Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 26.10.2016 – Mục 34: Cho khách đỗ nhờ, cho kẻ rách rưới ăn mặc

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng những công việc của Đức Thương Người về khía cạnh thân xác mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho chúng ta, để giữ cho tính năng động của Đức Tin chúng ta được luôn luôn sống động. Từ những công việc đó, vấn đề trở nên rõ ràng rằng, các Ki-tô hữu sẽ không mong chờ cuộc gặp gỡ chung cuộc với Thiên Chúa cách mệt mỏi và dễ dãi, nhưng đi đón Ngài từ ngày này sang ngày khác, bằng cách là họ nhận ra dung nhan của Ngài trong bất cứ khuôn mặt nào của rất nhiều người đang cầu xin sự giúp đỡ. Ngày hôm nay chúng ta sẽ dừng lại bên những lời sau đây của Chúa Giê-su: „… Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…“ (Mt 25, 35-36). Trong thời đại chúng ta, công việc trong mối liên hệ đến khách lạ, đến người ngoại kiều, là một điều có tính thời sự rất lớn. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, những cuộc xung đột võ trang và sự biến đổi khí hậu đang ép buộc rất nhiều người phải đi tị nạn và di cư. Tuy nhiên, tị nạn không phải là một hiện tượng mới, nhưng đã luôn xảy ra trong lịch sử nhân loại. Việc nghĩ rằng, hiện tượng này chỉ xuất hiện trong thời đại chúng ta, biểu lộ một ký ức thiếu tính lịch sử

Kinh Thánh đã trình bày cho chúng ra rất nhiều những ví dụ về sự tị nạn và di cư. Trong mối liên hệ này, người ta nghĩ ngay tới Áp-ra-ham. Lời mời gọi của Thiên Chúa đã thúc giục ông rời bỏ quê cha đất tổ để đi đến một miền đất khác. "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi“ (St 12,1). Đồng thời, nó cũng đã diễn ra trong trường hợp dân Israel khi dân này rời bỏ việc làm nô lệ tại đất Ai-cập để đi vào trong sa mạc suốt 40 năm trường, cho tới khi tới được miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban. Chính Thánh Gia – Đức Maria, Thánh Giu-se và Hài Nhi Giê-su – cũng đã bị ép phải đi tị nạn hầu trốn thoát sự đe dọa của vua Hê-rô-đê: „Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập“ (Mt 2,14-15). Lịch sử nhân loại là một lịch sử di cư: Khắp nơi, mọi dân tộc đều liên quan tới hiện tượng di cư.

Trong suốt nhiều thế kỷ, trong mối liên hệ này, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những mẫu gương vô cùng quảng đại về tình liên đới, mặc dầu không thiếu những căng thẳng xã hội. Tiếc rằng, bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày nay đang hỗ trợ việc phát sinh những hành vi khép kín và thiếu đón nhận. Tại nhiều nơi trên thế giới, những bức tường và những hàng rào đang được xây lên. Đôi khi có có vẻ như ngay cả những hoạt động âm thầm của nhiều người nam và người nữ, mà họ đang dấn thân trong những hình thức khác nhau để hỗ trợ và giúp đỡ những người tị nạn và những người di dân, cũng bị làm lu mờ bởi những sự ồn ào khác, mà chúng để cho một sự ích kỷ theo bản năng trở nên rõ ràng. Nhưng việc tự nhốt kín mình lại không phải là một giải pháp. Trái lại, còn khuyến khích những hành động phạm pháp nữa. Con đường duy nhất để tìm ra được những giải pháp tồn tại trong tình liên đới: Liên đới với những di dân, liên đới với những ngoại kiều.

Cả trong thời đại hôm nay lẫn trong quá khứ, sự dấn thân Ki-tô giáo trong lãnh vực này đều có tính cấp thiết. Trong mối liên hệ này, thế kỷ vừa qua nhắc chúng ta nhớ tới hình tượng tuyệt vời của Thánh Francesca Cabrini. Cùng với các Nữ Tu trong Dòng Camerad của mình, Thánh Nữ đã trao hiến cuộc sống của Thánh Nữ cho những di dân tại nước Mỹ. Ngay cả trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng cần tới những chứng tá ấy, để Lòng Thương Xót có thể đến được với nhiều người túng thiếu. Sự dấn thân này sẽ liên kết tất cả chúng ta. Không có bất cứ ai bị loại trừ. Các Giáo Phận, các Cộng đoàn Giáo xứ, các định chế đời sống Thánh Hiến và các phong trào cũng như cá nhân các Ki-tô hữu – tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy đón nhận những người anh chị em của chúng ta, mà họ đang trên đường chạy trốn trước chiến tranh, trước sự đói kém, trước bạo lực và trước những điều kiện sống phi nhân. Chúng ta hãy cùng hình thành nên một lực lượng hỗ trợ to lớn, để hỗ trợ bất cứ ai đã đánh mất quê hương xứ sở, đánh mất gia đình, đánh mất công ăn việc làm và phẩm giá của mình. Cách nay một ít ngày, một câu chuyện nhỏ đã xảy ra trong một thành phố. Một người tị nạn đang tìm một con đường. Một phụ nữ đến gần anh ta và nói. „Ông tìm cái gì vậy?“ Người tị nạn này không đeo giầy. Anh ta đáp lại: „Tôi muốn đi đến Đền Thờ Thánh Phê-rô để bước qua Cổng Thánh“. Người phụ nữ nghĩ bụng: „Ông này không đeo giầy thì làm sao mà đi tới đó được?“ Bà ta liền gọi Taxi. Nhưng người di cư này, người tị nạn này có mùi khó chịu, nên tài xế Taxi không muốn cho anh ta bước lên xe, nhưng cuối cùng thì tài xế cũng để anh ta bước lên xe Taxi. Người phụ nữ cũng bước lên xe. Trong khoảng mười phút xe chạy, bà đã đặt ra một số câu hỏi về cuộc chạy trốn của anh. Người tị nạn này đã kể cho bà nghe về những câu chuyện đầy thương đau của anh, và những câu chuyện về chiến tranh, về nạn đói, vì thế anh đã phải trốn khỏi quê hương xứ sở của mình để đi tới đây. Khi họ tới nơi, người phụ nữ đã mở ví tiền của mình ra để thanh toán cho tài xế Taxi, và viên tài xế ấy, tức người lúc đầu đã không muốn cho người tị nạn bước lên xe, vì anh ta hôi thối, liền nói với người phụ nữ: „Không, tôi phải tính tiền cho bà, vì bà đã tạo điều kiện để tôi nghe được một câu chuyện mà nó đã thay đổi con tim của tôi.“ Người phụ nữ này đã biết được nỗi khổ đau qua câu trả lời của một người di cư, vì máu của người nghèo đã chạy vào trong bà, và bà đã nhận ra sự đau khổ của dân mình. Nếu chúng ta thực hiện một cái gì đó, thì trước tiên chúng ta sẽ khước từ, vì nó là một cái gì đó bất tiện, „nhưng anh ta hôi quá!...“ Tuy nhiên, rốt cuộc thì câu chuyện này cho phép mùi hương tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ tới câu chuyện này, và chúng ta hãy nghĩ tới điều mà chúng ta có thể thực hiện cho những người tị nạn.

Khía cạnh thứ hai chính là việc cho kẻ rách rưới ăn mặc: Điều đó có nghĩa là gì nếu không phải là việc khôi phục phẩm giá của những người mà họ đã đánh mất chúng? Chắc chắn nó bao hàm việc trao quần áo cho những người rách rưới; nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới những phụ nữ mà họ là nạn nhân của nạn buôn người, hay nghĩ tới những người khác, thuộc đủ mọi hình thức, đang sử dụng thân thể con người như là hàng hóa, thậm chí cả trong trường hợp của các trẻ vị thành niên. Việc không có công ăn việc làm, không có nhà cửa, không có tiền lương chính đáng, cũng là một hình thức trần truồng rách rưới. Sự kỳ thị vì chủng tộc hay vì Đức Tin cũng là một dạng „trần truồng“, mà khi tận mắt chứng kiến sự trần truồng ấy, các Ki-tô hữu chúng ta nên lưu tâm, nên chú ý và nên sẵn sàng hành động.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng để mình bị sa vào chiếc bẫy của sự tự nhốt chính bản thân mình lại, của sự thờ ơ lãnh đạm đối với những người đang sống cùng thời với chúng ta, và của việc chỉ chằm chằm nhắm vào những mối quan tâm riêng của mình. Chúng ta mở bản thân chúng ta ra cho những người khác ở mức độ nào, thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ trở nên phong nhiêu trong mức độ ấy, hòa bình sẽ trở lại trong cộng đồng xã hội, và con người sẽ đạt tới được phẩm giá hoàn toàn của mình. Chúng ta đừng quên người phụ nữ, đừng quên người tị nạn có mùi hôi, và cũng đừng quên viên tài xế mà tâm hồn anh ta đã được biến đổi nhờ người tị nạn.

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 26 tháng 10 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội