Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh: „Chúng ta hãy mở những nấm mồ bị chôn chặt của chúng ta ra cho Thiên Chúa!

 

Anh chị em thân mến!

Thánh Phê-rô […] đã chạy tới mồ“ (Lc 24,12). Đâu là những suy nghĩ trong đầu và trong con tim của Phê-rô khi Thánh Nhân chạy tới mồ? Tin Mừng nói với chúng ta rằng, nhóm Mười Một – trong đó cũng có cả Phê-rô – đã không tin vào chứng tá của các phụ nữ, cũng như đã không tin vào Sứ Điệp Phục Sinh của họ. Vâng, „các Tông Đồ cho tất cả đều là chuyện lẩn thẩn“ (Lc 24,11). Vì thế, có sự nghi ngờ trong con tim của Thánh Phê-rô, ông bị đeo bám bởi rất nhiều những suy nghĩ tiêu cực: Buồn bã vì cái chết của vị Thầy khả ái, và thất vọng về việc ông đã chối Thầy tới ba lần trong lúc Thầy đang gặp khổ đau.

Nhưng có một chi tiết cho biết sự thay đổi của ông: „Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ“ (Lc 24,12) sau khi ông đã nghe những người phụ nữ và đã không tin họ. Ông không ngồi ỳ ra đó để suy nghĩ, ông không nhốt mình lại trong phòng như những môn đệ khác. Ông không để cho mình bị bắt giữ bởi bầu khí u uẩn của những ngày vừa qua, cũng không để mình bị chế ngự bởi nỗi nghi nan; ông không để cho mình bị độc chiếm bởi sự cắn rứt lương tâm, bởi nỗi sợ hãi của ông, và bởi những chuyện ba hoa chích chòe mà chúng chẳng dẫn tới đâu. Ông kiếm tìm Chúa Giê-su chứ không kiếm tìm chính mình. Ông yêu thích con đường gặp gỡ và con đường tín thác, và vì thế ông đã đứng dậy như ông đã làm, để chạy tới mộ, và rồi trở về nhà với tâm trạng „rất đỗi ngạc nhiên“ (Lc 24,22). Điều này chính là sự khởi đầu „cuộc phục sinh“ của Phê-rô, cuộc phục sinh nơi con tim của ông. Ông không lùi bước trước sự rầu rĩ và trước bóng tối, nhưng ông đã tạo ra không gian cho giọng nói của niềm hy vọng: Ông để cho ánh sáng của Thiên Chúa bước vào trong con tim của ông, và không trấn áp ánh sáng đó.

Ngay cả những người phụ nữ mà họ đã đi ra ngoài ngay từ lúc còn sớm tinh sương để thực thi công việc của Lòng Thương Xót cũng như để mang dầu thơm tới mộ, cũng đã có được chính kinh nghiệm ấy. Họ „sợ hãi và cúi gằm mặt xuống đất“, nhưng đã vô cùng sửng sốt khi các bà nghe được những lời của Thiên Thần: „Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?“ (Lc 24,5).

Giống như Phê-rô và những người phụ nữ ngày xưa, chúng ta cũng sẽ không tìm thấy sự sống, nếu chúng ta buồn bã, không niềm hy vọng, và tự nhốt mình lại trong chính mình. Thay vào đó, chúng ta hãy mở những nấm mồ bị chôn chặt của mình ra cho Thiên Chúa, để Chúa Giê-su bước vào và ban tặng sự sống cho chúng ta; chúng ta hãy mang đến với Ngài những tảng đá của sự bất hòa, và những mối ác cảm của quá khứ, những khối đá của sự yếu đuối và của sự thất bại. Ngài muốn đến để nắm lấy tay chúng ta và kéo chúng ta ra khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng đó là tảng đá đầu tiên mà nó bị lật sang bột bên trong đêm nay: sự thiếu niềm hy vọng đang nhốt chúng ta lại trong chính chúng ta. Chúa Ki-tô giải phóng chúng ta khỏi chiếc cạm bẫy kinh khủng này, tức chiếc cạm bẫy khiến chúng ta trở thành những Ki-tô hữu không niềm hy vọng, những Ki-tô hữu sống như thể Chúa Ki-tô đã không sống lại, và như thể là những vấn đề của chúng ta mới chính là trung tâm điểm của cuộc sống.

Chúng ta nhìn thấy những vấn đề chung quanh chúng ta và trong chúng ta, và điều đó cũng sẽ trở nên rất rộng lớn. Sẽ luôn luôn có những vấn đề ấy, nhưng trong đêm nay, chúng ta phải chiếu sáng những vấn đề này bằng ánh sáng của Đấng Phục Sinh, phải „Tin Mừng hóa“ những vấn đề ấy trong một ý nghĩa nào đó. Những bóng tối và những nỗi sợ hãi không được phép hướng cái nhìn của tâm hồn về chính mình, cũng như không được phép chiếm đoạt con tim, nhưng chúng ta hãy lắng nghe lời của Thiên Thần: Chúa Ki-tô „không còn ở đây nữa, nhưng Ngài đã phục sinh!“ (Lc 24,6). Ngài là niềm vui lớn nhất của chúng ta, Ngài luôn luôn đứng về phía chúng ta và không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta.

Đó là nền tảng căn bản của niềm hy vọng, nó không phải chỉ là tinh thần lạc quan thuần túy, nó cũng không phải là một khuynh hướng tâm lý hay là một lời mời gọi tốt lành muốn người ta trở nên can đảm. Niềm hy vọng Ki-tô giáo là một ân ban mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đi ra khỏi chính mình và mở tâm hồn chúng ta ra cho Ngài. Niềm hy vọng này không cho phép bị tàn lụi, vì Chúa Thánh Thần được đổ vào lòng chúng ta (xc. Rm 5,5). Đấng an ủi không cho phép tất cả đều xuất hiện cách ngoạn mục, Ngài không tiêu diệt sự ác bằng cây đũa thần, nhưng tạo ra sức mạnh đích thực của sự sống. Điều này không hệ tại ở chỗ vắng bóng những vấn đề, nhưng trong niềm xác tín rằng, chúng ta luôn luôn được yêu thương bởi Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và nỗi sợ hãi cho chúng ta, và hệ tại ở chỗ đón nhận ơn tha thứ. Hôm nay chính là đại lễ thuộc về niềm hy vọng của chúng ta, đại lễ của niềm xác tín rằng: Không gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ngài (xc. Rm 8,39).

Chúa Ki-tô đang sống, và Ngài muốn được tìm kiếm ở giữa những kẻ sống. Sau khi gặp gỡ Ngài, bất cứ ai cũng đều được Ngài sai đi để chuyển giao sứ điệp phục sinh, hầu thấy được ánh sáng sự sống trong những con tim đang bị hành hạ bởi nỗi u buồn, trong những con người mà họ đang có nhiều những mỏi mệt rã rời, để khơi lên niềm hy vọng và để tái làm cho hồi sinh. Điều đó rất cần thiết đối với ngày hôm nay. Chúng ta được kêu gọi, quên đi bản thân mình với tư cách là những người phục vụ đầy vui mừng của niềm hy vọng với cuộc sống chúng ta, và công bố Đấng Phục Sinh thông qua Đức Ái; trong trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ chỉ còn là một tổ chức quốc tế với một con số lớn các thành viên và các quy luật tốt đẹp, nhưng không có khả năng trao ban niềm hy vọng mà thế giới đang khát khao.

Chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta như thế nào? Phụng Vụ đêm hôm nay trao cho chúng ta một lời khuyên rất tốt. Phụng Vụ dậy chúng ta hãy nhớ tới những kỳ công của Thiên Chúa. Thực ra, các Bài Đọc đã tường thuật lại cho chúng ta biết về niềm tín trung của Thiên Chúa cũng như về lịch sử Tình Yêu của Ngài. Lời sống động của Thiên Chúa có khả năng làm cho chúng ta được tham dự vào lịch sử Tình Yêu ấy, bằng cách là nó nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm cho niềm vui tái hồi sinh. Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa mới nghe cũng nhắc nhớ chúng ta về điều đó. Để làm cho các phụ nữ được hy vọng, các Thiên Thần đã nói: „Các bà hãy nhớ lại lời mà Chúa Giê-su đã nói với các bà“ (Lc 24,6). Chúng ta đừng quên lãng Lời và những kỳ công của Ngài, nếu không như thế thì chúng ta sẽ đánh mất niềm hy vọng. Trái lại, chúng ta hãy nhớ tới Chúa, nhớ tới sự tốt lành và những lời ban sự sống của Ngài, đó là những Lời đã đụng chạm tới chúng ta. Chúng ta hãy nhớ tới những lời đó, và hãy biến chúng thành những lời của chúng ta, hầu trở nên những người canh thức vào giờ ban mai, tức những người biết nhận ra những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh.

Anh chị em thân mến, Chúa Ki-tô đã phục sinh! Chúng ta hãy mở bản thân mình ra cho niềm hy vọng, và chúng ta hãy lên đường. Sự tưởng nhớ tới những công việc và những lời nói của Ngài chính là một ánh sáng tỏa chiếu mà nó lấp đầy chúng ta với niềm tín thác, và lái những bước đi của chúng ta tới sự phục sinh, đó là sự phục sinh không có tận cùng.

Đền Thờ Thánh Phê-rô đêm Vọng Phục Sinh ngày 26 tháng 03 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội