Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung trưa thứ Tư ngày 09.12.2015: Mục Đích Của Năm Thánh Lòng Thương Xót

 

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm qua, tại đây, trong Đền Thờ Thánh Phê-rô, Cha đã mở Cổng Thánh của Năm Thánh về Lòng Thương Xót, sau khi Cha đã mở một Cổng Thánh như vậy tại nhà Thờ Chính Tòa Bangui của Trung Phi. Hôm nay Cha muốn nói với anh chị em về ý nghĩa của Năm Thánh này, bằng cách là chúng ta tự đặt câu hỏi: Đâu là mục đích của Năm Thánh về Lòng Thương Xót? Ý nghĩa thực sự của Năm Thánh này là gì? Giáo hội cần tới một thời gian đặc biệt. Cha không có ý nói: thời gian đặc biệt này làm cho Giáo hội nên tốt. Nhưng Cha chỉ có ý muốn nói: Giáo hội cần thời gian đặc biệt này. Trong thời gian có nhiều sự thay đổi một cách sâu sắc này, Giáo hội được kêu gọi hãy thực hiện sự đóng góp riêng của mình, bằng cách là Giáo hội làm cho những dấu chỉ về sự hiện diện cũng như sự gần gũi của Thiên Chúa trở nên rõ ràng. Năm Thánh là một thời gian có ích cho tất cả chúng ta, vì trong khi chúng ta chiêm ngưỡng Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, mà Lòng Xót Thương ấy vượt qua tất cả mọi ranh giới và hạn chế của con người, cũng như chiếu tỏa ánh sáng trên mọi vùng u tối của tội lỗi, chúng ta sẽ có thể trở nên những chứng nhân đáng tin cậy và đầy công hiệu.

Hướng cái nhìn của chúng ta lên Thiên Chúa, Đấng là Cha giầu lòng xót thương, và hướng về những người anh chị em của chúng ta mà họ đang cần tới Lòng Xót Thương, có nghĩa là đặt mối quan tâm của chúng ta trên một khía cạnh hoàn toàn căn bản của Tin Mừng: Chúa Giê-su, Lòng Xót Thương trở thành người, đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Cử hành một Năm Thánh về Lòng Thương Xót có nghĩa là, chúng ta tái đặt điều căn bản của Đức Tin Ki-tô giáo, và thực ra đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa giầu lòng xót thương, vào trong trung tâm điểm của cuộc sống chúng ta.

Như vậy thì Năm Thánh có nghĩa là trải qua Lòng Xót Thương. Vâng, thưa anh chị em thân mến, Năm Thánh này được tặng ban cho chúng ta, để chúng ta có thể có được kinh nghiệm trong cuộc sống chúng ta về sự đụng chạm dịu hiền và trìu mến của ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa và sự gần gũi của Ngài ngay sát cạnh chúng ta, đặc biệt là trong những khoảnh khắc khó khăn.

Như vậy, Năm Thánh này chính là một thời gian đặc quyền đề hiểu sâu hơn về điều „làm cho Thiên Chúa hài lòng nhất“. Và điều gì sẽ làm cho Thiên Chúa hài lòng nhất? Thưa: tha thứ cho những người con của Ngài và chứng minh cho họ thấy Lòng Xót Thương của Ngài, để về phía mình, họ cũng sẽ tha thứ cho những người anh chị em của họ và chiếu tỏa trong thế giới như là những ngọn đuốc đến từ Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Đó chính là điều làm Thiên Chúa vui lòng nhất. Trong một cuốn sách Thần Học mà Thánh Ambrôxiô viết về A-đam, Thánh Nhân đã khẳng định rằng, trong lịch sự sáng tạo vũ trụ, cứ sau mỗi ngày  mà Thiên Chúa đã sáng tạo nên một điều chi đó, chẳng hạn như mặt trời, mặt chăng hay muông thú, Kinh Thánh đều nói: „Và Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp.“ Nhưng sau khi Ngài sáng tạo nên người nam và người nữ, thì Kinh Thánh lại nói: „Thiên Chúa tất cả những gì Ngài đã tác thành đều rất tốt đẹp.“ Thánh Ambrôxiô tự hỏi: „Tại sao ở chổ này Kinh Thánh lại nói rằng ´rất tốt đẹp`? Tại sao Thiên Chúa lại rất hài lòng sau khi đã tác thành con người?“ Vì rốt cục thì giờ đây Ngài cũng đã có được một ai đó để Ngài có thể tha thứ! Thật là điều tuyệt vời: Thiên Chúa vui mừng về việc Ngài có thể thứ tha; bản tính của Thiên Chúa là Lòng Xót Thương. Vì thế, trong năm nay, chúng ta phải mở cõi lòng mình ra, để cho Tình Yêu này, để cho niềm vui này của Thiên Chúa làm tràn ngập tất cả chúng ta với Lòng Xót Thương ấy. Năm Thánh sẽ trở thành một „thời gian tốt“ đối với Giáo hội, nếu như chúng ta thực hiện điều „làm cho Thiên Chúa hài lòng nhất“, mà không hề có chuyện buông mình cho cơn cám dỗ để nghĩ rằng, có thể còn có một cái gì đó khác quan trọng hơn hay ưu việt hơn. Không có bất cứ điều chi quan trọng hơn cho bằng chọn làm theo cái „làm cho Thiên Chúa hài lòng nhất“; mà thực ra, đó là Lòng Xót Thương, là Tình Yêu, là sự trìu mết và là cái ôm của Ngài!

Việc canh tân cần thiết đối với những định chế hay những cơ cấu của Giáo hội cũng phải hỗ trợ chúng ta như là một phương tiện mà nó cho phép có được một kinh nghiệm sống động về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, mà chỉ Lòng Xót Thương ấy mới có thể làm cho Giáo hội trở thành một thành phố nằm trên núi và vì thế không bao giờ có thể bị che khuất (xc. Mt 5,14). Chỉ có Giáo hội xót thương mới có thể phát tán ánh sáng của mình! Chỉ cần chúng ta quên đi trong một khoảnh khắc rằng, Lòng Thương Xót chính là điều „làm Thiên Chúa vui lòng nhất“, thì rồi tất cả mọi cố gắng của chúng ta đều cũng sẽ trở nên vô ích, vì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những định chế và những cơ cấu của chúng ta, dù rằng những định chế và những cơ cấu đó có được canh tân đến mức nào. Chúng ta vẫn sẽ là những nô lệ.

Cảm thấy niềm vui trong chúng ta một cách sâu sắc hơn trước việc chúng ta được tái tìm thấy bởi Chúa Giê-su, Đấng đã đến vơi tư cách là mục tử nhân lành để kiếm tìm chúng ta, vì chúng ta đã lầm đường lạc lối“ (Bài giảng Kinh Chiều I Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, 11.04.2015): Đó là đích điểm mà Giáo hội đặt ra cho mình trong Năm Thánh này. Như thế chúng ta sẽ được củng cố trong mình niềm xác tín rằng, Lòng Thương Xót có thể đóng góp thực sự trong việc sáng tạo nên một thế giới nhân văn. Đặc biệt là trong thời đại hôm nay, vì sự tha thứ đã trở thành một vị khách hiếm trong các mối tương quan giữa con người với nhau, do đó, lời mời gọi trở nên nhân hậu càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết và ở bất cứ nơi nào: trong cộng đồng, trong các cơ sở khác nhau, nơi làm việc, và trong các gia đình.

Tất nhiên, người ta vẫn có thể vặn lại: „Nhưng thưa Cha, trong năm nay, phải chăng Giáo hội không phải làm gì nữa? Quả là tốt đẹp biết bao khi chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhưng vẫn còn có những điều cần kíp hơn!“ Đúng là như thế, có nhiều việc để làm, và chính bản thân Cha cũng sẽ không bao giờ mỏi mệt trong việc nhắc tới điều đó. Nhưng chúng ta phải thú nhận rằng, sự ích kỷ luôn luôn đứng trong gốc rễ của sự bất nhân. Trong thế giới, sự ích kỷ tiếp nhận hình hài của một sự kiếm tìm duy nhất những mối quan tâm, những thú vui và danh vọng riêng, được gắn kết chặt chẽ với sự khao khát tài sản vật chất càng ngày càng lớn hơn; trong đời sống của các Ki-tô hữu, sự ích kỷ ấy thường ẩn mình đàng sau giới biệt phái và tinh thần thế tục. Tất cả những điều đó đều chống lại Lòng Thương Xót. Cảm quan của sự ích kỷ sẽ làm cho Lòng Thương Xót trở thành một điều xa lạ giữa thế giới; chúng rất đa dạng đến độ chúng ta thường không hoàn toàn ở trong tình trạng nhận ra chúng như là những điều thiếu sót và tội lỗi. Vì thế, điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng, chúng ta là những tội nhân, hầu củng cố niềm xác tín của chúng ta vào Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. „Lạy Chúa, con là một nam tội nhân, là một nữ tội nhân: Xin đến cùng con với Lòng Xót Thương của Chúa!

Anh chị em thân mến, Cha hy vọng rằng, trong Năm Thánh này, bất cứ một ai trong chúng ta cũng đều sẽ có được kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để tất cả chúng ta đều trở thành những chứng nhân cho điều „làm đẹp lòng Thiên Chúa Nhất“. Phải chăng sẽ là ngây thơ khi tin rằng, người ta có thể biến đổi thế giới? Vâng, đối với con người, điều đó xem ra có vẻ điên rồ; nhưng „sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của con người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sức mạnh của con người“ (1 Cor 1,25).

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày mồng 09 tháng 12 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội