Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục: „Thời đại hôm nay là thời đại của Lòng Thương Xót

 

Anh chị em thân mến,

 

Cả ba Bài Đọc của Chúa Nhật hôm nay đều chỉ cho chúng ta thấy về sự cảm thông của Thiên Chúa và về tình phụ tử của Ngài, mà tình phục tử ấy được mạc khải một cách chung cuộc trong Chúa Giê-su.

Giữa những bất hạnh và tai ương của quốc gia khi dân chúng bị phát lưu bởi những kẻ thù, Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã công bố rằng: „Thiên Chúa đã cứu độ dân Người, số sót của dân Israel“ (Gr 31,7). Và tại sao Thiên Chúa lại làm như thế? Vì Ngài là Cha (xc. Gr 31,9), và với tư cách là Cha, Thiên Chúa sẽ chăm sóc cho con cái của Ngài, sẽ đồng hành với chúng trên con đường của chúng, sẽ nâng đỡ „kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ“ (Gm 31,8). Tình phụ tự của Ngài sẽ mở ra cho họ một con đường được khai phá sẵn, một con đường của sự an ủi sau biết bao nhiêu là nước mắt và sau biết bao nhiêu là đắng cay tủi hờn. Nếu dân trung tín, nếu tại một đất nước xa lạ, dân cũng vẫn tiếp tục kiên trì kiếm tìm Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ biến kiếp tù đầy của dân thành tự do, biến nỗi cô đơn của họ thành sự hiệp thông: Điều gì dân Chúa ngày hôm nay gieo trồng trong nước mắt, thì ngày mai dân Chúa sẽ thu hoạch điều ấy trong vui mừng (xc. Tv 126,6).

Với Thánh Vịnh trên, chúng ta cũng đã công bố niềm vui mà nó là hoa trái đến từ ơn cứu độ của Thiên Chúa: „Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng“ (Tv 126,2). Người tín hữu chính là một con người đã kinh nghiệm về hành vi cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống riêng của mình. Và các mục tử chúng ta cũng đã kinh qua việc gieo trong khó nhọc, và đôi khi với nước mắt, nhưng vui mừng về hồng ân của một mùa thu hoạch, mà hồng ân ấy vượt lên trên những sức lực và những khả năng của chúng ta.

Đoạn trích từ thư gửi tín hữu Do-thái đã trình bày cho chúng ta thấy về niềm cảm thông của Chúa Giê-su. Ngay cả Ngài „cũng đầy yếu đuối“ (Dt 5,2), để mang sự hiểu biết đến cho những kẻ ngu muội và lầm lạc. Chúa Giê-su chính là Thượng Tế trổi vượt, thánh thiện và không tì vết, nhưng đồng thời Ngài cũng là Thượng Tế có thể cảm thông với những nỗi yếu hèn của chúng ta, và trên hết, giống hệt như chúng ta, Ngài cũng bị cám dỗ, nhưng đã không phạm tội (xc. Dt 4,15). Vì thế, Ngài chính là Đấng Trung Gian của giao ước mới và vĩnh cửu, Đấng ban tặng ơn cứu độ cho chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay gắn kết trực tiếp với Bài Đọc I: Như dân Israel đã được giải phóng nhờ vào Tình Phụ Tử của Thiên Chúa thế nào, thì Bác-ti-mê cũng được giải phóng nhờ vào mối cảm thông của Chúa Giê-su như vậy. Lúc ấy Chúa Giê-su vừa mới rời Giê-ri-cô. Mặc dầu Ngài vừa mới bắt đầu con đường quan trọng nhất của Ngài, tức con đường đi lên Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài vẫn còn dừng chân lại để trả lời cho lời kêu cứu của Bác-ti-mê. Ngài để cho mình bị gây xúc động trong lòng bởi lời kêu xin của ông, và đồng thời Ngài cũng làm cho chính Ngài bị lôi vào trong tình trạng của ông. Ngài không thỏa mãn với việc trao cho ông ta một của bố thí, nhưng muốn gặp gỡ cá nhân ông ta. Ngài không trao cho ông ta những bản hướng dẫn, cũng không trao cho ông ta những câu trả lời, nhưng Ngài đặt ra một câu hỏi: „Anh muốn tôi làm gì cho anh?“ (Mc 10,51). Điều đó có vẻ như là một câu hỏi vô ích: Một người mù sẽ mong muốn cái gì khác ngoài việc được nhìn thấy? Tuy nhiên Chúa Giê-su đã chỉ ra với câu hỏi trực tiếp nhưng đầy kính trọng của một người với một người rằng, Ngài muốn lắng nghe những nhu cầu của chúng ta. Ngài muốn thực hiện một cuộc nói chuyện với từng người một trong chúng ta, mà cuộc nói chuyện ấy sẽ đề cập tới chính cuộc sống, tới chính tình trạng cụ thể và không ngăn trở bất cứ một ai đến trước Thiên Chúa. Sau khi chữa lành, Chúa Giê-su đã nói với người đàn ông ấy: „Đức Tin của anh đã cứu chữa anh“ (Mc 10,52). Thật là tuyệt vời khi thấy Chúa Ki-tô khen ngợi Đức Tin của Bác-ti-mê cũng như đã „tin tưởng“ vào ông. Chúa Giê-su đặt niềm tin vào chúng ta hơn là chính chúng ta đặt niềm tin vào Ngài.

Ở đây còn có một chi tiết rất thú vị. Chúa Giê-su đã ra lệnh cho các môn đệ của Ngài đi đến với Bác-ti-mê và gọi ông ta đến. Họ hướng về người mù với hai yêu cầu, mà thông thường trong Tin Mừng, hai yêu cầu này chỉ được sử dụng bởi Chúa Giê-su. Trước hết, họ nói với ông: „Hãy can đảm!“ – đây là một cách diễn tả theo nghĩa là: „Hãy tin tưởng, hãy an tâm!“ Trong thực thế, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su mới đem lại sức mạnh cho con người để giải quyết những tình huống khó khăn nhất. Lời yêu cầu thứ hai là: „Mời ông đứng dậy!“ – giống hệt như Chúa Giê-su cũng đã từng nói như thế với rất nhiều bệnh nhân, khi Ngài cầm tay họ và chữa lành họ. Những môn đệ của Ngài đã không làm gì khác ngoài việc lặp lại lời khích lệ và có tính giải phóng của chúa Giê-su, và hướng trực tiếp tới Ngài chứ không phải tới những vị giảng thuyết. Vì thế, các môn đệ của Chúa Giê-su trong thời đại hôm nay cũng được kêu gọi, đặc biệt là trong chính hôm nay: hãy tiếp cận con người với lòng nhân từ cảm thông và cứu chữa. Khi tiếng kêu của nhân loại – như trong trường hợp của ông Bác-ti-mê – vẫn còn thét lên, thì sẽ không có bất cứ một câu trả lời nào khác ngoài việc biến câu trả lời của Chúa Giê-su thành câu trả lời của chúng ta, và trước tiên, phỏng theo tấm lòng của Ngài. Những trạng huống bi ai và xung đột sẽ trở thành cơ hội để Thiên Chúa thể hiện Lòng Thương Xót. Thời đại hôm nay chính là thời đại của Lòng Thương Xót.

Nhưng có một số cơn cám dỗ đối với những người đi theo Chúa Giê-su. Bài Tin Mừng hôm nay đã nêu ra ít nhất hai trong các cơn cám dỗ ấy. Không có người môn đệ nào dừng lại như Chúa Giê-su. Họ tiếp tục con đường của họ, tiếp tục đi như thể là không có chuyện gì xảy ra. Khi Bác-ti-mê bị mù – họ đã trở nên điếc lác: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Điều đó có thể là một nguy hiểm đối với chúng ta: khi tận mắt chứng kiến những vấn đề liên tục xảy ra, chúng ta vẫn thích đi tiếp, không muốn để mình bị quấy rầy. Với cách thức ấy, chúng ta cũng chả khác gì so với các môn đệ đang ở bên Chúa Giê-su lúc đó, nhưng lại không nghĩ như Chúa Giê-su. Người ta ở trong nhóm của mình, nhưng đánh mất sự rộng mở của con tim; sự ngỡ ngàng, niềm biết ơn và sự hăng hái đã biến mất, và người ta có nguy cơ trở thành „người luôn hành động theo thói quen của ân sủng“. Chúng ta có thể nói về Ngài, và làm việc cho Ngài, nhưng lại sống xa với con tim của Ngài, tức con tim mở ra với những con người đang bị tổn thương. Đó là cơn cám dỗ: một „linh đạo lừa dối“: Chúng ta có thể băng qua những sa mạc của con người và không nhìn thấy điều gì đang thực sự xảy ra ở đó, nhưng chỉ thấy những cái mà chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng hình thành nên những thế giới quan nhưng lại không chấp nhận điều mà Thiên Chúa đưa dẫn tới trước mắt chúng ta. Một Đức Tin mà không bén rễ sâu trong cuộc sống con người, sẽ trở nên khô cằn, và thay vào đó, tạo nên những ốc đảo mà chúng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sa mạc hóa.

Còn có một cơn cám dỗ thứ hai, và thực ra, đó là cơn cám dỗ sa vào một „sự kế hoạch hóa Đức Tin“. Chúng ta có thể tiến lên phía trước cùng với Dân Chúa, nhưng chúng ta lại đã có sẵn những kế hoạch riêng của chúng ta rồi, trong đó tất cả đều đã được xếp đặt chu đáo: Chúng ta biết nó sẽ đi tới đâu, và cần bao nhiêu thời gian để vận hành nó; tất cả đều phải giữ nhịp độ của chúng ta, và bất cứ sự bất ngờ nào cũng gây phiền toái cho chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở nên giống như những kẻ mà Tin Mừng nói rằng, họ mất kiên nhẫn và quở trách Bác-ti-mê. Cách đó chưa lâu, chính những người ấy cũng đã từng quở mắng các em nhỏ (xc. Mc 10,13), và giờ đây họ lại làm điều đó với người ăn xin mù lòa: Ai quấy rầy hay không cùng đẳng cấp đều phải bị loại ra ngoài. Trái lại, Chúa Giê-su muốn bao bọc, trước tiên là những kẻ bị đẩy ra bên ngoài và kêu cầu Ngài. Những con người ấy có Đức Tin – giống như Bác-ti-mê -, để biết rằng, người ta cần tới ơn cứu độ, mà con đường tốt nhất để được cứu độ, chính là gặp gỡ Chúa Giê-su.

Và cuối cùng, Bác-ti-mê đã đi theo Chúa Giê-su trên con đường của Ngài (xc. Mc 10,52). Ông không chỉ tiếp nhận lại thị giác, nhưng còn tham gia vào trong cộng đoàn của những người cùng đi với Chúa Giê-su. Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục thân mến, chúng ta đã cùng nhau tiến về phía trước. Tôi xin cám ơn anh em về con đường mà chúng ta đã chia sẻ với nhau trong cái nhìn hướng về Chúa Giê-su, hướng về những người đang sống cùng thời với chúng ta, và hướng về cuộc kiếm tìm những con đường mà Tin Mừng đã chỉ ra trong thời đại chúng ta để công bố huyền nhiệm Tình Yêu liên quan tới gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục đi trên con đường mà Chúa Giê-su mong muốn. Chúng ta hãy cầu xin từ Ngài một cái nhìn chữa lành và cứu độ, mà cái nhìn ấy biết giãi tỏa ánh sáng, vì nó nhắc nhớ tới ánh vinh quang đã chiếu sáng chính nó. Không để mình bị che tối bởi bất cứ chủ nghĩa bi quan hay yếm thế nào nào, cũng không để mình bị che lấp bởi tội lỗi, chúng ta hãy kiếm tìm và hãy nhìn ngắm vinh quang Thiên Chúa, tức vinh quang bừng sáng trong con người sống động. Amen.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 25 tháng 10 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội