Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 22.04.2015: GIA ĐÌNH – Mục 10. Người Chồng và Người Vợ (II.)

 

Anh chị em thân mến,

 

trong bài Giáo Lý vừa qua về gia đình, Cha đã dừng lại nơi trình thuật thứ nhất về cuộc tạo dựng con người trong chương thứ nhất của sách Sáng Thế, tại đó, chúng ta đọc thấy rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài; Ngài đã tạo dựng nên họ theo họa ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo nên người nam và người nữ (St 1,27).

Hôm nay, Cha muốn bổ sung thêm những suy tư với trình thuật thứ hai trong chương thứ hai của sách Sáng Thế. Ở đó, chúng ta đọc thấy rằng, sau khi đã sáng tạo nên trời và đất, Thiên Chúa đã nhào nặn nên con người từ đất canh tác và đã phà hơi thở sự sống vào mũi con người, nhờ thế, con người trở thành một sinh vật sống động (xc. St 2,7). Con người thể hiện tột điểm của công cuộc sáng tạo. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn thiếu một cái gì đó: Vì thế, Thiên Chúa đã mang con người đặt vào trong vườn Eden để con người canh tác và bảo vệ khu vườn ấy (xc. 2,15).

Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho toàn bộ Kinh Thánh, đã cho chúng ta thấy một khoảnh khắc dài chỉ có hình ảnh của người nam mà không hề có người nữ, và như thế ông vẫn còn thiếu một cái gì đó. Chúa Thánh Thần đã giới thiệu tư tưởng của Thiên Chúa và đồng thời cũng giới thiệu thế giới quan của Thiên Chúa, mà thế giới quan ấy sẽ canh chừng A-đam một mình trong khu vườn. Ông được tự do, là một chủ ông … nhưng cô đơn. Thiên Chúa thấy rằng, điều ấy „không tốt“. Đồng thời, một sự thiếu vắng tính cộng đồng, thiếu vắng sự tròn đầy tiếp tục tồn tại. „Điều đó không tốt“ – Thiên Chúa nói, và để bổ sung vào, Ngài muốn tạo cho con người một trợ tá, một người đương đối với ông (xc. St 2,18).

Thiên Chúa đã chỉ cho con người thấy tất cả mọi loài thú vật để ông đặt tên cho từng con một – và điều này dẫn chúng ta tới một hình ảnh tiếp theo nơi quyền thống trị của con người trên thế giới thụ tạo – tuy nhiên con người không thấy có một sinh vật nào trong số các thú vật ấy giống như mình. Vì thế, con người vẫn tiếp tục cô đơn. Cuối cùng, khi Thiên Chúa giới thiệu cho ông người phụ nữ, con người đã nhận ra và reo lên rằng, thụ tạo này – và chỉ thụ tạo này – chính là một phần của ông: „Xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi“ (St 2,23). Cuối cùng, con người đã có một hình ảnh phản chiếu trước mắt; một sự đương đối. Nếu một con người – ví dụ này sẽ dẫn chúng ta tới một sự hiểu biết tốt hơn về khía cạnh đang được nói tới – muốn đưa tay ra cho một người khác, người ấy phải hiện diện trước mặt người mà mình muốn đưa tay ra; nếu một ai đó chìa tay ra và không có một ai, người ấy sẽ không có kinh nghiệm về sự giao tiếp … thiếu mối tương quan. Điều đó liên quan tới con người như thế; một cái gì đó thiếu đối với con người trong việc đạt tới được sự tròn đầy của mình; tức thiếu mối tương quan. Người phụ nữ không phải là „vật phỏng theo“ người nam; người nữ bắt nguồn trực tiếp từ cử chỉ của Thiên Chúa, của Đấng Sáng Tạo. Hình ảnh „chiếc xương sườn“ không hề có ý nhằm diễn tả về một giá trị thấp hơn hay một sự lệ thuộc, nhưng trái lại, hình ảnh ấy chỉ cho thấy rằng, người nam và người nữ đều được cấu thành nên từ cùng một bản tính giống hệt như nhau, bổ sung cho nhau và cũng thủ đắc chính sự đương đối ấy. Sự kiện – theo dụ ngôn này - Thiên Chúa nhào nặn nên người phụ nữ trong lúc người đàn ông đang ngủ, quả thực muốn nhấn mạnh rằng, người phụ nữ không hề là một thụ tạo của người nam, mà là sự sáng tạo của Thiên Chúa. Đồng thời, đoạn Kinh Thánh này cũng chỉ ra rằng, trước hết, người nam phải mơ thấy người nữ trước khi người nam – chúng ta có thể diễn tả nó như thế - có thể đạt tới được người nữ và Tình Yêu của cô.

Sự tin tưởng của Thiên Chúa vào người nam và người nữ, tức những người mà Ngài đã ủy thác trái đất cho họ, được khắc ghi bởi đức đại lượng, bởi tính thẳng thắn và bởi sự tròn đầy. Ngài tin tưởng họ. Tuy nhiên, kẻ thù đã rắc gieo sự ngờ vực, sự bất tín và sự nghi ngại vào trong lòng họ. Cuối cùng, sự bất tuân đối với giới luật được lên kế hoạch để bảo vệ họ đã nảy sinh. Do đó, người nam và người nữ đã thiệt mạng vì sự đam mê quyền quyền lực, mà sự đam mê ấy đã đầu độc tất cả cũng như đã hủy diệt sự hòa điệu. Ngay cả chúng ta cũng cảm thấy điều đó rất thường xuyên trong mình, trong tất cả chúng ta.

Tội lội đã sản sinh ra sự bất tín và mối căng thẳng giữa người nam và người nữ. Mối tương qua của họ được đánh dấu bởi hàng ngàn hình thức xâm phạm, nô dịch hóa, dụ dỗ lừa bịp và sự trình diễn quyền lực một cách nhục nhã, mà những điều này sẽ dẫn đến những tình trạng bi ai và hung tợn ở mức độ cao nhất. Lịch sử đã cho thấy những dấu vết của những điều đó. Chúng ta hãy nghĩ đến chẳng hạn như những điều quá sức tiêu cực của những nền văn hóa gia trưởng, hãy nghĩ tới vô vàn những hình thức thể hiện nam tính một cách quá đáng, mà những hình thức ấy bao hàm một cái nhìn về nữ giới như là thứ yếu. Chúng ta hãy nghĩ tới việc công cụ hóa và thương mại hóa cơ thể phụ nữ trong nền văn hóa truyền thông hiện đại. Nhưng chúng ta cũng hãy lưu ý đến những loại bệnh truyền nhiễm mới nhất của sự bất tín, của sự nghi kỵ, của thái độ thù địch đang phát tán ngay trong nền văn hóa của chúng ta – đặc biệt là trên cơ sở của một sự bất tín rõ ràng đối với phụ nữ - trong mối liên hệ đến một khế ước giữa người chồng và người vợ, mà khế ước ấy có khả năng trở thành một sự hoàn thiện hóa mối quan hệ mật thiết của xã hội, và đồng thời duy trì phẩm giá của sự khác biệt một cách ngay thẳng.

Nếu những đồng cảm của chúng ta với khế ước này không trải qua một sự gia tăng có tính đột biến, mà khế ước ấy có thể ngăn chặn những thế hệ mới khỏi sự bất tín và sự thờ ơ lãnh đạm, thì rồi chúng ta sẽ đưa đến với thế giới những đứa con mà càng ngày chúng càng bị nhổ bật khỏi lòng mẹ bởi khế ước này. Sự mất giá trị mang tính xã hội của một tương quan bền chặt và có tính sáng tạo giữa người chồng và người vợ, chắc chắn sẽ trở thành một sự mất mát đối với tất cả mọi người. Chúng ta phải tái thể hiện niềm kính trọng đối với đời sống hôn nhân và gia đình! Trong mối liên hệ này, trong Kinh Thánh có một câu rất tuyệt vời: Người chồng tìm thấy người vợ, họ gặp gỡ nhau và người chồng phải bỏ lại một cái gì đó để tìm thấy người vợ một cách hoàn toàn và đầy đủ. Vì thế, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình để đến gần với người vợ. Đó là điều tuyệt vời! Nó có nghĩa là chọn theo một con đường mới. Người chồng là tất cả đối với người vợ và người vợ là tất cả đối với người chồng.

Sự tuân thủ khế ước giữa người chồng và người vợ, bất chấp tội lỗi của họ, bất chấp những tổn thương của họ, bất chấp sự lúng túng của họ, bất chấp việc bị làm nhục, bất chấp sự bất tín của họ và bất chấp sự bất an của họ, đối với các tín hữu chúng ta, vẫn là một ơn gọi có tính đòi hỏi cao và có sức lôi cuốn trong cuộc hiện sinh của chúng ta ngày nay. Trình thuật về việc sáng tạo và về tội lỗi mạc khải cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời vào lúc kết thúc: „Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ“ (St 3,21). Hình ảnh đó nói lên một sự trìu mến đối với cặp vợ chồng tội lỗi này, sự trìu mến ấy lấp đầy chúng ta với sự ngỡ ngàng: Sự trìu mến của Thiên Chúa đối với người chồng và người vợ! Hình ảnh này biểu lộ cho thấy mội sự che chở đầy tình Cha đối với cặp vợ chồng nhân loại này. Đích thân Thiên Chúa chăm sóc cho kiệt tác của Ngài cũng như bảo vệ kiệt tác ấy.

Vatican ngày 22 tháng 04 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội