Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 13.03.2016: „Thiên Chúa không ghim chặt chúng ta vào với tội lỗi của chúng ta!

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng trong ngày Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay hôm nay (xc. Ga 8, 1-11) là một bài Tin Mừng tuyệt vời. Cha luôn luôn thích đọc đi đọc lại bài Tin Mừng này. Bài Tin Mừng kể về một người phụ nữ đã phạm tội ngoại tình, và qua câu chuyện này, đã làm sáng tỏ đề tài về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ muốn các tội nhân phải chết, nhưng muốn họ hoán cải để được sống. Cảnh tượng trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra tại vùng cao nguyên của núi đền thờ. Anh chị em hãy tưởng tượng như thể nó đang xảy ở đây, trên quảng trường Thánh Phê-rô này. Chúa Giê-su đang công bố cho con người biết về giáo lý của Ngài. Bỗng dưng, các Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu đến, họ kéo tới trước mặt Chúa Giê-su một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Vì thế, người phụ nữ này bị đặt ngồi giữa Chúa Giê-su và đám đông dân chúng (xc. Ga 8,3), giữa Lòng Thương Xót của Con Thiên Chúa và bạo lực, cũng như cơn giận dữ của những kẻ buộc tội bà. Trong thực tế, những hạng người này đã không đến với vị Thầy để hỏi ý kiến Ngài – bởi họ là những con người độc ác -, nhưng để đặt ra cho Ngài một cái bẫy. Thực ra, nếu Chúa Giê-su hành động tương ứng với sự nghiêm khắc của Lề Luật và tán thành việc ném đá người phụ nữ, thì Ngài sẽ đánh mất danh tiếng của Ngài như là một con người được đánh dấu bởi sự hiền từ và tốt lành, người vô cùng lôi cuốn quần chúng. Trái lại, nếu Ngài muốn thực thi Lòng Thương Xót, thì Ngài sẽ phải vi phạm Lề Luật, mà chính bản thân Ngài đã nói về Lề Luật rằng, Ngài không muốn hủy bỏ nó, nhưng muốn kiện toàn nó (xc. Mt 5,17). Chúa Giê-su đã bị đặt vào hoàn cảnh khó xử đó.

Chủ đích xấu xa này được giấu giếm đàng sau câu hỏi dành cho Chúa Giê-su, nó bắt buộc Ngài phải thể hiện quan điểm (xc. Ga 8,5). Nhưng Chúa Giê-su đã không trả lời cho câu hỏi của họ. Ngài thinh lặng và thực hiện một cử chỉ đầy bí ẩn: Ngài qùy xuống và bắt đầu lấy ngón tay viết trên mặt đất (xc. Ga 8,7). Có lẽ Ngài làm dấu. Một số người nói rằng, Ngài ghi tội của những người Pha-ri-siêu trên đó… Dù là trường hợp nào đi nữa thì Ngài cũng đã viết và điều đó cũng giống như ở bất cứ nơi nào khác. Bằng cách này, Ngài mời gọi tất cả trở nên bình thản; Ngài mời gọi người ta đừng hành động theo những xung động, nhưng hãy kiếm tìm Đức Công Chính của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những con người ác đức này rất chai đá và cố chờ cho được câu trả lời của Ngài. Họ có vẻ như rất khát máu. Vì thế Chúa Giê-su đã ngước mắt lên và nói: Ai trong các ông vô tội, hãy ném viên đá đầu tiên trên người phụ nữ này (xc. Ga 8.7). Câu trả lời này đã gây bối rối cho những kẻ kết tội người phụ nữ; nó tước vũ khí khỏi tay họ trong ý nghĩa thực thụ nhất của từ: tất cả đều đặt „vũ khí“ xuống, tức đặt những cục đá mà chúng sẽ được dùng để ném lên người phụ nữ: những viên đá ấy vừa có ý được dùng để quăng vào người phụ nữ một cách tỏ tường, vừa có ý được dùng để quăng vào Chúa Giê-su một cách kín đáo. Trong khi Chúa Giê-su tiếp tục viết trên mặt đất hay làm dấu gì đó, Cha không biết rõ…, thì những kẻ kết tội người phụ nữ đã lần lượt lẳng lặng bỏ đi, với cái đầu cúi gằm xuống đất, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất, vì họ ý thức cách mạnh mẽ rằng, họ chưa được giải thoát khỏi tội. Thật tốt cho chúng ta biết chừng nào nếu chúng ta sống trong niềm ý thức rằng, chúng ta cũng là những tội nhân! Nếu chúng ta nói xấu về người khác – tất cả những điều mà chúng ta biết rất rõ -, thì cũng thật tốt cho chúng ta biết dường nào nếu chúng ta dám dồn sức can đảm để đặt xuống đất những viên đá mà chúng ta định dùng để ném vào người khác, và nghĩ một chút về tội lỗi của chúng ta!

Cuối cùng thì chỉ còn lại người phụ nữ và Chúa Giê-su: nỗi khốn cùng và Lòng Thương Xót, một người trước người khác. Điều đó vẫn thường xảy ra cho chúng ta khi chúng ta đến trước Tòa Cáo Giải và lấy làm xấu hổ trước việc phơi bày nỗi khốn cùng của chúng ta cũng như lấy làm xấu hổ trước việc cầu xin ơn tha thứ! Này chị, tôi đang ở đâu? (xc. Ga 8,10) – Chúa Giê-su hỏi người phụ nữ. Sự thăm dò này đã đủ, và đó là cái nhìn được lấp đầy bởi Lòng Thương Xót và Tình Yêu, để làm cho con người cảm thấy rằng, - có lẽ đây là lần đầu tiên -, họ đang sở hữu một phẩm giá, không phải là tội lỗi của họ, họ sở hữu một nhân phẩm mà nó có thể biến đổi cuộc sống, đến độ người ấy có thể rời khỏi tình trạng nô lệ của mình và chọn đi theo một con đường mới.

Anh chị em thân mến, người phụ nữ ấy đại diện cho tất cả chúng ta - những tội nhân, những kẻ ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, những kẻ bất trung với sự trung tín của Ngài. Kinh nghiệm về Ngài chỉ cho thấy Thánh Ý của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân chúng ta: không phải để kết án chúng ta, nhưng là cứu độ chúng ta nhờ Chúa Giê-su. Ngài chính là ân sủng đã cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và sự chết, Ngài đã viết lời kết án của Thiên Chúa trên mặt đất, trên bụi mà mỗi người đều hiện hữu từ đó (xc. St 2,7): „Ta không hề muốn con phải chết, nhưng ta muốn con sống.“ Thiên Chúa không ghim chặt chúng ta vào với tội lỗi của chúng ta. Ngài không đồng nhất hóa chúng ta với sự ác mà chúng ta đã phạm. Chúng ta có một tên gọi, và Thiên Chúa không đồng nhất hóa tên gọi này với những hành vi xấu xa của chúng ta. Ngài muốn giải phóng chúng ta, đến độ chúng ta cũng muốn điều đó với Ngài. Ngài muốn rằng, sự tự do của chúng ta sẽ biến sự ác thành sự thiện, và điều này có thể xảy ra nhờ vào ân sủng của Ngài – đó là điều có thể!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria sẽ trợ giúp chúng ta để chúng ta có thể tín thác hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, hầu trở nên những thụ tạo mới.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha xin kính chào tất cả anh chị em – những người đã đến đây từ Rô-ma và từ nhiều quốc gia khác nhau; đặc biệt là những người hành hương đến từ Sevilla, từ Freiburg (Đức Quốc), từ Innsbruck (Áo Quốc) và từ Ontario (Canada).

Lời chào của Cha cũng xin được dành cho gia đình „Mater Dei“ von Vittorio Veneto. Xin nồng nhiệt kính chào vô vàn các nhóm thuộc các cộng đoàn Giáo xứ, trong đó có các tín hữu đến từ Boiano, từ Potenza, từ Calenzano, từ Zevio và từ Agropoli, cũng như các bạn trẻ đến từ nhiều khu vực khác nhau của nước Ý. Cha không thể liệt kê ra được tất cả, nhưng Cha nhớ tới những người đến từ Compiobbi và Mozzanica, nhớ đến Hội Công Giáo Tiến Hành của Giáo phận Latina-Terracina-Sezze-Priverno, cũng như nhớ tới các em đang chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đến từ Scandicci và từ Milano-Lambrate.

Giờ đây Cha muốn tái thực hiện một cử chỉ mà Cha đã làm, đó là tặng cho anh chị em một cuốn Tin Mừng dưới dạng bỏ túi. Đó là Tin Mừng theo Thánh Lu-ca mà chúng ta sẽ đọc vào các ngày Chúa Nhật của năm Phụng Vụ này. Cuốn sách nhỏ này sẽ mang tựa đề là: „Il Vangelo della Misericordia di San Luca“ (Tin Mừng về Lòng Thương Xót theo Thánh Lu-ca). Tác giả Tin Mừng đã ghi lại những lời của Chúa Giê-su: Anh em hãy có Lòng Thương Xót như Cha của anh em trên trời là Đấng Xót Thương (xc. Lc 6,36). Câu nói này đã gợi hứng cho đề tài của Năm Thánh này. Món quà này sẽ được phát miễn phí cho anh chị em bởi những tình nguyện viên đến từ bệnh viện nhi đồng Santa Marta tại Vatican với một số cụ già và một số cụ ông cụ bà đến từ Rô-ma. Các bậc ông bà đã chuyển giao Đức Tin lại cho con cháu của mình, thật là những người đáng tuyên dương biết chừng nào! Cha mời gọi anh chị em, hãy cầm cuốn Tin Mừng này lên và hãy đọc nó; mỗi ngày một đoạn, cho tới khi nào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha bao bọc ngôi nhà, trong con tim của anh chị em, và anh chị em có thể mang nó đến cho những người mà họ sẽ gặp gỡ anh chị em. Cuối cùng, ở trang 123, anh chị em sẽ thấy bảy công việc thuộc về thể xác và bảy công việc thuộc về tinh thần của Lòng Thương Xót (tức Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối). Thật là tuyệt vời nếu như anh chị em có thể đọc thuộc lòng Kinh này, nó sẽ làm đơn giản hóa mọi công việc! Cha mời gọi anh chị em hãy đón nhận cuốn Tin Mừng này, hầu cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha hoạt động qua anh chị em. Và hỡi anh chị em, các tình nguyện viên, các cụ ông, cụ bà, giờ đây anh chị em hãy phân phát cuốn Tin Mừng ấy, hãy nhớ tới những người đang ngồi trong hội trường Pi-ô XII – mà chắc chắn họ không thể bước ra – để họ cũng nhận được cuốn Tin Mừng này.

Cha xin cầu chúc cho tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

Quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày 13 tháng 03 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội