thuật cho chúng ta biết về hai cuộc hiện ra của Chúa Giê-su với các Tông Đồ đang đoàn tụ tại Nhà Tiệc Ly: Trong cuộc hiện ra vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Thomas đã vắng mặt; nhưng tám ngày sau ông đã có mặt. Trong cuộc hiện ra lần thứ nhất, Chúa Giê-su đã chỉ cho các Tông Đồ thấy những vết thương nơi thân thể của Ngài, và Ngài đã thực hiện một hành vi đầy tính biểu tượng, đó là phà hơi thở trên các Tông Đồ, rồi nói: „Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi“ (Ga 20,21). Ngài đã ủy thác sứ mạng riêng của Ngài cho các Tông Đồ nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

 

Nhưng Thomas đã không hiện diện trong buổi chiều hôm đó. Ông không muốn tin vào chứng từ của những người khác, và nói: „Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi sẽ không tin!“ (Ga 20,25). Tám ngày sau đó, và có nghĩa là vào đúng ngày hôm nay – Chúa Giê-su đã trở lại để tỏ mình ra giữa các môn đệ của Ngài, và ngay lập tức hướng về Thomas. Ngài mời gọi Thomas hãy đụng tay vào các vết thương nơi đôi bàn tay của Ngài và nơi cạnh sườn của Ngài. Ngài đã đáp lại sự bất tín của ông, để ông có thể đạt tới được sự viên mãn của niềm tin vào sự phục sinh, tức niềm tin vào Chúa Giê-su phục sinh thông qua các dấu chỉ của sự khổ đau.

 

Thomas là một con người không thỏa mãn với chính mình và luôn trên đường tìm kiếm. Ông muốn đích thân xem xét và thẩm tra cũng như muốn có được một kinh nghiệm mang tính cá nhân. Sau những chống đối và những bất an lúc ban đầu, cuối cùng ông cũng đạt tới được Đức Tin, nhưng thực ra là đầy gian khổ. Chúa Giê-su chờ đợi ông một cách kiên nhẫn và đã đáp ứng những khó khăn cũng như những bất an của con người đến sau cùng này. Chúa Giê-su đã giải thích rằng, phúc cho ai không thấy nhưng vẫn tin (xc. Ga 20,29) – mà người đầu tiên trong những con người như thế chính là Đức Maria, Thân Mẫu của Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng vẫn đáp ứng nhu cầu của người môn đệ vô tín: „Hãy đặt ngón tay của anh vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy…“ (Ga 20,27). Trong sự tiếp xúc mang tính cứu độ với các vết thương của Đấng Phục Sinh, Thomas đã chỉ cho thấy những vết thương của ông, cũng như sự xấu hổ của ông; trong những dấu đinh, ông nhìn thấy bằng chứng quan trọng nhất cho việc ông được yêu, được chờ đợi và được cảm thông. Ông đứng đối diện với vị Thầy đầy dịu dàng, đầy trìu mến và đầy lòng thương xót. Ở đây chính là Chúa, Đấng ông vẫn hằng kiếm tìm trong sự sâu thẳm nhiệm mầu nơi kiếp hiện sinh của ông, vì ông vẫn luôn biết rằng, Ngài là như thế. Có biết bao nhiêu là những con người trong chúng ta đang cố gắng để được gặp gỡ Chúa Giê-su trong chiều sâu của con tim, như Ngài đang là: dịu hiền, thương xót và trìu mến! Trong nơi sâu thẳm của cõi lòng, chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su là như thế. Sau khi ông đã tái tìm thấy được cuộc tiếp xúc cá nhân với sự dịu hiền và với Lòng Thương Xót đầy kiên nhẫn của Chúa Ki-tô, Thomas đã nhận thức được ý nghĩa thẳm sâu nơi cuộc phục sinh của Chúa. Trong nơi thẳm sâu nhất, ông đã thay đổi và tã tuyên xưng Đức Tin trọn vẹn của ông vào Chúa với lời thốt lên: „Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!“ (Ga 20,28). Cách diễn tả này của Thomas quả là tuyệt vời biết chừng nào!

 

Ông có thể „đụng chạm“ tới mầu nhiệm phục sinh, mà mầu nhiệm này mặc khải một cách trọn vẹn Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa – Đầng giầu lòng Xót Thương (xc. Eph 2,4). Giống như Thomas, trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh này, chúng ta cũng được mời gọi chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong những vết thương của Đấng Phục Sinh, Lòng Thương Xót ấy vượt qua bất cứ mọi ranh giới nào của con người, và chiếu sáng mọi bóng đêm của sự ác và tội lỗi. Năm Thánh ngoại thường sắp tới đây về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà Cha đã công bố sắc lệnh về việc mở Năm Thánh này vào chiều hôm qua, ngay tại đây, trong Đền thờ Thánh Phê-rô, sẽ trở thành một không gian lâu dài và có tính tập trung cho việc đón nhận Tình Yêu vô biên, phong phú và thương xót của Thiên Chúa: Dung nhan của Lòng Thương Xót là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Được lấp đầy bởi Lòng Thương Xót to lớn và không hề sợ hãi trước sự khốn cùng của mình, Chúng ta hãy hướng cái nhìn lên Ngài, Đấng luôn kiếm tìm, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta,. Trong những vết thương của Ngài, Chúa Giê-su chữa lành chúng ta và tha thứ tất cả mọi tội lỗi của chúng ta. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta để với Lòng Thương Xót, chúng ta gặp gỡ những người đang sống cùng thời với chúng ta, như Chúa Giê-su đã thực hiện điều đó với chúng ta.

 

*Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

 

Anh chị em thân mến,

 

Cha xin hướng lời chào mừng nồng nhiệt đến tất cả anh chị em – những tín hữu đã đến đây từ Rô-ma và từ nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới. Cha xin kính chào những người hành hương của Giáo phận Metuchen (Hoa Kỳ), những Tớ Nữ của Chúa Hài Đồng Giê-su đến từ Croatia, những Nữ Tử của Lòng Thương Xót Chúa, các nhóm đến từ các Giáo xứ Forli và Gravina thuộc vùng Apulien của Ý cũng như tất cả những bạn trẻ đang hiện diện tại đây; đặc biệt là các học sinh của trường Figlie di Gesù (Nữ Tử Chúa Giê-su) đến từ Modena, các học sinh của trường trung học Liceo Verga thuộc Adriano, và các ứng viên lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đến từ Palestrina. Lời chào của Cha cũng xin dành cho những người hành hương mà họ đã tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ Chúa Thánh Thần tại trung tâm Lòng Thương Xót Chúa Sassia, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Phụ Tá Giáo phận Rô-ma.

 

Cha xin nồng nhiệt chào mừng các nhóm tân Giáo Lý đến từ Rô-ma, mà hôm nay họ sẽ khởi đầu tại các quảng trường của thành phố này một sứ vụ đặc biệt dành cho việc cầu nguyện và chứng tá Đức Tin.

 

Cha xin hướng lời chào nồng nhiệt tới các Tín hữu của các Giáo hội Đông Phương mà hôm nay họ cử hành Đại Lễ Phục Sinh cách lonng trọng theo lịch của họ. Cha xin hiệp thông với niềm vui trong việc loan báo của họ về Chúa Ki-tô Phục Sinh: Christós anésti! (Chúa Ki-tô đã phục sinh)! Giờ đây chúng ta hãy cùng chào mừng tất cả những anh chị em của chúng ta mà hôm nay họ cử hành Đại Lễ Phục Sinh của họ với một tràng pháo tay!

 

Cũng vậy, lời chào nồng nhiệt của Cha xin được gửi đến các tín hữu Armenia đã đến Rô-ma để tham dự Thánh Lễ trong sự chứng kiến của những người anh em của Cha, trong đó có ba Đức Thượng Phụ Giáo Chủ và rất nhiều các Đức Giám Mục.

 

Trong tuần vừa qua, rất nhiều những lời chúc mừng nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh đã được gửi đến cho Cha từ khắp mọi vùng miền của thế giới. Cha xin đáp lại tất cả những lời chúc mừng đó với sự biết ơn. Từ tận cõi lòng, Cha xin cám ơn tất cả các em nhỏ, tất cả các cụ già, các gia đình, các Giáo phận, các Giáo xứ và các Cộng Đoàn Dòng Tu, mà họ đã bày tỏ mối thiện cảm và sự gần gũi của họ đối với Cha. Xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha!

 

Xin kính chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Và xin chúc anh chị em một bữa trưa đầy phúc lành. Xin hẹn gặp lại anh chị em.

 

Vatican ngày 12 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội