Bài huấn dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật ngày 06.12.2015: „Chúng ta cần hoán cải không ngừng!

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Nhân ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng hôm nay, Phụng Vụ dẫn chúng ta đi vào trong trường học của Thánh Gio-an Tẩy Giả, người đã „rao giảng khắp nơi về sự hoán cải và về việc lãnh nhận Phép Rửa để được ơn tha thứ tội lỗi“ (Lc 3,3). Có lẽ điều đó khơi lên trong chúng ta một câu hỏi: „Tại sao chúng ta cần phải hoán cải? Sự hoán cải liên quan tới những người theo chủ nghĩa vô thần, mà họ sẽ tin, hay tới những tội nhân, mà họ sẽ trở nên công chính; chứ chúng ta không cần hoán cải, chúng ta đã là các Ki-tô hữu rồi! Chúng ta đang trên đường công chính.“ Lập luận như thế là không đúng. Nếu chúng ta nghĩ như thế thì có nghĩa là chúng ta không thấy rằng, đó thực sự là một sự kiêu ngạo – chúng ta đã là những Ki-tô hữu rồi, chúng ta là những người tốt lành, chúng ta đang trên đường công chính – chúng ta phải tránh cho mình điều đó. Từ sự kiêu ngạo này, từ sự sự tưởng tượng rằng, về cơ bản, mọi thứ đều ổn cả, và chúng ta không cần hoán cải. Nhưng chúng ta hãy hỏi, liệu chúng ta có sở hữu chính những cảm nghĩ như Chúa Giê-su trong tất cả mọi trạng huống cuộc sống hay không? Chúng ta có thực sự cảm nhận như Chúa Giê-su không? Phải chăng khi chúng ta xử sự cách bất công, chúng ta sẽ có khả năng tham gia mà không gây thù oán, chúng ta sẽ có khả năng tha thứ trọn tấm lòng cho những người xin lỗi chúng ta? Thật là khó để tha thứ biết chừng nào! Thật khó biết chừng nào! „Tôi sẽ trả thù bạn về điều đó!“ Đó là những lời mà chúng tuôn ra một cách tự động từ trong lòng chúng ta! Giả như chúng ta được kêu gọi hãy chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, thì chúng ta có khả năng khóc một cách chân thành với những người đang khóc và vui với những người đang vui không? Nếu như chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình, thì rồi chúng ta có biết cách để thực hiện điều đó với sự can đảm và đơn giản mà không hề xấu hổ về Tin Mừng không? Và như thế chúng ta sẽ còn có thể đặt ra những câu hỏi khác nhau. Chúng ta chưa đến nơi, chúng ta cần phải hoán cải luôn luôn, chúng ta luôn phải biến những cảm nghĩ của Chúa Giê-su thành của riêng mình.

Giọng nói của Gio-an Tẩy Giả ngày hôm nay cũng vẫn còn vang lên trong những sa mạc hiện đại – những sa mạc của thời đại hôm nay là cái gì? – trong những đầu óc khép kín và những con tim chai cứng, và ông đang đặt ra cho chúng ta một câu hỏi có tính khiêu khích, liệu chúng ta có đang thực sự ở trên con đường công chính hay không, và liệu chúng ta có thực sự sống theo Tin Mừng không? Kể cả hôm nay cũng như hồi đó, ông luôn nhắc nhớ chúng ta bằng những lời của Ngôn Sứ Isaia: „Hãy chuẩn bị con đường cho Chúa!“ (Lc 3,4). Mở tâm hồn chúng ta ra và đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang giới thiệu với chúng ta một cách không ngừng và hầu như kiên định, chính là một đòi hỏi khẩn thiết, vì Ngài muốn giải phóng tất cả chúng ta khỏi cảnh tù ngục của tội lỗi. Nhưng vị Ngôn sứ còn đi tiếp và công bố rằng: „Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ từ Thiên Chúa chúng ta“ (Lc 3,6). Và ơn cứu độ đã được giới thiệu cho từng cá nhân con người cũng như cho tất cả mọi dân tộc; tất cả chúng ta, không loại trừ ai. Không ai có thể nói: „Tôi là thánh, tôi trọn lành, tôi đã được cứu độ rồi.“ Không ai! Chúng ta luôn luôn phải nhận ra lời mời chào về ơn cứu độ ấy. Vì thế, Năm Thánh về Lòng Thương Xót cũng là lời mời gọi hãy tiếp tục tiến về phía trước trên con đường này của ơn cứu độ, trên con đường mà Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta. Thiên Chúa muốn rằng, tất cả mọi người đều được cứu độ nhờ vào Chúa Giê-su, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (xc. 1 Tm 2,4-6).

Vì thế, bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều được kêu gọi làm cho Chúa Giê-su được biết đến bởi những người chưa nhận biết Ngài. Nhưng điều đó không có nghĩa là quảng cáo để tìm người ủng hộ. Không! Nó có nghĩa là mở ra một cánh cửa. „Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!“ (1 Cor 9,16) – Thánh Phao-lô viết. Nếu như Đức Giê-su, Thiên Chúa, đã biến đổi cuộc sống chúng ta và đã từng canh tân nó, nếu như chúng ta đi đến với Ngài, thì rồi chẳng lẽ chúng ta lại không thể cảm thấy ước muốn cháy bỏng trong việc giới thiệu Ngài cho tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ họ hằng ngày, tại nơi làm việc, trong trường học, nơi những người hàng sóm láng giềng, trong các bệnh viện và trong lúc rảnh rỗi, hay sao? Nếu chúng ta nhìn chung quanh mình, chúng ta sẽ thấy được vô vàn những con người đang sẵn sàng để bắt đầu con đường Đức Tin, hay tái tiếp nhận con đường ấy, nếu như họ có thể nhìn thấy những con người đáng yêu trong Chúa Ki-tô! Chúng ta không thể hay không nên trở thành những con người ấy hay sao? Chúng ta hãy tự hỏi: „Tôi có thực sự đáng yêu trong Chúa Giê-su hay không? Tôi có xác tín rằng, Chúa Giê-su đang giới thiệu và đang mang ơn cứu độ đến cho tôi không? Nếu tôi yêu mến Ngài, tôi phải làm cho Ngài được nhận biết“. Nhưng chúng ta phải có sự can đảm: san cho bằng những đồi núi của sự kiêu ngạo và của sự ganh đua, lấp cho đầy những huyệt mộ của sự thờ ơ lãnh đạm và sự dửng dưng, nắn cho thẳng những con đường muốn sự dễ dãi của chúng ta.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta – Mẹ là một người Mẹ và biết cách thực hiện điều đó như thế nào – để phá đổ những rào chắn và những vách ngăn mà chúng ngăn cản con đường hoán cải của chúng ta, tức con đường dẫn tới Thiên Chúa. Chỉ mình Ngài, chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể thỏa mãn tất cả mọi niềm hy vọng của con người!

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha đang theo dõi những bước tiến của Hội Nghị về khí hậu tại Paris với sự chăm chú hết mức, và ở đây một câu hỏi lại chợt nảy sinh trong đầu Cha, đó là câu hỏi Cha đã từng đặt ra trong Thông Điệp Laudato si`: „Chúng ta muốn để lại loại thế giới nào cho những thế hệ đang đến sau chúng ta, đó là những em bé đang lớn lên?“ (xc. S 160). Để mang đến niềm hạnh phúc cho ngôi nhà chung của chúng ta thì tất cả chúng ta cũng như các thế hệ tương lai phải cố gắng phản ứng lại với hậu quả của việc biến đổi khí hậu, và đồng thời phải đấu tranh chống lại nạn đói nghèo cũng như phải để cho nhân phẩm được phát triển. Cả hai điều này thuộc về nhau: Ngăn chặn sự biến đổi khí hậu và chiến đấu chống lại sự nghèo đói, hầu cho nhân phẩm có thể phát triển. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng cho những người mà họ được kêu gọi  để đưa ra những quyết định quan trọng như thế và cho phép họ được sử dụng niềm hạnh phúc chung của toàn thể gia đình nhân loại như là tiêu chuẩn duy nhất đối với những quyết định của họ.

Ngày mai chính là ngày kỷ niệm lần thứ 50 một biến cố đáng ghi nhớ giữa Công giáo và Chính Thống giáo. Vào chiều ngày mồng 07 tháng 12 năm 1965, tức buổi chiều trước ngày bế mạc Công Đồng Vatican II, Đức Phao-lô VI và Đức Thượng Phụ Đại Kết Athinagoras đã bãi bỏ vạ tuyệt thông đối với nhau, mà vạ này đã tồn tại từ năm 1054 giữa Giáo hội Rô-ma và Giáo hội Konstantinopoli. Đó thực sự là một dấu chỉ của sự quan phòng rằng, chúng ta đang tưởng nhớ cử chỉ hòa giải có tính lịch sử này, mà cử chỉ ấy đã tạo nên một điều kiện tiên quyết đối với một cuộc đối thoại mới giữa Chính Thống giáo và Công giáo. Sẽ không có con đường đích thực dẫn tới sự hiệp nhất nếu như không có việc xin tha thứ cho những tội lỗi và những chia rẽ. Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy nhớ tới Đức Thượng Phụ Bartholomaios khả ái, cũng như nhớ tới những nhà lãnh đạo tối cao khác của các Giáo hội Chính Thống, và ở đây chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Người làm cho những mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo luôn luôn được ghi đậm dấu ấn bởi Tình Yêu huynh đệ.

Hôm qua, cuộc tôn phong Chân phúc cho hai Tu Sĩ Dòng Thánh Phan-xi-cô – Michael Tomaszek và Zbigniew Strzalkowski -, cũng như cho cha Alessandro Dordi, đã diễn ra tại Chimbote (Peru). Tất cả ba vị này đều đã bị sát hại vào năm 1991 bởi những kẻ hằn thù Đức Tin. Ước gì sự trung tín của các vị Tử Đạo này sẽ trao ban sức mạnh cho tất cả chúng ta trong việc đi theo Chúa Giê-su, nhưng đặc biệt là cho các tín hữu đang bị bách hại tại rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, để tất cả chúng ta cùng làm chứng cho Tin Mừng với sự can đảm.

Cha xin kính chào tất cả anh chị em, những người hành hương đã đến đây từ Ý và từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới – Cha đang nhìn thấy nhiều lá cờ -, đặc biệt là Ca Đoàn nhà thờ Milherós de Poiares và các tín hữu đến từ Casal de Cambra, Bồ-đào-nha. Cha xin kính chào các tham dự viên của hội nghị Movimento di Impegno Educativo di Azione Cattolica, các tín hữu đến từ Biella, Mailand, Cusano Milanino, Nettuno, Rocca di Papa và Foggia; các tân thụ nhân Bí Tích Thêm Sức đến từ Roncone và những người chuẩn bị lãnh Bí Tích Thêm Sức đến từ Settimello, các nhạc công đến từ Calangianus và Ca Đoàn đến từ Taio.

Cha kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp và một sự chuẩn bị tốt cho Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành và xin hẹn gặp lại anh chị em!

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày mồng 06 tháng 12 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội