Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 24.05.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em … Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần!“ (Ga 20,21.22), Chúa Giê-su đang nói như thế với chúng ta. Việc tưới gội Chúa Thánh Thần vào buổi chiều ngày Phục Sinh lại xảy ra một lần nữa trong ngày Lễ Ngũ Tuần, và được đi kèm với những dấu chỉ bất thường. Vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các Tông Đồ và đã phà hơi thở với Thần Khí của Ngài trên các ông (xc. Ga 20,2). Vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, việc ban tràn đầy Chúa Thánh Thần đã diễn ra với một cách thế dạt dào như cơn gió giáng mạnh xuống trên ngôi nhà, và ập vào trong thân xác cũng như trong tâm hồn của các Tông Đồ. Vì thế, các Tông Đồ đã đón nhận một năng lực mạnh mẽ đến độ các Ngài bị xô đẩy tới chỗ phải công bố biến cố Phục Sinh của Chúa Ki-tô bằng những thứ ngôn ngữ khác nhau. „Tất cả đều đầy tràn Thánh Thần và bắt đầu nói nhiều thứ tiếng“ (Cv 2,4). Đức Maria, Thân Mẫu của Chúa Giê-su, người nữ môn đệ đầu tiên và cũng là Mẹ của Giáo hội đang sắp hình thành, cũng đã hiện diện tại đó với các Tông Đồ. Với sự thanh thản, với những nụ cười và với tình từ mẫu của Mẹ, Đức Maria đã đồng hành cùng với niềm vui của Tân Nương, của Giáo hội Chúa Giê-su.

Lời Chúa nói với chúng ta – đặc biệt là trong ngày hôm nay – rằng, Chúa Thánh Thần đang tác động trong những con người và trong các cộng đoàn được đổ tràn Thánh Thần, Ngài làm cho họ có khả năng đón nhận Thiên Chúa - „capax Dei“ – các Giáo Phụ đã nói như thế. Và Chúa Thánh Thần sẽ làm gì với khả năng mới mà đã Ngài ban tặng cho chúng ta?: Ngài sẽ dẫn chúng ta đi vào trong sự thật toàn vẹn (Ga 16,13); Ngài đổi mới mặt địa cầu (xc. Tv 104,30); và Ngài ban tặng những hoa trái của mình (xc. Gl 5,22-23).

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ của Ngài rằng, khi Ngài trở về cùng Chúa Cha thì Chúa Thánh Thần sẽ đến để dẫn đưa các ông „vào trong chân lý vẹn toàn“ (Ga 16,13). Ngài gọi Chúa Thánh Thần một cách không khách sáo là „Thần Khí Sự Thật“, và giải thích về Chúa Thành Thần rằng, hoạt động của Thần Khí hàm chứa trong việc luôn luôn dẫn đưa các môn đệ đi vào trong sự hiểu biết của những điều mà Đấng Messias đã nói và đã thực hiện, đặc biệt là đi vào trong ý nghĩa của sự chết cũng như sự phục sinh của Ngài. Các Tông Đồ, tức những người vốn không có khả năng chịu đựng trước nỗi ô nhục nơi cuộc khổ hình của Thầy mình, sẽ được Chúa Thánh Thần ban cho một chiếc chìa khóa mới của sự hiểu biết, hầu các ông được dẫn đưa vào trong chân lý và đi vào trong vẻ đẹp của sự kiện mang tính cứu độ. Những người đàn ông ấy, tức những người trước tiên đã bị gây kinh hoàng cũng như đã bị làm tê liệt, họ đã tự nhốt mình trong một căn phòng trên lầu để tránh những tác động từ bên ngoài như vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sẽ không còn xấu hổ với việc làm môn đệ của Chúa Ki-tô nữa, và cũng không run sợ trước các tòa án nhân loại nữa. Nhờ vào Chúa Thánh Thần, tức nhờ vào việc họ được đổ đầy bởi Ngài, các Tông Đồ đã hiều ra được „chân lý vẹn toàn“ rằng, cái chết của Chúa Giê-su thực ra không phải là sự thất bại của Ngài, nhưng là một sự diễn tả tột cùng nhất của Tình Yêu Thiên Chúa, của chính Tình Yêu mà nó đã chiến thắng sự chết trong sự Phục Sinh, và nâng Chúa Giê-su lên với tư cách là Đấng Đang Sống, thành Chúa, thành Đấng Cứu Độ nhân loại, cũng như thành Đấng Cứu Độ và thành Thiên Chúa của lịch sử và của thế giới. Thực tại mà các Tông Đồ là chứng nhân của nó, sẽ trở thành Tin Mừng được công bố cho tất cả mọi người.

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn canh tân bộ mặt trái đất và sẽ là Đấng dẫn dắt chúng ta. Trong Thánh Vịnh mà chúng ta đã cầu nguyện trong giờ Kinh Sách hôm nay, có đoạn viết rằng: „Xin sai Thần Khí Chúa … để Ngài canh tân mặt địa cầu“ (Tv 104,30). Trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ về sự chào đời của Giáo hội, đã tìm thấy một sự tương ứng đáng kể trong Thánh Vịnh trên, tức Thánh Vịnh được trình bày như một bài ca vĩ đại về Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Chúa Thánh Thần mà Chúa Ki-tô đã sai đến từ Chúa Cha, và Thần Khí Sáng tạo, tức Đấng ban sự sống cho tất cả, chính là một Đấng duy nhất. Vì thế, việc tôn trọng thiên nhiên cũng chính là một đòi hỏi từ Đức Tin của chúng ta: „Thửa vườn“ mà chúng ta sống trong đó, được ủy thác cho chúng ta, không phải để chúng ta lạm dụng nó, nhưng để chúng ta xây dựng, canh tác và bảo vệ nó cách cẩn mật (xc. St 2,15). Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực, nếu như A-đam – tức con người được nhào nặn nên từ bụi đất – về phía mình, để cho bản thân được canh tân bởi Chúa Thánh Thần, cũng như để cho mình được tái nhào nặn nên bởi Thiên Chúa Cha, theo hình ảnh của Chúa Ki-tô, A-đam mới. Vâng, được canh tân bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể sống trong sự tự do của những người con, trong sự hòa điệu với tất cả mọi thụ tạo, và nhận ra sự phản chiếu của vinh quang Đấng Sáng Tạo trong bất cứ một thụ tạo nào, như một Thánh Vịnh khác đã nói: „Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, vĩ đại thay danh Chúa trên toàn cõi địa cầu!“ (Tv 8,2.10). Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt, sẽ canh tân, sẽ tặng ban ân sủng cũng như ban tràn đầy hoa trái.

Trong bức thư gửi tín hữu Galata, Thánh Phao-lô đã trình bày cho biết những hoa trái đó là những hoa trái nào, và Ngài cho biết, đó là những hoa trái được biểu lộ trong cuộc sống với việc để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (xc. Gl 5,22). Bởi vì, nơi bề mặt thì đó là „xác thịt“ cùng với hậu quả và những gánh nặng của nó, tức những gánh nặng mà Thánh Tông Đồ đã liệt kê ra, và chúng là những công việc của con người ích kỷ, tức con người tự khép mình lại trước tác động của ân sủng Thiên Chúa. Trái lại, bên trong những con người mà họ để cho mình được tràn đầy bởi Thánh Thần Thiên Chúa với một Đức Tin tròn đầy, các ân sủng của Thiên Chúa sẽ trổ bông, và các ân sủng ấy sẽ được hợp nhất lại trong đức hạnh vui mừng mà Thánh Phao-lô đã mô tả như là „hoa trái của Thánh Thần“. Từ đây, lời hiệu triệu được công bố, và lời hiệu triệu này được lập đi lập lại ngay từ lúc khởi đầu cho tới khi hoàn tất, và đồng thời trở nên như một chương trình sống: „Anh em hãy để cho mình được dẫn dắt bởi Thần Khí“ (Gl 5,16; xc. 5,25).  

Thế giới cần tới những người nam và những người nữ không tự nhốt mình, nhưng tràn đầy Chúa Thánh Thần. Việc tự nhốt kín đối với Chúa Thánh Thần không những thiếu sự tự do, mà cũng còn là một trọng tội nữa. Có nhiều cách thức trong việc tự khép kín chính mình trước Chúa Thánh Thần: Trong việc tìm kiếm cái tôi, tìm kiếm những lợi thế cho riêng mình, trong việc vận dụng các điều khoản quy định một cách cứng nhắc và khắt khe – giống như thái độ của các Luật Sĩ, tức những kẻ mà Chúa Giê-su gọi là bọn giả hình -, trong việc thiếu tưởng nhớ tới những điều mà Chúa Giê-su đã dậy, trong một cuộc sống Ki-tô giáo không được dẫn dắt bởi tinh thần phục vụ, nhưng bởi những quan tâm cá nhân, và v.v. Trái lại, thế giới cần tới sự can đảm, niềm hy vọng, Đức Tin và sự bền đỗ trong việc làm môn đệ Chúa Ki-tô. Thế giới cần tới những hoa trái và những ân sủng của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phao-lô đã liệt kê ra trong Bài Đọc II: „Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ“ (Gl 5,22-23). Ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta một cách dồi dào, để chúng ta có thể sống tình Bác Ái hằng ngày với tha nhân trong một Đức Tin chân thực, để chúng ta có thể phát tán những hạt giống của sự hòa giải và bình an. Được củng cố trong tinh thần và được tặng ban muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn chúng ta đi vào chân lý vẹn toàn, và canh tân toàn thế giới cũng như ban tặng cho chúng ta nhiều hoa trái, chúng ta sẽ có khả năng trong việc chống lại một cách không nhân nhượng trước tội lỗi và những hủ hóa mà chúng đang ngày càng lan rộng trong thế giới này, và dấn thân cho công việc xây dựng công lý và hòa bình với sự bền vững và kiên tâm.

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội