Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 20.04.2016: Mục 15 – Những giọt lệ của nữ tội nhân hiểu được ơn tha thứ (Lc 7,36-50)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến một khía cạnh của Lòng Thương Xót, mà khía cạnh ấy đã được diễn tả một cách rất tốt trong bản văn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe. Đó là một kinh nghiệm của Chúa Giê-su, trong khi Ngài đến làm khách tại nhà của một người Pha-ri-siêu tên là Si-mon. Trong lúc mọi người đang ngồi nơi bàn tiệc thì một người phụ nữ nổi tiếng trong cả thành phố với tư cách là nữ tội nhân, đã bước vào.  Bà ấy không hề nói bất cứ lời nào, nhưng chỉ sấp mình xuống dưới chân Chúa Giê-su và trào tuôn nước mắt; bà đã dùng tóc của mình để lau khô đôi chân của Chúa Giê-su đã bị ướt đẫm bởi nước mắt của bà, sau đó bà đã hôn lên chân Ngài và lấy một bình dầu thơm hảo hạng xức vào chân Ngài.

Điểm nổi bật ở đây chính là sự đối chiếu giữa hai nhân vật: nhân vật Si-mon – một người phục vụ Lề Luật cách nhiệt thành -, và nhân vật nữ tội nhân vô danh. Trong khi người thứ nhất kết án dựa trên nền tảng của những vẻ bên ngoài, thì người kia lại thổ lộ con tim của mình cách chân thành. Mặc dầu ông Si-mon đã mời Chúa Giê-su, nhưng ông không muốn làm tổn hại đến thanh danh của mình, và không muốn liên kết sự sống của ông với sự sống của vị Thầy; trong khi đó, người phụ nữ lại tín thác vào Ngài với trọn Tình Yêu và với tất cả sự tôn kính.

Người Pha-ri-siêu không nhận thức được rằng, Chúa Giê-su để cho mình „bị vấy bẩn“ một cách đơn giản bởi các tội nhân. Ông nghĩ rằng, Chúa Giê-su phải tránh xa bọn họ nếu Ngài là một vị Ngôn Sứ thực sự, để khỏi bị mắc uế - như thể họ là những bệnh nhân phong hủi vậy. Thái độ này tiêu biểu cho một cách thức nào đó trong việc hiểu về tôn giáo; nó được minh chứng nhờ vào thực tế rằng, Thiên Chúa và tội lỗi là hai thực tại đối kháng nhau một cách triệt để. Nhưng Lời Chúa lại dậy chúng ta phải biết phân định giữa tội lỗi và tội nhân; người ta không nên có sự thỏa hiệp với tội lỗi, trong khi tội nhân – tức là tất cả chúng ta! – thì giống như những bệnh nhân, họ cần được chữa lành, và để được chữa lành, bác sĩ phải đi đến gần họ, phải khám bệnh cho họ, cũng như phải đụng chạm tới họ. Và tất nhiên, để được chữa lành, bệnh nhân cũng phải nhìn nhận rằng, mình cần tới bác sĩ!

Sự lựa chọn của Chúa Giê-su giữa người Pha-ri-siêu và nữ tội nhân được quyết định cho người sau cùng. Tự do trước những thiên kiến mà chúng ngăn cản sự diễn đạt Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su đã cho phép bà hành động. Ngài – Đấng Thánh của Thiên Chúa – đã để cho bà đụng tới mình mà không hệ sợ hãi trước việc bị vấy bẩn. Chúa Giê-su hoàn toàn tự do vì Ngài gần gũi Thiên Chúa, gần gũi Thiên Chúa Cha giầu Lòng Xót Thương. Và sự gần gũi ấy với Thiên Chúa đã ban tặng cho Chúa Giê-su sự tự do. Trong khi Ngài bước vào trong mối tương quan với nữ tội nhân, Ngài đã chấm dứt tình trạng cách ly này, mà sự kết án không nương tay của những người Pha-ri-siêu và của những cư dân khác trong thành phố - mà họ đã lợi dụng người phụ nữ - đã đầy ải bà trong đó: „Con đã được tha thứ tội lỗi!“ (Lc 7,48). Giờ đây người phụ nữ có thể „đi bình an“. Chúa Giê-su đã nhìn thấy sự chân thành nơi Đức Tin cũng như nơi cuộc hoán cải của bà. Vì thế, Ngài công bố trước mặt tất cả mọi người rằng: „Đức Tin của con đã cứu chữa con“ (Lc 7,50). Một mặt thì đó là sự giả hình của viên Luật Sĩ, nhưng mặt khác thì đó lại là sự chân thành, sự khiêm nhượng và Đức Tin của người phụ nữ. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, nhưng chúng ta lại thường sa vào cơn cám dỗ muốn giả hình, chúng ta tỏ ra rằng mình tốt lành hơn những người khác, và thường nói với người khác rằng: „Mày hãy nhìn vào tội của mày đi…!“ Vì thế, chúng ta phải nhìn vào những tội lỗi, những vụ sa ngã và những lỗi lầm của mình, và rồi hãy ngước nhìn lên Chúa. Ranh giới của ơn cứu độ hệ tại ở chỗ: Tương quan giữa „Tôi“ – một con người tội lỗi – với Thiên Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình là người công chính thì mối tương quan cứu độ này sẽ không thể thực hiện được.

Ở điểm này, những người đồng bàn đã vô cùng ngạc nhiên: „Ông ấy là ai mà dám tha thứ tội lỗi?“ (Lc 7,49). Chúa Giê-su đã không trả lời cho thắc mắc đó một cách rõ ràng, nhưng sự hoán cải của nữ tội nhân thì hiển nhiên đối với tất cả, và nó dẫn tới trước mắt mọi người một điều rằng, sức mạnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã bừng sáng trong Ngài. Sức mạnh ấy có thể biến đổi những con tim.

Nữ tội nhân này đã dậy chúng ta về mối liên kết giữa Đức Tin, Đức Ái và lòng biết ơn. Bà đã được tha cho „rất nhiều tội lỗi“, và vì thế bà được đổ đầy bởi Tình Yêu lớn hơn; „nhưng ai chỉ được tha thứ ít thì người ấy cũng sẽ biểu lộ Tình Yêu ít hơn“ (Lc 7,47). Ngay cả bản thân ông Si-mon cũng phải thừa nhận rằng, người nào yêu mến nhiều thì có nghĩa là người ấy đã được tha thứ nhiều. Thiên Chúa đã bao bọc tất cả trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót; và từ Tình Yêu này, tức Tình Yêu luôn luôn tiến về phía trước, chúng ta sẽ học để sống Tình Yêu. Trong mối liên hệ này, Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng: „Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này Thiên Chúa đã rộng ban cho ta, cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu“ (Eph 1,7-8). Trong bản văn này, cụm từ „Ân Sủng“, trên thực tế, nó có nghĩa giống hệt như Lòng Thương Xót, và được mô tà là „dồi dào phong phú“, tức là vượt lên trên tất cả mọi mong chờ của chúng ta, vì Ngài thực hiện cho từng người một trong chúng ta nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biết ơn vì hồng ân Đức Tin. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về Tình Yêu vĩ đại và nhưng không của Ngài! Chúng ta hãy để cho Tình Yêu của Chúa Ki-tô được tuôn đổ vào lòng chúng ta: tức Tình Yêu mà người môn đệ đến kín múc từ đó và xây dựng trên đó. Bất cứ một người nào trong chúng ta cũng đều có thể được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu này. Và vì thế, về phía mình, trong Tình Yêu biết ơn mà chúng ta tưới đổ trên những người anh chị em của chúng ta, cũng như tưới đổ vào trong các ngôi nhà, trong các gia đình và trong xã hội, chúng ta hãy công bố Lòng Thương Xót của Chúa cho tất cả mọi người.

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, đã từ lâu rồi, người dân Ucraina vẫn đang phải đau khổ vì những hậu quả của một cuộc xung đột võ trang mà nó đang bị nhiều người quên lãng. Như anh chị em biết, Cha đã kêu gọi các nhà thờ trên toàn Âu Châu hãy hỗ trợ sáng kiến mà chính Cha đã đưa ra, để quan tâm tới tình trạng khủng hoảng nhân đạo này. Ngay từ bây giờ, Cha xin cám ơn trước tất cả những ai sẽ tham gia cách quảng đại vào trong sáng kiến này, mà nó sẽ diễn ra vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 04 tới đây.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 20 tháng 04 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội