Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 10.02.2016: Mục 7 - Năm Thánh Trong Kinh Thánh – Công lý và Bình Đẳng

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp cũng như một cuộc hành trình tốt đẹp xuyên qua Mùa Chay!

Thật là tuyệt vời và cũng thật ý nghĩa khi chúng ta có buổi tiếp kiến này ngay trong ngày thứ Tư Lễ Tro. Giờ đây chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình xuyên qua Mùa Chay, và hôm nay chúng ta sẽ suy tư về định chế cổ xưa của „Năm Hồng Ân“, mà nó được chứng thực trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy nó một cách đặc biệt trong sách Lê-vi. Sách này miêu tả Năm Hồng Ân như là cao điểm của đời sống tôn giáo và xã hội của dân Israel.

Cứ 50 năm một lần, vào Ngày Giao Hòa (Lv 25,9), mà trong ngày đó, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được công bố cho toàn dân, tiếng tù và sẽ công bố một Năm Toàn Xá. Trong thực tế, chúng ta đọc thấy trong sách Lê-vi rằng: „Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình“ (Lv 25,10.13). Theo những chỉ thị này, thì một người nào đó, nếu như người ấy bị ép buộc phải bán đất đai, ruộng vườn và nhà cửa của mình, thì sẽ có thể tái nhận lại những tài sản đó trong Năm Toàn Xá; và nếu một ai đó đã chồng chất nợ nần và không thể hoàn lại chúng được nữa, và vì thế đã phải đi ở đợ cho người chủ nợ, thì người ấy có thể trở về với gia đình mình với tư cách là người tự do, và tái nhận lại mọi tài sản của mình.

Đó là một hình thức toàn xá, mà với nó, người ta sẽ tạo điều kiện cho tất cả mọi người tái trở lại tình trạng ban đầu, và với sự xá giải tất cả mọi nợ nần, cũng như sự hoàn lại ruộng đất, sẽ giành lại được sự tự do của mình và khả năng tái trở thành thành viên của dân Thiên Chúa. Một dân „thánh“, mà ở đó, những mệnh lệnh, chẳng hạn như những chỉ thị về việc tổ chứ Năm Hồng Ân, được công bố nhằm chống lại sự nghèo túng và bất công, trong đó bất cứ ai cũng đều được bảo đảm cho một cuộc sống xứng nhân phẩm và một sự phân chia đồng đều về ruộng đất, mà từ đó người ta có thể nhận được nguồn sinh sống của mình. Ý tưởng trung tâm để tổ chức Năm Toàn Xá xuất phát từ quan điểm cho rằng, ngay từ nguyên thủy, mọi đất đai đều thuộc về Thiên Chúa và được ủy thác cho con người (xc. St 1,28-29). Vì thế, không ai có thể tự ý định đoạt về những tài sản dành riêng cho mình, mà bằng cách đó, những tình trạng bất công sẽ bị tạo ra. Ngày hôm nay chúng ta có thể tái suy tư về điều đó; mỗi người hãy suy nghĩ trong con tim của mình xem, liệu có phải là tôi đang sở hữu quá nhiều của cải hay không? Tại sao chúng ta không nhượng lại những tài sản đó cho những người mà họ đang có quá ít? Mười phần trăm hay năm mươi phần trăm… Cha cầu xin rằng: Ước gì Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng cho mỗi người trong anh chị em.

Với Năm Hồng Ân, bất cứ người nào đã bị bần cùng hóa, đều có thể đạt tới được những tài sản cần thiết cho cuộc sống, và bất kỳ ai đã làm giầu cho mình, cũng sẽ trả lại cho những người nghèo điều mà họ đã cướp đi của những người nghèo ấy. Đích nhắm chính là một xã hội được kiến tạo trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi đó, tự do, tiền của và đất đai sẽ trở thành một tài sản chung của tất cả, và không phải chỉ được dành cho một số người nào đó, giống như nó đang diễn ra trong xã hội ngày nay nếu như Cha không lầm… Dù ít hay nhiều, những con số thì không chính xác, nhưng 80% tài sản của nhân loại đang được nắm trong tay những người mà họ chỉ chiếm dưới 20%. Đó là một Năm Thánh – và Cha nói điều đó, trong khi Cha nhớ tới Lịch Sử Cứu Độ của chúng ta – đối với sự hoán cải, hầu cho con tim của chúng ta ngày càng trở nên to lớn, càng trở nên rộng lượng, càng bác ái, càng xứng đáng làm con Thiên Chúa hơn. Cha xin nói với anh chị em một điều: nếu Năm Thánh này không trải dài tới tận những chiếc ví tiền, thì nó sẽ không còn phải là Năm Thánh thực sự nữa. Anh chị em có hiểu không? Và điều đó có trong Kinh Thánh! Điều đó không phải do vị Giáo Hoàng nào sáng chế ra: nó có trong Kinh Thánh. Mục đích, như Cha đã nói, là một xã hội mà nó được đặt nền móng trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi đó, sự tự do, đất đai, ruộng vườn và tiền bạc là tài sản chung của tất cả mọi người, và không phải chỉ là tài sản được dành riêng cho một ít người.

Trong thực tế, Năm Thánh đã có chức năng giúp dân chúng trong việc sống tình huynh đệ cách cụ thể, mà tình huynh đệ đó phát xuất từ sự giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta có thể nói rằng, theo Kinh Thánh, Năm Thánh là một „Năm Thánh Lòng Thương Xót“, vì nó được sống với việc kiếm tìm niềm hạnh phúc của những người anh chị em nghèo túng.

Trên cùng một tuyến, những định chế và những bộ luật khác đã điều chỉnh đời sống dân Chúa, để người ta có thể nếm trải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa xuyên qua cuộc sống con người. Trong những quy định ấy, ngày hôm nay chúng ta cũng thấy một số vẫn còn hiệu lực. Những quy định ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong thực tế, bộ luật trong Kinh Thánh đã quy định việc nộp thuế „thập phân“ cho những người thuộc dòng tộc Lê-vi. Những người này có trách nhiệm đối với những hành vi phượng tự và không được sở hữu ruộng vườn, và cũng dành cho cả những người nghèo, những cô nhi và quả phụ nữa (xc. Đnl 14,22-29). Vì thế, người ta đã dự kiến rằng, một phần mười của vụ mùa hay của những khoản lợi tức khác sẽ được trao cho những người thiếu thốn và không được bảo vệ, và nhờ thế, tạo điều kiện cho một sự bình đẳng nào đó trong một dân tộc, mà trong đó, tất và đều phải được cư xử như những người anh chị em.

Cũng có bộ luật mà nó liên quan tới hoa lợi đầu mùa, tức phần đầu tiên và có giá trị nhất của vụ thu hoạch, nó phải được chia sẻ với những người thuộc chi tộc Lê-vi và với những ngoại kiều mà họ không sở hữu ruộng vườn, đến độ, ngay cả đối với họ, ruộng vườn cũng là nguồn lương thực và là nguồn nuôi sống (xc. Đnl 18,4-5; 26,1-11). Đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta – Thiên Chúa phán (Lv 25,23). Tất cả chúng ta đều là những người khách của Thiên Chúa, trong sự đợi chờ quê hương trên trời (xc. Dt 11,13-16; 1Phr 2,11), và được kêu gọi, làm cho thế giới mà nó đón nhận chúng ta, trở thành nơi có thể cư ngụ và thích hợp với con người. Và biết bao nhiêu là những „hoa trái đầu mùa“ mà những người đang có nhiều hạnh phúc có thể dành tặng cho những người đang gặp cảnh khó khăn! Vâng, biết bao nhiêu là hoa trái đầu mùa! Những hoa trái đầu mùa không phải chỉ là thành quả từ lao động nơi cánh đồng, nhưng cũng còn là thành quả của bất cứ công việc nào khác, của tiền lương, của tiền tiết kiệm, rất nhiều những điều mà người ta đang sở hữu và đôi khi bị lãng phí. Đó là điều cũng đang xảy ra ngay cả trong xã hội hôm nay. Tại cơ quan từ thiện của Tòa Thánh, nhiều bức thư đã được gửi đến kèm theo một ít tiền: „Đó là một phần trích từ lương của con để giúp đỡ người khác“. Và thật là điều tuyệt vời khi giúp đỡ người khác, giúp đỡ những cơ quan từ thiện, giúp đỡ các bệnh viện và giúp đỡ các viện dưỡng lão…; kể cả cho những người ngoại quốc mà họ không xuất thân từ đây, và họ đang trên cuộc hành trình. Chính Chúa Giê-su cũng đã thực hiện một cuộc hành trình trẩy sang Ai-cập.

Và ngay trong ý nghĩa ấy, với một sự nhấn mạnh, Kinh Thánh đã đòi hỏi người ta phải đáp lại một cách quảng đại đối với những vấn nạn về tiền nợ mà không hề có chuyện mở những hóa đơn nhỏ và không hề có chuyện đòi hỏi những lãi suất bất khả thi: „Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được (các) ngươi, thì (các) ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên (các) ngươi. Với nó, (các) ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của (các) ngươi sẽ có thể sống bên (các) ngươi. (Các) ngươi không được cho nó vay bạc của (các) ngươi để lấy lãi và vay lương thực của (các) ngươi để ăn lời“ (Lv 25,35-37).

Giáo huấn này vẫn luôn còn mang tính thời sự. Biết bao nhiêu là gia đình đang lang thang trên đường với tư cách là nạn nhân của sự cho vay nặng lãi! Chúng ta hãy cầu xin để Thiên Chúa lấy đi niềm ham muốn này khỏi con tim của tất cả chúng ta, vì càng có thì lại càng ước muốn nhiều hơn. Để chúng ta tái trở nên quảng đại. Chúng ta đang phải trải qua biết bao nhiêu là trạng huống mà trong đó sự cho vay nặng lãi đang được thực hiện, và điều này đang mang đến biết bao nhiêu là sự đau khổ và nỗi ưu phiền cho các gia đình! Và thường thì, trong nỗi tuyệt vọng, rất nhiều người đã phải tự kết liễu cuộc đời mình, vì họ không vượt qua được nữa, và vì họ cảm thấy không còn hy vọng nữa, họ không còn nhìn thấy cánh nay nào giơ ra để giúp đỡ họ nữa. Họ chỉ còn thấy những bàn tay bắt họ phải trả lãi suất. Sự cho vay nặng lãi là một trọng tội, tội ấy kêu thấu tới tôn nhan Thiên Chúa. Trái lại, Thiên Chúa đã hứa ban phúc lành của Ngài cho những ai mở rộng đôi tay để bố thí một cách quảng đại (xc. Đnl 15,10). Ngài sẽ ban cho bạn gấp đối, nhưng có lẽ không phải là tiền, Ngài sẽ luôn ban cho bạn gấp đôi.

Anh chị em thân mến, sứ điệp của Kinh Thánh rất rõ ràng: Hãy mở rộng sự chia sẻ với sự can đảm, và đó là Lòng Thương Xót! Và khi chúng ta ước ao Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thì chính chúng ta phải đón nhận Lòng Thương Xót ấy. Giúp đỡ lẫn nhau và tạo ra một thế giới không có người nghèo giữa những công dân, giữa những gia đình, giữa các dân tộc, giữa các châu lục, có nghĩa là tạo ra một xã hội không có sự phân biệt kỳ thị, mà xã hội ấy được kiến tạo trên tình liên đới và dẫn tới chỗ chia sẻ tất cả những gì người ta sở hữu, trong sự phân phối đồng đều các tài nguyên thiên nhiên, mà sự phân phối ấy đặt nền tảng trên tình huynh đệ và công lý.

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày mồng 10 tháng 02 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội