Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Đại Lễ Kính Các Thánh tại Malmö, Thụy Điển, Ngày 01.11.2016

 

Anh chị em thân mến!

Cùng với toàn thể Giáo hội, hôm nay chúng ta cử hành Đại Lễ Kính Các Thánh. Ở đây, chúng ta không chỉ tưởng nhớ tới những vị đã được phong Thánh trong suốt lịch sử, nhưng cũng còn tưởng nhớ tới rất nhiều anh chị em của chúng ta mà họ đã sống đời sống Ki-tô giáo của mình trong sự viên mãn của Đức Tin và Đức Ái, giữa một kiếp sống âm thầm và giản dị. Chắc chắn trong số họ cũng có rất nhiều những người thân, những bạn hữu và những người quen của chúng ta.

Vì thế chúng ta cử hành Đại Lễ của sự thánh thiện. Sự thánh thiện này, mà có lẽ nó không biểu lộ trong những công trình vĩ đại hay trong những thành quả ngoại thường, nhưng nó biết sống trung tín với những đòi hỏi của Bí Tích Thanh Tẩy trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một sự thánh thiện phát sinh từ Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Sự thánh thiện ấy phát sinh từ một Tình Yêu trung tín đến độ quên mình và hoàn toàn trao hiến bản thân cho người khác – chẳng hạn như đời sống của bất cứ người cha hay người mẹ nào dám hy sinh chính bản thân mình cho gia đình mình, cũng như có thể sẵn sàng khước từ rất nhiều thứ, rất nhiều những kế hoạch hay những trù liệu cho bản thân, dẫu rằng đó là điều không hề dễ dàng.

Nhưng nếu có một cái gì đó mà nó đánh dấu sự thánh thiện, thì đó là việc các Ngài thực sự hạnh phúc. Các Ngài đã khám phá ra mầu nhiệm hạnh phúc đích thực này, mà mầu nhiệm ấy cư ngụ trên nền tảng của tâm hồn, và nguồn mạch của nó chính là Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các Thánh được chúc phúc. Những mối phúc chính là con đường, là cùng đích và là quê hương của các Ngài. Các mối phúc chính là con đường sống mà Chúa Giê-su đã dậy chúng ta, để chúng ta đi theo vết chân Ngài. Chúng ta đã nghe thấy trong Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay về việc Chúa Giê-su đã công bố các mối Phúc trên một ngọn núi, gần biển hồ Galilea, trước một đám đông dân chúng.

Các mối phúc chính là nét đặc trưng của Chúa Giê-su, và vì thế, chúng cũng chính là nét đặc trưng của các Ki-tô hữu. Trong số tất cả những mối phúc ấy, Cha muốn nhấn mạnh tới một mối: „Phúc thay ai hiền lành [πραεĩς]“ (Mt 5,5). Chúa Giê-su nói về chính Ngài rằng: „Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền hậu [πραΰς] và khiêm nhượng trong lòng“ (Mt 11,29). Đó là chân dung tinh thần của Ngài, và bức chân dung đó mạc khải cho chúng ta biết về sự phong phú của Tình Yêu Ngài. Sự hiền lành chính là một cách sống và là một cách hiện hữu, nó đưa chúng ta đến gần hơn với Chúa Giê-su, và làm cho chúng ta được hiệp nhất với nhau. Nó làm cho chúng ta dám bỏ sang một bên tất cả những gì chia tách chúng ta và làm cho chúng ta bất hòa với nhau, và luôn luôn tái tìm kiếm những khả năng mới để tiến về phía trước trên con đường hiệp nhất. Những người con trai và con gái của đất nước này là như thế, chẳng hạn như Thánh Maria Elisabeth Hesselblad mới được phong Thánh cách nay chưa lâu, hay Thánh Birgitta Thụy Điển, Nữ Bổn Mạng Âu Châu. Các Ngài đã cầu nguyện vào lao công để thắt chặt mối dây hiệp nhất và hiệp thông giữa các Ki-tô hữu. Một dấu chỉ rất hùng hồn chính là thực tế rằng, ở đây, tại đất nước của anh chị em, tức đất nước đang nổi bật lên nhờ vào cuộc sống chung của tất cả mọi công dân khác nhau, chúng ta đang cùng nhau tưởng nhớ 500 năm ngày bắt đầu phong trào cải tổ. Các Thánh đạt tới được sự biến đổi nhờ vào sự dịu hiền nơi con tim của các Ngài. Với sự dịu hiền, chúng ta sẽ hiểu được sự vĩ đại của Thiên Chúa, và cầu nguyện cùng Ngài cách chân thành; và ngoài ra, đó còn là thái độ của những người không có gì để mất, vì sản nghiệp duy nhất của họ là chính Thiên Chúa.

Những mối phúc, trong một cách thức nào đó, chính là thẻ căn cước của người Ki-tô hữu, mà chiếc thẻ đó chứng minh người ấy là môn đệ của Chúa Giê-su. Chúng ta được kêu gọi nên thánh, trở nên môn đệ của Chúa Giê-su, bằng cách là chúng ta gặp gỡ những người đau khổ và những người sợ hãi của thời đại chúng ta với cách nhìn và với Tình Yêu của Chúa Giê-su. Và như thế chúng ta có thể báo hiệu những tình huống mới mà chúng có giá trị để sống trong cách nghĩ mới và luôn mang tính thời sự: phúc cho những ai gánh chịu trong Đức Tin những điều ác mà người khác gây ra cho họ, và thứ tha với trọn tấm lòng; phúc cho những ai nhìn ngắm những người bị loại trừ, những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, với tất cả sự kính trọng, và chứng tỏ sự gần gũi đối với họ; phúc cho những ai nhận ra Thiên Chúa trong bất cứ người nào, và cố gắng để người khác cũng khám phá ra điều đó; phúc cho những ai biết bảo vệ và chăm sóc „ngôi nhà chung“; phúc cho những ai biết khước từ sự phồn thịnh của riêng mình vì niềm hạnh phúc của người khác; phúc cho những ai cầu nguyện và lao công cho sự hiệp nhất hoàn toàn của các Ki-tô hữu… Tất cả những người ấy đều là những người đang mang theo Lòng Thương Xót và sự trìu mến của Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ xứng đáng lãnh nhận phần thưởng từ Ngài.

Anh chị em thân mến, ơn gọi nên thánh được dành cho tất cả, và phải được đón nhận từ Chúa trong tinh thần Đức Tin. Các Thánh chính là xung lực của chúng ta với đời sống và sự bầu cử của các Ngài trước tôn nhan Thiên Chúa, và chúng ta cần giúp đỡ nhau để cùng nhau nên thánh. Chúng ta hãy cùng cầu xin cho được ơn biết đón nhận ơn gọi này trong niềm vui, và cùng làm việc để đưa ơn gọi đó tới sự thành toàn. Chúng ta hãy tín thác lời cầu xin của chúng ta và cuộc đối thoại trên đường tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả các Ki-tô hữu cho Thân Mẫu của chúng ta trên Thiên Đàng – Nữ Vương Các Thánh -, để chúng ta được chúc lành trong những nỗ lực của mình và đạt tới được sự thánh thiện trong sự hiệp nhất.

 

Sân vận động Swedbank, Malmö, Thụy Điển sáng thứ Ba ngày mồng 01 tháng 11 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội