Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi tiếp Kiến Ngoại Thường Sáng Thứ Bảy 12.03.2016: Lòng Thương Xót và sự phục vụ

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đang đi tới Đại Lễ Phục Sinh, mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin chúng ta. Như chúng ta đã nghe, Tin Mừng theo Thánh Gio-an nói về một cử chỉ được thực hiện cho chúng ta bởi Chúa Giê-su trước khi Ngài bước vào cuộc khổ hình và phục sinh, mà cử chỉ đó được ghi vào trong ký ức của các môn đệ: Cử chỉ rửa chân – một cử chỉ ngoài sức mong đợi và gây nhiều xúc động, mà vì lý do này nên Phê-rô đã không dám lãnh nhận. Cha muốn lưu lại bên những lời cuối cùng của Chúa Giê-su: „Anh em có hiểu việc Thầy vừa mới làm cho anh em không? […] Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.“ (Ga 13,12.14). Bằng cách thức này, Chúa Giê-su đã chỉ cho các môn đệ của Ngài biết sự phục vụ như là con đường dẫn tới một cuộc sống trong niềm tin vào Ngài và trong sự làm chứng cho Tình Yêu của Ngài. Chính Chúa Giê-su đã áp dụng cho mình hình ảnh về „người tôi trung của Chúa“ được sử dụng bởi Ngôn Sứ Isaia. Ngài – Thiên Chúa – sẽ trở thành người tôi tớ!

Trong khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, Ngài muốn đặt cử chỉ này của Thiên Chúa trước mắt chúng ta và muốn đưa ra một mẫu gương cho „giới răn mới của Ngài“ (Ga 13,34), đó là yêu thương nhau, như Ngài đã yêu thương chúng ta, và do đó, trao hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Trong bức thư đầu tiên của mình, chính Thánh Gio-an cũng đã diễn tả giới răn này qua những lời như sau: „Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Tình Yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em […] Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm“ (1Ga 3,16.18).

Vì thế, Tình Yêu chính là sự phục vụ được thực hiện cho nhau một cách cụ thể. Nơi Tình Yêu, vấn đề không phải là lời nói, nhưng là những công việc và sự phục vụ; Tình Yêu là sự phục vụ khiêm nhượng, tức sự phục vụ diễn ra trong âm thầm và trong sự kín đáo, như chính Chúa Giê-su đã nói: „Khi anh em bố thí, anh em đừng cho tay trái biết việc tay phải làm“ (Mt 6,3). Điều này bao hàm việc phân phát các ơn Chúa Thánh Thần, đến độ sự hiệp thông có thể lớn lên (xc. 1Cor 12,4-11). Vượt lên trên điều đó, Tình Yêu trở nên hiển nhiên trong sự chia sẻ của cải vật chất, đến độ không ai còn phải gánh chịu sự túng quẫn. Sự chia sẻ và sự trao hiến cho những người túng quẫn chính là sự diễn tả của một lối sống mà Thiên Chúa cũng khuyên những người không phải là Ki-tô hữu sống như là con đường dẫn tới cuộc sống con người đích thực.

Sau cùng, chúng ta đừng quên rằng, với việc rửa chân cho các môn đệ và với lời yêu cầu hãy thực hiện việc đó, Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta, hãy thú nhận cho nhau cả những tội lỗi của chúng ta, cầu nguyện cho nhau và có thể tha thứ cho nhau với cả tâm hồn. Trong mối liên hệ này, chúng ta hãy nhớ tới những lời của Thánh Augustinô Giám mục, khi Ngài viết: „Ước chi người Ki-tô hữu đừng bao giờ khước từ việc hành động như Chúa Ki-tô. Ngay cả khi thân thể phải cúi xuống chân của người anh em, thì con tim cũng được đốt cháy, hay quan niệm khiêm nhượng được nuôi dưỡng, khi nó đã tồn tại […]. Chúng ta hãy tha thứ cho nhau trước những bất công đối với nhau, và cầu nguyện cho những tội nhân chúng ta. Và như thế, trong một cách thế nào đó, chúng ta sẽ rửa chân cho nhau“ (xc. Ga 58,4-5). Tình Yêu, Đức Bác Ái đối với tha nhân, một sự giúp đỡ đối với người khác, một sự phục vụ người khác. Nhiều người đã trải qua cuộc sống của mình như thế - trong sự phục vụ người khác. Tuần vừa rồi, Cha đã nhận được lá thư của một người. Người này đã cám ơn Cha về Năm Thánh Lòng Thương Xót; chị ấy đã xin Cha cầu nguyện cho chị để chị đến gần Thiên Chúa. Cuộc sống của chị tiếp diễn trong sự chăm lo cho thân mẫu và cho người anh của chị: thực ra tinh thần của người mẹ vẫn còn minh mẫn, nhưng bà đã già và bị liệt giường. Bà không thể vận động, trong khi người anh của chị thì lại bị bại liệt. Ông phải ngồi trên chiếc xe lăn. Người phụ nữ này, cuộc sống của chị, tiếp diễn trong sự phục vụ, trong sự giúp đỡ. Và đó là Tình Yêu! Nếu bạn quên đi bản thân bạn để nghĩ tới người khác, thì đó là Tình Yêu! Và với cử chỉ rửa chân, Chúa Giê-su dậy chúng ta hãy trở thành người phục vụ, và hơn nữa: Trở thành người phục vụ như Ngài đã từng là người phục vụ đối với chúng ta, đối với từng người một trong chúng ta.

Anh chị em thân mến, hãy có Lòng Thương Xót như Thiên Chúa Cha, có nghĩa là đi theo Chúa Giê-su trên con đường phục vụ.

Xin cám ơn anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô thứ Bảy ngày 12 tháng 03 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội