Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại đại sảnh đường Phao-lô VI sáng thứ Tư ngày 19.08.2015: GIA ĐÌNH – Mục 23.Lao Động

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Sau khi chúng ta đã suy tư về giá trị của những ngày lễ nghỉ trong cuộc sống gia đình, ngày hôm nay chúng ta sẽ bận tâm tới một yếu tố có tính bổ sung: Lao Động. Cả hai đều thuộc về nhiệm cục sáng tạo của Thiên Chúa: những ngày Lễ Nghỉ và Lao động.

Lao Động – như người ta vẫn thường nói – rất cần thiết để nuôi sống gia đình, để dưỡng dục con cái và để tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có được một cuộc sống xứng với nhân phẩm. Một trong những điều đẹp đẽ nhất mà người ta có thể nói về một người lương thiện, đó là: „Người ấy là một người lao động chăm chỉ“. Một người nỗ lực là một người không sống dựa vào người khác. Hôm nay Cha nhìn thấy có nhiều người Argentina đang hiện diện trong đại sảnh đường này, vì thế Cha muốn nói một câu mà ở nơi đất nước chúng tôi, người ta vẫn thường hay nói: „No vive de arriba“ (Đừng sống bám).

Trong thực tế thì Lao Động đang phục vụ trong nhiều hình thức khác nhau của nó, được bắt đầu trong công việc nội trợ, kể cả trong công việc đem lại lợi ích chung. Người ta có thể học phong cách sống chăm chỉ lao động này ở đâu? – Nơi đầu tiên là ở nhà, trong gia đình riêng. Gia đình đào tạo lao động thông qua gương sáng của cha mẹ: cả người cha lẫn người mẹ đều làm việc cho niềm hạnh phúc của gia đình cũng như cho cộng đồng xã hội.

Trong Tin Mừng, Thánh Gia Nazareth được trình bày như một gia đình lao động, và Chúa Giê-su được mô tả là „con trai của bác thợ mộc“ (Mt 13,55), thậm chí chính Ngài còn được mô tả là „bác thợ mộc“ (Mc 6,3). Và Thánh Phao-lô đã cảnh báo các Ki-tô hữu như sau: „Ai không muốn làm việc thì cũng đừng ăn!“ (2Tx 3,10). Đó là một cách rất tốt để trị bệnh béo phì: bạn không làm việc thì bạn cũng không nên ăn! – Vị Tông Đồ dân ngoại đã cương quyết khiển trách thói đạo đức giả của một số thành viên trong cộng đoàn, bởi họ chỉ sống dựa vào những người anh chị em, và „chẳng làm việc gì cả, nhưng việc gì cũng xen vào“ (2Tx 3,11). Lao động và đời sống tinh thần đứng trong thế giới quan Ki-tô giáo và không hề có chuyện đối kháng nhau. Việc chúng ta hiểu được chuyện đó là điều rất quan trọng! Lao động và cầu nguyện có thể, và phải hiện hữu một cách hòa hợp với nhau, giống như Thánh Biển Đức đã dậy chúng ta như thế. Việc thiếu lao động sẽ hủy hoại tinh thần, giống hệt như việc thiếu cầu nguyện sẽ hủy hoạt đời sống thực tiễn.

Lao động – Cha xin nhắc lại – trong những hình thức khác nhau của nó – thuộc về nhân vị. Nó là một sự diễn tả về phẩm giá con người đã được tác thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế chúng ta có thể nói rằng, Lao Động là điều thánh thiêng. Và do đó, việc quản lý chỗ làm thể hiện một trách nhiệm lớn lao vừa có tính nhân văn và cũng vừa có tính xã hội mà người ta không thể phó mặc cho một ít người hay chừa lại cho một „nền kinh tế thị trường“ được thần tượng hóa. Ai là nguyên cớ dẫn tới việc mất công ăn việc làm, người ấy đã bổ sung vào cho cộng đồng xã hội một sự phá hoại nặng nề. Cha thực sự buồn khi thấy rằng, nhiều người đang không có công ăn việc làm, không tìm được công việc, và vì thế họ đang thiếu mất phẩm giá của mình trong việc mang lương thực về nhà. Và Cha lại luôn rất vui khi Cha thấy rằng, có những chính phủ đang rất nỗ lực trong việc tạo ra công ăn việc làm, cũng như đang rất cố gắng để cho tất cả mọi người đều có công ăn việc làm. Lao Động là một điều thiêng thánh, Lao Động ban thưởng phẩm giá cho gia đình. Chúng ta phải cầu nguyện để không một gia đình nào bị thiếu công ăn việc làm.

Giống hệt như những ngày Lễ nghỉ, Lao Động cũng thuộc về kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Trong sách Sáng Thế, đề tài thế giới được khởi đầu bởi một điểm rất cảm động, nó được trình bày như một tổ ấm với vườn tược được ủy thác cho con người, để con người canh tác và bảo vệ (St 2,8.15):“ Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất“ (St 2,4a-6a). Đây không phải là một tiểu thuyết; nó là sự mạc khải của Thiên Chúa: trách nhiệm ở nơi chúng ta là nhận thức được những lời ấy và rút ra cho mình những kết luận từ những lời ấy. Thông Điệp Laudato Si` mà nó đề nghị một nền sinh thái học bao hàm tất cả, cũng chứa đựng sứ điệp ấy: Vẻ đẹp của vũ trụ và phẩm giá của Lao Động bổ sung lẫn cho nhau. Cả hai cùng thuộc về nhau: Vũ trụ sẽ trở nên đẹp đẽ hơn nếu như con người biết gia công trên nó. Nếu như Lao Động lảng xa khỏi khế ước giữa Thiên Chúa và con người, nếu như Lao Động tự tách ra khỏi những phẩm chất tinh thần của con người, nếu như Lao Động bị sa vào logich của sự lợi nhuận và không lưu tâm tới các giá trị cuộc sống, thì việc làm nhục tâm hồn này sẽ xúc phạm đến tất cả: thậm chí sẽ xúc phạm đến cả bầu không khí, đến nguồn nước, đến cây cỏ và lương thực thực phẩm… Đời sống chung của nhân loại sẽ bị đổ đốn và không gian sống của chúng ta sẽ bị ô nhiễm. Những người nghèo và những gia đình nghèo túng sẽ là những người trước tiên phải lãnh nhận những hậu quả. Tổ chức lao động hiện đại đôi khi bất thần đặt ra một khuynh hướng nguy hiểm, muốn coi gia đình như là một rào cản, như là một gánh nặng và như là một sự gây nhiễu trong quá trình sản xuất. Nhưng chúng ta phải tự hỏi: Thực ra chúng ta đang sản xuất cái gì? Và cho ai? Thành phố được gọi là „thành phố văn hóa“ thì dĩ nhiên có khá nhiều những dịch vụ và những hạ tầng cơ sở; thành phố ấy được tổ chức rất tốt, nhưng đồng thời lại thường tỏ ra thù địch đối với cuộc sống của trẻ em và người già.

Ai phác họa ra những thành phố như thế, người ấy thường chỉ bận tâm tới những cá nhân riêng lẻ trong việc quản lý lực lượng lao động, mà những cá nhân ấy phải bị điều khiển và bị sử dụng, kể cả bị để dành cho việc mà nền kinh tế đang cần tới trong khoảnh khắc. Gia đình chính là một viên đá thử. Nếu thế giới lao động thu hút toàn bộ sức lực và thời gian của gia đình, hay hoàn toàn ngăn cản con đường sống của gia đình, thì rồi chúng ta sẽ có thể chắc chắn rằng, xã hội loài người đã bắt đầu làm việc để chống lại chính mình.

Đối với các gia đình Ki-tô hữu, tình trạng kinh tế ấy có ý nghĩa như một thách đố lớn, và đồng thời cũng là một đại sứ mạng. Các gia đình Ki-tô hữu sẽ đưa ra những nguyên tắc đạo đức nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: căn tính và khế ước của người chồng và người vợ, sự sinh sản con cái, việc Lao Động mà nó thuần hóa trái đất và làm cho trái đất có thể trở thành nơi cư ngụ cho con người. Niềm xác tín vào những nguyên tắc đạo đức ấy chính là một điều rất nghiêm túc, và rất nhiều những vết nứt đã xuất hiện trên những bức tường trong ngôi nhà chung của chúng ta rồi! Đó không phải là một sứ mạng nhẹ nhàng. Đôi khi xảy ra chuyện các gia đình giống như là Đa-vít trước Goliat… Nhưng chúng ta cũng biết cuộc chiến ấy diễn ra như thế nào rồi! Người ta cần tới Đức Tin và lòng can đảm. Ước gì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi của Ngài trong niềm vui và niềm hy vọng, trong khoảnh khắc khó khăn này của lịch sử chúng ta: đó là lời mời gọi hãy lao động để lao động ban tặng phẩm giá cho con người và cho gia đình con người.

Vatican ngày 19 tháng 08 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ