Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư 14.10.2015 – GIA ĐÌNH: Mục 29. Lời Hứa Với Con Cái

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vì những thay đổi thời tiết trong ngày hôm nay và vì sợ rằng sẽ có mưa, nên cuộc hội kiến hôm nay sẽ diễn ra cùng lúc tại hai địa điểm: Chúng ta hiện diện tại đây, trên quảng trường Thánh Phê-rô này, trong khi đó 700 bệnh nhân sẽ hiệp thông với chúng ta qua màn hình lớn tại đại sảnh đường Phao-lô VI. Tất cả chúng ta hãy cùng hiệp thông với họ và hãy chào mừng họ bằng một tràng pháo tay.

Hôm nay Lời của Chúa Giê-su vang lên một cách mãnh liệt: „Khốn cho thế gian với những gương mù của nó!“.  Thái độ của Chúa Giê-su rất thực tế, và Ngài nói: „Những gương mù là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khốn cho những kẻ gây ra gương mù“. Trước khi bắt đầu bài Giáo Lý hôm nay, nhân danh Giáo hội, Cha muốn xin anh chị em hãy tha thứ cho những gương mù mà chúng đã diễn ra cả tại Rô-ma lẫn tại Vatican. Cha xin anh chị em hãy tha thứ.

Ngày hôm nay chúng ta hãy suy tư về một đề tài rất quan trọng: Những lời hứa của chúng ta với con cái. Cha sẽ không nói về những lời hứa được đưa ra chỗ này hay chỗ kia, trong suốt ngày sống để đem lại cho các em nhỏ một niềm vui, để chúng cố gắng có được một hạnh kiểm tốt (có lẽ dưới sự áp dụng một thủ thuật đơn giản: bố sẽ cho con một chiếc kẹo, và điều này giống như một lời hứa…), để động viên chúng học trong nhà trường hay để ngăn cản chúng khỏi những thái độ có tính lệ thuộc rõ ràng. Cha sẽ nói về những lời hứa khác mà chúng quan trọng hơn, chúng có tính quyết định đối với những mong chờ của con cái từ cuộc sống, có tính quyết định nơi niềm tin tưởng của chúng đối với con người và đối với khả năng của chúng trong việc hiểu được danh Thiên Chúa như một phúc lành. Đó là những lời hứa mà chúng ta trao cho các em.

Người lớn chúng ta mô tả các em là những người rất nhanh nhẹn, chúng được ví như là lời hứa của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều nói: Con cái là một lời hứa của cuộc sống. Rất nhẹ nhàng, chúng ta cảm thấy xúc động và hãy nói với những người trẻ một cách thực tâm rằng, họ là tương lai của chúng ta. Nhưng đôi khi Cha tự hỏi, liệu chúng ta có nghĩ tới điều đó, cũng như có nghĩ tới tương lai của những người trẻ một cách nghiêm túc không; với tương lai của những em bé cũng như với tương lai của bất cứ thanh thiếu niên nào! Chúng ta nên thường xuyên tự hỏi, chúng ta giữ lời hứa với các em nhỏ, tức những người con mà chúng ta đã cho phép chúng bước vào thế giới, như thế nào? Chúng ta hãy để cho các em đến với thế giới, và điều ấy là một lời hứa. Chúng ta hứa với các em cái gì?

Đón nhận và chăm sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó chính là những lời hứa căn bản và cho phép tự hiệp nhất lại với nhau trong một điều duy nhất: Tình Yêu. Chúng ta hứa Tình Yêu, Tình Yêu trong hình thức của sự đón nhận, chăm lo, gần gũi, quan tâm, tín thác và hy vọng. Nhưng lời hứa lớn nhất chính là Tình Yêu. Và lời hứa này lại là cách thức thích hợp nhất để đón nhận một con người đang đến với thế giới. Tất cả chúng ta đều học điều đó trước khi ý thức về nó. Đối với Cha, thật là tuyệt vời khi Cha thấy những người bố và những người mẹ, khi Cha đến giữa anh chị em, khi Cha bế một cậu con trai nhỏ hay một cô bé, và rồi Cha hỏi: „Cậu bé này, cô bé này mấy tuổi?“ – „Dạ, nó ba tuần, nó bốn tuần“ và xin Cha chúc lành cho nó. Ngay cả khi chỉ có thế thôi cũng là Tình Yêu rồi. Tình Yêu là một lời hứa mà người chồng hay người vợ trao cho mỗi đứa con: kể từ thời điểm đứa con đó được thụ thai trong tinh thần. Con cái đi vào thế giới và chờ đợi một sự chứng nhận của lời hứa này: sự mong chờ của chúng không có giới hạn, đầy tín thác và bất lực. Chỉ cần một cái nhìn trên chúng cũng đã đủ: Chúng hiện hữu trong tất cả mọi bộ tộc, mọi nền văn hóa, mọi hoàn cảnh sống! Nếu sự mâu thuẫn bước vào thì con cái sẽ bị tổn thương bởi một „gương mù“, mà gương mù ấy không ai có thể chịu đựng nổi và càng trở nên phức tạp hơn khi các em nhỏ không sở hữu những phương tiện để làm sáng tỏ gương mù đó. Chúng không thể nhận thức được điều gì đang xảy ra. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên Thiên Chúa đã quan sát trên lời hứa này. Anh chị em có nhớ những Lời của Chúa Giê-su không? Thiên Thần của các em nhỏ chính là những tấm gương phản chiếu ánh mắt của Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bao giời rời cặp mắt khỏi những em bé (xc. Mt 18,10). Khốn cho kẻ nào lạm dụng lòng tín thác của các em. Thật khốn cho những kẻ đó! Sự trao hiến đầy tín thác của các em nhỏ vào lời hứa của chúng ta sẽ ràng buộc chúng ta ngay từ đầu; chúng ta sẽ bị xét đoán.

Ở điểm này, Cha muốn đề cập đến một phương diện khác với sự chú ý to lớn cũng như với sự chân thành trước tất cả. Niềm tín thác hồn nhiên của các em nhỏ vào Thiên Chúa không bao giờ được phép bị tổn thương; đặc biệt nhất là khi điều này xảy ra vì một sự kiêu căng nào đó (một cách ý thức nhiều hay ít) từ phía chúng ta, để thay Thiên Chúa bằng chúng ta. Mối tương quan trìu mến và nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và tâm hồn của một em bé không bao giờ được phép bị tổn thương. Đó là một mối tương quan thực tế mà Thiên Chúa muốn và được bảo vệ bởi chính Ngài. Ngay từ ngày chào đời của mình, một em bé đã sẵn sàng để cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, đã sẵn sàng để thực hiện điều đó. Vừa khi được sinh ra, ngay lập tức em có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì Ngài. Một em bé cũng cảm thấy rằng, có một Thiên Chúa – Đấng yêu thương các em bé.

Các em bé sơ sinh sẽ nhận lãnh sự chứng thực về phẩm chất tinh thần của Tình Yêu như là một hồng ân, cùng với sự nuôi nấng và chăm sóc. Những dấu chỉ hiển nhiên của Tình Yêu này chính là việc đặt tên cá nhân, việc chia sẻ ngôn ngữ, những chủ đích, và sự tỏa sáng của nụ cười. Và như vậy chúng học được rằng, sự tuyệt vời trong sự gắn bó giữa những con người hướng đến tâm hồn chúng ta, kiếm tìm sự tự do của chúng ta, đón nhận sự khác biệt của người khác, nhìn nhận họ và kính trọng họ như một đối tác ngang hàng. Một phép lạ thứ hai, một lời hứa thứ hai: Cha mẹ trao ban chính bản thân mình cho con để con trở thành quà tặng cho chính con! Đó là Tình Yêu, nó mang đến một tia lửa của Thiên Chúa! Anh chị em - những người cha và những người mẹ - đang có ngọn lửa ấy của Thiên Chúa, anh chị em hãy trao ngọn lửa đó cho con cái mình. Anh chị em chính là những khí cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, và điều đó là điều rất đẹp, rất tuyệt vời!

Chỉ khi nào chúng ta quan sát các em nhỏ bằng cặp mắt của Chúa Giê-su, thì khi ấy chúng ta mới có thể thực sự hiểu được rằng, chúng ta đang bảo vệ nhân loại thông qua việc bảo vệ gia đình ở mức nào! Cách nghĩ của các em nhỏ chính là cách nghĩ của con cái Thiên Chúa. Trong Bí Tích Thanh Tẩy, đích thân Giáo hội thực hiện những lời hứa to lớn với các em bé, do đó cha mẹ và cộng đoàn Ki-tô giáo phải có bổn phận đối với những lời hứa ấy. Ước gì Thánh Mẫu Chúa Giê-su – nhờ Mẹ mà Con Thiên Chúa đã đến được giữa chúng ta và như một em bé được yêu thương và được cưu mang – ban cho Giáo hội khả năng đi theo con đường từ mẫu và con đường Đức Tin của Mẹ. Ước gì Thánh Giu-se – người chồng mẫu gương, Đấng đã đón nhận và bảo vệ Chúa Giê-su, bằng cách là Ngài tôn kính phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa một cách can đảm – làm cho tất cả chúng ta đều có khả năng và xứng đáng đón nhận Chúa Giê-su trong bất cứ em bé nào được Thiên Chúa gửi vào trong thế giới.

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Vào thứ Bảy tới đây, tức ngày 17 tháng 10, chúng ta sẽ cử hành ngày quốc tế chống lại nạn đói nghèo. Trong ngày đó, chúng ta hãy nhớ gia tăng những nỗ lực nhằm loại bỏ sự nghèo đói, cũng như nhằm loại bỏ sự phân biệt kỳ thị, và nỗ lực để có được một sự bảo đảm trong việc thi hành nhân quyền một cách hoàn toàn. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy coi trọng những nỗ lực này hầu cho lòng nhân hậu của Chúa Ki-tô đạt tới được những người anh chị em nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất, cũng như sẽ động viên những người anh chị em đó.

Vatican ngày 14 tháng 10 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội