ĐGH Phanxicô - Bài Giảng Trong Thánh Lễ Cuối Cùng Tại Mexico

(muoianhsang.com) -  Thứ năm, 18 Tháng 2 2016 21:25

 

Trong thế kỷ thứ hai, Thánh I-rê-nê đã viết rằng vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người. Đó là một câu nói tiếp tục vang vọng trong trái tim của Giáo Hội. Vinh quang của Chúa Cha là sự sống của các con trai và con gái của Ngài. Không có một vinh quang nào lớn hơn đối với một người cha cho bằng nhìn thấy con cái của mình toả sáng, không có sự hài lòng nào lớn lao cho bằng nhìn thấy con cái mình lớn lên, phát triển và sinh hoa trái. Bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe nói về điều này. Thành phố lớn Ni-ni-vê, đã từ huỷ diệt như là kết quả của sự áp bức và không trung thực, bạo lực và bất công. Những ngày của đại thủ đô ấy tới ngày tận số vì tình trạng bạo lực ở trong không thể tiếp tục. Rồi Thiên Chúa xuất hiện và làm khuấy động tâm hồn của Giô-na: Chúa Cha đã gọi và sai sứ giả của Ngài ra đi. Ông Giô-na đã được ra lệnh để nhận một sứ mạng. “Hãy đi”, ông được cho biết, “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ” (Gn 3:4). Hãy đi và giúp họ hiểu rằng ngang qua cách mà họ đối xử với nhau, lập trật tự và tổ chức chính bản thân họ, họ đang chỉ tạo nên sự chết và sự huỷ diệt, sự đau khổ và áp bức. Hãy làm cho họ thấy rằng không còn cách nào khác để sống, bất luận là vua hay các thần dân của ông, kể cả xúc vật ngoài đồng hay gia súc. Hãy đi và nói cho họ biết rằng họ đã trở nên quen thuộc với lối sống suy đồi này và đã mất đi sự nhạy bén của họ trước nỗi đau. Hãy đi và nói với họ rằng sự bất công đã làm nhiễm bẩn cái nhìn thế giới của họ. “Do đó, hãy ra đi Giô-na!”. Thiên Chúa sai ông đi làm rõ cho điều sắp xảy ra, Ngài sai ông đi thức tỉnh dân đã tự làm say sưa chính bản thân họ.

Trong bài đọc này chúng ta tìm thấy chính mình trước mầu nhiệm của lòng thương xót thánh. Lòng thương xót, vốn luôn luôn khước từ sự tàn ác, trân trọng con người nhân loại. Lòng thương xót luôn luôn kêu gọi sự thiện hảo âm thầm và bất lực trong mỗi con người. Không mang lại sự huỷ diệt, như chúng ta quá thường khao khát hay mong muốn mang lại cho chính mình, lòng thương xót tìm cách biến đổi mỗi hoàn cảnh từ bên trong. Ở đây lòng thương xót thánh tồn tại. lòng thương xót tìm kiếm và mời gọi chúng ta hoán cải, nó mời gọi chúng ta sám hối; nó mời gọi chúng ta nhìn thấy suy nguy hại đã được thực hiện ở mọi cấp độ. Lòng thương xót luôn luôn xuyên thấu sự dữ để biến đổi nó.

Vị vua đã nghe lời Giô-na, cư dân trong thành phố đáp trả và việc sám hối được thực thi. Lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào trong tâm hồn, làm tỏ lộ và tho thấy sự chắc chắn và niềm hy vọng của chúng ta hệ tại ở đâu: luôn có một khả năng thay đổi, chúng ta vẫn còn thời gian để biến đổi điều đang phá huỷ chúng ta trong tư cách là một dân tộc, điều đang đòi hỏi nhân loại chúng ta. Lòng thương xót khích lệ chúng ta biết nhìn đến hiện tại, và tới việc vào điều lành mạnh và tốt lành đang đập trong trái tim. Lòng thương xót là khiên thuẫn và là sức mạnh của chúng ta.

Ông Giô-na giúp họ thấy, giúp họ trở nên ý thức. Tiếp sau điều này, lời mời gọi của ông đã gặp được những người nam nữ biết ăn năn, và biết khóc than. Khóc cho sự bất công, khóc cho sự tham nhũng, khóc cho sự áp bức. Đây là những giọt nước mắt dẫn đến sự biến đổi, giọt nước mắt làm mềm dịu tâm hồn; đó là những giọt nước mắt thanh lọc cái nhìn của chúng ta và giúp chúng ta thấy được vòng xoáy của tội lỗi mà chúng ta vẫn thường bị chìm ngập vào. Đó là những giọt nước mắt có thể làm nhạy bén cái nhìn của chúng ta và thái độ của chúng ta đã trở nên chai cứng và đặc biệt là tê liệt khi đối diện với nỗi đau của người khác. Đó là những giọt nước mắt có thể làm cho chúng ta tan vỡ, có khả năng mở ra cho chúng ta với sự hoán cải.

Lời này vang vọng một cách mạnh mẽ giữa chúng ta ngày nay; lời này là tiếng nói kêu lên trong hoang địa, mời gọi chúng ta hoán cải. Trong Năm Thương Xót này, cùng với các bạn ở đây, tôi khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa; cùng với các bạn ở đây tôi muốn xin ơn được khóc, ơn hoán cải.

Ở đây tại Ciudad Juarez, cũng như ở những nơi biên giới khác, có hàng ngàn người di dân từ Trung Mỹ và các quốc gia khác, không quên nhiều người Mexico cũng đang tìm cách để vượt qua “bờ bên kia”. Mỗi bước đi, một hành trình leo thang với những bất công trầm trọng: tình trạng nô lệ, tù đày và cưỡng đoạt; quá nhiều trong số anh chị em này của chúng ta đang là hậu quả của một nạn buôn người.

Chúng ta không thể chối bỏ cuộc khủng hoảng nhân đạo mà trong những năm gần đây đã tạo nên sự di dân hàng ngàn người, bất luận là bằng xe lửa hay cao tốc hay đi bộ, vượt qua hàng trăm kilomet qua các ngọn núi, sa mạc và những vùng khô cẳn. Ngày nay, bi kịch con người vốn buộc dẫn đến tình trạng di dân là một hiện tượng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này vốn có thể được đo lường bằng con số và thống kê, thay vào đó chúng ta muốn đo lường bằng những tên gọi, những câu chuyện, những gia đình. Họ là những anh chị em của những người bị trục xuất vì nghèo và bạo lực, bởi nạn buôn bán thuốc phiện và các tổ chức tội phạm. Khi đối diện với quá nhiều khoảng trống rỗng, họ bị mắc kẹt trong một mạng lưới đang giăng bẫy và luôn luôn huỷ diệt người nghèo nhất. Họ không chỉ chịu khổ vì nghèo mà họ còn phải chịu đựng những hình thức bạo lực này nữa. Sự bất công đã được cực đoan hoá ở nơi người trẻ; họ là “tấm bia đỡ đạn”, bị bách hại và bị đe doạ khi họ cố gắng thoát khỏi vòng xoáy của bạo lực và địa ngục của thuốc phiện, không đề cập đến tình trạng khó khăn của nhiều phụ nữ mà mạng sống của họ đã bị lấy đi cách bất công.

Chúng ta hãy cùng nhau xin Thiên Chúa của chúng ta ơn hoán cải, ơn biết khóc, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta những quả tim mở giống như dân thành Ni-ni-vê, mở ra trước tiếng gọi được nghe thấy ở nơi những gương mặt đau khổ của biết bao nhiêu người nam nữ. Không còn sự chết nữa! Không còn sự khai thác bóc lột nữa! Vẫn còn thời gian để thay đổi, vẫn còn một lối thoát và một cơ hội, thời gian để khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa.

Giống như thời của ông Giô-na, ngày nay cũng vậy, chớ gì chúng ta cũng biết giục lòng hoán cải; chớ gì chúng ta trở thành những dấu chỉ thắp sáng con đường và loan báo ơn cứu độ. Tôi biết công việc của thật nhiều các tổ chức dân sự đang hoạt động để cổ võ quyền của người di dân. Tôi cũng biết công việc dấn thân của quá hiều người nam nữ tu sĩ, linh mục và giáo dân đang đồng hành cùng với người di dân và đang bảo vệ sự sống. Bằng chính cuộc sống của mình, họ là những ngôn sứ của lòng thương xót; họ là con tim đang đập và đôi chân đang đồng hành của Giáo Hội vốn đang mở rộng cánh tay của mình và nuôi dưỡng.

Thời gian hoán cải này, thời gian cứu độ này, là thời gian đối với lòng thương xót. Và vì thế, chúng ta hãy nói cùng nhau trong sự đáp trả lại nỗi đau khổ của quá nhiều gương mặt: Trong lòng thương cảm và lòng thương xót của Ngài, Lạy Chúa, xin thương xót chúng con...xin tẩy sạch chúng con khỏi mọi tội lỗi và tạo nên trong chúng con một quả tim trong sạch, một thần trí mới (x. Tv 50).

Tôi muốn nhân cơ hội này để gửi lời chào từ đây đến những anh chị em thân yêu đang hiện diện cùng với chúng ta bây giờ, bên kia biên giới, đặc biệt những người đang quy tụ ở Sân Vận Động Đại Học El Paso; nơi đó được biết đến là Sun Bowl, và họ đang được đức ông Mark Seitz hướng dẫn. Với sự trợ giúp của công nghệ, chúng ta có thể cầu nguyện, hát và cùng nhau cử hành tình yêu thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và tình yêu mà không có một biên giới nào có thể dừng lại việc chia sẻ của chúng ta. Xin cám ơn các anh chị em tại El Paso vì đã làm cho chúng tôi cảm thấy như một gia đình, một và cùng một cộng đoàn Kitô Hữu.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)

 


Văn Kiện Giáo Hội