Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại quảng trường Barthélémy Boganda, Bangui, Trung Phi, ngày 30.11.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

sau khi nghe Bài Đọc I, có thể chúng ta sẽ ngỡ ngàng về sự  nhiệt tình và về niềm hăng say truyền giáo của Thánh Phao-lô Tông Đồ. „Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng!“ (Rm 10,15). Đối với chúng ta, đó là một lời mời gọi để nói lời tạ ơn về hồng ân Đức Tin mà chúng ta đã lãnh nhận từ những sứ giả đó, họ đã mang Đức Tin đến cho chúng ta. Đó cũng là một lời mời gọi để thán phục về công cuộc truyền giáo đã mang niềm vui Tin Mừng đến cho đất nước Trung Phi đáng quý trọng này trong thời gian cách nay chưa lâu. Thực là điều tốt đẹp – trước hết khi thời buổi có nhiều khó khăn, khi không thiếu những thử thách và khổ đau, khi tương lai không được bảo đảm, người ta cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi đến nỗi không thể kiến tạo nên tương lai – thì rồi sẽ là điều rất tốt khi người ta quy tụ chung quanh Chúa, như chúng ta đang thực hiện trong ngày hôm nay để vui mừng về sự hiện diện của Ngài, về đời sống mới và về ơn cứu độ mà Ngài đã giới thiệu cho chúng ta như một bến bờ khác, tức bờ bên kia mà chúng ta phải cố gắng đi tới.

Bờ bên kia được nói tới ở đây, chính là cuộc sống vĩnh cửu nào đó, hay Thiên Đàng, nơi chúng ta đang được đợi chờ. Cái nhìn hướng về thế giới tương lai này luôn hỗ trợ niềm can đảm của các Ki-tô hữu, của những người nghèo, và của những người cùng rốt trên cuộc hành trình dương thế của họ. Đời sống vĩnh cửu được nói tới ở đây không phải là một ảo ảnh, cũng không phải là sự trốn chạy khỏi thế giới; nó là một thực tại vĩ đại, nó mời gọi chúng ta và ràng buộc chúng ta phải kiên định trong Đức Tin và Đức Ái.

Nhưng bờ đang ở ngay bên kia mà chúng ta phải cố gắng đạt tới, hay là ơn cứu độ mà Đức Tin cung cấp cho chúng ta và được Thánh Phao-lô nói tới, chính là một thực tại có khả năng biến đổi cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng như biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống trong đó: „Ai tin thật trong lòng người ấy mới được nên công chính“ (xc. Rm 10,10). Người ấy đón nhận chính sự sống của Chúa Ki-tô, tức sự sống tạo điều kiện cho người ấy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân trong một cách thức mới, đến độ người ấy có thể làm cho một thế giới mà nó đã được canh tân bởi Tình Yêu, được hồi sinh.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về sự hiện diện của Ngài và về sức mạnh mà Ngài đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, khi chúng ta phải trải qua những ưu phiền, những tang tóc, những khổ đau cả về thể lý lẫn luân lý; chúng ta hãy tạ ơn Ngài vì những công việc của tình liên đới và sự quảng đại mà Ngài đã giúp chúng ta thực hiện; đối với niềm vui và Đức Ái mà Ngài đã làm cho chúng lóe sáng trong các gia đình cũng như trong các cộng đoàn chúng ta, đôi khi, bất chấp nỗi khốn cùng, bất chấp bạo lực mà chúng vẫn bủa vây chúng ta, hay nỗi sợ hãi trước ngày mai; chúng ta hãy tạ ơn Ngài vì sự can đảm mà Ngài đã khơi lên trong tâm hồn chúng ta để thắt chặt các mối dây tình bạn, bước vào trong sự đối thoại với những người mà họ không giống chúng ta, tha thứ cho những người mà họ đã làm điều ác cho chúng ta, dấn thân trong việc kiến tạo nên một xã hội công bằng và huynh đệ, nơi đó sẽ không có bất cứ ai bị bỏ mặc. Bên tất cả những điều đó, Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ giơ cánh tay của Ngài ra cho chúng ta và dẫn chúng ta đi theo Ngài. Và Cha muốn cùng với tất cả anh chị em tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đầy Lòng Xót Thương, về tất cả những gì mà Ngài đã cho phép anh chị em thực hiện một cách tốt đẹp, quảng đại và can đảm trong các gia đình cũng như trong các cộng đoàn của anh chị em, trong những biến cố mà chúng diễn ra tại đất nước anh chị em từ nhiều năm nay.

Nhưng cũng cần phải nói một cách thật sự rằng, chúng ta vẫn chưa đạt tới đích. Chúng ta vẫn còn đang ở giữa dòng sông, và chúng ta phải can đảm quyết định tiếp tục chèo chống để tới được bờ bên kia, trong sự dấn thân truyền giáo đã được canh tân. Bất cứ người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng đều phải không ngừng đoạn tuyệt với cái mà nó vẫn đang còn sót lại trong mình từ con người cũ, từ con người tội lỗi, mà con người ấy luôn sẵn sàng tái thức dậy theo tiếng gọi nhử của Sa-tan – và hắn đang hoạt động rất mạnh trong thế giới chúng ta, cũng như trong thời gian xung đột, hận thù và chiến tranh này! -, bên tiếng gọi nhử của Sa-tan, kẻ muốn dẫn người ấy tới chỗ ích kỷ, tới chỗ chỉ nhìn vào lỗ rốn, tới chỗ ngờ vực, bạo lực, hủy hoại cách mù quáng, báo thù, và tới chỗ khinh mạn và bóc lột những người yếu đuối…

Chúng ta cũng biết, các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta, tức những cộng đoàn được mời gọi nên thánh, vẫn còn phải quay lại với một con đường dài. Chắc chắn tất cả chúng ta đều phải xin Chúa tha thứ cho rất nhiều những phản kháng cũng như cho sự uể oải trong việc làm chứng cho Tin Mừng. Ước chi Năm Thánh về Lòng Thương Xót vừa mới được khai mạc trong đất nước của anh chị em sẽ trở thành cơ hội cho việc đó. Và anh chị em, những người Trung Phi thân mến, trước hết anh chị em phải hướng về tương lai, và được củng cố nhờ vào con đường đã được mở sẵn, anh chị em phải quyết định một cách đầy cương nghị để hiện thực hóa một chặng đường mới trong lịch sử Ki-tô giáo của đất nước anh chị em, để chạy về phía những chân trời mới, để tiếp tục chèo chống trong vùng nước sâu. Thánh An-rê Tông Đồ và em của Ngài là Thánh Phê-rô đã không hề do dự dù chỉ trong một giây lát, trước tiếng gọi mời của Chúa Giê-su là hãy bỏ mọi sự để đi theo Ngài: „Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người“ (Mt 4,20). Ở đây chúng ta cũng ngạc nhiên rất nhiều về sự hăng hái quá đỗi của cả hai vị Tông Đồ, Chúa Giê-su đã rất lôi cuốn họ đến độ họ cảm thấy rằng, họ có thể đảm nhận mọi việc cũng như dám làm mọi việc với Ngài.

Giờ đây mỗi người đều có thể tự đặt ra cho con tim mình một câu hỏi rất quan trọng về mối tương quan cá nhân của mình đối với Chúa Giê-su, và có thể thẩm tra xem, mình đã đón nhận hay đã khước từ điều gì, trong việc đáp lại lời mời gọi đi theo Ngài một cách khắng khít. Tiếng gọi của các sứ giả vẫn còn tiếp tục vang lên bên tai chúng ta, ngay cả trong những thời gian khắc nghiệt – đó là tiếng gọi „đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.“ (Rm 10,18; xc. Tv 19,5). Và tiếng gọi ấy đang vang lên ngay tại đây, hôm nay, trong đất nước Trung Phi này; nó đang vang lên trong con tim của mỗi chúng ta, trong các gia đình và các Giáo xứ chúng ta, bất cứ nơi đâu chúng ta sống, và nó mời gọi chúng ta hãy kiên định trong niềm hăng hái đối với sứ vụ truyền giáo – đó là một sứ vụ đang cần tới những tân sứ giả, cần nhiều sứ giả hơn, quảng đại hơn, vui mừng hơn và thánh thiện hơn. Và tất cả chúng ta đều được kêu gọi – theo từng cá nhân -, trở nên những sứ giả mà những người anh em hay những người chị em của chúng ta, bất luận họ thuộc sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa nào, cũng đều đang đợi chờ, mà thường thì họ không biết điều đó. Trong thực tế, những người anh em hay những người chị em này sẽ có thể tin vào Chúa Ki-tô như thế nào – Thánh Phao-lô đã tự hỏi như vậy – khi Lời Chúa không được lắng nghe, không được công bố?

Theo gương Thánh Tông Đồ, chúng ta cũng phải trở nên niềm hy vọng tràn trề cũng như trở nên một niềm hăng hái đối với tương lai. Bờ bên kia đang ở rất gần, và Chúa Giê-su sẽ băng qua sông với chúng ta. Ngài đã phục sinh từ cõi chết; từ đó, những cơn thử thách và những nỗi khổ đau mà chúng ta phải trải qua, luôn luôn trở thành những cơ hội để mở ra những cánh cửa cho một tương lai mới, nếu chúng ta chấp nhận thắt chặt bản thân mình vào với con người của Ngài. Các Ki-tô hữu Trung Phi, mỗi người trong anh chị em, với sự kiên định trong Đức Tin và với sự dấn thân truyền giáo của mình, đều được kêu gọi hãy trở nên một „khí cụ“ cũng như trở nên một nhà tạo dáng cho sự canh tân cả về nhân bản lẫn tinh thần trong đất nước anh chị em.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng, sau khi đã cùng trải qua cuộc khổ nạn với con của mình, giờ đây đang tham dự trong niềm vui tràn đầy của Chúa Con, bảo vệ và khích lệ anh chị em trên con đường hy vọng này. Amen.

 

Quảng trường Barthélémy Boganda, Bangui, Trung Phi, ngày 30 tháng 11 Năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội