Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 28.02.2016: „Không bao giờ quá muộn để hoán cải!

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Tiếc rằng mỗi ngày chúng ta đều phải nghe những tin thức tồi tệ, từ những vụ sát nhân, tới những vụ tai nạn, và những vụ thảm họa thiên nhiên. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã liên hệ đến hai biến cố bi ai mà chúng gây chấn động cho rất nhiều người trong thời của Ngài: một là cuộc trấn áp đẫm máu mà quân đội Rô-ma đã phạm phải tại Đền Thờ; hai là sự sập đổ của tháp Siloe tại Giê-ru-sa-lem khiến 18 người tử vong (xc. Lc 13,1-5).

Chúa Giê-su biết rõ tâm lý mê tín của những kẻ đang nghe Ngài, và Ngài cũng biết rằng, họ đã giải thích sai cách thức của hai biến cố này. Trong thực tế, họ tin rằng, cái chết bi thương của những con người ấy chính là một dấu chỉ cho thấy, Thiên Chúa đã trừng phạt họ vì một trọng tội nào đó; ở một mức độ nào đó, họ cũng đáng bị như vậy. Trái lại, trong cặp mắt của họ, thực tế có nghĩa là, việc họ không bị hề hấn gì, cho thấy rằng họ vẫn „đang ổn“. Những người khác „đáng bị như vậy“; nhưng tôi thì „ổn“.

Chúa Giê-su đã không tán thành với cách nghĩ đó, vì khi Thiên Chúa cho phép xảy ra những biến cố bi ai thì không có nghĩa là Ngài muốn trừng phạt một ai đó. Chúa Giê-su giải thích rằng, những nạn nhân trong những vụ trên không tồi tệ hơn những người khác. Thay vào đó, Ngài mời gọi hãy rút ra một bài học từ những biến cố đau thương này. Đó là một bài học có liên quan đến tất cả mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Và do đó, Ngài đã nói với những người đến kể cho Ngài nghe về những sự kiện trên rằng: „Tất cả các ngươi cũng sẽ chết giống hệt như vậy nếu các ngươi không hối cải“ (Lc 13,3).

Ngay cả trong thời đại hôm nay cũng vẫn có thể xảy ra chuyện chúng ta quy lỗi cho các nạn nhân khi tận mắt chứng kiến những biến cố đau thương nào đó, hay thậm chí quy tội cho cả Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ: Chúng ta đang có sự mường tượng thực sự nào về Thiên Chúa? Chúng ta có thực sự bị thuyết phục rằng, Thiên Chúa là như thế không? Chẳng lẽ đó không phải là sự phản chiếu cái TÔI riêng của chúng ta? Phải chăng chúng ta đã tự tạo ra một Thiên Chúa „theo hình ảnh chúng ta“? Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy hoán cải con tim, hãy thay đổi tận căn hướng đi của con đường cuộc sống chúng ta. Chúng ta không được phép thỏa hiệp với cái ác – nhưng tiếc rằng tất cả chúng ta đều làm điều đó, đặt mình vào sự thỏa hiệp với cái ác -; chúng ta phải chấm dứt ngay lập tức thái độ giả dối hai mặt của chúng ta – Cha tin rằng, mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình ít nhất là một chút sự giả hình nào đó – và chúng ta phải có được một quyết định chắc chắn trong việc đi theo con đường của Tin Mừng. Nhưng cơn cám dỗ lại đã đột nhiên xuất hiện để tự biện minh: „Thực ra thì chúng ta nên tránh né trước điều gì? Rốt cục thì chẳng lẽ chúng ta lại không phải là những người tử thế sao?“ Chúng ta rất thường hay suy nghĩ: „Căn bản mà nói thì tôi là một người tốt.“ Có đúng như thế không? Phải chăng chúng ta là những kẻ bất tín, và thậm chí đôi khi còn vô đạo nữa? Và chúng ta tin rằng, chúng ta có lý trước việc đó.

Thật tiếc rằng, tất cả chúng ta đều có những nét rất giống với cây vả mà trong suốt nhiều năm trời, nó chẳng sinh ra bất cứ một hoa trái nào. Nhưng hạnh phúc cho chúng ta vì Chúa Giê-su lại giống như một người làm vườn, mà với sự kiên nhẫn hầu như vô hạn, ông ta vẫn còn có thể ngăn cản việc cây vả không sinh trái bị chặt. „Thưa ông“ – người làm vườn nói với ông chủ -, „xin hãy để cho nó sống thêm một năm nữa […]. Có lẽ nó sẽ sinh trái“ (Lc 13,8-9). Một „Năm“ ân huệ: Thời gian phục vụ của Chúa Ki-tô, thời gian của Giáo hội cho tới khi Ngài tái trở lại trong vinh quang, thời gian của cuộc sống chúng ta, trong đó một số nào đó rơi vào các Mùa Chay, mà đối với chúng ta, chúng được coi như là rất nhiều những cơ hội để hoán cải. Hay đó cũng là thời gian của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đó là sự kiên nhẫn vô địch của Chúa Giê-su! Chúa Giê-su rất chăm lo cho các tội nhân, và sự chăm lo ấy phải khuyến khích chúng ta có một chút khoan dung với chính mình  - anh chị em đã suy nghĩ kỹ về điều đó chưa? Sẽ không bao giờ quá muộn để hoán cải, không bao giờ! Cho tới hơi thở cuối cùng: Đó là sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng chờ đợi chúng ta! Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện rất tuyệt vời của Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su khi Ngài cầu nguyện cho một người bị kết án tử hình; đó là một tên tội phạm, ông ta đã khước từ sự an ủi của Giáo hội, đã đuổi Linh mục đi chỗ khác, đã không muốn tiếp cận Ngài: ông ta muốn chết. Nhưng Thánh Nữ đã cầu nguyện, âm thầm, trong Đan viện của mình. Và khi người ta mang người đàn ông đó tới nơi hành hình, trong khoảnh khắc cuối cùng, ông ta đã hướng về vị Linh mục, và đã cầm lấy Cây Thánh Giá để hôn. Đó là sự kiên nhẫn của Thiên Chúa! Và Ngài cũng làm điều đó với chúng ta, với tất cả chúng ta! Rất thường xuyên có chuyện – chúng ta không biết điều đó, chỉ khi lên Thiên Đàng chúng ta mới có được kinh nghiệm về điều đó – rất thường xuyên có chuyện chỉ còn một chút nữa thôi là chúng ta sa ngã, nhưng Thiên Chúa đã kịp thời đến cứu chúng ta: Ngài cứu chúng ta, vì Ngài có rất nhiều sự kiên nhẫn đối với chúng ta. Đó là Lòng Thương Xót của Ngài. Không bao giờ quá muộn để hoán cải; nhưng mặc dầu vậy chúng ta cũng phải nhanh chân lên! Ngày hôm nay chúng ta vẫn còn phải chọn đi theo con đường hoán cải.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ hỗ trợ chúng ta để chúng ta mở con tim của mình ra cho ân sủng của Thiên Chúa và cho Lòng Xót Thương của Ngài. Và ước chi Mẹ sẽ giúp chúng ta để chúng ta không bao giờ kết án người khác, nhưng sẽ coi những biến cố bất hạnh hằng ngày như là cơ hội để thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm thực sự, cũng như để hoán cải.

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Với trọn tấm lòng, Cha xin kính chào tất cả mọi người hành hương đã đến đây từ Rô-ma, từ Ý và từ tất cả mọi nơi trên thế giới.

Một lời chào đặc biệt xin được gửi đến các tín hữu đến từ Danzig, và xin gửi đến các sinh viên đến từ Zaragoza, Huelva, Cordoba và Zafra, cũng như xin gửi đến các bạn trẻ đến từ Formentera, và các tín hữu đến từ Jaén.

Cha cũng xin kính chào các nhóm người Ba-lan đang sinh sống tại Ý, các tín hữu đến từ Cascia, Desenzano del Garda, Vicenza, Castiglione d’Adda và Rocca di Neto; cũng như vô vàn các bạn trẻ đến từ Zeltstadt von San Gabriele dell’Addolorata; các bạn trẻ của Oratorien von Rho, Cornaredo và Pero, cũng như các bạn trẻ đến từ Buccinasco; các học sinh của trường Suore Dimesse Figlie di Maria Immacolata đến từ Padua.

Cha xin kính chào các nhóm mà họ đã đến đây nhân dịp „Ngày Quốc Tế Các Bệnh Hiếm Gặp“, với một lời cầu nguyện có tính khích lệ đặc biệt cho hiệp hội cứu trợ của anh chị em.

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày 28 tháng 02 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội