Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô sáng thứ Tư ngày 18.11.2015: GIA ĐÌNH – Mục 33. Cánh Cửa Đón Tiếp

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Với những chiêm ngưỡng của mình, giờ đây chúng ta đã đến được với ngưỡng cửa của Năm Thánh; hiện tại, Năm Thánh đã đến rất gần rồi. Trước mặt chúng ta là một chiếc cửa; nhưng Cha không chỉ nghĩ tới Cổng Thánh, mà còn nghĩ tới bất cứ chiếc cửa nào khác: cánh cửa vĩ đại của Lòng Thương Xót Chúa – một cánh cửa tuyệt vời! – cánh cửa ấy đón nhận lòng thống hối của chúng ta, và ban tặng cho chúng ta hồn ân tha thứ. Cánh cửa được mở ra với một cách thức hào hiệp, nhưng chúng ta cần một chút can đảm để bước qua ngưỡng của nó. Bất cứ người nào đó trong chúng ta cũng mang trong mình một số vấn đề mà chúng đè nặng trên mình. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân! Chúng ta hãy sử dụng khoảnh khắc này và hãy bước qua ngưỡng cửa Lòng Thương Xót này của Thiên Chúa! Ngài không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta cũng như trong việc đợi chờ chúng ta. Ngài ngắm nhìn chúng ta và luôn luôn ở bên chúng ta. Chúng ta chỉ cần can đảm! Chúng ta hãy bước qua cánh cửa ấy!

Từ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới mà chúng ta đã tiến hành trong tháng 10 vừa qua, tất cả các gia đình cũng như Giáo hội trong sự toàn thể của mình, đều đã tiếp nhận một lời mời gọi để gặp gỡ nhau tại ngưỡng của cánh cửa rộng mở này. Giáo hội được kêu gọi hãy mở toang những cánh cửa của mình ra, để cùng với Thiên Chúa, đi ra khỏi chính mình, và đến với những người con trai con gái của mình, mà họ đang bước đi trên đường, nhưng đôi khi bị gây ngờ vực và do dự ngập ngừng trong những thời điểm khó khăn này. Các gia đình Ki-tô hữu cũng được kêu gọi một cách hoàn toàn đặc biệt trong việc mở cánh cửa ra cho Thiên Chúa, Đấng đang kiên nhẫn đợi chờ chúng ta cho phép Ngài vào để mang tới phúc lành và tình bằng hữu của Ngài. Và khi cánh của của Lòng Thương Xót Thiên Chúa luôn luôn mở rộng, thì rồi các cánh cửa của các Giáo hội, của các cộng đoàn, của các Giáo xứ, của các cơ sở và của các Giáo phận chúng ta cũng phải được mở rộng, để tất cả chúng ta có thể đi ra và có thể chuyển giao Lòng Thương Xót ấy của Thiên Chúa. Người ta nhận ra Năm Thánh bên cánh cửa rộng mở của Lòng Thương Xót Chúa, nhưng cũng cả ở nơi rất nhiều những cánh cửa nhỏ bé của các Giáo hội chúng ta, những cánh cửa ấy được mở ra để mời Thiên Chúa vào – cũng như cho phép Thiên Chúa đi ra, bởi Ngài đang bị nhốt lại trong những cấu trúc cũng như trong sự ích kỷ của chúng ta.

Thiên Chúa không bao giờ đập vỡ những cánh cửa: Ngài xin được vào. Chúng ta đọc thấy trong sách Khải Huyền rằng: „Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta“ (Kh 3,20). Chúng ta hãy thử hình dung xem, Thiên Chúa đang gõ vào cánh cửa tâm hồn chúng ta thế nào! Và trong đại thị kiến cuối cùng của sách Khải Huyền, thành trì của Thiên Chúa đã được nói tới: „Ngày nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng“; việc cửa luôn luôn được mở ra có nghĩa là gì? Thưa là vì: „ở đấy sẽ chẳng có đêm“ (Kh 21,25). Có những nơi trên thế giới này, tại đó, các cánh cửa không bao giờ bị đóng lại; thực sự là vẫn còn có những nơi như thế. Nhưng cũng có nhiều nơi, những cánh cửa an ninh luôn là điều bình thường. Chúng ta không được phép bằng lòng với suy nghĩ, ứng dụng hệ thống cửa an ninh ấy trên tất cả mọi lãnh vực cuộc sống chúng ta; trên đời sống gia đình, đời sống của các thành phố cũng như của các cộng đồng, và đặc biệt là trên đời sống Giáo hội. Đó sẽ là điều khủng khiếp! Một Giáo hội mà không có lòng hiếu khách thì giống hệt như một gia đình tự nhốt mình trong chính mình, một sự sỉ nhục Tin Mừng và làm cho thế giới trở nên cằn cỗi và vô sinh. Xin đừng bao giờ có những cánh cửa an ninh trong Giáo hội, xin đừng bao giờ như thế! Mọi cánh cửa đều phải được mở ra!

Sự quản lý các „cánh cửa“ có tính biểu tượng – những hạn ngạch, những kênh dẫn, những cánh cửa biên giới – đã trở nên rất quan trọng trong thời đại hôm nay. Một chiếc cửa, lẽ dĩ nhiên là phải bảo vệ, nhưng nó không được phép khước từ. Trái lại, người ta cũng không được phép đập phá cánh cửa; người ta phải xin phép để đi qua hay bước vào, vì lòng hiếu khách tỏa sáng trong sự tiếp đón một cách tự do, và sẽ bị làm u tối bởi việc xông vào một cách đầy bạo lực. Người ta phải thường xuyên mở cửa ra để ngó xem liệu có ai đó đang đứng bên ngoài hay không, mà có thể đó là người không có can đảm hay thậm chí không có sức để gõ cửa. Biết bao nhiêu người đã đánh mất sự vững tinh của mình, và đã không còn sự can đảm để gõ vào những con tim Ki-tô hữu của chúng ta cũng như gõ vào các cánh cửa của những Giáo hội chúng ta nữa… Họ đang đứng đó, không còn can đảm nữa, chúng ta đã lấy đi mất sự vững tin của họ: cầu xin cho điều này đừng diễn ra nữa! Một cánh cửa có thể bày tỏ cho chúng ta biết nhiều điều trong một căn nhà, kể cả việc bày tỏ cho biết nhiều điều về Giáo hội. Ai quản lý cánh cửa, người ấy phải có thể có được một sự biện phân tốt, nhưng cũng phải từ từ khơi lên niềm tín thác. Cha muốn dành cho tất cả những nhà giữ cổng một lời của một triết gia: dành cho các quản gia của chúng ta nhưng cũng dành cho những cơ quan dân sự của chúng ta, kể cả các Cha xứ của các Giáo hội chúng ta. Thường thì sự niềm nở và sự chu đáo của những người giữ cổng đã tạo cho chúng ta có được một cảm giác về sự sẵn sàng đón tiếp của cả nhà ngay tại cổng vào rồi. Chúng ta có thể học hỏi nhiều từ những người nam và những người nữ có chức năng như là người bảo vệ những nơi họp hành và đón tiếp tại những nơi con người đang sống. Hỡi tất cả những anh chị em đang có nhiệm vụ giữ cửa, bất luận đó là những người giữ cửa gia đình hay giữ cửa nhà thờ, Cha xin nồng nhiệt cám ơn anh chị em! Xin anh chị em hãy luôn nở nụ cười trên môi, hãy thể hiện thái độ sẵn sàng đón nhận của nơi mà anh chị em đang có nhiệm vụ giữ cửa, chẳng hạn như nhà thờ, nhà dân hay nhà chung, để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy được chào đón một cách nồng nhiệt nơi anh chị em.

Trong thực tế, chúng ta biết rằng, chính chúng ta cũng là những người giữ cửa và cũng là những người phục vụ chiếc cửa của Thiên Chúa; và cửa của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Thưa, là Chúa Giê-su! Ngài trao cho chúng ta một điều chỉ dẫn về tất cả những cánh cửa của cuộc sống, toàn bộ mọi cánh cửa nơi cuộc hiện sinh cũng như nơi sự chết của chúng ta. Chính Ngài đã dậy chúng ta điều đó: „Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ“ (Ga 10,9). Chúa Giê-su chính là cửa, cửa này cho phép chúng ta đi vào và đi ra. Vì chuồng chiên của Thiên Chúa chính là một nơi trú ẩn, không phải là một nhà tù! Nhà của Thiên Chúa là một nơi trú ẩn, không phải là một nhà tù; và cửa của ngôi nhà ấy chính là Chúa Giê-su! Và nếu khi nào cửa ấy bị đóng, thì người ta chỉ cần nói: „Lạy Chúa, xin mở cho chúng con vào!“ Chúa Giê-su là cửa; Ngài cho phép chúng ta bước vào và bước ra. Chỉ có những kẻ trộm cắp mới cố gắng đi vòng qua cửa. Những kẻ trộm cắp luôn luôn cố gắng đi vào bằng những con đường khác; qua cửa sổ hay chui qua mái nhà, nhưng chúng tránh xa cửa ra vào, vì chúng có những chủ đích xấu. Nếu chúng đột nhập vào được chuồng chiên của Chúa, thì rồi chúng sẽ lừa dối đàn chiên và muốn lạm dụng chiên. Nhưng chúng ta phải đi qua cửa mà vào, và phải vâng nghe giọng nói của Chúa Giê-su: Khi chúng ta tái nhận ra giọng nói của Ngài, thì rồi chúng ta sẽ được an toàn, chúng ta sẽ được cứu. Và sau đó chúng ta sẽ có thể đi ra đi vào mà không hề phải lo lắng chi. Trong diễn từ tuyệt vời của Chúa Giê-su, người giữ cửa cũng được nhắc đến, đó là người có nhiệm vụ mở cửa cho mục tử (xc. Ga 10,2). Khi người gác cửa nghe được giọng nói của mục tử, thì người gác cửa sẽ mau chóng mở cửa ra cho ông cũng như cho tất cả đàn chiên mà người mục tử dẫn theo, tiến vào; tất cả, kể cả những con chiên đã bị lạc trong những cánh rừng cũng như những con đã được mục tử đem trở về. Không phải người gác cửa đi tìm chiên, cũng chẳng phải vị thư ký của Giáo xứ tìm kiếm chiên của mình, nhưng là vị mục tử tốt lành làm chuyện đó, người mục tử tốt lành sẽ tìm kiếm chiên và mang nó trở về. Người giữ cửa cũng nghe theo giọng nói của mục tử. Chúng ta có thể nói nhỏ với nhau rằng, chúng ta phải trở nên giống như người gác cửa ấy. Giáo hội là nữ nhân viên giữ cửa nhà Thiên Chúa; Giáo hội không phải là bà chủ nhà.

Thánh Gia Nazareth đã biết một cách rất rõ về việc một cánh cửa được mở ra hay bị đóng kín đối với một người nào đó có nghĩa là gì, mà người đó đang trông chờ một đứa con, đang cần một nơi trú ngụ hay đang phải chạy trốn trước một sự nguy hiểm. Ước gì tất cả mọi gia đình Ki-tô hữu đều có thể biến ngưỡng cửa của ngôi nhà mình trở thành một biểu tượng nho nhỏ cho chiếc cửa lớn của Lòng Thương Xót và cho sự sẵn sàng đón nhận của Thiên Chúa. Vì nhờ đó, người ta có thể nhận ra Giáo hội khắp nơi trên thế giới này; người ta có thể nhận ra rằng, Giáo hội chính là nữ gác cửa của một Thiên Chúa, Đấng đang gõ; là nhân viên tiếp đón của một Thiên Chúa, Đấng không bao giờ dập cánh cửa vào mặt ai đó với luận điệu rằng, tôi không phải là người trong nhà. Với tinh thần này, chúng ta hãy đến gần Năm Thánh: Năm Thánh sẽ có một Cổng Thánh, nhưng cũng có cửa của Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa! Ước chi cánh cửa lòng chúng ta cũng sẽ được mở ra, để tất cả chúng ta đều có thể đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng như có thể trao tặng sự tha thứ từ phía chúng ta, và đón nhận tất cả những ai đang gõ cửa nhà chúng ta.

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Ngày Quốc Tế Về Quyền Trẻ Em“ sẽ được cử hành vào ngày kia. Bổn phận của tất cả chúng ta là phải bảo vệ trẻ em và phải yêu thích việc tạo hạnh phúc cho các em hơn bất cứ mối quan tâm nào khác, để các em không bị lạm dụng cũng như không bị bóc lột. Cha ước mong rằng, cộng đồng quốc tế sẽ có thể quan sát một cách chu đáo trên những điều kiện sống của các em, đặc biệt là tại những nơi các em đang bị chiêu mộ bởi các nhóm vũ trang, và mong sao cộng đồng quốc tế sẽ giúp đỡ các gia đình để họ đảm bảo quyền đến trường và quyền được giáo dục của bất cứ em nhỏ nào.

* * *

Vào ngày 21 tháng 11 này, Giáo hội sẽ cử hành Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thờ. Trong dịp này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về hồng ân ơn gọi của tất cả những người nam và những người nữ đã thánh hiến cuộc sống của họ cho Thiên Chúa trong các Đan Viện cũng như trong những nơi cô tịch. Để các Cộng Đoàn Đan Viện có thể chu toàn sứ mạng truyền giáo quan trọng của họ trong cầu nguyện và trong lao động âm thầm, chúng ta đừng thiếu với họ sự gần gũi cả về tinh thần lẫn thể chất của chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 18 tháng 11 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội