Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại sân vận động Koševo ngày 06.06.2015: Người ta kiến tạo hòa bình như thế nào?

 

Anh chị em thân mến,

 

trong các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta đã nghe, cụm từ „hòa bình“ đã xuất hiện nhiều lần. Đó là một từ ngữ mang tính Ngôn Sứ và tuyệt diệu! Hòa bình chính là ước mơ của Thiên Chúa, là kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với lịch sử và đối với toàn thể vũ trụ. Đó là một kế hoạch luôn đụng độ với sự kháng cự từ phía con người hay từ phía sự ác. Ngay cả trong thời đại chúng ta hôm nay, niềm khao khát hòa bình và sự dấn thân để xây dựng hòa bình cũng đang diễn ra đồng thời với nhau, với thực tế rằng, vô vàn những cuộc xung đột vũ trang vẫn đang hoạt động trong thế giới. Đó là một loại chiến tranh thế giới thứ ba, nó đang được tiến hành „theo từng mảng“; và trong lãnh vực của mối tương quan có tính toàn cầu, người ta nhận thấy một bầu khí chiến tranh. Có những người đang muốn tạo ra và muốn khơi lên một bầu khí như thế, đặc biệt là những người đang kiếm tìm sự đụng độ giữa các nền văn hóa và những nền văn minh khác nhau, cũng như những kẻ đầu cơ bằng những cuộc chiến tranh để buôn bán vũ khí. Nhưng chiến tranh luôn đẩy các em nhỏ, đẩy giới phụ nữ, đẩy những người già vào trong những trại tị nạn; đưa đến những cuộc trục xuất, đưa đến sự phá hủy các ngôi nhà, các nhà máy; nhưng đặc biệt là, nó đưa đến việc hủy hoại rất nhiều sự sống. Anh chị em hiểu rất rõ điều đó, vì anh chị em cũng đã vừa kinh qua điều đó ngay tại đây: Biết bao nhiêu là nỗi khổ đau, biết bao nhiêu là sự hủy hoại, biết bao nhiêu là sự lầm than! Ngày hôm nay, anh chị em thân mến, vẫn còn đó những tiếng hô của dân Chúa và của những người nam và những người nữ thiện chí, được cất lên từ thành phố này: Đừng bao giờ tái chiến tranh nữa!

Trong giữa bầu khí chiến tranh ấy, Lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng vang lên như một tia sáng mặt trời xuyên thủng các đám mây: „Phúc thay ai xây dựng hòa bình“ (Mt 5,9). Đó là một lời mời gọi vẫn luôn còn mang tính thời sự, nó vẫn giữ nguyên hiệu lực đối với bất cứ thế hệ nào. Chúa Giê-su không nói: „Phúc thay ai rao giảng về hòa bình!“; vì tất cả mọi người đều có khả năng công bố về hòa bình, ngay cả trong những cách thế có vẻ thánh thiện hay thậm chí là giả dối. Không! Ngài nói: „Phúc thay ai xây dựng hòa bình“; điều này có nghĩa là, sản xuất hòa bình. Sản xuất hòa bình là một công việc có tính „thủ công“, nó đòi hỏi niềm đam mê, sự nhẫn nại, và sự bền lâu. Phúc thay những ai gieo rắc hòa bình với những công việc hằng ngày của họ, với những bước đi và những thái độ sẵn sàng phục vụ, và với những cử chỉ huynh đệ, đối thoại và nhân hậu… Quả thực, những người ấy „sẽ được gọi là con Thiên Chúa“. Vì Thiên Chúa luôn gieo rắc hòa bình, luôn luôn và khắp mọi nơi. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã „gieo“ Con của Ngài vào trong thế giới để chúng ta có được hòa bình! Sản xuất hòa bình là một công việc được tiếp tục mỗi ngày, với từng bước một, và không bao giờ trở nên mệt mỏi.

Người ta thực hiện điều đó như thế nào, người ta kiến tạo hòa bình như thế nào? Bằng một cách thế mang tính căn bản, Ngôn Sứ Isaia đã mời gọi chúng ta nhớ tới điều đó: „Những việc làm của đức công chính sẽ trở thành hòa bình“ (32,17). Trong bản Kinh Thánh Vulgata, câu nói trên được dịch là: „Opus iustitiae pax“, và câu nói này cũng đã trở thành một khẩu hiệu nổi tiếng khi nó được tiếp nhận bởi Đức Pi-ô XII. Hòa bình là công việc của công lý. Ở đây cũng có nghĩa là: Nó không phải là một nền công lý chỉ để trình diễn, chỉ được trình bày cũng như chỉ được lên kế hoạch theo lý thuyết, nhưng là một nền công lý được thực hành và được sống. Và về điều đó, Tân Ước dậy chúng ta rằng, việc thực thi hoàn toàn đức công chính hàm chứa trong việc „yêu thương tha nhân như chính mình“ (xc. Mt 22,39; Rom 13,9). Nếu chúng ta thực thi giới luật này với ân sủng của Thiên Chúa, thì rồi sau đó, mọi việc sẽ được thay đổi biết là chừng nào! Vì chúng ta đã biến đổi! Những con người, những sắc tộc mà tôi nhìn họ như là kẻ thù, trong thực tế, họ cũng có một khuôn mặt giống hệt như tôi, một trái tim như tôi, một tâm hồn như tôi. Chúng ta có cùng một người Cha trên Trời. Vì thế, nền công lý đích thực có nghĩa là, thực hiện cho những con người và những dân tộc ấy những điều mà tôi muốn được thực hiện cho chính tôi cũng như cho dân tộc của tôi (xc. Mt 7,12).

Trong bài Đọc II, Thánh Phao-lô đã chỉ ra cho chúng ta biết về những thái độ cần thiết để xây dựng hòa bình: „Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau“ (Cl 3,12-13).

Ở điểm này chúng ta có những cách cư xử để trở thành „những người thợ thủ công“ của hòa bình trong cuộc sống hằng ngày, tại những nơi mà chúng ta sống. Nhưng giờ đây chúng ta không được phép nghĩ rằng, điều ấy chỉ lệ thuộc vào chúng ta. Chúng ta sẽ bị sa vào một sự duy luân lý một cách sai lạc. Hòa bình là ân ban của Thiên Chúa, không mang ý nghĩa ma thuật, nhưng vì Ngài có thể khắc ghi những thái độ đó vào trong lòng chúng ta cũng như vào trong xác thịt chúng ta với Thánh Thần của Ngài. Ngài có thể biến chúng ta thành những khí cụ thực sự để làm việc cho nền hòa bình của Ngài. Và Thánh Tông Đồ đã nói một cách rất sâu sắc rằng, hòa bình là ân ban của Thiên Chúa, vì hòa bình chính là hoa trái phát xuất từ sự hòa giải của Ngài với chúng ta. Chỉ khi con người để cho mình được giao hòa với Thiên Chúa, thì khi đó con người mới có thể trở thành những người xây dựng hòa bình.

Anh chị em thân mến, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, ngày hôm nay chúng ta hãy cùng cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài ban ơn để chúng ta có được một con tim thuần khiết; xin Ngài ban ơn kiên nhẫn; xin Ngài ban ơn để chúng ta biết chiến đấu và làm việc cho công lý; xin Ngài ban ơn để chúng ta trở nên nhân hậu, ơn biết làm việc cho hòa bình, ơn biết gieo rắc nền hòa bình thay vì gieo rắc chiến tranh và mối bất hòa. Đó là con đường dẫn tới hạnh phúc, con đường làm cho nên thánh.

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội