Diễn văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Albanie


Các bạn thân mến,

Tôi thực sự vui mừng về cuộc hội ngộ này – một cuộc hội ngộ kết nối tất cả những người có trách nhiệm trên những những tín ngưỡng tôn giáo có tầm quan trọng nhất đang hiện diện tại Albanie. Với niềm kính trọng to lớn, tôi xin kính chào từng người một trong quý vị, và cũng xin kính chào những cộng đồng mà quý vị đại diện; tôi xin hết lòng cám ơn Đức Tổng Giám Mục Massafra về những lời dẫn nhập của Ngài, mà với những lời ấy, Ngài đã giới thiệu quý vị. Việc quý vị cùng hiện diện tại đây quả là điều quan trọng: Nó là chỉ dấu cho một cuộc đối thoại mà quý vị sống hằng ngày trong sự nỗ lực nhằm kiến tạo nên những mối quan hệ hỗ tương của tình huynh đệ và của sự cộng tác, hầu đưa đến niềm hạnh phúc cho toàn thể cộng đồng.

Albanie đã phải trải qua những giai điệu đau buồn, đó là những hành vi bạo lực và những bi kịch mà chúng có thể đưa đến việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân cũng như cộng đồng một cách đầy cưỡng bức. Khi người ta muốn nhân danh một ý thức hệ để khai trừ Thiên Chúa ra khỏi cộng đồng, thì rốt cục, người ta lại tôn thờ ngẫu tượng, và rồi con người cũng sẽ đánh mất chính mình một cách mau lẹ, phẩm giá của họ bị đạp dưới chân và những quyền lợi của họ sẽ bị xâm hại. Quý vị biết rất rõ về việc thu hồi sự tự do lương tâm và  tự do tôn giáo sẽ có thể dẫn tới những thói tàn bạo nào, và một nhân tính bị làm khánh kiệt một cách hoàn toàn cũng sẽ phát sinh từ vết thương này như thế nào, vì nó không có niềm hy vọng cũng như không có những điểm tựa về tinh thần.

Một kết quả tích cực của những thay đổi mà chúng đã diễn ra từ những năm chín mươi của thế kỷ vừa qua, cũng đang tồn tại trong việc kiến tạo nên những điều kiện đối với một sự tự do tôn giáo thực sự. Điều này đã trao cho mỗi cộng đồng những khả năng hầu làm cho những truyền thống được tái sinh, mà những truyền thống ấy đã không bao giờ bị biến mất, bất chấp những cuộc bách hại đầy khủng khiếp, và đã cho phép tất cả mang đến sự đóng góp tích cực trong việc tái xây dựng đất nước, mà trước hết là việc tái xây dựng nền đạo đức luân lý, và sau đó là tái thiết nên kinh tế, kể cả từ niềm tin tôn giáo riêng.

Trong thực tế, sự tự do tôn giáo – như Đức Tân Hiển Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định trong chuyến viếng thăm lịch sử của Ngài đến Albanie vào năm 1993 – „không phải chỉ là một ân ban vô giá của Thiên Chúa dành cho những người sở hữu ơn Đức Tin: Nó là một ân ban đối với tất cả, vì nó là sự bảo đảm có tính nền tảng đối với bất cứ sự biểu tỏ nào khác của tự do (…) Không điều gì gợi lên cho chúng ta giống như Đức Tin rằng, khi chúng ta có một Đấng Tạo Hóa duy nhất, thì tất cả chúng ta cũng đều là anh chị em của nhau! Sự tự do tôn giáo là một thành trì chống lại tất cả mọi chế độ cực quyền, và là một sự đóng góp quan trọng cho tình huynh đệ giữa nhân loại“ (Sứ điệp gửi người Albanie ngày 25.04.1993).

Tuy nhiên, người ta phải ngay tức khắc nói thêm vào: „Sự tự do tôn giáo đích thực sẽ lùi bước trước những cơn cám dỗ nhằm đưa đến sự bất khoan dung và óc chia rẽ bè phái, và khuyến khích những thái độ của một cuộc đối thoại đầy kính trọng và có tính xây dựng“ (Sứ điệp gửi người Albanie ngày 25.04.1993). Chúng ta không thể không nhận ra rằng, sự bất khoan dung là một kẻ thù đặc biệt nham hiểm đối với những người có niềm tin tôn giáo khác như là những điều riêng tư, mà tiếc rằng kẻ thù này đang xuất hiện trên những vùng miền khác nhau của thế giới ngày nay. Với tư cách là những tín hữu, chúng ta phải đặc biệt thính nhạy trước sự sùng đạo và những giáo lý mà chúng ta đang sống với niềm xác tín cũng như chứng thực chúng một cách đầy nhiệt thành, được thể hiện trong một thái độ xứng đáng với bất cứ mầu nhiệm nào mà chúng đưa đến sự bày tỏ niềm tôn kính. Vì thế chúng ta phải khước từ tất cả những cách thức mà chúng thể hiện một sự lạm dụng một cách sai trái đối với tôn giáo, với sự kiên quyết hơn là không theo lẽ phải, vì chúng vừa không xứng với Thiên Chúa lại cũng không xứng với con người. Tôn giáo đích thực chính là nguồn cội của hòa bình chứ không phải của bạo lực! Không ai được phép lạm danh Thiên Chúa để thực hiện bạo lực! Việc nhân danh Thiên Chúa để sát hại là một tội phạm thánh cách nặng nề! Việc nhân danh Thiên chúa để phân biệt đối xử là một hành vi phi nhân tính.

Dưới quan điểm này, sự tự do tôn giáo không phải là một quyền mà nó có thể được đảm bảo chỉ bởi hệ thống pháp luật hiện hành, nhưng là điều cần kíp: Nó là một không gian chung, một lãnh vực của sự kính trọng và sự hợp tác, nó phải được kiến tạo với sự góp phần của tất cả, kể cả những người không sở hữu niềm tin tôn giáo. Tôi tự cho phép mình chỉ ra hai thái độ mà chúng có thể đặc biệt hữu dụng trong việc thúc đẩy sự tự do căn bản này.

Thái độ thứ nhất hàm chứa trong việc nhìn ngắm bất cứ người nam hay người nữ nào, kể cả những người không thuộc về truyền thống tôn giáo riêng, để đừng coi họ như là những đối thủ, và đặc biệt là đừng coi họ như những kẻ thù, nhưng coi họ như là những người anh em và chị em. Ai chắc chắn về những xác tín riêng của mình, người ấy không cần phải được nhìn nhận và không áp bức người khác: Người ấy biết rằng, chân lý sở hữu sức mạnh tỏa sáng riêng của nó. Thực ra, tất cả chúng ta đều là những người lữ hành trên trái đất này, và trên chuyến hành trình này của chúng ta, chúng ta sống trong sự khát khao tìm về chân lý và vĩnh cữu, không phải với tư cách là những thụ tạo độc lập tự thỏa mãn chính mình – chẳng phải với tính cách là những cá nhân, cũng chẳng phải với tư cách là những nhóm quốc gia, văn hóa hay tôn giáo -, nhưng phụ thuộc vào nhau, cả hai bên đều được trao phó cho sự chăm nom của người khác. Bất cứ truyền thống tôn giáo nào cũng phải đạt tới được điều đó từ bên trong, hầu bày tỏ sự kính trọng đối với sự hiện hữu của người khác.

Thái độ thứ hai chính là sự tham gia tích cực trong việc làm phát triển công ích. Mỗi lần, khi sự thuộc về một truyền thống tôn giáo riêng đem đến một sự phục vụ trung thành, độ lượng và không vụ lợi đối với toàn thể cộng đồng, đó chính là sự hiện thực hóa và là sự phát triển của tự do tôn giáo. Sau đó, điều này sẽ không chỉ xuất hiện như là một không gian được yêu cầu về mặt pháp lý của sự độc lập, song như là một khả năng làm phong phú hóa gia đình nhân loại với sự ứng dụng đang tiếp tục phát triển của nó. Người ta càng phục vụ người khác thì người ta càng có nhiều sự tự do hơn!

Chúng ta hãy nhìn chung quanh chúng ta: Đang có biết bao nhiêu là sự cùng khốn nơi những người nghèo, những cộng đoàn của chúng ta đang còn phải kiếm tìm những con đường để tiến tới một nền công lý xã hội rộng khắp, một sự phát triển kinh tế toàn diện! Thật cần thiết biết bao đối với tinh thần nhân loại để không rời mắt khỏi ý nghĩa sâu thẳm của những kinh nghiệm cuộc sống, và đoạt lại niềm hy vọng! Trong lĩnh vực hoạt động này, những người nam và người nữ được gây cảm ứng, có thể cung cấp một sự đóng góp quan trọng từ những giá trị của những truyền thống tôn giáo riêng. Đó cũng là một cánh đồng phì nhiêu đặc biệt đối với cuộc đối thoại liên tôn.

Các bạn thân mến, tôi khuyến khích quý vị, hãy tiếp nhận và xây dựng truyền thống của những mối tương quan tốt đẹp giữa các cộng đồng tôn giáo đang hiện diện tại Albanie, và cảm nhận được sự hài hòa trong việc phục vụ đất nước thật đáng quý yêu của quý vị. Đối với đất nước của quý vị cũng như ngoài quốc gia này, xin quý vị hãy tiếp tục là dấu chỉ cho điều rằng, những mối quan hệ nồng ấm và sự công tác phong phú giữa những con người của các tôn giáo khác nhau, sẽ trở nên có thể. Và xin quý vị cũng hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.

ĐTC Phan-xi-cô 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội