Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 29.06.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

Bài đọc được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ đặt ra trước mắt chúng ta cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi đang bị gây khổ đau bởi những cuộc bách hại. Đó là một cộng đoàn đang bị bách hại một cách thảm khốc bởi vua Hê-rô-đê: „Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng“ (Cv 12,2-4).

Nhưng Cha không muốn đi sâu vào những cuộc bách hại kinh khủng, bất nhân và không thể giải thích được ấy, và tiếc rằng những cuộc bách hại như thế vẫn còn đang tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay, dưới sự nhắm mắt và ngậm miệng của tất cả. Thay vào đó, Cha muốn bày tỏ niềm trân kính của Cha đối với sự can đảm trong hoạt động tông đồ của cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi: xúc tiến việc loan báo Tin Mừng trong phạm vi xã hội của một vương quốc ngoại giáo, với sự can đảm của mình và không hề hãi sợ trước cái chết hay trước việc Tử Vì Đạo, và đời sống Ki-tô giáo của cộng đoàn ấy chính là một lời mời gọi mạnh mẽ hãy cầu nguyền, hãy sống Đức Tin và hãy làm chứng, đối với các tín hữu chúng ta trong thời đại hôm nay.

Một lời mời gọi cầu nguyện: Cộng đoàn là một Giáo hội cầu nguyện: „Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông“ (Cv 12,5). Và khi chúng ta nghĩ tới thành phố Rô-ma: các hầm mộ không phải là những địa điểm ẩn trốn để trốn tránh những cơn bách hại, nhưng trước hết, đó là những nơi cầu nguyện, để thánh hóa ngày Chúa Nhật, và làm cho việc tôn thờ từ lòng đất bay lên tới Thiên Chúa, Đấng không bao giờ lãng quên con cái của Ngài.

Cộng đoàn của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô dậy chúng ta rằng, một Giáo hội cầu nguyện là một Giáo hội mạnh mẽ, tức Giáo hội „đứng trên cả hai chân“ và đang chuyển động! Một Ki-tô hữu cầu nguyện chính là một Ki-tô hữu được bảo vệ, một Ki-tô hữu được chở che, một Ki-tô hữu được hỗ trợ, nhưng trước hết, người Ki-tô hữu ấy không đơn côi.

Và Bài Đọc I tiếp tục: „Trong đêm trước ngày bị vua Hê-rô-đê đem ra xử, ông Phê-rô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiếng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Và kìa, Thiên Sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên Sứ đập vào cạnh sườn ông Phê-rô, đánh thức ông và bảo: Đứng dậy mau đi! Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông“ (Cv 12,6-7). Chúng ta hãy nghĩ xem, Thiên Chúa vẫn thường lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Và Ngài vẫn luôn gửi đến cho chúng ta một Thiên Thần. Đó là bất cứ Thiên Thần nào mà các Ngài bất thình lình đến với chúng ta hầu kéo chúng ta ra khỏi những tình cảnh khó khăn; hầu giật chúng ta ra khỏi bàn tay của sự chết và sự dữ; hầu chỉ cho chúng ta con đường đã bị lạc mất; hầu tái đốt lên trong chúng ta ngọn lửa hy vọng; và âu yếm chúng ta; hầu an ủi con tim bị vỡ vụn của chúng ta; và đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ của kiếp sống chúng ta; hay đơn giản chỉ là để nói với chúng ta: „Con không cô đơn.“

Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta biết bao nhiêu là Thiên Thần trên đường! Nhưng từ kết quả của sự sợ hãi và của sự bất tín, hay cũng có thể của những cơn hưng phấn, chúng ta có để cho các Ngài phải đứng trước cửa, giống như là cảnh mà Thánh Phê-rô đã phải chịu, khi Ngài đến gõ cửa nhà và „một người tớ gái tên là Rô-đê ra nghe ngóng. Nhận ra tiếng ông Phê-rô, cô mừng quýnh lên nhưng không mở cửa cho ông vào“ (Cv 12,23-14) không?

Không có cộng đoàn Ki-tô hữu nào có thể tiến lên phía trước nếu không có sự hỗ trợ của sự kiên trì cầu nguyện! Cầu nguyện chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng không bao giờ gây thất vọng; Đấng giữ lời của mình; Đấng không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Chúa Giê-su đã từng đặt câu hỏi: „Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ mà Ngài đã tuyển chọn, hằng ngày đêm kêu cứu lên Người, dù người có trì hoãn hay sao?“ (Lc 18,7). Người tín hữu diễn tả Đức Tin và niềm tín thác của mình trong sự cầu nguyện, và Thiên Chúa cũng diễn tả sự gần gũi của Ngài trong đó, kể cả việc sai gửi các Thiên Thần, tức các sứ giả của Ngài tới.

Một lời mời gọi tin tưởng: Trong Bài Đọc II, Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê-ô những lời sau: „Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại đều được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người trên trời“ (2 Tm 4,17-18). Thiên Chúa sẽ không bao giời lôi con cái của Ngài ra khỏi thế gian hay sự dữ, nhưng Ngài ban cho họ sức mạnh để vượt thắng chúng. Chỉ ai có Đức Tin, người ấy mới có thể thực sự nói: „Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi còn thiếu thốn chi“ (Tv 23,1).

Trong suốt quá trình lịch sử, có biết bao nhiêu là những mãnh lực đã cố sức – và còn đang tiếp tục cố sức – để tàn phá Giáo hội, cả bên ngoài lẫn bên trong, nhưng tất cả những mãnh lực ấy đều đã bị hủy diệt, còn Giáo hội thì vẫn luôn sống động và đơm bông kết trái! Giáo hội vẫn tiếp tục vững mạnh một cách không thể giải thích nổi, vì thế, giống như lời Thánh Phao-lô nói, Giáo hội có thể ngợi mừng Thiên Chúa: „Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời“ (2 Tm 4,18).

Tất cả đều sẽ trôi qua, chỉ mình Thiên Chúa mới tồn tại. Trong thực tế: các vương quốc, các dân tộc, các quốc gia, các ý thức hệ và các chính thể đều đã suy vong, nhưng Giáo hội được đặt nền móng trên Chúa Ki-tô vẫn trung thành với việc phục vụ kho tàng Đức Tin, bất chấp tất cả những bão tố và vô vàn những tội lỗi của chúng ta, vì Giáo hội không phải là của riêng các Giáo Hoàng, của riêng các Giám mục, hay của riêng các Linh mục, và cũng không phải là của riêng các tín hữu Giáo dân; Giáo hội thuộc về một mình Chúa Ki-tô. Chỉ ai sống trong Chúa Ki-tô, người ấy mới có thể thúc đẩy và bảo vệ Giáo hội bằng việc thánh hóa cuộc sống, theo gương của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.

Nhân danh Chúa Ki-tô, nhiều tín hữu đã phục sinh kẻ chết, đã chữa lành các bệnh nhân, đã yêu thương những kẻ bách hại mình; họ đã chứng minh rằng, không có sức mạnh nào có khả năng chiến thắng được người sở hữu sức mạnh của Đức Tin!

 

Lời mời gọi làm chứng tá: Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, cũng như tất cả các Tông Đồ của Chúa Ki-tô, với máu của mình, đã làm cho Giáo hội trở nên phong nhiêu trong cuộc sống dương thế của mình, đều đã uống Chén của Chúa và đều đã trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê-ô với những lời rất cảm động sau: „Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện“ (2 Tm 4,6-8).

Một Giáo hội hay một Ki-tô hữu mà không làm chứng thì đó là một Giáo hội hay một Ki-tô hữu vô sinh – một người đã chết nhưng tưởng mình đang sống; một cây đã chết khô, không còn khả năng đơm bông kết trái; một chiếc giếng cạn khô, không còn giọt nước nào! Giáo hội đã chiến thắng sự dữ nhờ vào chứng tá can đảm, cụ thể và khiêm nhượng của con cái mình! Giáo hội đã chiến thắng sự dữ nhờ vào lời tuyên xưng đầy tin tưởng của Thánh Phê-rô: „Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống“ (xc. Mt 16,13-18) và nhờ vào lời hứa vĩnh cửu của Chúa Giê-su.

Các Đức Tổng Giám Mục thân mến, hôm nay anh em sẽ đón nhận dây Palium! Đó là dấu chỉ của con chiên mà vị mục tử mang trên đôi vai của mình như Chúa Ki-tô, Đấng là Mục Tử tốt lành, đã thực hiện. Và vì thế, nó là biểu tượng cho sứ mạng mục vụ của anh em. Nó là một „dấu chỉ hiệp thông của Phụng Vụ giữa ngai tòa của Thánh Phê-rô và của những Đấng kế vị Thánh Nhân với các Tổng Giám Mục, và thông qua họ, với các Giám Mục khác trên toàn thế giới“ (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Kinh Truyền Tin ngày 29.06.2005).

Với dây Palium, ngày hôm nay Cha muốn trao cho anh em lời mời gọi hãy cầu nguyện, tin tưởng và làm chứng.

Giáo hội muốn anh em trở thành những con người cầu nguyện; Giáo hội muốn anh em là những vị thầy của sự cầu nguyện, tức những người dậy dỗ cho dân mà Thiên Chúa ủy thác cho mình, biết cách cầu nguyện; hãy dậy cho họ biết rằng, ơn giải phóng khỏi tất cả mọi tù ngục chỉ là công việc của Thiên Chúa và hoa trái của sự cầu nguyện; và cũng dậy cho họ biết rằng, Thiên Chúa sẽ sai Thiên Thần của Ngài đến trong những thời điểm cần thiết, hầu cứu chúng ta thoát khỏi mọi cảnh nô lệ cũng như thoát khỏi muôn vàn những xiềng xích của thế gian. Chính anh em cũng hãy trở nên những Thiên Thần và những sứ giả Tình Yêu đối với những người đang phải chịu đựng những nỗi khốn cùng!

Giáo hội muốn anh em trở thành những con người đầy Đức Tin; Giáo hội muốn anh em trở thành những vị thầy dậy về Đức Tin, tức những người dậy cho các tín hữu đừng sợ hãi trước vô vàn những Hê-rô-đê, đó là những kẻ đang hành hạ các tín hữu bằng những cuộc bách hại cũng như bằng thập giá dưới mọi hình thức. Không có Hê-rô-đê nào có khả năng dập tắt được ánh sáng của niềm hy vọng, của Đức Tin và của Tình Yêu nơi người tin vào Chúa Ki-tô!

Giáo hội muốn anh em trở thành những chứng nhân. Thánh Phan-xi-cô đã nói với các anh em của Ngài rằng: hãy luôn luôn công bố Tin Mừng, kể cả bằng lời nói - nếu cần! (xc. Fonti francescane, 43). Sẽ không có chứng tá nếu như không có một cuộc sống có tính mạch lạc! Ngày hôm nay người ta không cần tới quá nhiều những vị thầy, cho bằng cần đến những chứng nhân đã và đang làm chứng một cách can đảm, đó là những người không xấu hổ vì danh Chúa Ki-tô và Thập Giá của Ngài, không sợ hãi những con sư tử gầm rú, cũng không sợ hãi trước những mãnh lực của thế gian. Điều đó tương xứng với gương sáng của hai Thánh Phê-rô và Phao-lô, cũng như tương xứng với nhiều chứng nhân khác trong suốt toàn bộ lịch sử Giáo hội – đó là các chứng nhân cho dầu họ thuộc về những niềm tin Ki-tô giáo khác nhau, nhưng đều đã góp phần diễn tả một thân mình của Chúa Ki-tô cũng như làm cho thân mình ấy được lớn lên. Và Cha thích nhấn mạnh đặc biệt tới điều đó trong sự hiện diện đầy nồng ấm của phái đoàn được người anh em thân yêu - Đức Thượng Phụ Bartholomäus thuộc Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinopoli – cử đi.

Trao đi chứng tá là điều hoàn toàn đơn giản: Thực ra, chứng tá có tính công hiệu và đích thực nhất hàm chứa trong việc không làm cho thái độ và cuộc sống của mình mâu thuẫn với điều mà mình công bố bằng lời, cũng như với điều mà mình dậy dỗ người khác!

Anh em thân mến, hãy dậy cầu nguyện thông qua chính sự cầu nguyện của anh em; hãy công bố Đức Tin bằng chính Đức Tin của anh em; hãy làm chứng bằng chính cuộc sống của anh em!

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội