Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày mồng 05.08.2015 tại đại sảnh đường Phao-lô VI: „Không có cánh cửa nào bị đóng sập!

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Với bài Giáo Lý hôm nay, chúng ta muốn tiếp tục những suy tư của chúng ta về đề tài gia đình. Sau khi chúng ta đã nói về những vết thương trong bài Giáo Lý lần trước, mà những vết thương ấy có thể mở toác trong một gia đình khi người cha và người mẹ không còn hiểu nhau nữa, ngày hôm nay Cha muốn hướng sự quan tâm của chúng ta về một vấn đề khác: người ta nên chăm sóc cho những người đã bước vào một cuộc hôn nhân mới sau sự thất bại không thể thu hồi nơi cuộc sống hôn nhân trước đó của họ như thế nào?

Giáo hội biết rất rõ rằng, tình trạng này đang đứng trong sự đối nghịch với Bí Tích Ki-tô giáo. Nhưng cặp mắt mang tính giáo dục của Giáo hội lại vẫn luôn bám rễ sâu trong con tim từ mẫu của mình; đó là một con tim được đem lại sinh khí từ Chúa Thánh Thần và luôn luôn hướng tới niềm hạnh phúc và ơn cứu độ đời đời của con người. Vì thế, Giáo hội cảm thấy mình có „bổn phận phải yêu thương vì chân lý“, và do đó, có bổn phận „phải biện phân các tình huống khác nhau.“ Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết như thế trong Thông Điệp Familiaris consortio của Ngài (số 84), trong đó Ngài đã nêu ra sự khác biệt như là một ví dụ, tức sự khác biệt mà nó tồn tại giữa người chồng hay người vợ, mà người chồng hay người vợ đó chính là nguyên nhân của sự chia ly, và giữa người đã phải gánh chịu sự chia ly đó. Trong thực tế, người ta phải thực hiện việc biện phân này.

Giờ đây, nếu chúng ta quan sát những cuộc tái kết hôn này với cặp mắt của một em nhỏ - vì các em nhỏ chính là những quan sát viên đầy chăm chú – thì rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng, nhu cầu về sự đón nhận thực sự đối với những người sống trong tình trạng như thế, đang khẩn thiết là chừng nào trong các cộng đoàn của chúng ta. Vì thế, việc cộng đoàn luôn luôn tỏ thái độ cảm thông với tình trạng này ngay trong cách ứng xử, trong cách thức biểu lộ và trong những cử chỉ của mình, đặc biệt là trong sự tiếp xúc với các em nhỏ, đó là điều hết sức quan trọng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể khuyên răn những bậc cha mẹ đó như thế nào để họ giáo dục con cái của họ về đời sống Ki-tô giáo, cũng như trở thành một mẫu gương đối với chúng trong Đức Tin, khi chính chúng ta đang gạt bỏ họ ra khỏi cộng đồng cũng như đang đối xử với họ như những người bị loại trừ? Chúng ta phải lưu ý rằng, chúng ta không được phép đặt thêm lên vai, đặc biệt là trên vai các em nhỏ, những nỗi khổ đau, bởi đằng nào thì chúng cũng đã có một cái gì đó phải chịu đựng trong những điều kiện sinh hoạt như thế rồi! Thật tiếc rằng, con số những trẻ em và những thánh thiếu niên này lại rất cao. Việc họ có kinh nghiệm về Giáo hội như là một người mẹ đầy chu đáo, tức người mẹ luôn luôn sẵn sàng lắng nghe tất cả và đi đến với tất cả, đó là điều rất quan trọng.

Thực tế cho thấy, trong những thập niên vừa qua, Giáo hội đã không hề giả điếc làm ngơ, cũng không hề thiếu tích cực. Nhờ vào công việc của vô số các mục tử mà họ được hướng dẫn và được chứng thực bởi các vị tiền nhiệm của Cha, sự ý thức đã tăng lên rất nhiều, đến độ một sự tiếp nhận mang tính huynh đệ và thính nhậy đối với những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy nhưng đã bước vào một cuộc hôn nhân mới sau khi cuộc hôn nhân có tính Bí Tích của họ bị đổ vỡ, trong Tình Yêu và trong Chân Lý, là điều rất đỗi cần thiết. Những người này, trong thực tế, không phải là những người bị vạ tuyệt thông, và trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng không được phép bị đối xử như là người bị dứt phép thông công: Họ không bị vạ tuyệt thông, trước sau như một, họ vẫn là thành viên của Giáo hội!

Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI cũng đã bày tỏ quan điểm về đề tài này, và cũng đã kêu gọi một sự biện phân có tính ân cần cũng như một sự đồng hành mục vụ khôn ngoan, nhưng chắc chắn Ngài cũng biết rằng, không có những giải pháp đơn giản (xc. Diễn văn nhân dịp Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình lần thứ VII tại Milan, ngày mồng 02 tháng 06 năm 2012, số 4).

Vì thế, điều đó dẫn tới sự đòi hỏi không ngừng được lập đi lập lại đối với các mục tử từ nơi những cộng đoàn của mình về việc họ phải chứng tỏ cho thấy sự cởi mở và sự sẵn sàng đón nhận của mình đối với các tín hữu ấy; phải đón nhận họ cũng như phải khích lệ họ, để họ càng ngày càng thể hiện sự thuộc về của họ đối với Chúa Ki-tô cũng như đối với Giáo hội, và biến nó thành thực tế trong cuộc sống cụ thể của họ, thông qua việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, tham dự Phụng Vụ, giáo dục con cái của mình theo tinh thần Ki-tô giáo, thực thi đức ái đối với tha nhân và phục vụ những người nghèo khổ, dấn thân cho công lý và hòa bình.

Tấm gương đầy ý nghĩa của Kinh Thánh về vị Mục Tử Tốt Lành (xc. Ga 10,11-18) tích tụ lại nơi sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giê-su đã đón nhận từ Chúa Cha: trao ban sự sống cho đoàn chiên của Ngài. Hành động này chính là một mẫu gương đối với toàn thể Giáo hội, mà Giáo hội ấy đón nhận con cái của mình như một người mẹ, Giáo hội hiến trao toàn bộ cuộc sống của mình cho con cái. „Giáo hội được kêu gọi, luôn luôn trở nên một ngôi nhà rộng mở của Thiên Chúa Cha […]“.- Không có những cánh cửa bị đóng sập! Không có những cánh cửa bị đóng kín! Bất cứ ai cũng đều có thể tham dự vào đời sống của Giáo hội bằng bất cứ cách thức nào; bất cứ ai cũng đều có thể thuộc về cộng đoàn. „Giáo hội […] chính là ngôi nhà của Thiên Chúa Cha, nơi đó có chỗ cho bất cứ người nào với cuộc sống mệt nhọc rã rời của họ“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, số 47).

Trong một cách thế tương tự, tất cả các Ki-tô hữu cũng đều được kêu gọi hãy noi gương vị Mục Tử Tốt Lành. Đặc biệt, các Gia đình Ki-tô hữu có thể cộng tác với Ngài bằng cách là họ chăm lo cho những gia đình đang bị tổn thương, cũng như đồng hành với các gia đình ấy trong đời sống Đức Tin và trong đời sống hiệp thông. Trong phạm vi có thể của mình, bất cứ người nào cũng phải nhận lãnh vai trò của vị Mục Tử Tốt Lành, mà Vị Mục Tử tốt lành ấy biết rất rõ về mọi con chiên của mình, và không giấu giếm Tình Yêu vô hạn của mình đối với bất cứ một ai trong họ!

Vatican ngày 05 tháng 08 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội