Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Madison Square Garden, New York, Hoa kỳ ngày 26.09.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

Chúng ta đang hiện diện tại Madison Square Garden, nơi mang một ý nghĩa tượng trưng cho thành phố này. Đây chính là nơi được dành để tổ chức những sự kiện quan trọng về thể thao, hội họa và âm nhạc, nơi thu hút rất nhiều người từ những khu vực khác nhau, không chỉ ở thành phố này, nhưng thậm chí từ khắp thế giới. Tại nơi mà nó biểu thị những đường cắt ngang trong cuộc sống của nhiều cư dân mà họ đã cùng đến đây từ những mối quan tâm chung, chúng ta đã nghe được những lời sau: „Dân đang sống trong bóng tối, sẽ được nhìn thấy ánh sáng chan hòa“ (Is 9,1). Dân đang sống giữa những công việc hằng ngày và những hoạt động thường nhật của mình; Dân đang mang theo những thành công và những thất bại của mình, những lo âu và những trông chờ của mình, sẽ nhìn thấy một nguồn sáng chứa chan.

Trong bất cứ một thời đại nào nào đi nữa, Dân Thiên Chúa cũng vẫn luôn được kêu gọi hãy chiêm ngưỡng nguồn sáng này. Đó là ánh sáng chiếu soi dân ngoại mà cụ già Simeon đã công bố về nó với trọn niềm vui. Đó là ánh sáng muốn đến với những công dân chúng ta trong từng ngõ hẻm và ngóc ngách của thành phố này, trong từng lãnh vực một của đời sống chúng ta.

Dân đang sống trong bóng tối, sẽ nhìn thấy một nguồn sáng chứa chan“. Một hồng ân đặc biệt của Dân Chúa nằm nơi khả năng của nó trong việc nhìn thấy và chiêm ngưỡng ánh sáng mà Chúa Ki-tô mang đến, ngay cả trong giữa những „hoàn cảnh đen tối“ của mình. Dân tín hữu có thể nhìn thấy, có thể nhận ra, có thể chiêm ngưỡng sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong giữa cuộc sống, trong giữa thành phố. Cùng với Ngôn Sứ Isaia, chúng ta có thể nói: Dân đã bước đi, đang thở và đang sống giữa khói sương, sẽ nhìn thấy ánh sáng chan hòa, sẽ trải nghiệm bầu khí tươi mới.

Việc sống trong một thành phố lớn là một cái gì đó hoàn toàn phức tạp – một bối cảnh đa văn hóa với những thách đố lớn không thể được giải quyết một cách đơn giản. Nhưng những thành phố lớn lại chỉ cho chúng ta thấy những kho tàng đang được giấu kín trong thế giới chúng ta: sự khác biệt văn hóa, truyền thống và những kinh nghiệm lịch sử; sự đa dạng về ngôn ngữ, quần áo và cách ăn uống. Những thành phố lớn sẽ trở thành những địa cực có vẻ như muốn thể hiện những khả năng phong phú mà chúng ta đã tìm thấy để trao cho cuộc sống trong những trạng huống của kiếp người chúng ta. Về phía mình, những thành phố lớn che giấu những khuôn mặt của tất cả những con người mà có vẻ như họ không có quyền công dân hay chỉ là công dân hạng hai. Có rất nhiều khuôn mặt chạy vụt qua những thành phố lớn dưới những tiếng ồn ào của xe cộ, dưới „nhịp điệu của sự chuyển động“ mà không ai nhận thấy, vì họ không có „quyền“ công dân, không có quyền trở thành một phần của thành phố: Đó là những người nước ngoài mà con cái của họ (và không phải chỉ chúng), không được nhập học, là những người không có bảo hiểm y tế, không cửa không nhà, những cụ già bị bỏ lại một mình. Những con người ấy đang đứng bên vệ của những con đường chúng ta, trên những vỉa hè đường phố, khuất dạng trong những tiếng ồn đinh tai nhức óc. Họ trở thành một bộ phận của một cảnh quan đô thị, mà cảnh quan ấy dần dần trở nên hiển nhiên trong cặp mắt chúng ta, và đặc biệt là trong con tim chúng ta.

Việc biết được rằng, Chúa Giê-su vẫn đang tiếp tục đi trên những con đường của chúng ta, vẫn đang tiếp tục hòa mình một cách thực sự giữa những người dân chúng ta, đang mang đến với chính mình một lịch sử cứu độ duy nhất và to lớn, và đang bao bọc nhân loại trong đó, sẽ lấp đầy chúng ta với niềm hy vọng. Niềm hy vọng này sẽ giải phóng chúng ta khỏi quyền lực mà nó xô đẩy chúng ta tới chỗ tự cô lập, và không còn chăm lo cho cuộc sống người khác, cũng như cuộc sống của thành phố chúng ta nữa. Niềm hy vọng ấy giải phóng chúng ta khỏi „những mối liên kết“ trống rỗng, khỏi những phân tích viển vông, và khỏi những thói quen hời hợt. Niềm hy vọng ấy không sợ hãi trước việc đặt mình vào và hoạt động như bột men tại bất cứ nơi nào nó sống và hoạt động. Niềm hy vọng ấy cũng làm cho chúng ta nhận ra trong giữa „những khói mù“ có sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng vẫn đang tiếp tục đi ngang qua thành phố của chúng ta.

Ánh sáng mà nó băng qua các con đường của chúng ta có hình dáng thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng sống với chúng ta trong giữa những „khói mù“ của các thành phố chúng ta? Làm thế nào để chúng ta có thể gặp gỡ được Chúa Giê-su, Đấng đang sống và đang làm việc tại các thành phố đa văn hóa của chúng ta?

Ngôn Sứ Isaia có thể dẫn chúng ta vào trong tiến trình của việc „Nhìn Ngắm và Học Hỏi“. Ngài giới thiệu Chúa Giê-su với chúng ta như là „Một Cố Vấn Diệu Kỳ, Một Thiên Chúa Dũng Mãnh, Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Bình An“ (Is 9,5). Ngài dẫn chúng ta vào trong cuộc sống của người con, để cuộc sống của Ngài có thể trở thành cuộc sống của chúng ta.

Cố Vấn Diệu Kỳ“ – Các sách Tin Mừng tường thuật cho chúng ta biết về việc có nhiều người đến với Chúa Giê-su và hỏi Ngài: „Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?“ Sự chuyển động trước tiên mà Chúa Giê-su gợi ra với câu trả lời của Ngài hàm chứa trong việc đề nghị, khích lệ và động viên. Ngài vẫn luôn luôn đề nghị các môn đệ của mình lên đường, đi ra khỏi chính mình. Ngài thúc đẩy các ông đi ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác như cái mà họ đang thực sự là, chứ không phải cái mà họ nên là theo quan điểm của chúng ta. Đi ra khỏi chính mình, luôn luôn tái lên đường mà không hề sợ hãi, không hề thẹn thùng. Hãy đi và loan báo niềm vui mà nó được tiên liệu cho tất cả mọi người.

Thiên Chúa Dũng Mãnh“ – Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở thành Đấng Emmanuel, Đấng „Thiên Chúa ở cùng chúng ta“, Đấng đi về phía chúng ta, Đấng hòa mình vào trong cuộc sống chúng ta, trong những ngôi nhà của chúng ta, trong giữa „những nồi niêu, xoong chảo“ của chúng ta, như Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su vẫn thường thích nói như thế.

Cha Muôn Thuở“ – không có bất cứ người nào và cũng không có bất cứ điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ngài. Hãy đi và loan báo Tin Mừng, hãy đi ra khỏi chính mình và chỉ ra qua cuộc sống của anh chị em rằng, Thiên Chúa đang ở giữa anh chị em với tư cách là một người Cha nhân hậu, Đấng đi ra cả ngày lẫn đêm để ngó xem, liệu đứa con của mình có trở về nhà hay không, và ngay khi người Cha này nhìn thấy đứa con đang về, Ông liền chạy nhanh tới với đứa con và ôm chầm nó vào lòng. Đó là một cái ôm muốn đón nhận phẩm giá của những người con Thiên Chúa, muốn thanh tẩy phẩm giá ấy cũng như muốn làm cho nó được tăng giá trị. Đó là một người Cha, Đấng mang đến cho những người nghèo sứ điệp vui mừng trong cái ôm của Ngài, và chữa lành tất cả những ai mà con tim của họ đang bị vỡ vụn, công bố cho các tù nhân biết họ được giải thoát, cũng như công bố cho những ai đang sống trong gông cùm biết họ được cứu thoát (xc. Is 61,1).

Hoàng Tử Bình An“ – Hãy đi ra khỏi mình để đi đến với những người khác, để chia sẻ Tin Mừng rằng, Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đi về phía chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự vô danh, giải thoát chúng ta khỏi một cuộc sống thiếu sắc thái và trống rỗng, và dẫn chúng ta đi vào trong trường học của sự gặp gỡ. Ngài giải thoát chúng ta khỏi cuộc chiến ghanh đua và khỏi thói chỉ quy về bản thân, hầu mở ra cho chúng ta một con đường dẫn tới hòa bình. Nền hòa bình này đến từ việc đón nhận người khác; nền hòa bình này chứa đựng trong con tim, đặc biệt nhất là khi chúng ta nhìn ngắm những người cùng khổ nhất như là những người anh em và chị em của chúng ta.

Thiên Chúa đang sống trong các thành phố của chúng ta. Giáo hội cũng đang sống trong các thành phố của chúng ta, và muốn trở nên như men trong bột, hòa mình giữa tất cả mọi người, bằng cách là đồng hành với tất cả và công bố những công việc kỳ diệu của vị Cố Vấn Diệu Kỳ, của Thiên Chúa Dũng Mãnh, của người Cha Muôn Thuở, của Hoàng Tử Bình An.

Dân đang sống trong đêm tối lầm than sẽ nhìn thấy ánh sáng chan hòa“, và chúng ta chính là chứng nhân của ánh sáng đó. Amen.

 

Madison Square Garden, New York, Hoa kỳ ngày 26 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội