Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 21.02.2016: „Bảo vệ sự phong phú của tính đa dạng, và đồng thời làm chứng cho sự hòa điệu của một niềm tin chung

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta nghe về cuộc biến hình của Chúa Giê-su.

Chuyến Tông Du mà Cha đã thực hiện tại Mê-xi-cô trong những ngày vừa qua, chính là một biến cố Biến Hình. Tại sao Cha lại nói thế? Thưa, vì nhờ vào thân thể của Giáo hội Ngài, dân thánh của Ngài trên mặt đất, Thiên Chúa đã biểu lộ cho chúng ta thấy ánh sáng vinh quang của Ngài. Thân thể này đang mang trên mình vô vàn những vết thương; dân tộc này đã bị áp bức không biết là bao nhiêu lần, bị khinh miệt và bị gây tổn thương trong phẩm giá của mình cũng không biết là bao nhiêu lần rồi. Nhưng trong thực tế, những cuộc gặp gỡ khác nhau mà Cha đã trải qua tại Mê-xi-cô, lại tràn ngập ánh sáng: ánh sáng Đức Tin, ánh sáng ấy chiếu soi những khuôn mặt và chiếu sáng con đường.

Cao điểm tinh thần của cuộc Tông Du hành hương này chính là Thánh Địa Đức Mẹ Guadalupe. Lưu lại trong sự thinh lặng trước bức tượng Đức Mẹ chính là điều căn bản mà Cha đã trù tính. Và Cha xin tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho phép Cha làm được điều đó. Cha đã chiêm ngưỡng Mẹ và đã để cho mình được ngắm nhìn bởi Mẹ. Trong cặp mắt của mình, Mẹ hướng cái nhìn xuống tất cả mọi người con của Mẹ, và đón nhận tất cả mọi nỗi khổ đau cũng như tất cả mọi bạo lực, những sự bắt cóc, những cuộc mưu sát, những sự bất công mà rất nhiều người nghèo, rất nhiều phụ nữ đang phải gánh chịu. Guadalupe chính là nơi hành hương kính Đức Mẹ có nhiều người đến viếng nhất thế giới. Từ toàn bộ Mỹ Châu La-tinh người ta đã kéo đến đó, nơi „Virgen Morenita“ đã hiện ra với Thánh Indio Juan Diego; thông qua cuộc hiện ra này, Mẹ đã khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng tại Mỹ Châu, và đã trao ban sự khởi đầu cho một nền văn hóa mới mà nó chính là kết quả đến từ sự gặp gỡ của các nền văn hóa khác nhau.

Đó chính là sản nghiệp mà Thiên Chúa đã ủy thác cho đất nước Mê-xi-cô: bảo vệ sự phong phú của tính đa dạng, và đồng thời làm chứng cho sự hòa điệu của một niềm tin chung, của một Đức Tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ, tức Đức Tin xuất hiện đồng thời với một sức mạnh to lớn và lòng nhân. Giống như các vị tiền nhiệm của Cha, Cha cũng mong ước xác nhận Đức Tin của dân tộc Mê-xi-cô, và đồng thời, muốn được xác nhận bởi Đức Tin ấy; với đôi tay giang rộng, Cha đã đón nhận hồng ân này để nó phục vụ cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ.

Gương sáng của điều mà Cha nói, đến từ các gia đình: các gia đình Mê-xi-cô đã đón tiếp Cha một cách vui mừng với tư cách là sứ giả của Chúa Ki-tô và với tư cách là vị mục tử của Giáo hội; nhưng đồng thời họ cũng trao cho Cha một chứng tá rõ ràng và mạnh mẽ, một chứng tá đến từ Đức Tin được sống một cách cụ thể của họ, của một Đức Tin mà nó chiếu sáng, nó biến đổi cuộc sống, và mẫu gương này phải đem lại ích lợi cho tất cả các gia đình Ki-tô giáo trên toàn thế giới. Chính điều đó cũng có thể được nói về giới trẻ hay về những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, các Linh mục, các công nhân, và các tù nhân.

Vì thế Cha xin tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Mẹ Guadalupe về hồng ân của cuộc Tông Du hành hương này. Cha cũng xin cám ơn tổng thống Mê-xi-cô và các cơ quan chính quyền của quốc gia này vì sự đón tiếp nồng hậu của họ; Cha nồng nhiệt cám ơn những người anh em của Cha trong hàng Giám mục, cũng như tất cả những ai đã cộng tác bằng bất cứ cách thức nào.

Chúng ta hãy dâng một lời tán dương đặc biệt lên Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, vì Ngài đã muốn rằng, nhân dịp này, một cuộc hội ngộ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ của Mát-cơ-va và của toàn nước Nga, người anh em khả ái của Cha – Thượng Phụ Kyrill – cũng đã diễn ra. Các vị tiền nhiệm của Cha cũng đã rất mong muốn có được cuộc gặp gỡ đó. Đồng thời, đó là một tia sáng có tính ngôn Sứ của sự phục sinh; đó là một tia sáng mà thế giới ngày nay đang cần tới hơn bất cứ lúc nào. Ước chi Mẹ Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trên con đường tiến về sự hiệp nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ Kazan mà Đức Thượng phụ Kyrill đã tặng cho Cha bức Icone của Mẹ.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Ngày mai, một hội nghị quốc tế do Cộng Đoàn Thánh Egidio tổ chức, sẽ diễn ra tại Rô-ma với đề tài: „Cho một thế giới không có án tử hình“. Cha rất hy vọng rằng, cuộc hội nghị này sẽ tạo ra những động lực mới cho những nỗ lực nhằm bãi bỏ án tử hình. Một dấu chỉ của niềm hy vọng nằm trong thực tế rằng, quan niệm phổ thông ngày càng ít sẵn sàng chấp nhận án tử hình như là một công cụ „tự vệ“ của xã hội. Trong thực tế, các xã hội hiện đại có nhiều phương tiện để đấu tranh chống lại tội ác một cách đầy hữu hiệu, mà không hề phải tước đi khả năng phục hồi phẩm giá của những người đã phạm phải những tội ác đó. Vấn đề phải được khởi đầu từ viễn tượng của một bộ luật hình sự mà nó đứng trong sự hòa hợp với phẩm giá con người và với kế hoạch của Thiên Chúa về con người, cũng như về xã hội. Một bộ luật như thế phải luôn luôn trong tư thế mở ra cho niềm hy vọng về một sự tái hội nhập vào xã hội. Giới răn „ngươi không được giết người“ vẫn luôn còn hiệu lực và liên quan cả đến những người vô tội lẫn những người đã phạm tội.

Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót là một cơ hội thuận lợi để thúc đẩy trong thế giới những hình thức ngày càng chín muồi trong việc tôn trọng sự sống và phẩm giá của cá nhân mỗi người. Ngay cả một tên tội phạm cũng giữ lại cho mình quyền bất khả nhượng trên sự sống mà nó là tặng phẩm của Thiên Chúa. Tôi kêu gọi lương tâm của các nhà cầm quyền hầu đạt tới được một sự đồng thuận quốc tế về việc xóa bỏ án tử hình. Và tôi khuyên những người trong họ, mà những người ấy là người Công giáo, hãy đặt ra một dấu chỉ can đảm và gương mẫu: Ước chi họ sẽ lo lắng làm sao để trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này sẽ không có án tử hình nào được thi hành.

Tất cả các Ki-tô hữu và tất cả những người thành tâm thiện chí của xã hội hôm nay đều được kêu gọi hãy dấn thân không phải chỉ nhằm bãi bỏ án tử hình, nhưng cũng còn dấn thân cho một sự cải thiện những điều kiện sống trong các nhà tù, trong sự tôn trọng phẩm giá con người và sự tự do của họ.

*  *  *

Với trọn tấm lòng, Cha xin kính chào tất cả các gia đình, các nhóm Giáo xứ, các hiệp hội và tất cả mọi người hành hương đã đến đây từ Rô-ma, từ nước Ý và từ tất cả các quốc gia trên thế giới.

Một lời chào đặc biệt xin được dành cho các tín hữu đến từ Sevilla, Cádiz và Ceuta (Tây-ban-nha), cũng như những người đến từ Trieste, Corato và Turin. Cha hướng một niềm cảm nghĩ đặc biệt tới cộng đoàn „Giáo Hoàng Gio-an XXIII“, cộng đoàn này được thành lập bởi người tôi tớ Chúa là Cha Oreste Benzi, và vào ngày thứ Sáu tới đây, cộng đoàn này sẽ dàn dựng một vở kịch về Đàng Thánh Giá tại các đường phố của Rô-ma để diễn tả tình liên đới và sự cầu nguyện của họ đối với những phụ nữ đang là nạn nhân của nạn buôn người.

Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để chọn đi theo con đường hoán cải mà Lòng Thương Xót đứng trong trung tâm điểm của con đường này. Vì thế, hôm nay Cha muốn phát cho tất cả anh chị em, những người đang tập trung tại quảng trường này, một thứ thuốc đặc biệt, đó là „thuốc nhân ái“. Chúng ta đã làm việc này một lần rồi; nhưng ngày hôm nay chúng ta hãy dùng một liều thật cao: „Lòng Thương Xót +“. Đó là một cái hộp nhỏ, hộp này sẽ đựng một cỗ tràng hạt và một bức ảnh Chúa Giê-su giầu Lòng Thương Xót. Các tình nguyện viên tại quảng trường này sẽ phân phát những hộp thuốc ấy ngay bây giờ. Trong số những tình nguyện viên này cũng có nhiều người nghèo, nhiều người vô gia cư, nhiều người tị nạn, và nhiều nam nữ Tu sĩ. Anh chị em hãy đón nhận món quà này như là phương dược tinh thần để phổ biến Tình Yêu, sự tha thứ và tình huynh đệ một cách đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 21 tháng 02 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội